Tây Nguyên: Tận thu gỗ rừng làm đồ chơi, lợi bất cập hại

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thú chơi lục bình bằng gỗ là chuyện bình thường ở Tây Nguyên. Ở các tỉnh như Đắk Lắk, Kom Tum, Gia Lai… hầu như nhà nào cũng đều có từ 1 đến 2 cặp lục bình để trong nhà chơi.
Tây Nguyên: Tận thu gỗ rừng làm đồ chơi, lợi bất cập hại
Cặp lục bình bằng gỗ Hương cao 2,2m này có giá lên tới 85 triệu đồng.

Đến khi lục bình bắt đầu phổ biến, các tín đồ này chuyển qua chơi các loại khác có đẳng cấp cao hơn, đục bất kỳ các loại tượng như: quan công, 3 ông phúc, lộc, thọ, phật di lặc, đóng những bộ bàn ghế bằng gỗ quý tùy theo sở thích và túi tiền.. Nếu như nhà nào ở Tây Nguyên mà không có lục bình, tượng, bàn ghế bằng gỗ để trong nhà chứng tỏ chưa phải là người của vùng đất này chính hiệu hoặc là chưa đủ điều kiện để chơi.

Từ câu chuyện lục bình

Thú chơi này tưởng rằng rất bình thường nhưng thực ra nó là một hình thức tận diệt rừng một cách khủng khiếp, với chính sách tận thu triệt để, tất cả các loại gốc, cành ngọn của các loại gỗ quý như cẩm lai, hương, cà te… còn sót lại dù to hay nhỏ đều trở thành món hàng vô cùng giá trị.

Thời điểm này, một cặp lục bình bằng gỗ hương có chiều cao khoảng 1,2m, giá bán trên thị trường nằm tầm cở khoảng 15-20 triệu, còn nếu như nó bằng gỗ trắc hay thủy tùng là vô giá.

Bình thường trong nhà của người dân có kinh tế đủ ăn, gần như ai cũng có một cặp lục bình bằng gỗ dù to hay nhỏ, ít nhất cũng khoảng 1m trở lên chưng trong nhà, bèo nhất cũng bằng gỗ chiêu liêu, cà chít…

Hiện nay các xưởng tiện lục bình mọc lên như nấm nhiều nhất vẫn là huyện Ea Súp, Cư M’ga, Ea H’leo (Đắk Lắk), riêng ở trung tâm Ea Súp có hàng chục xưởng tiện, sau khi gỗ về đến xưởng chỉ cần 1 ngày các tay thợ này có thể cho ra sản phẩm 1-2 cặp lục bình tùy theo to hay nhỏ, tiền công cũng đi đôi với giá trị gỗ, kích thước lớn, bé.

Ông Y Xanh là một tay chuyên cung cấp gỗ cho việc tiện lục bình cho biết, trong thời gian này không còn gỗ đẹp như hương, cà te, gõ, cẩm lai… tiện lục bình nữa mà chỉ là chiêu liêu, chò xanh… toàn gỗ tạp, tuy nhiên nếu như một cặp khi tiện ra có chiều cao khoảng 1,8m bán ngoài thị trường bèo lắm cũng nằm từ 15 đến 25 triệu đồng. Loại gỗ tạp này nếu như đường kính từ 1,5m trở lên phải vào rừng sâu mới có và đi mất khoảng 3 đến 4 ngày, chi phí hết toàn bộ một chuyến còn lời được khoảng 5 đến 7 triệu/1cặp, mỗi chuyến đi thường chở khoảng 3 cặp trở lên, như vậy nếu như chở được khoảng 4 cặp chủ xe có thể lời khoảng 20 triệu chỉ trong vòng 4 ngày.

Với mức lãi cao như vậy nên những lâm tặc này đã không quản ngại mưa gió, bất chấp nguy hiểm kiếm bằng được gỗ về cung cấp cho xưởng tiện.


Ba ông tam đa (Phúc, Lộc, Thọ) bằng cẩm lai này dù chỉ cao 50cm nhưng có giá lên tới 12 triệu.

Theo ghi nhận cuả PV, hiện nay có rất nhiều người tìm mua lục bình ở các tỉnh khác tới, họ sẵn sàng bỏ thời gian, tiền bạc lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm, vùng sâu vùng xa nhằm tìm cho mình một cặp lúc bình thật ưng ý, sau khi có được, công vận chuyện cũng rất đơn giản, có thể vận chuyển lậu, hoặc giấy tờ công khai, tuy theo độ chịu chơi của khách.

Hiện nay loại lục bình được ưa chuộng nhất ngoài các loại gỗ quý hiếm ra vẫn là bồ kết, một cặp lục bình lớn từ 1,5m trở lên bằng loại gỗ này có thể lên đến hàng chục triệu đồng tùy theo kích cỡ, mẫu mã…

Theo quan niệm người phương Đông nếu như bỏ bồ kết trong nhà rất tốt, làm ăn khấm khá, sức khỏe đảm bảo… mỗi khi đã thích các đại gia không ngại quẳng tiền nhằm đáp ứng nhu cầu của mình, vậy là không kể lớn hay bé cây bồ kết rừng cứ thế bị triệt hạ một cách không thương tiếc.

Cho đến thời điểm này, nếu như tìm được một cặp lục bình bằng gỗ cà te, cẩm lai, trên 1m trở lên là chuyện khó hơn đường lên trời, có lục tung cả rừng Đắk Lắk cũng phải bó tay, vì hiện nay không còn cây sống.

Chính vì thế cho nên những đại gia chơi lục bình sau này chỉ chơi được các loại gỗ tạp, nếu có gỗ quý thì cũng lấy từ đâu về chứ trong tỉnh gần như không có.

Đến nghề đục tượng gỗ

Không thể tưởng tượng nổi chỉ với 3 ông tam đa phúc, lộc, thọ bằng gỗ tạp bình thường cao khoảng 50cm giá của nó cũng nằm tầm 7 triệu trở lên, đây là mặt hàng đang rất chạy ở Đắk Lắk, ai cũng muốn trong nhà có 3 ông tam đa vì quan niệm sẽ đem lại may mắn cho gia đình, thể hiện cái tâm sự quân tử của gia chủ.

Anh Nội - một chuyên gia sưu tầm các loại tượng gỗ quý ở Ea kar cho biết, trước kia đơn giản lắm chỉ cần có ý mua lập tức người bán sẽ mang hàng tới nhà, còn bây giờ thì phải đi lùng sục, nếu như tượng to cũng rất khó khăn vì dễ bị kiểm lâm phát hiện.


Để đáp ứng nhu cầu chơi này nghề đục tượng bổng phất lên vùn vụt, lương tháng thợ đục ít nhất cũng khoảng 10 triệu đồng.

Trong nhà của anh Nội gần như loại nào cũng có từ thủy tùng, cẩm lai, cà te… nhiều vô kể, trong số đó có tượng ông phật di lặc bằng thủy tùng lên tới cả trăm triệu đồng, ai nhìn vào cũng phải lác mắt.

Anh Xanh ở Ea Súp có bức tượng bằng gỗ chò xanh, đục hình quan công cao 1,8m, theo anh xanh, ngoài chuyện tự túc gỗ ra tiền đục thành phẩm bức tượng này hết 15 triệu đồng, giá bây giờ bán ra được khoảng 25-30 triệu.

Từ đây ta có thể đặt ra câu hỏi vậy lấy gỗ ở đâu ra để đục tượng, xin trả lời luôn là gỗ từ rừng của chúng ta, đối với các loại gỗ quý tươi thì không còn nhưng gốc thì đang còn rất nhiều, mà đục tượng thì không cần cao, to cho lắm, tuy nhiên những loại gốc cổ thụ rất to, nên giá trị cũng rất lớn, có những gốc hương lên đến 40-50 triệu đồng.

Tiền công đục loại này cũng không hề rẻ tí nào, có những gốc phải đục cả mấy tháng trời, tiền công lên đến 50-60 triệu đồng và giá của những gốc này sau khi thành phẩm cũng tương xứng, có khi phải lên đến vài trăm triệu.

Ông Thanh ở đường Lê Thị Hồng Gấm – Buôn Ma Thuột cho biết: “Trước Tết Nguyên đán vừa rồi tôi mua một gốc cẩm lai 19 triệu đồng, vừa rồi đục xong họ trả 60 triệu nhưng tôi chưa bán, vì loại gỗ này giờ rất quý, không có to thư thế, nếu bán sau này không có để chơi.”

Cũng vì thú chơi này mà nghề đục tượng tưởng rằng không có đất sống hóa ra lại sống rất khỏe, công đục tượng có thể lên đến hàng cả chục triệu đồng 1 tháng 1 người, nhất là những thợ có tay nghề cao, tinh xảo và có con mắt nghệ thuật không bao giờ hết việc làm, tính trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột có hàng chục xưởng chế tác các loại tượng này người làm không hết việc vì nhu cầu quá cao.

Hiện nay việc bán các loại tượng gỗ nhan nhãn ở Đắk Lắk, nhiều đến nỗi không thua các mặt hàng khác chúng rất phong phú và đa dạng, hỏi bất kỳ chổ nào cũng có.

Và chuyện bàn ghế độc

Ngoài việc lục bình, tượng gỗ có một thú chơi cao cấp nhất đó là những bộ bàn ghế bằng gốc hương, cà te lên tới hàng trăm triệu đồng, thú chơi này chỉ phục vụ cho dân chơi sành điệu, các đại gia giàu có trong và ngoài tỉnh.


Rừng bị băm nát vì thú chơi của người dân.

Anh H chủ một xưởng đóng bàn ghế huyện Cư M’ga cho biết, hiện nay một bộ bàn ghế bằng chò xanh (gỗ tạp) tay 12 giá nằm tầm 25-35 triệu đồng, còn tay 14 thì đắt hơn chừng 10 triệu, thời điểm này rừng ở đây không còn gỗ quý nên chúng tôi phải đóng bằng loại gỗ này.”

Mặc dù là gỗ tạp, tuy nhiên theo anh H thì khách hàng vẫn chuộng loại vừa tiền này, người dân làm cà phê bình thường vẫn có thể mua được một bộ về đặt phòng khách, nó cũng chẳng nứt nẻ gì mà chỉ có điều ít vân, màu mè hơn các loại gỗ quý, tuổi tho của nó cũng cao nếu như để cho gỗ thật khô mới đóng.

Còn loại gỗ quý như cà te, hương, cẩm lai… giá một bộ bàn ghế 7 món, tay 8 đã nằm tầm 60-80 triệu, nếu như tay 12,14 phải cầm trên 150 triệu mới giám nghĩ đến.

Có thể thấy rằng gần như nhà nào ở địa bàn Đắk Lắk có máu mặt một tí gần như ai cũng có một bộ bàn ghế, tùy theo túi tiền chất lượng bàn ghế cũng khác nhau, nhưng chủ yếu có 2 loại hiện nay phỗ biến nhất là bàn ghế bằng gỗ hương và cà te, còn cẩm lai thì gần như không còn gỗ lớn để đóng bàn ghế.

Để đáp ứng nhu cầu “chơi” của một số cá nhân mà rừng đang ngày một bị hủy hoại nghiêm trọng, khi đã hết gỗ đến đào gốc, sẽ không bao lâu nữa rừng ở Đắk Lắk bị hủy hoại một cách khủng khiếp, không thể nào cứu vãn nỗi.

Theo quan sát, hầu hết các diện tích rừng ở địa bàn Đắk Lắk không chỗ nào là không bị lưỡi cưa lia qua, có những khu rừng bị tàn sát cả ngàn hecta (Ea Súp), ngoài vấn đề lấy gỗ phá rừng làm nương rẫy trong đó có một phần không nhỏ của việc đào gốc cây rừng phục vụ thú chơi “khác người” của các đại gia.

Việc chơi đồ gỗ là một cái mốt thời nay, thể hiện đẳng cấp với xã hội, tuy nhiên cũng vì điều này mà lợi bất cập hại, rừng bị cày xới tan hoang, có những người đặt hàng độc, khiến cho các chủ hàng phải đi tìm và sẵn sàng đào bới bất cứ chổ nào nhằm lấy bằng được hàng, rừng cứ thế bị cày xới tan nát, môi trường sống bị tác động cực lớn gây ra lũ lụt hạn hán triền miên, và điều này thường xuyên xẩy ra ở địa bàn Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật