Cưới ở viện để mẹ bị ung thư mỉm cười mãn nguyện

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ bỏ đám cưới trong mơ tại một khách sạn sang trọng có không gian được trang hoàng lộng lẫy bằng những dải hoa trắng muốt, dàn nhạc sống sôi động và những bữa tiệc hoành tráng với sự tham gia của đông đảo bạn bè, Amy Wallenberg, 33 tuổi đến từ tiểu bang Texas, Mỹ đã quyết định tổ chức hôn lễ của mình tại bệnh viện Gottlieb Memorial, nơi mẹ của cô đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư v‌ú giai đoạn cuối.
Cưới ở viện để mẹ bị ung thư mỉm cười mãn nguyện
Cặp đôi Amy và Mike cùng người thân hạnh phúc trong đám cưới được tổ chức ở bệnh viện

Ước mơ được tham dự lễ cưới con gái của người mẹ tội nghiệp

Nằm một mình trên giường bệnh trong bệnh viện Gottlieb Memorial Hospital ở Melrose Park, thuộc quận Cook County, bang Illinois, nước Mỹ, bà Patricia Wallenberg, không sao kìm nén được những dòng nước mắt cứ tuôn rơi trên khuôn mặt ngày càng héo hắt của mình.

Đám cưới của Amy, cô con gái lớn của bà đã được lên kế hoạch từ nửa năm trước. Mọi thứ đã sẵn sàng và chỉ chờ đến lúc cử hành hôn lễ vào tháng 7 tới.

Chồng bà, ông Ken Wallenberg sẽ lái một chiếc xe cổ Model A đời 1929 của Ford đưa cô con gái rượu của họ đến nhà thờ. Ông sẽ trao Amy cho chàng rể điển trai và tốt bụng trước bàn thờ Chúa. Sau đó, họ sẽ mở tiệc chiêu đãi cả ngày tại một khách sạn sang trọng với khoảng 150 khách mời tham dự.

Ngày hôm đó cũng sẽ có một ban nhạc sống chơi toàn những bản tình ca hay nhất dành tặng cho đôi uyên ương và thực khách. Bà mường tượng đến khuôn mặt rạng ngời của cô con gái yêu lúc đó rồi mỉm cười hạnh phúc.

Nhưng rồi bà lại thấy lo lắng khôn cùng. Bà lo không biết mình có sống thêm được 4 tháng nữa để có thể chứng kiến giây phút ấy hay không và nếu có thì liệu lúc đó bà còn đủ sức để tham dự hôn lễ từ đầu đến cuối. Chỉ cần nghĩ đến điều này, nước mắt bà Patricia lại lã chã tuôn rơi.

Bà Patricia, 64 tuổi, sống ở thành phố Longview, tiểu bang Texas bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư v‌ú từ năm 1993. Và trong 18 năm sau đó, nhờ tuân thủ đầy đủ các phương pháp trị liệu cũng như mọi chỉ dẫn của các bác sĩ, bà vẫn chung sống một cách hòa bình với căn bệnh chết người này.

Tuy nhiên, vào một buổi sáng mùa đông tháng 12 năm ngoái, đột nhiên c‌ơ th‌ể bà có cảm giác rất mệt mỏi, thậm chí không thể bước ra khỏi giường.

Sau khi đến bệnh viện và tiến hành hàng loạt xét nghiệm, các bác sĩ thông báo các khối u trong c‌ơ th‌ể bà đã phát triển theo chiều hướng rất xấu và các tế bào ung thư đã di căn xuống gan.

Vài tháng tiếp theo, bà Patricia vẫn được ở nhà, hàng tuần chỉ phải đến bệnh viện kiểm tra và lấy thuốc. Cho đến một ngày cuối tháng 2, bà phải nhập viện trong tình trạng các tế bào ung thư đang phát tán rất nhanh ở giai đoạn cuối tưởng như không thể qua nổi.

Các bác sĩ cho biết bà bị thiếu máu trầm trọng và thường xuyên bị khó thở. Ngay lập tức, họ thông báo với gia đình để họ liên lạc với những người thân ở xa và chuẩn bị tinh thần lo hậu sự bởi bà Patricia có thể sẽ ra đi bất cứ lúc nào.

“Tình hình lúc đó rất nguy kịch”, tiến sĩ David Rosi, một bác sĩ chuyên khoa về ung thư điều trị cho bà Patricia nói. “Sức khỏe bà Patricia rất yếu và tôi thực sự không biết bà ấy sẽ sống được bao lâu nữa bởi các bệnh nhân của tôi trước đó khi đã đến giai đoạn này thường thì chỉ có thể sống được nhiều nhất là 2 tuần, còn không thì chỉ trong vòng 1 đến 2 ngày”.

Khi biết tin đó, bà Patricia đã suy nghĩ rất nhiều. Bà không sợ cái chết nhưng điều bà lo sợ nhất là sẽ không được tham dự lễ cưới của cô con gái lớn mà bà đã dày công chuẩn bị từ lễ Tạ ơn năm ngoái.

Chính bà là người đã giúp con liên hệ với nhà thờ, lên danh sách khách mời, đặt tiệc ở khách sạn, lựa chọn thức ăn, tìm hiểu và hướng dẫn công ty tổ chức lễ cưới kết hoa trang trí, chọn trang phục cho phù dâu,…

Đến giờ phút này, khi mọi thứ đã sẵn sàng thì bà lại đang phải nằm trên giường bệnh, thân thể rã rời, thậm chí phải khó khăn lắm mới có thể nhấc người ngồi dậy. “Không, không thể từ bỏ dễ dàng như vậy được”, bà nghĩ. “Mình chắc chắn phải phải đến tham dự lễ kết hôn của Amy”.

Nhưng bằng cách nào đây? Đột nhiên, trong đầu bà lóe lên một ý tưởng, song ngay lập tức bà lại gạt phắt đi bởi bà sợ nếu làm như vậy, Amy sẽ phải chịu thiệt thòi.

Nhưng là một người mẹ, nhất là lại đang cận kề với cái chết, bà Patricia chỉ mong muốn được chứng kiến giây phút hạnh phúc nhất của con mình. Đưa tay gạt nhanh dòng nước mắt, bà cho gọi các con đến bên giường bệnh.

Ý tưởng tổ chức đám cưới sớm cho Amy ngay trong bệnh viện của bà Patricia đã được cả con gái và con rể bà vui mừng hưởng ứng.

Chỉ vài tiếng sau đó, tất cả những người họ hàng có mặt ở Illinois đều tụ tập đông đủ để cùng chuẩn bị cho ngày trọng đại của Amy và Mike. Ai cũng rất nhiệt tình bởi họ đều mong muốn sẽ làm cho những ngày cuối cùng sống trên cõi đời của bà Patricia có ý nghĩa hơn.

Đám cưới ấm cúng có một không hai

Vậy là một đám cưới trang trọng vào tháng 7 đã bị gác lại, thay vào đó, Amy và Mike đã tổ chức hôn lễ ngay tại một nhà nguyện nhỏ trong khu bệnh viện Gottlieb Memorial.

Đám cưới này chỉ được lên kế hoạch trong vòng 1 ngày và trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, cô dâu chú rể phải gọi điện thông báo cho hai bên họ hàng, rồi mất 15 tiếng đồng hồ đi lại giữa Illinois và Texas để để lấy trang phục cưới. Cha mẹ chú rể từ Ohio, cha Amy từ Las Vegas cũng nhanh chóng có mặt ở Illinois.

Danh sách khách mời dài dằng dặc trước đó đã bị hủy gần hết, chỉ còn lại khoảng 30 người. Các nhân viên tổ chức lễ cưới lúc này không ai khác chính là những người bà con họ hàng thân thích.

Họ phụ trách việc trang trí nhà nguyện, mua bánh kem, nến, bánh sandwich ở cửa hàng tạp hóa. Họ bật những bản tình ca từ một đĩa nhạc CD nhỏ. Và tiệc chiêu đãi khách khứa cũng được tổ chức trong một phòng họp lớn của bệnh viện.

Gần 1 ngày sau, mọi thứ cho lễ cưới đã được chuẩn bị sẵn sàng. Vậy là niềm mong mỏi của bà Pat cũng đã trở thành sự thực. Đôi tân lang tân nương ngày hôm đó trông rất đẹp đôi. Cô dâu Amy mặc một bộ váy màu trắng tinh khiết, còn chú rể Mike Percival cũng diện một bộ vest màu ghi lịch lãm.

Bà Pat cũng được mọi người trang điểm nhẹ nhàng, sửa lại móng tay, uốn và bới lại mái tóc. Bà xuất hiện ở cửa ra vào trên chiếc xe lăn đã được trang trí bắt mắt hơn thường lệ.

Với chiếc áo hoa màu đỏ, trên tay cầm một bông hoa hồng và miệng luôn nở nụ cười mãn nguyện, bà Patricia đã khiến tất cả các khách tham dự đều không cầm được nước mắt.

“Trong 33 năm làm công việc khám chữa bệnh, đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một đám cưới cảm động đến thế này. Sáng hôm đó, bà Patricia thức dậy với nụ cười tươi rói trên môi và trông bà ấy khỏe hơn bao giờ hết”, Bác sĩ David Rosi cho biết.

“Những hình ảnh trên máy đo cộng hưởng từ cho thấy, các khối u trong gan của bà ấy đã thu nhỏ lại. Đây là một dấu hiệu đáng mừng hiếm gặp”.

Đám cưới theo nghi lễ truyền thống tuy không quá trang trọng, không có ban nhạc, không phù dâu, phù rể, không có những bóng đèn lấp lánh và những vũ điệu khiêu vũ chúc mừng đôi uyên ương, nhưng lại diễn ra lại vô cùng ấm cúng và thân mật.

“Như tất cả những người con khác, tôi luôn muốn mẹ là người đầu tiên được chứng kiến giây phút trọng đại nhất trong cuộc đời mình”, cô dâu, hiện đang sống ở Texas chia sẻ.

“Tôi chấp nhận từ bỏ đám cưới mùa hè lãng mạn để tổ chức đám cưới trong bệnh viện để thực hiện điều đó. Tuy đám cưới của tôi không có nhiều bạn bè tham dự và không được tổ chức bài bản như bình thường nhưng tôi không cô đơn bởi ở đây, tôi đã có mẹ ở bên”.

“Đám cưới này là tất cả những gì mà mẹ vợ tôi đã mong đợi từ mấy tháng trước”, Mike nói. “Ngay từ lúc chúng tôi đính hôn, mẹ tôi đã bắt tay vào chuẩn bị hầu hết mọi thứ cho lễ cưới của chúng tôi. Mẹ là người quan trọng nhất đối với Amy và tôi sẽ không thể nào chịu nổi nếu lễ cưới của chúng tôi thiếu vắng bà”.

Cuối buổi lễ, sau khi Amy Wallenberg và Percival đã thề nguyền trước bàn thờ chúa, họ đã nhường vị trí đó cho Ken và Patricia Wallenberg để bố mẹ có thể đọc lại một lần nữa lời thề sau 44 năm chung sống và đã cho ra đời 4 người con.

Khi vị cha sứ hỏi ông Ken rằng liệu ông có đảm bảo sẽ chăm sóc cho bà Patricia Wallenberg bất kể khi bà ấy khỏe mạnh hay ốm đau không, chồng bà đã không ngần ngại đáp lại:

“Tôi sẽ làm như vậy, suốt đời”. Câu trả lời đó đã khiến cả căn phòng nổ tung. Tất cả mọi người đều vỗ tay và hầu như ai cũng khóc, những dòng nước mắt hạnh phúc.

Ông Ken, bố cô dâu chia sẻ: “Đó là giây phút cảm động nhất trong cuộc đời tôi ngoài giây phút chứng kiến các con ra đời. Chúng tôi là một gia đình đoàn kết và không gì có thể phá vỡ điều đó, kể cả căn bệnh ung thư v‌ú chết người mà vợ tôi đang mang”.

Sau lễ cưới, cặp đôi Amy và Mike đã quyết định không đi hưởng tuần trăng mật để ở lại bệnh viện chăm sóc mẹ. Hai vợ chồng họ đều mong muốn được ở bên cạnh bà Pat trong khoảng thời gian khó khăn này.

Amy và Mike gặp nhau vào tháng 5/2009 tại một buổi từ thiện gây quỹ cho tổ chức phục vụ người khuyết tật DiveHeart, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp bình khí nén và ống thở cho những người khuyết tật.

Amy Wallenberg là một tình nguyện viên bán vé xổ số cho Percival. “Tôi đã đề nghị anh ấy ghi lại số điện thoại trên tấm vé”, cô nhớ lại. Và họ quen nhau từ đó. Sau gần 2 năm hẹn hò, họ đã quyết định đính hôn vào ngày lễ Tạ ơn năm 2011 và chính thức nên vợ nên chồng vào ngày 1/3.

Chắc chắn đó sẽ là một lễ cưới đáng nhớ và có ý nghĩa nhất trong cuộc đời họ. Bằng tình yêu của mình, cả hai vợ chồng họ đã thắp lên ngọn lửa yêu thương, tiếp thêm sinh lực cho người mẹ bị ung thư giai đoạn cuối tưởng chừng như không thể qua khỏi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật