Ký ức người cận vệ về sinh nhật của Hồ Chủ tịch

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Là chủ tịch nước nhưng Bác Hồ chưa bao giờ tổ chức sinh nhật cho mình. Ngày 19/5, Bác thường đi ra ngoài với các chiến sĩ cảnh vệ vì không muốn làm phiền đồng bào“, ông Đặng Ngọc Hợi, người cận vệ năm xưa nhớ lại.
Ký ức người cận vệ về sinh nhật của Hồ Chủ tịch
Đã gần 80 tuổi nhưng ông Đặng Ngọc Hợi vẫn rất minh mẫn khi kể lại những ngày tháng phục vụ Hồ Chủ tịch. Ảnh: Nguyên Khoa.

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê cách mạng Làng Đỏ (TP Vinh, Nghệ An), năm 1953, khi tròn 17 tuổi, chàng trai Đặng Ngọc Hợi gia nhập đội thiếu sinh quân, ra Việt Bắc huấn luyện và trở thành đội viên của Đoàn thanh niên xung phong do ông Vũ Kỳ làm đoàn trưởng.

Năm 1954, Đặng Ngọc Hợi trở về tiếp quản thủ đô. Sau một thời gian về làm việc tại Công an Hà Nội, được cử đi học nhiều lớp huấn luyện, năm 1959, Đặng Ngọc Hợi được gọi lên giao nhiệm vụ đặc biệt bí mật. "Nghĩ lúc đó được đưa đi làm tình báo, nhưng cho đến khi xe công vụ chở đến Phủ Chủ tịch, tôi mới biết mình được làm cận vệ Bác Hồ", ông Hợi kể.

Nhiệm vụ của người lính cận vệ 1 là ngày đêm túc trực, canh gác, bảo vệ tuyệt đối an toàn bí mật cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày ngày, các chiến sĩ thay nhau canh gác dưới nhà sàn để khi cần thì Hồ Chủ tịch gọi. Những khi Bác đi dạo hoặc đi công tác, lính cảnh vệ được đi cùng để đảm bảo an toàn cho người đứng đầu nhà nước.

Được sống gần Chủ tịch Hồ Chí Minh, những chiến sĩ như Đặng Ngọc Hợi luôn khâm phục cách sống giản dị, chu đáo của người. Ông Hợi còn nhớ, khi thấy Hồ Chủ tịch đi guốc mộc hoặc dép cao su qua con đường nhỏ quanh ngôi nhà sàn rất khó khăn, các lãnh đạo trong Bộ Chính trị đề nghị láng xi măng, nhưng Bác Hồ chỉ yêu cầu rải sỏi lên nền đất cho sạch sẽ bởi "xi măng để dùng cho các công trình thủy lợi đang cần kíp".

Người cận vệ già cho biết, hàng ngày Hồ Chủ tịch rất tiết kiệm và lúc nào cũng lo cho dân, cho nước. Người luôn căn dặn các chiến sĩ cảnh vệ phải ra sức tiết kiệm bởi đất nước còn nghèo, người dân đang khổ, miền Nam chưa được giải phóng và Bác luôn làm gương. Chủ tịch thường ăn cơm trong nhà ăn tập thể với đĩa rau muống, quả cà và một bát nước rau muống vắt chanh. Khi bà con phải ăn cơm độn khoai sắn, Hồ Chủ tịch cũng ăn cơm độn...

Chiến sĩ cảnh vệ cùng người dân chụp ảnh chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Những ngày hè oi bức năm 1960, thấy Hồ Chủ tịch ngồi ăn cơm mà mồ hôi ra ướt áo, các chiến sĩ cảnh vệ chạy đến bật quạt liền bị Bác ngăn lại và nói rằng: "Chúng ta không ngồi trong nhà cũng mát hơn nhiều so với các bác nông dân ngoài ruộng, mát hơn những người lính đang cầm súng ở miền Nam. Lúc này, điện rất cần cho nông nghiệp và công nghiệp, chúng ta phải biết tiết kiệm", vừa nói, Chủ tịch vừa phe phẩy chiếc quạt nan.

Dù là người đứng đầu đất nước, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ tổ chức sinh nhật cho mình. Hàng năm, sắp đến ngày sinh nhật, Hồ Chủ tịch lại thông báo với văn phòng và các cảnh vệ lịch đi ra ngoài, thường là đi thăm hỏi đồng bào, thăm các đơn vị chiến đấu hoặc sang Quế Lâm (Trung Quốc) để tranh thủ sự ủng hộ của nước bạn trong cuộc kháng chiến.

"Sở dĩ Bác Hồ không muốn ở nhà vào những ngày sinh nhật là Bác sợ làm phiền mọi người bởi đất nước chưa được giải phóng hoàn toàn, nhân dân còn nghèo, việc tổ chức sinh nhật sẽ tốn kém. Vì vậy ngày 19/5 với Hồ Chủ tịch cũng bình thường như tất cả ngày khác", người chiến sĩ cảnh vệ năm xưa kể.

Biết được suy nghĩ và mong muốn của Hồ Chủ tịch nên lãnh đạo trong Bộ Chính trị không bao giờ chúc mừng sinh nhật Bác một cách rầm rang. Trung tuần tháng 5, các ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng... thường mang một bó hoa đến chúc mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chiều 14/5/1965, biết Hồ Chủ tịch sắp đi thăm chiến sĩ đồng bào nên các đồng chí trong Bộ Chính trị và một số ủy viên Trung ương Đảng tranh thủ tới chúc thọ trước. Nhận bó hoa tươi từ tay Tổng bí thư Lê Duẩn, Hồ Chủ tịch nói lời cảm ơn rồi hỏi "Chú Kỳ xem có gì chiêu đãi không?". Sau khi Thư ký Vũ Kỳ ra hiệu cho những người phục vụ chuyển bánh kẹo ra, Hồ Chủ tịch vui vẻ mời mọi người ăn kẹo, bánh và dặn: ''Nhớ để dành phần cho các thím và các cháu ở nhà nữa''.

"Tiệc sinh nhật cũng là tiệc mừng thọ của một vị cha già dân tộc với sự có mặt của những người cao nhất trong Đảng và Nhà nước diễn ra rất ấm cúng, giản dị và vui vẻ", ông Đặng Ngọc Hợi tâm sự.

Những ngày tháng 5, Hồ Chủ tịch nhận được rất nhiều thư và hoa chúc thọ của đồng bào cả nước, Bác đều đáp lại một cách tình cảm. Có năm vào dịp sinh nhật, Bác Hồ tặng bức ảnh chân dung cho Đảng bộ và nhân dân Nghệ An, năm khác lại viết thư khen thiếu niên hợp tác xã Măng Non (xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc) có nhiều thành tích chăm sóc trâu bò.

Năm 1963, khi nghe Quốc hội muốn tổ chức trao Huân chương Sao vàng cho mình vào dịp sinh nhật, Hồ Chủ tịch đã từ chối và đề nghị: "Chờ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao tôi Huân chương cao quý ấy".

"Ngày 19/5/1969, dù sức khỏe đã yếu nhưng Hồ Chủ tịch vẫn quan tâm thăm hỏi tình hình miền Nam và đời sống của nhân dân khi tiếp chị Phan Thị Quyên (vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi), chị Nguyễn Thị Châu (Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên sinh viên giải phóng khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định) đến chúc thọ", người cảnh vệ già nhớ lại.

Những bức ảnh chụp chung với Hồ Chủ tịch được ông Hợi treo trang trọng giữa nhà cùng tấm ảnh Người. Ảnh: Nguyên Khoa

Nhắc đến những ngày tháng 5 lịch sử được ở bên Hồ Chủ tịch ông Hợi xúc động kể: "Dù là những người cảnh vệ nhưng Bác Hồ luôn ân cần dạy bảo, coi chúng tôi như con cháu trong nhà. Sống gần Bác, chúng tôi được học nhiều điều về đức tính giản dị, tiết kiệm, chịu khó, kiên trì, khiêm tốn và sự nhân ái".

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ông Hợi xin về quê để được gần gia đình, vợ con. Trong căn nhà của ông, nổi bật nhất là tấm ảnh Hồ Chủ tịch ghi lại kỷ niệm của đội cảnh vệ với Bác Hồ, thủ tướng Phạm Văn Đồng và cả tấm bằng khen "hoàn thành xuất nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ" do thư ký Vũ Kỳ ký tặng.

Hàng năm, vào dịp sinh nhật Hồ Chủ tich, ông Hợi lại cùng gia đình ra Hà Nội, vào lăng viếng Bác Hồ, đến thăm nhà sàn nơi ông từng phục vụ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật