Sự vươn lên khó tin người họa sĩ cụt 2 tay

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau tiếng nổ chát chúa vang óc, cậu bé tỉnh lại trên giường bệnh, 2 bàn tay bị cưa gần đến cùi trỏ và đôi mắt chỉ còn nhìn thấy một bên…
Sự vươn lên khó tin người họa sĩ cụt 2 tay
Cặm cui chăm chút hoàn thiện bức sơn dầu ‘mã đáo thành công’ của người họa sĩ.

Vụ tai nạn ấy xảy ra với cậu bé Khanh Rông, trong một lần tắm sông cùng tụi bạn trong xóm đang nô đùa thì cả đám phát hiện vật tròn như quả cam, nổi lềnh bềnh trên mặt nước, hiếu kỳ, cả nhóm vớt lên tinh nghịch thì bất ngờ vật ấy phát nổ.

Hậu quả, nhóm bạn 3 người cùng Khanh Rông đều bị thương và 1 người chết. Năm ấy, Khanh Rông (mới 12 tuổi, năm đó là 1976) lúc vừa theo cha mẹ rời Biên Hòa, (Đồng Nai) về miền quê nghèo Trương Hiền, xã Thạnh Trị, (huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng) để lập nghiệp.

Bóng đêm tật nguyền…


Tỉnh lại trên giường bệnh, 2 bàn tay bị cưa gần đến cùi chỏ, mắt chỉ còn nhìn thấy một bên, Khanh Rông vô cùng tuyệt vọng. Niềm mong ước cắp sách đến trường để sau này trở thành họa sĩ dường như ngày càng tuyệt vọng.

Cái buổi đầu đầy nhọc nhằn ấy, Khanh Rông được gia đình giúp đỡ tận tình, anh bắt đầu tập viết. “Hai khuỷu tay cố bám, nhưng bút bị rớt liên tục. Về sau, khi cầm được nhưng chữ viết nguệch ngoạc, chữ cao, chữ thấp lượn lờ”. Khanh Rông nhớ lại buổi đầu chập chững.

Chỉ sau hơn 3 tháng bấm bụng, cố uốn từng con chữ, rồi những dòng viết bắt đầu có lề lối, thẳng hàng và hàng ngày Rông được mẹ đưa đến lớp. Hình ảnh cậu học trò nặng nhọc khi kẹp từng quyển vở bằng 2 đầu cánh tay cụt, khiến cho giáo viên và bè bạn đều lo sợ cho sự học phía trước của Rông.

Thế nhưng, khi tận mắt chứng kiến Rông viết thử, cô chủ nhiệm như mới “trố mắt” ra bởi những con chữ mà Rông viết bằng chính nghị lực, ý chí và quyết tâm sắt đá của người con tật nguyền.

Khi từng con chữ không còn là những nặng nhọc của Rông, lúc đó, anh bắt đâu học vẽ tranh. Rông thích ngắm vườn hoa, cây trái, đồng ruộng, làng quê, thầy cô, trường lớp… Hễ ngắm nghía, yêu thích cái gì là Rông lấy bút chì màu tô tô, vẽ vẽ.

Từ những nét vẽ sơ sài chưa nên hình buổi đầu ấy, dần dần trở nên sinh động, rõ ràng hơn, không còn bị bạn bè chê. Cảm phục sự khéo tay của Rông nên phần lớn bảng chữ, khẩu hiệu trang trí lớp… bạn bè đều cậy Rông làm thay. Trong suốt 3 cấp học, Rông đều là học sinh khá, giỏi của trường, của lớp.

Trước bề dày thành tích khổ luyện, Rông không gặp trở ngại khi thi đậu vào ngành Họa của Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang cũ (nay là Sóc Trăng) với thành tích thủ khoa, được hưởng học bổng toàn phần trong 3 năm theo học.

Người thầy giáo, họa sĩ Khanh Rông trước đôi bàn tay cụt và con mắt mù lòa vẫn vươn lên làm giàu chính đáng.

Cánh cửa mở ra cho chàng trai tật nguyền tưởng chừng sẽ được thực hiện, nào ngờ nhà trường không cho Rông theo học với lí do làm họa sĩ nhưng không có bàn tay. Buồn lắm. Nhưng Rông không nản, sau đó anh xin đi học lớp sơ cấp hội Họa 3 tháng, rồi tiếp tục học lên trung cấp, với kết quả thủ khoa ngành. Ngày ấy, ai ai cũng sững sờ và thán phục.

Ngày ra trường, anh Rông được nhận vào giảng dạy môn Mỹ thuật, Trường Trung học cơ sở Thạnh Trị, (xã Thạnh Trị) cho đến nay. Vừa rồi, lại thi được bằng Cao đẳng hội họa do Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng tổ chức.

…Và như chuyện cổ tích


Hôm đến nhà, tình cờ gặp lúc thầy giáo Khanh Rông trên giàn giáo cặp tường nhà. Bên vách tường còn thơm mùi sơn, hai cùi tay Khanh Rông ép chặt cây cặm cụi phác họa thêm phần chi tiết để sớm hoàn thành bức tranh sơn dầu “mã đáo thành công”.

Trong căn nhà vừa mới xây xong, Khanh Rông tay ngừng bút vẽ, nở nụ cười tươi với khách. Đó phải chăng là thành quả lao động không biết mệt mỏi của Rông trong hơn nữa đời người chắt chiu, gọt dũa, để nói về cuộc đời anh như là một câu chuyện cổ tích có thực ở đời thường.

Hai cánh tay cụt ngủn, đôi mắt mùa lòa một bên. Vượt qua những ngày đen tối của cuộc đời, mơ ước làm họa sĩ của Rông nay đã thành hiện thực. Anh bảo: “Làm việc gì cũng thế, phải có niềm đam mê và hăng say hết mình về công việc thì tôi tin là sẽ có thành quả…”.

Xấp xỉ tuổi 50, với gần 20 năm giảng dạy, mong mỏi lớn nhất của Khanh Rông là truyền đạt hết cảm xúc nghệ thuật cho các em học sinh, nhìn anh là đã thể hiện được sự nỗ lực hết mình của một người thầy, một họa sĩ vượt lên nỗi đau tật nguyền đúng nghĩa.

Kết quả, nhiều học trò của thầy giáo Rông đã mang về nhiều giải cấp huyện và tỉnh. Sau giờ đến lớp, Khanh Rông thường ngồi một mình, tự trộn màu, pha bột, hòa nước,…để vẽ tranh.

Trong rất nhiều bức tranh mà anh vẽ đã cũ kỷ, anh đem khoe với chúng tôi, có cả những bức từng dự triển lãm và đoạt giải lớn…, Nhìn qua tranh của anh, chúng tôi thấy mỗi tranh vẽ của anh có một điểm chung: lột tả cảnh sắc bình dị, đời thường của làng quê với những gam màu tươi sáng, đầy hy vọng…

Ví như bức “Vươn lên”; “Ấm tình thầy trò” hay “Người Khmer vui hội Óc-om-bóc”… Dù im lặng, nhưng tôi hiểu phần đời của anh được gởi gắm qua tranh. Những mãng sáng của cảnh sắc làng quê, những người lành lặn tham gia vui hội ghe đua…cũng chính là những khát khao, mong mỏi từ trong sâu thẳm của con người tật nguyền.

Hình ảnh người vợ tần tảo sớm hôm giúp chồng phụ bưng hồ, tô khuôn đổ lam bằng thạch cao.

Cạnh đó, người luôn tần tảo sớm hôm với người họa sĩ Khanh Rông là người vợ hiền lành chị Nguyễn Thị Cẩm, người dân tộc Mông ở mãi tỉnh Thanh Hóa, chị bảo: “Hồi đang là sinh viên, anh đi ký họa ở Ô Môn, (Cần Thơ), gặp tôi lúc đó là công nhân xưởng thu‌ốc l‌á. Tôi mê tranh anh “như điếu đổ”, quý cái tài và ý chí nên phải lòng anh”.

Sau 2 năm, Khanh Rông và người con gái đến từ mãnh đất xứ Thanh đã đến với nhau bằng tình yêu, tình thương và cùng nhau xây lên “lâu đài tình ái” bé nhỏ mà đậm tình người. Thành quả lao động, gom góp của anh vào tranh, 2 vợ chồng đã dựng lên được ngôi nhà khang trang hơn 100 triệu đồng và còn có tiền mua đến 3 công đất trồng lúa.

“Thấy cụt tay vậy chứ chuyện lặt vặt trong nhà nhà làm được hết. Một số công việc đồng áng như dọn cỏ, đào đất, kéo lúa… đều thành thạo. Chỉ có điều trước giờ không thấy anh may đồ bằng tay, chỉ may máy thôi”. Chị Cẩm hài hước nói về người chồng giàu nghị lực của mình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật