Ưu tiên số 1: kiềm chế lạm phát

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ số giá tăng cao bất thường + Mức tiêu dùng của người dân giảm nhiều
Ưu tiên số 1: kiềm chế lạm phát
Giá cả tăng cao, người mẹ này phải tính toán chi li lời lỗ từng đồng sau buổi chợ (Ảnh chụp tại chợ Hãng Phân, Q.
Tình trạng lạm phát vượt quá tốc độ tăng trưởng so với chỉ tiêu và sự tuột dốc của thị trường chứng khoán đã trở thành đề tài "nóng" bên lề phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng qua (26-3). Bộ trưởng Bộ Tài chính VŨ VĂN NINH và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội PHÙNG QUỐC HIỂN trả lời báo chí.

Bộ trưởng Bộ Tài chính VŨ VĂN NINH:

Không đặt mục tiêu tăng trưởng quá cao

+ Thưa ông, chỉ số lạm phát đã vượt quá chỉ tiêu Quốc hội giao, vậy Chính phủ có tính đến việc kiến nghị Quốc hội cho điều chỉnh lại các chỉ tiêu của năm nay không?

- Điều chỉnh theo cách đưa ra Quốc hội biểu quyết thì tôi chưa biết vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng mục tiêu mà Quốc hội đã thông qua đến nay hết sức khó khăn và có khả năng không đạt được, kể cả tốc độ lạm phát, tốc độ tăng trưởng. Chính phủ đã đưa ra rất nhiều giải pháp, tất nhiên mục tiêu kiềm chế lạm phát là số một, đảm bảo tăng trưởng nhất định nhưng không lấy mục tiêu tăng trưởng quá cao.

+ Chính phủ cũng vừa đưa ra một loạt giải pháp ổn định thị trường chứng khoán. Ông nhận định thế nào về thị trường trong thời gian tới?

Ảnh: K.H.

- Phải nhìn rộng ra chính sách tổng thể của Nhà nước để thấy trước mắt phải vượt qua khó khăn trong giai đoạn này, sau đó tận dụng cơ hội. Thống kê lại thì thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn đầu tư vào, không chỉ đầu tư gián tiếp mà là đầu tư trực tiếp.

Do đó nền kinh tế của chúng ta trước mắt có khó khăn nhưng nhìn về trung hạn vẫn tốt, vẫn có cơ hội và chúng ta phải tận dụng cơ hội đó. Nếu nhà đầu tư phân tích đầy đủ như vậy thì vững tâm và tin tưởng thị trường sẽ phát triển. Tôi tin từ nay đến cuối năm thị trường sẽ khởi sắc, vì chính sách của chúng ta đã có biểu hiện tác dụng.

+ Liệu những giải pháp đó có khả thi không khi thời gian qua thị trường vẫn đi xuống, ngay cả khi Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tham gia thị trường?

- Nói thật là tôi có cảm giác nhiều nhà đầu tư chưa vững vàng vì khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) can thiệp vào thị trường Mỹ cả về bất động sản, tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, lãi suất... thì động thái toàn cầu có chuyển biến rất mạnh mẽ như giá dầu chững lại, lãi suất thay đổi, thị trường chứng khoán có biểu hiện phục hồi nhưng thị trường VN vẫn đi xuống.

Tất nhiên ngân hàng đưa ra hàng loạt chính sách thắt chặt tiền tệ thì tại thời điểm nào đó sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, nhưng khi biến động thì nhà đầu tư không nghiên cứu một cách đầy đủ các thông tin nên vẫn có tâm lý rằng phải bán nhanh không sẽ lỗ tiếp. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua vào, chứng tỏ họ đánh giá sự ổn định kinh tế vĩ mô của mình, khó khăn là ngắn hạn, còn trung hạn về cơ bản sẽ tốt hơn.

+ Thưa ông, Ủy ban Chứng khoán nhà nước vừa giảm biên độ dao động giá cổ phiếu. Vậy trong trường hợp nào sẽ tăng trở lại?

- Nếu thị trường ổn định, thấy chiều hướng tốt lên thì sẽ điều chỉnh vì giải pháp vừa qua chỉ là giải pháp tình thế.

Giá lương thực tháng ba tăng tới 17,9% so với tháng 12-2007 (ảnh chụp tại cửa hàng gạo trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM chiều 26-3) - Ảnh: THANH ĐẠM
+ Đầu tháng này khi thị trường chứng khoán đi xuống, trong bài trả lời TT, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng từng nói nếu là nhà đầu tư thì ông sẽ mua cổ phiếu. Vậy ông nói gì với nhà đầu tư vào thời điểm này?

- Rất nhiều người hỏi tôi và tôi đã khuyên là nên mua. Nếu tôi có tiền tôi cũng mua. Nhà đầu tư phải biết cơ hội, biết phân tích tình hình và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Nói vui thì khi giá lên nhà đầu tư hỉ hả, mua nhà, mua xe, nhưng khi xuống một cái thì kêu Chính phủ phải cứu (cười).

+ Ông khuyên nhà đầu tư nên mua vào nhưng nếu thị trường sụt giảm thì sao?

- Đây chỉ là lời khuyên. Người mua phải quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội PHÙNG QUỐC HIỂN

Chính phủ phải giải trình trước Quốc hội

Ảnh: V.D
+ Thưa ông, ý kiến của ông thế nào về việc nhiều người lo ngại Chính phủ khó đạt được mục tiêu về tăng trưởng cũng như kiềm chế lạm phát theo nghị quyết của Quốc hội?

- Vừa qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quí 1 vượt trên 9%, vượt so với chỉ tiêu 8,5-9% mà Quốc hội đã thông qua. Điều này chứng tỏ lạm phát đang ở vào thời điểm hết sức phức tạp. Tuy nhiên, tôi đồng tình với các giải pháp của Chính phủ, trong đó có những giải pháp rất mạnh trong lĩnh vực tiền tệ, tài chính, ngân sách.

Theo Chính phủ đánh giá và chúng tôi cũng thấy bước đầu tác động đó đã có hiệu quả nhất định, lạm phát cũng đang có xu thế chững lại, biểu hiện là đồng USD tăng lên, giá vàng không còn quá cao, một số mặt hàng đã đi vào giá thực. Có điều thị trường chứng khoán tụt xuống dưới đáy 500 điểm khiến chúng ta phải quan tâm. Nhưng lúc này sẽ là cơ hội cho những nhà đầu tư có tài lực lớn mua vào.

Tất cả các giải pháp của Chính phủ nói chung và các giải pháp tiền tệ bao giờ cũng có độ trễ, không thể thay đổi ngay lập tức cục diện nhưng rõ ràng đã có tác động. Chúng ta phải hết sức chú ý đến giá lương thực thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Nếu chúng ta tiếp tục để nó tăng 20-25% như thời gian vừa qua thì hết sức khó khăn. Chính vì thế việc giảm đà tăng giá đối với lương thực thực phẩm sẽ là hướng tích cực nhất để ổn định cuộc sống của nhân dân. Tôi cho rằng Chính phủ cũng cần có giải pháp mạnh và đồng bộ hơn, không chỉ dừng lại ở giải pháp tiền tệ mà cần đưa cả giải pháp về xã hội.

+ Hiện nay Chính phủ đã khẳng định không đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát thấp hơn tăng trưởng. Vậy Chính phủ có phải giải trình trước Quốc hội tại kỳ họp tới hay không?

- Tôi nghĩ chắc chắn Chính phủ sẽ phải giải trình trước Quốc hội vì sao không thực hiện được. Đã là nghị quyết thì Chính phủ phải chấp hành và thực thi, nhưng nếu không thực hiện được thì phải báo cáo với Quốc hội nguyên nhân.

+ Quốc hội giám sát thế nào với việc tăng giá của những mặt hàng độc quyền trong thời gian này?

- Tôi nghĩ Quốc hội phải có quan điểm rõ ràng, kể cả giám sát, đưa vào các đạo luật để khắc phục vấn đề này nhằm chống đầu cơ, độc quyền. Kinh nghiệm cho thấy ở nhiều nước vẫn có biện pháp kiểm soát các mặt hàng là năng lượng quan trọng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật