Vào nơi “ú ớ - tự kỷ“

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Ở trung tâm, chúng tôi phải “nắn“ những số phận ấy thoát khỏi những chìm nổi về sau“. Đó là những bộc bạch rất thật của BS Đặng Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Phục hồi Chức năng Hương Sen ở TP Tuyên Quang.
Vào nơi “ú ớ - tự kỷ“
Cháu Trà Mi bị não và chậm vận động đang được điều trị .

"Bác sĩ xinh nên con khỏi bệnh"

Ở khoa Phục hồi Chức năng Ngôn ngữ, chúng tôi bắt chuyện với cháu Nguyễn Thanh Thanh quê ở Phú Thọ. Thanh Thanh năm nay lên 5 tuổi nhưng không nói được bình thường như các bạn đồng lứa. Hơn 1 năm trước, gia đình gửi cháu Thanh lên trung tâm, cũng từng ấy thời gian các bác sĩ ở đây đã phải kiên trì giúp cháu tập nói.

Thanh Thanh rất hồn nhiên nói sõi từng câu: "Con nói được rõ rồi đấy. Bác sĩ xinh lắm nên con khỏi bệnh rồi". Thanh Thanh còn hát cho chúng tôi nghe mấy bài hát. BS Trần Thị Vân - người điều trị cho cháu Thanh tâm sự: "Ngoài phương pháp điều trị chuyên ngành thì mình phải thật gần gũi với các em, hiểu và yêu thương thì mới hy vọng các em khỏi bệnh".

Phòng bên cạnh, em Đoàn Văn Tiên cũng đang được một nữ bác sĩ trẻ xinh đẹp, dịu dàng là Thanh Hoa dạy nói. Cô Thanh Hoa cho hay: "Cháu Tiên mới vào trung tâm nên còn ngọng lắm. Cứ phải từ từ để các em cố gắng".

Ngoài các em bị nói ngọng, còn một phần lớn các em ở đây chậm vận động do đẻ non hoặc nhiều chứng bệnh liên quan. Như cháu Trà Mi vừa sinh ra đã bị não, lại sinh thiếu tháng nên đã 3 tuổi mà vẫn chưa thể ngồi được. Gia đình đưa cháu đến trung tâm để phục hồi chức năng với hy vọng em sớm khoẻ mạnh để hòa nhập cộng đồng.

Vào nơi "ú ớ - tự kỷ"

BS Đặng Thị Hà - người mà tất cả các em ở trung tâm đều gọi là "mẹ" gạt nước mắt bảo: "Tôi chỉ sợ các cậu không dám đến từng phòng của các em, bởi rất đáng thương, đáng buồn nữa".

Quả thật, ở trung tâm của chị từ khi mới thành lập, nhiều người xứ Tuyên đã gọi là nơi "ú ớ - tự kỷ". Đó là người ta còn nói giảm, chứ thực chất ở trung tâm này, không thiếu những số phận vượt xa cả "ú ớ - tự kỷ" như bại liệt, chất độc da cam, khiếm thị...

Theo BS Đặng Thị Hà, trung tâm là nơi phục hồi chức năng miễn phí cho tất cả các em nhỏ từ khắp mọi miền đất nước. bệnh nhân đến đây hầu hết đã cạn tiền sau những lần điều trị ở các bệnh viện, các em phần lớn lại là người dân tộc, thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình nên các bác sĩ ở đây còn phải kiêm cả chức năng làm mẹ.

Bác sĩ trẻ Nguyễn Thanh Hoa là chuyên viên phục hồi chức năng Khoa Ngôn ngữ tâm sự: "Các em vốn đã không bình thường về c‌ơ th‌ể nên mình phải thật nhẹ nhàng và kiên trì. Như các em nói ngọng, nói lắp, nói chậm... thì mình phải uốn nắn một cách tỉ mỉ. Có khi, một từ "mẹ" cũng phải luyện cho các em nói cả nghìn lần mới có cơ hội thành công".

Có những phòng bệnh nhân, các em thu lu ngồi một chỗ, không nói chuyện, không cử động, đôi mắt vô hồn lạnh lùng. BS Đặng Thị Hà giải thích, đó là các em bị tự kỷ mới đưa vào trung tâm. Các bác sĩ đang tìm hiểu căn cốt, nguyên nhân để có hướng điều trị.

Phòng khác nữa, thì lại phát ra những âm thanh ú ớ, có em nằm một chỗ không thể cử động, có em lại khóc ngặt nghẽo suốt cả ngày và rất nhiều, rất nhiều những "vầng trăng khuyết" đáng thương đang được nâng đỡ mong có một cơ hội mỏng manh để làm người bình thường.

BS Nguyễn Thanh Hoa điều trị rối loạn ngôn ngữ cho bệnh nhân.


Người thật - chân giả

Ngoài các bác sĩ phục hồi chức năng, ở Trung tâm Hương Sen còn một phòng khá đặc biệt gồm 2 nhân viên, trong đó có người đặc biệt Nguyễn Trung Kiên - chuyên viên kỹ thuật chỉnh hình. Anh Kiên bảo: "Nghề của mình là có thật, đó là nghề làm chân giả".

Chính Kiên cũng bật mí: "Chân của mình cũng là chân giả đây, mình bị khuyết tật". Thì ra, trước khi đến với nghề làm chân giả, Kiên từng là một chàng trai khuyết tật. Kiên quê Hải Dương, đã làm việc ở trung tâm được 6 năm.

Người thứ hai của phòng là anh Nguyễn Văn Dũng - cán bộ khoa học. Anh Dũng cho hay: "Làm cái nghề chân giả này không đơn giản, giả tạo được. Ngoài kỹ thuật ra thì thợ giỏi cũng hay bị chửi. Các bác thương binh hay khó tính lắm, cứ đến đổi chân suốt".

Theo anh Dũng, để hoàn thành 1 cái chân giả phải mất cả tuần lễ nếu 2 người cùng làm. Bởi ngoài đo đạc, tính toán tỉ mỉ từng milimet còn phải nung bột, đập hộp, hút chân không, tạo khuôn, bào nhẵn... rất kỳ công.

Anh Nguyễn Trung Kiên đang làm chân giả.


Hơn 50 giường bệnh của trung tâm có lúc thưa thớt, nhưng có lúc không đủ để các em điều trị. 44 cán bộ y tế kiêm làm mẹ của các em nhiều lúc muốn chuyển sang làm ở một nơi nào đó, có thể nhàn hạ hơn, lương cao hơn nhưng cũng không ai đành. "Đã có người chia tay trung tâm rồi nhưng lưu luyến quá, thương các em quá đành quay lại", BS Đặng Thị Hà tâm sự.

Quả thật, làm việc ở đây vô cùng vất vả, không phong bì, không lời động viên, thậm chí còn phải nhẹ nhàng, nịnh nọt để bệnh nhân an lòng chữa bệnh. Đó âu cũng là tấm lòng, là cái nghiệp của những người nâng đỡ những "vầng trăng khuyết".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật