Thuê đất của dân để... tìm vàng

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thời gian qua, một số đối tượng lạ mặt đã tới xã Thượng Long, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế, thuê đất trồng cây cao su đang đến kỳ thu hoạch của đồng bào dân tộc với giá rất cao rồi... bới đất tìm vàng.
Thuê đất của dân để... tìm vàng
Những hầm vàng được đào xới ngay trên đất trồng cao su đã đến kỳ thu hoạch của đồng bào dân tộc
Thuê đất với giá hàng trăm triệu đồng/tháng

Những ngày đầu tháng 5/2012, qua chỉ dẫn của một anh bạn người dân tộc Cơ Tu, chúng tôi đã vào tận “công trường” khai thác vàng nói trên. Ban ngày ở đây không im ắng lạ kỳ, mọi hoạt động dường như chỉ bắt đầu khi đêm xuống. Tại nơi chúng tôi đến chỉ thấy những miệng hố rộng sâu, xung quanh chi chít những hàm ếch nhỏ đủ một người chui lọt. Một vài bao đất còn vương vãi lại. Đêm xuống, các xe múc, xe ben mới rầm rầm chạy vào “công trường” và làm liên tục trong khoảng từ 20h tối hôm trước đến rạng sáng ngày hôm sau. Sau khi đào được các bao đất, họ chuyển đất đi nơi khác để đãi vàng.

Theo quan sát của PV, có tất cả 5 khu vực khai thác vàng tại thôn 1, xã Thượng Long, đều nằm trên các vùng trồng cao su đã đến thời kỳ khai thác mủ rộng hàng ngàn mét vuông. Cây cao su chưa kịp thu hoạch bị đốn hạ, đất được xới tung. Đã xuất hiện tin đồn tìm được vàng trên mảnh đất này. Bà con dân tộc sẵn sàng để cây cao su của mình bị phá hủy bởi họ được trả giá thuê rất cao, từ vài chục triệu cho đến hàng trăm triệu mỗi tháng, thậm chí có người còn được đặt cọc đất cho cả một năm với giá bạc tỷ.

Anh Đoàn Văn Lạc, Trưởng thôn 1, bức xúc cho biết, tình trạng khai thác vàng trên địa bàn rộ lên từ năm 2011 đến nay. Trước đó năm 2006 tại xã này cũng đã xảy ra tình trạng khai thác vàng, đãi vàng chủ yếu bằng các công cụ thô sơ và bằng tay. Đặc biệt từ đầu năm 2012 đến nay, một số người nói giọng Bắc đã đem máy móc cơ giới, xe múc mở đường vào từ đường thôn đến các quả đồi, thuê đất của dân để khai thác vàng.

“Chúng tôi đã vận động lực lượng thanh niên khỏe mạnh ở thôn cùng công an, bộ đội vào dẹp. Họ làm vào ban đêm nên thôn cũng canh vào buổi đêm, vào tận bãi vàng. Tại đây chúng tôi gặp 4 thanh niên đang múc đất bỏ vào bao để khuân lên xe. Hỏi họ thì họ nói đã trả tiền thuê đất cho ông Lân rồi” - anh Lạc kể.

Thôn cùng xã đã về tận nhà ông Lân xác minh, làm rõ vì sao đất của nhà nước bàn giao cho đồng bào trồng cao su 50 năm mà đồng bào lại cho người khác thuê để đào vàng? Ông Lân khai báo thật là đã được những người lạ mặt trên thuê với giá 30 triệu/10 ngày. Tính từ lúc họ khai thác vàng trên đất ông thì gia đình đã nhận được 127 triệu đồng. Số tiền đó ông đã dùng để trả hết nợ vay vốn trồng cao su từ ngân hàng chính sách xã hội (32 triệu) và mua một chiếc xe máy gần 15 triệu.

Có vàng hay không?

Cũng theo ông Lân thì những người lạ này đã làm hợp đồng... miệng với ông rằng họ sẽ thuê đất trong vòng 1 năm, cứ 10 ngày trả tiền mặt một lần. Do thấy lợi từ việc cho thuê đất hơn hẳn việc trồng cao su lấy mủ bán nên ông Lân đã xuôi lòng chấp thuận. Ông Lân cho biết cũng đã nghe tin đồn những người này đang tìm một cục vàng cực lớn tại khu vực này. Trong khi đào tìm, họ đã khai thác được một ít vàng nhỏ (?).

Ngoài gia đình ông Lân, các ông Hồ Văn Hồ, Trần Văn Gia, Hồ Văn Thành... cùng đã cho những người lạ mặt thuê đất để khai thác vàng. Nhà ông Hồ Văn Năng và ông Hồ Văn Vội ở thôn 3 cách đây vài tháng cũng đã cho thuê lại vườn keo với giá 50 và 70 triệu đồng/tháng.

Những ngày qua, lực lượng chức năng của huyện đã tiến hành truy quét các đối tượng khai thác vàng ở xã Thượng Long, lập rào chắn ở đường lên đồi vàng. Tuy nhiên sau đó vài hôm, một chiếc xe tải ban đêm đã tông đổ rào chắn, vào hiện trường cướp đi 15 bao đất rồi bỏ đi. Hiện các đầu nậu đã không còn tại nơi đào vàng, có thông tin các đối tượng này đang ẩn náu ở những vùng xung quanh, bí mật liên hệ đàm phán với dân thuê đất tìm vàng tiếp.

Một bao đất còn sót lại tại hiện trường

Đây không phải là lần đầu xảy ra tình trạng khai thác vàng trái phép ở xã Thượng Long. Trước đây tại khu vực này từng có Công ty TNHH Quang Vinh được cấp giấy phép khai thác vàng (từ tháng 6/2011 - 6/2013) đã làm ô nhiễm sông nghiêm trọng, xới tung nhiều quả núi; đồng thời ép dân phải bán đất với giá thấp, khai thác lén lút vàng trong dân... Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế sau đó đã lập biên bản xử phạt và đình chỉ tạm thời hoạt động của công ty này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Cường, Chủ tịch UBND xã Thượng Long cho biết: trước tình hình trên, xã đã vận động người dân không nên cho thuê hay bán lô trên đất đã được nhà nước cấp để trồng rừng (cao su, keo). Không nên vì lợi ích trước mắt mà vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến môi trường, mất trật tự trị an.

Trả lời câu hỏi: Từ ngoài vào bãi vàng chỉ qua một con đường độc đạo đi ngang qua UBND xã; có hay không việc các đầu nậu vàng “móc nối” với xã để được dễ bề hành động? Ông Cường phủ nhận nghi ngờ trên và phân trần rằng lực lượng cán bộ xã rất mỏng, hơn nữa đầu nậu vàng chỉ làm vào buổi đêm nên không thể quản lý.

Ông Cường cho hay, một số đơn vị như Công ty Quang Vinh và các đầu nậu vàng đã mua bản đồ của Cục Địa chất để xem các vùng có vàng - trong đó có xã Thượng Long, từ đó đến “nhòm ngó” khai thác. Về tin đồn “vàng tặc” đã đào được vàng số lượng lớn ở xã mình, ông Cường không thể trả lời chắc chắn có hay không. Tuy nhiên ông cũng đặt nghi vấn, nếu không tìm được vàng, đầu nậu sẽ chẳng dễ dàng trả tiền thuê đất với giá cao như vậy.

Hình ảnh một số vùng trồng cao su của đồng bào dân tộc tan nát vì "vàng tặc"

Một điểm khai thác

Những cây cao su sắp đến kỳ thu hoạch mủ bị tàn phá không thương tiếc

Những hố đào...

... sâu hoắm

Những ngọn đồi bị tàn phá tan hoang nhưng cán bộ xã "không thể quản lý nổi"

Toàn cảnh một bãi khai thác vàng lớn nhất ở thôn 1, xã Thượng Long

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật