Người thương binh tự chế tạo máy bay trực thăng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những ngày nay dư luận nhiều nơi đang xôn xao trước điều kỳ lạ, một người thương binh, là người kỹ sư cơ khí tại Bình Dương đã chế tạo thành công một… phương tiện bay. Chuyện kỳ lạ đã được các cơ quan chức năng và các chuyên gia thẩm định.
Người thương binh tự chế tạo máy bay trực thăng
Ông Nguyễn Bùi Hiển kiểm tra máy trước khi khởi động bay

Để đạt được thành công như ngày hôm nay ông Hiển đã phải bỏ ra biết bao mồ hôi và tiền bạc để sinh ra “đứa con tinh thần” với niềm tin không xa nữa sẽ bay trên bầu trời với thương hiệu trực thăng “made in Nguyễn Bùi Hiển”.

Gần 1.000 ngày “sinh đứa con tinh thần”

Còn nhớ, cách đây gần 5 năm trước, câu chuyện hai lão nông hàng ngày vẫn “chân lấm, tay bùn” Trần Quốc Hải và Lê Văn Danh (cùng ngụ huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) đã chế tạo ra cái được gọi là “máy bay trực thăng”.

Tuy chiếc trực thăng đó không thể nhấc khỏi mặt đất và “đề tài nghiên cứu” của 2 “hai lúa” này đành phải… phá sản. Tuy nhiên, nó vẫn là sự kiện gây quan tâm trong dư luận. Còn mới đây, một người vùng đất Đông Nam Bộ khác đã gây xôn xao trong “làng” kỹ thuật cơ khí khi chế tạo thành công chiếc trực thăng siêu nhẹ và đã cho bay thử trên bầu trời.

Đó là kỹ sư cơ khí, người thương binh Nguyễn Bùi Hiển (58 tuổi, ngụ ở phường An Thanh, TX. Thuận An, tỉnh Bình Dương). Nhiều tổ chức, cá nhân hay tin cũng đã đến chiêm ngưỡng “đứa con” của kỹ sư này và đánh giá cao niềm đam mê sáng tạo của ông.

Để tìm hiểu kỹ hơn về “công trình” nghiên cứu thành công một “phương tiện bay” chúng tôi đã đến gặp người kỹ sư cơ khí, thương binh Nguyễn Bùi Hiển. Khi tới đây, chúng tôi bắt gặp ông - người kỹ sư kiêm “phi công bất đắc dĩ” -  đầu đã điểm bạc nhưng đang hì hục sửa sang lại chiếc trực thăng trong gara ôtô của ông dưới mái tôn hấp nắng nóng như đổ lửa.

Đưa cánh tay gạt vội dòng mồ hôi đang chảy trên mặt, ông Hiển hân hoan khoe ngay “tôi đang tìm hiểu và nâng cấp hệ thống động cơ cho hoàn thiện chiếc trực thăng này”. Như để chứng minh thành quả đạt được của mình, ông Hiển liền ngồi vào buồng lái của chiếc trực thăng rồi khởi động.

Chỉ trong giây lát, chiếc trực thăng trông giống như một mô hình trò chơi bay vòng vòng khu nhà kho rộng khiến nhiều người ngỡ ngàng thán phục.

“Chiếc trực thăng này có trọng lượng 250kg, dài 2,950m, rộng 1,2m, cao 2,4m, công suất máy 106 mã lực/6.500 vòng/phút, độ dài sải cánh máy bay 4,520m quay ngược chiều nhau. Nếu được phép bay trên bầu trời chiếc trực thăng có khả năng bay ở độ cao 200m, tốc độ từ 150 -200km/h” – kỹ sư Hiển cho biết.

Qua cuộc trò chuyện, ông Hiển cho biết, ông sinh ra ở tỉnh Hà Tĩnh. Lớn lên ông từng tham gia bộ đội ở chiến trường Campuchia và bị thương. Sau đó ông chuyển ngành sang làm nhân viên phụ trách kỹ thuật ở Lâm trường chiến khu D (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).

Chiếc trực thăng khởi động chuẩn bị bay.

15 năm trước, thời gian này ông bắt đầu theo học tại Khoa cơ khí, trường Đại học Nông lâm. Năm 1991, sau khi tốt nghiệp, ông chuyển sang làm cán bộ sát hạch thuộc sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương với công việc chấm thi bằng lái, kiểm định xe.

Đến năm 1997, ông xin nghỉ công tác để về sống tại phường An Thanh (TX. Thuận An, tỉnh Bình Dương) và kinh doanh gara ôtô cho đến nay. Vì cả gia đình đều làm nghề cơ khí theo kiểu cha truyền con nối, vì vậy từ nhỏ ông đam mê cái nghề này.

Người thương binh 4/4 Nguyễn Bùi Hiển tâm sự “Ý tưởng chế tạo chiếc máy bay là tình cờ, tôi tham gia chơi một số loại máy bay mô hình. Sẵn có kiến thức về cơ khí nên tôi nghĩ đến việc chế tạo chiếc máy bay lớn hơn cho riêng mình….”

Để chế tạo được một… phương tiện bay thành công như ngày hôm này, ít ai biết rằng ông Nguyễn Bùi Hiển phải bỏ ra 1.000 ngày với biết bao công sức và tiền bạc.

Để thỏ‌a mã‌n niềm đam mê của của mình, 3 năm trước ông Hiển giao toàn bộ việc quản lý gara ô tô cho con trai mình và tập trung toàn bộ thời gian chế tạo máy bay.

Ông đã phải làm thử bằng 3 chiếc máy bay nhỏ hơn để thử nghiệm. Lúc đầu khi biết ông có ý định chế tạo chiếc máy bay cho riêng mình thì nhiều người bàn tán cho ông bị “khùng”, suy nghĩ không thực tế. Ngay chính vợ con của ông lúc đầu cũng không tin vào ý tưởng của chồng.

Tuy nhiên, không thể ngăn cản được tình yêu và niềm đam mê của ông nên mọi người để ông tự quyết định. Thời gian đầu, người kỹ sư cơ khí này đã nhiều lần thất bại, nhưng với ý chí và sự kiên trì của một cựu pháo binh, cùng với kinh nghiệm gần 20 năm gắn bó với máy móc kỹ thuật, ông vẫn cố gắng tìm tòi tài liệu ở nhiều nơi, cả trên internet để dần hoàn thiện “đứa con tinh thần” của mình.

Chiếc trực thăng của người thương binh, kỹ sư Nguyễn Bùi Hiển khi đã cất cánh.

Ông tâm sự: “Tôi quyết tâm làm bằng được chiếc máy bay tự chế này cũng chứng tỏ rằng mình không phải bị khùng như lúc đầu nhiều người nghĩ. Bên cạnh đó chứng minh rằng trí tuệ người Việt Nam không hề thua kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới”.

Do ở trong nước không bán phụ tùng, máy móc của máy bay nên tất cả mọi thứ ông đều phải tự tìm kiếm rồi phay, tiện, gọt giũa, ráp nối…mà giới kỹ thuật gọi là tự chế, để làm sao những miếng sắt nguội thành nguyên liệu tạo ra chiếc trực thăng.

Làm bộ khung cho chiếc máy bay đã khó nhưng tìm ra động cơ vận hành càng khó hơn. Sau một thời gian dài nghiên cứu, thử đi thử lại kỹ sư Hiển nghĩ ngay tới loại máy dùng cho môtô lướt sóng trên biển, vì loại máy đó có công suất rất mạnh, khi lướt sóng nhào lộn trên không máy vẫn chạy êm ru.

Do đó ông quyết định móc hầu bao 60 triệu đồng để mua một chiếc. Loại máy này chạy bằng xăng và nhớt tự pha khi máy khởi động vẫn đảm bảo kỹ thuật rất cao. Về công suất máy lên đến 106 mã lực và đạt độ tối đa 12.000 vòng/phút.

Trong khi đó, chỉ cần duy trì 6.500 vòng/phút là chiếc trực thăng đã bay lên được và có thể chở khoảng 100 kg. Tiếp đến, người thương binh này mất vài tháng trời ròng rã chế tạo được bộ phận quan trọng nhất để đưa “khối sắt” bay lên được đó là đĩa quay, bộ phận truyền động, hộp số…

Khi có được những phần thiết yếu cho một chiếc trực thăng, ông Hiển tận dụng những vật liệu có sẵn trong xưởng gara của mình chế tạo ra nhưng bộ phận khác. Để đảm bảo trọng lượng chiếc trực thăng nhẹ, ông Hiển cũng tìm những nguyên liệu siêu nhẹ nhưng bền và chịu nhiệt tốt để đảm bảo độ bền cho “đứa con” của mình.

Chỉ là… phương tiện bay

Nhiều đêm đang nằm thiu thiu ngủ nhưng chợt nghĩ ra một điều gì đó thuận lợi làm những công đoạn làm hoàn thiện cho chiếc trực thăng là người thương binh Nguyễn Bùi Hiển lại bật dậy đi thẳng ra gara bật điện sáng rồi tiếp tục mò mẫm.

Nhiều đêm say mê với công việc, ông không hay biết trời sáng tự lúc nào. Cứ thế, với gần 1.000 ngày cặm cụi trong gara của mình và hơn 200 triệu đồng bỏ ra để biến giấc mơ thành hiện thực và cuối cùng ông đã đạt được những kết quả khả quan.

Giờ đây, chiếc máy bay của ông đã lần đầu tiên cất mình lên khỏi mặt đất. Nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi thiết kế của nó cũng khá lạ đời. Bình xăng là những chiếc can nhựa, ghế của phi công cũng là chiếc ghế nhựa cắt cụt các chân.

Nhưng điều mà nhiều người, nhiều kỹ sư trong ngành ngả mũ thán phục là nhà sáng chế kiêm “phi công” Nguyễn Bùi Hiển là một người thương binh với nhiều mảnh đạn còn sót lại trong cơ thể nhưng nhiều đêm trái gió trở trời lại giằng xé đau nhói không kêu thành lời để thực hiện ước mơ của mình.

Và khi ước mơ của người thương binh này đã dần trở thành hiện thực thì dường dư những dư âm một thời đạn bom trong ông không hề hiển hiện nữa, mà thay thế vào đó là nụ cười mãn nguyện, vẻ mặt hạnh phúc.

Tay nắm chặt vào thành cửa của chiếc trực thăng “made in Nguyễn Bùi Hiển” người kỹ sư cơ khí này tâm sự “Cái khó nhất là việc lái làm sao cho máy bay bay lên, tôi đang tập trung rất nhiều cho việc học lái.

Thời gian đầu, tôi phải dùng dây buộc lại, không nhỡ nó bay cao, xảy ra sự cố thì rất là nguy hiểm. Tôi tập đi, tập lại cả tháng trời mỗi việc nhấc máy bay khỏi mặt đất. Khi đã quen tay thì tôi bắt đầu cho máy bay lên cao hơn và không còn buộc dây nữa…

Theo tính toán thông số thì chiếc trực thăng này có thể bay cao trên bầu trời khoảng 200m. Hiện nay máy bay này còn thiếu một số bộ phận quan trọng khác như đồng hồ đo độ cao, tốc độ bay…. Tôi sẽ cố gắng hoàn thiện những phần này trong thời gian sớm nhất để giấc mơ bay của mình được trở thành hiện thực một cách trọn vẹn".

Biết được thông tin một thương binh chế tạo thành công trực thăng, Đoàn cán bộ Sư đoàn Không quân 370 (Quân chủng Phòng không - không quân) cũng tìm đến tận nơi tìm hiểu. Sau khi kiểm tra và để “phi công” Hiển bay thử thì những người trong ngành kỹ thuật không quân đánh giá rất cao niềm đam mê tìm tòi, sáng chế của ông và ghi nhận, biểu dương sự sáng tạo tuyệt vời của ông.

Tuy nhiên sau khi đánh giá, sư đoàn Không quân cho rằng, chưa thể xem sản phẩm của ông Hiển là trực thăng vì chưa đủ điều kiện bay mà nó chỉ được gọi là… phương tiện bay.

Và để… phương tiện bay này phát triển thành một chiếc máy bay theo đúng nghĩa còn cần một quá trình nghiên cứu, chế tạo để đạt các điều kiện, thông số kỹ thuật và để làm được điều này là vô cùng khó khăn, phức tạp.

Đại tá Võ Đức Thành – chỉ huy phó, tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương khẳng định “Qua kiểm tra thực tế chiếc trực thăng tự chế của ông Hiển, chúng tôi đã đánh giá cao niềm đam mê, sáng tạo đó.

Riêng về góc độ quản lý nhà nước thì chúng tôi cũng đã xuống hướng dẫn cho ông Hiển thực hiện tốt các quy định về quản lý bay nếu muốn đưa ra ngoài bay thử nghiệm”.

Tuy “đứa con tinh thần” sinh ra vẫn còn bị “khuyết tật” như theo đánh giá của những nhà chuyên môn nhưng đối với người thương binh Nguyễn Bùi Hiển là một thành công của niềm đam mê, trí tuệ.

Qua sản phẩm trí tuệ của mình, ông Hiển cũng muốn gửi một thông điệp, làm là để chứng tỏ sự sáng tạo và cần mẫn không nản chí của con người Việt Nam, trí tuệ con người Việt Nam không thua kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới.

Và giờ đây, để làm thế nào… phương tiện bay kia trong gara ôtô có thể bay trên bầu trời?, đó là câu hỏi không dễ có lời giải đáp. Chính vì vậy trong tương lai, ông Hiển  phải tiếp tục vất vả và gặp không ít khó khăn để hoàn thành niềm đam mê được bay của mình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật