Giảm biên độ giao dịch chứng khoán: những hiệu ứng phụ?

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 27/3, biên độ dao động giá chứng khoán mới sẽ được áp dụng trên cả sàn Hà Nội (2%) lẫn sàn TP HCM (1%). Mục địch chính của UBCKNN khi đưa ra biện pháp “chẳng đặng đừng” này là “phanh” tốc độ giảm giá nhưng trớ trêu thay sau hàng loạt biện pháp ổn định TTCK mà Chính phủ vừa chỉ đạo thì VN-Index cùng HASTC-Index đã tăng trở lại và liệu nếu giữ được đà tăng này thì biên độ trên có bị “chặn” lại! Tình thế “tiến thoái lưỡng nan” này được các chuyên gia và “người trong cuộc” lý giải ra sao?
Giảm biên độ giao dịch chứng khoán: những hiệu ứng phụ?
Ông Lê Hải Trà: "Tôi nghĩ không có tác dụng ngược".
Ông Lê Hải Trà, Ủy viên HĐQT Sở GDCK TP HCM: "Nếu tăng đều đặn một tuần thì không áp dụng biên độ 1% nữa"
“Khi đề nghị UBCKNN cho giảm biên độ chúng tôi cũng đã nghĩ đến điều này nhưng mục đích chính vẫn là giúp nhà đầu tư (NĐT) trấn tĩnh và bình ổn thị trường, hơn nữa đã để ngỏ khả năng có thể tăng biên độ trở lại bất cứ lúc nào nên tôi nghĩ không có tác dụng ngược.

Chúng ta cũng phải phân tích xem giá tăng có ổn định và lâu dài không hay chỉ nhất thời do tâm lý. Những chi đạo của Thủ tướng cùng các biện pháp vực dậy TTCK cũng cần có thời gian để phát huy tác dụng và tác động tốt đến tâm lý nhà đầu tư nên giải pháp giảm biên độ là việc nên làm. Nếu tăng đều đặn một tuần thì chúng tôi sẽ xin phép không áp dụng biên độ 1% nữa”.

Ông Phạm Linh, Phó TGĐ Công ty chứng khoán VIS: "ngắn hạn thì đúng nhưng để lâu lại không nên"

“Theo tôi áp dụng biện pháp này trong tình trạng giá chứng khoán rơi tự do và ngắn hạn thì đúng nhưng để lâu lại không nên. Với biên độ 1% và 2%, TTCK sẽ không còn hấp dẫn NĐT khi lạm pháp cao, lãi suất ngân hàng hấp dẫn, đầu tư chứng khoán rủi ro nhiều…
TTCK sụt giảm quá nhanh vừa qua phần lớn do NĐT mất niềm tin và hoang mang, lo ngại quá mức. Điều quan trọng nhất là giúp họ ổn định tâm lý, tin vào những biện pháp ổn định TTCK của Nhà nước bằng những việc làm, thông tin công khai cụ thể.

Giá chứng khoán đang ở mức thấp và nhiều cổ phiếu thấp hơn giá trị thực nhưng chỉ có người bán và không có người mua thì giá vẫn giảm. Ngày 26/3 tình hình đã sáng sủa hơn và tôi nghĩ NĐT đã trấn tĩnh”.

Ông Dominic Scriven, Tổng GĐ Dragon Capital: "Giảm biên độ là cách cuối cùng để chặn đà giảm của TTCK"

Ông Dominic Scriven: "Không nên áp dụng biên độ 1 và 2% lâu vì đây chẳng phải là cách tốt để giúp TTCK phát triển bền vững".

“Trong tình hình này, giảm biên độ giao dịch làm giảm kỳ vọng lợi nhuận của những nhà đầu tư lướt sóng và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư giá trị đầu tư và tạo ra một TTCK bền vững. Tuy nhiên không nên áp dụng biên độ 1 và 2% lâu vì đây chẳng phải là cách tốt để giúp TTCK phát triển bền vững.

Tôi cho rằng giảm biên độ là cách cuối cùng để chặn đà giảm của TTCK khi nhiều biện pháp đã công bố trước đây ít hiệu quả.

NĐT đang cần những thông tin chính xác như SCIC giao dịch như thế nào, Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch mua ngoại tệ ra sao, các ngân hàng có thực sự ngưng giải chấp và CTCK không bán chứng khoán tự doanh như yêu cầu của UBCKNN không…

Chỉ khi nào NĐT có được thông tin minh bạch rõ ràng về những biện pháp được thực thi trên thực tế thì TTCK mới hồi phục thực sự”.

Nhà phân tích chứng khoán Trần Ngọc Nam: "Với biên độ chung 1 và 2% thì chẳng khác nào bắt người ốm dậy chỉ được uống nửa cốc sữa/ngày"

“Ngày 27/3 giá có muốn lên cao cũng không được! Tôi thấy không ổn vì tại sao trong tình hình này UBCKNN, HOSE và HASTC lại khống chế cả biên độ tăng giá mà lẽ ra chỉ nên giảm biên độ giảm giá mà thôi. Tôi đề nghị biên độ giảm là 1% còn biên độ tăng vẫn giữ như cũ, có như vậy VN-Index và HASTC-Index mới hồi phục nhanh được.

Với biên độ chung 1 và 2% thì chẳng khác nào bắt người ốm dậy chỉ được uống nửa cốc sữa/ngày trong khi họ muốn uống 1,2 cốc/ngày để hồi phục nhanh hơn. UBCKNN cần có ngay quyết định giảm biên độ dưới và mở biên độ trên”

Có ý kiến lại cho rằng, UBCKNN cần có ngay quyết định giảm biên độ dưới và mở biên độ trên. Ảnh minh họa TTCK của LAD

Giám đốc một Công ty chứng khoán: "Linh động hơn thì sẽ giúp cho TTCK hồi phục nhanh hơn"

“UBCKNN giảm biên độ trong khi chờ Chính phủ đề ra những biện pháp bình ổn nhưng có lẽ họ không nghĩ Thủ tướng lại đưa ra ngay 6 biện pháp. Nếu vừa thực hiện cả việc giảm biên độ và 6 biện pháp trên cùng lúc thì tôi thấy có gì đó không thuận vì giảm biện độ với mục đích chặn giảm giá còn 6 biện pháp của Chính phủ nhằm tăng giá chứng khoán.

Nếu uyển chuyển hơn thì trong ngày 26/3, UBCKNN nên tạm hoãn việc giảm biên độ vì giá đang đà lên hay ít nhất cũng chỉ áp dụng biên độ 1-2% với giảm giá. Các NĐT sẽ nghĩ gì khi giá có cơ hội lên thì không lên nhanh được? Có vẻ như khi ra quyết định giảm biên độ UBCKNN mới nghĩ đến TTCK sụt giảm. Tôi không cho rằng biện pháp giảm biên độ không hay nhưng linh động hơn thì sẽ giúp cho TTCK hồi phục nhanh hơn”.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật