Việt - Mỹ: Tiến tới quan hệ đối tác mới

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hơn bao giờ hết, bang giao Việt Nam và Hoa Kỳ chuẩn bị vào một khúc quanh quan trọng. Sau chuyến thăm “lịch sử“ của Bộ trưởng Quốc phòng Panetta, cuộc đối thoại Việt - Mỹ trong hai ngày 19 và 20/6 tại Hà Nội dường như báo trước một chương mới giữa hai đối tác đặc biệt.
Việt - Mỹ: Tiến tới quan hệ đối tác mới
Ảnh minh họa

Theo TTXVN, đây là cuộc đối thoại thường niên lần thứ năm giữa hai nước về các vấn đề chính trị, an ninh, quốc phòng song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế, với sự tham gia của đại diện các bộ: Ngoại giao, Công an, Quốc phòng của hai nước. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Lương Minh dẫn đầu đoàn đám phán Việt Nam.Trợ lý Ngoại trưởng Andrew J. Shapiro đã dẫn đầu đoàn đàm phán Hoa Kỳ. Cả hai trưởng đoàn đã đồng chủ trì cuộc họp hai ngày. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp ông Andrew J. Shapiro. Cuộc đối thoại diễn ra trong không khí cởi mở, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Các vấn đề song phương và khu vực

Cuộc họp hàng năm này được thiết kế trên sự thành công của cuộc đối thoại năm ngoái tại Washington, nhấn mạnh đến lập trường tiếp tục giao tiếp của Hoa Kỳ đối với các vấn đề song phương và khu vực. Cuộc đối thoại lần thứ sáu tiếp theo sẽ diễn ra tại Washington D.C vào năm 2013. Các chủ đề trao đổi đã được xác lập từ chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tới Hà Nội hồi tháng 10/2010. Từ đó đến nay, Việt Nam và Hoa Kỳ luôn khẳng định, hợp tác giữa hai nước để giải quyết những thách thức an ninh quốc tế và khu vực là sự phát triển tự nhiên của mối quan hệ song phương, giúp kiến tạo nền tảng vững chắc cho sự thịnh vượng của mỗi nước.

Bản tin Báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết thêm, hai phái đoàn Mỹ - Việt tập trung vào việc cải thiện quan hệ song phương trong các lĩnh vực hoạt động gìn giữ hòa bình, huấn luyện, giúp đỡ nhân đạo và thiên tai, tìm cứu nạn trên biển, an ninh khu vực, không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhân quyền và hồi hương quân nhân Mỹ mất tích tại Việt Nam. Cuộc đối thoại lần này còn tập trung vào một số vấn đề khác như nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm đối tác mới và thúc đẩy thương mại quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ.

Tại cuộc đối thoại, theo các nguồn tin từ Hà Nội, hai bên cho rằng các tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải về Biển Đông cần phải phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của Tuyên bố 2002 về ứng xử của các bên ở biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), khuyến khích các bên liên quan sớm đạt được thỏa thuận về Bộ quy tắc ứng xử (COC), góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Hai bên cũng cho rằng, việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải ở biển Đông là phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế; mọi tranh chấp về lãnh thổ ở biển Đông cần phải được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình, không gây sức ép hay sử dụng vũ lực.

Còn theo giới thạo tin từ Washington, các cuộc hội đàm của Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ với các đồng nghiệp Việt Nam là những bước chuẩn bị sẵn sàng cho một trang mới trong quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia cựu thù, tiếp theo cuộc viếng thăm của Bộ trưởng Quốc Phòng Leon Panetta đến Việt Nam hồi đầu tháng 6/2012. Tại các cuộc tiếp xúc hồi đầu tháng, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã đề cập với Bộ trưởng Panetta về yêu cầu tháo gỡ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Có dấu hiệu cho thấy Hà Nội và Washington gần đạt được đồng thuận cho một số quyết sách lớn!

Trước khi lên đường sang Việt Nam, ngày 15/6, trong một buổi họp báo nói về những nỗ lực mở rộng quan hệ thương mại quốc phòng của Hoa Kỳ, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách vấn đề chính trị và quân sự Andrew J. Shapiro đã tuyên bố: "Công việc mở rộng hợp tác an ninh với các đồng minh và các đối tác là rất quan trọng đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và sự thịnh vượng kinh tế. Đấy cũng là một phần quan trọng của những nỗ lực quản trị kinh tế của Bộ Ngoại giao. Công việc này cũng phục vụ lợi ích an ninh quan trọng của đất nước bằng cách giúp các đồng minh và đối tác đảm bảo an ninh của mình và đóng góp vào các nỗ lực an ninh quốc tế. Mục đích các thương vụ của chúng ta là để phục vụ các lợi ích về an ninh quốc gia và chủ đề ấy sẽ bao trùm trong từng thương vụ mà chúng ta tiến hành. Chúng ta đánh giá như thế từ những hỗ trợ về an ninh quốc gia và lợi ích của chính sách đối ngoại mà công việc này mang lại".

dư luận gần đây vẫn nhìn nhận sự trở lại châu Á và việc tái cân bằng lực lượng của Hoa Kỳ trong khu vực lẫn mối quan hệ tuy còn những cắc cớ nhất định nhưng đang ngày càng nồng ấm hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là cơ hội to lớn cho công cuộc hội nhập và phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến cảnh giác cho rằng các cuộc đối thoại về nhân quyền là cái bẫy trong quan hệ song phương. Nhưng những người lạc quan thì nhìn thấy vấn đề "nhân quyền" chính là chìa khóa mở được cánh cửa để nâng cấp quan hệ Mỹ - Việt lên tầm đối tác mới.

Dù sao mặc lòng, nên nhắc lại ở đây phát biểu của Thượng Nghị sỹ John McCain tại Malaysia hôm 31/5: "Chúng tôi (tức là Hoa Kỳ) mong đợi một sự tiến bộ chứ không phải một sự thay đổi tức thì về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam". Lời "mách nước" này có thể hiểu là Việt Nam chỉ cần cải thiện tình hình trong một chừng mực nhất định là đã có thể đáp ứng được đòi hỏi của hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ. Trong ý nghĩa này, cuộc đối thoại hai ngày qua của ông Andrew J. Shapiro cần được cập nhật, vì nó có thể khai mở một giai đoạn mới cho quan hệ song phương và tạo ra một cú hích năng động để nâng cấp quan hệ đối tác.

Thực ra là quan hệ đối tác chiến lược

Cũng trong tháng 5 vừa qua, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Kurt Campbell đã xác nhận là Tổng thống Obama có thể sẽ đến Phnom Penh trong tháng 11 này. Chính Ngoại trưởng Campuchia cũng đã xác nhận với giới truyền thông tại Washington hồi đầu tháng 6 rằng, Campuchia đã chính thức mời Tổng thống Obama đến dự Hội nghị Thượng đỉnh vào tháng 11/2012. Đây là cơ hội để Tổng thống Obama có thể thăm Việt Nam, bất luận kết quả cuộc bầu cử ở Mỹ cuối năm. Vấn đề cải thiện và tăng cường quan hệ với Việt Nam vốn là một chính sách lưỡng đảng của Hoa Kỳ từ thời Tổng thống Clinton.

Nếu cuộc viếng thăm lịch sử này xảy ra, chủ và khách chắc chắn sẽ có những món quà đặc biệt cho nhau. Theo các nguồn tin từ Washington, không loại trừ trước ngày bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vào đầu tháng 11 năm nay, ông Obama sẽ chính thức tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam trước khi ông đến Hà Nội để công bố "Thông cáo chung Việt-Mỹ". Từ chuyến thăm làm việc của Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Andrew J. Shapiro đến chuyến thăm cấp nhà nước có thể được thực hiện bởi Tổng thống Obama cuối năm, một chương hoàn toàn mới trong quan hệ Việt - Mỹ có thể sẽ được khai mở!

Hy vọng, mối quan hệ từng được ví như "vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh" sẽ được vận động và phát triển trên một cung đường mới giữa hai đối tác đặc biệt. Gọi là đặc biệt, bởi vì cách đây hai năm, đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ - Việt Nam (7/2010), chính Đại sứ Mỹ ở Việt Nam Michael Michaleck cũng đã thừa nhận: "Liệu có sự khác biệt gì giữa một mối quan hệ vững mạnh và sống động với một mối quan hệ được gọi là đối tác chiến lược?". "Chúng ta đang có một mối quan hệ giữa hai quân đội rất là vững mạnh rồi, quan hệ giữa hai bộ ngoại giao rất là tốt, quan hệ giữa hai chính phủ cũng rất là tốt, và quan hệ giữa nhân dân hai nước cũng rất là tốt. Vậy quan hệ của chúng ta thực ra đã là quan hệ đối tác chiến lược rồi mặc dù chúng ta chưa gọi tên nó là như vậy!"

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật