Ngày hội tuyển sinh 2008 tại Hà Nội: Nhiều kỳ vọng để rồi… tiếc nuối

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hôm qua, 16/3, lần đầu tiên học trò Hà Nội được tham dự một ngày hội tư vấn tuyển sinh quy mô và hoành tráng. Tuy nhiên, khác với sự háo hức, chờ đợi ban đầu, kết thúc ngày hội, nhiều học sinh cũng bày tỏ sự thất vọng khi chỉ nhận được những chỉ dẫn chung chung.
Ngày hội tuyển sinh 2008 tại Hà Nội: Nhiều kỳ vọng để rồi… tiếc nuối
Các "gian hàng" đều chật kín người

Nhiệt tình và gần gũi

“Ngày hội tư vấn và tuyển sinh năm 2008” được tổ chức tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ. Tại tầng 1 và tầng 2 của Trung tâm, “gian hàng” của gần 50 trường ĐH, CĐ và trung tâm đào tạo nghiệp vụ, ngoại ngữ, du học đều chật kín người. Nhiều học sinh bày tỏ rằng chưa bao giờ các em có cảm giác “gần gũi” với những trường ĐH mà mình đang lựa chọn đến vậy. Nguyễn Trà Mi - Trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết: “Em được các thầy cô và các anh chị sinh viên tiếp đón và hướng dẫn rất nhiệt tình cặn kẽ nên cảm thấy hào hứng và tự tin hơn nhiều cho kỳ thi sắp tới”.

Ông Chu Anh Khoa - phụ huynh học sinh ở quận Đống Đa cho biết: “Bản thân chúng tôi cũng không có kiến thức gì để giúp các con có sự lựa chọn đúng đắn, nên trời có mưa gió thì cũng phải tranh thủ đưa con đến đây để tìm hiểu thêm”.

Với những trường tại Hà Tây và ngoại thành Hà Nội, Ban tổ chức hỗ trợ xe đưa đón 4.000 học sinh đến dự ngày hội nên điều kiện đi lại cũng không mấy khó khăn. Nhóm nam sinh trường THPT Đông Anh tụ tập trước gian hàng của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân hồ hởi khoe: “Sáng nay, mới 6 giờ kém mà chúng em đã tập trung ở trường đợi xe rồi. Chỉ sợ đến muộn bị lỡ chuyến đi thì tiếc lắm”.

Điểm mới năm nay là trong ngày hội có tổ chức trắc nghiệm IQ và luyện trắc nghiệm thi ĐH miễn phí nên các gian hàng đều đông đến nghẹt thở.

Nhiều câu hỏi “ngây ngô”

Kết thúc chương trình, còn không ít điều làm các bạn học sinh và có lẽ cả những người tổ chức chương trình nuối tiếc. Mục đích chính của chương trình là tư vấn trực tiếp nhằm giải đáp những thông tin mang tính hướng dẫn cho học sinh về quy chế tuyển sinh năm 2008. Tuy vậy, lượng câu hỏi này không nhiều và khá trùng lặp. Ban tổ chức có tách riêng một gian hàng để trả lời những thắc mắc về việc hoàn tất hồ sơ tuyển sinh đại học nhưng xem ra nhiều học sinh không mấy mặn mà và không biết phải hỏi những gì. Học sinh Phạm Thanh Huệ - Trường THPT Liên Hà (Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Cho đến lúc này trong tay chúng em chưa có mẫu hồ sơ, chưa có cuốn “Những điều cần biết…” nên cũng chưa hình dung ra được các thủ tục phải làm là như thế nào. Chúng em đến đây chủ yếu là để tìm hiểu về các trường ĐH mà thôi”. Sự chậm chạp của việc xuất bản cuốn “Những điều cần biết…” khiến cho nhiều câu hỏi của các bạn học sinh đơn giản và ngây ngô đến mức… đáng thương: “Em muốn học về chứng khoán. Vậy ở Việt Nam có những trường nào đào tạo về ngành này?”. “Em muốn thi năng khiếu thì em nên thi vào trường nào?”... Cả người hỏi và người được hỏi có lẽ đều có cảm giác “thất vọng”, bởi đó hoàn toàn là thông tin sẽ được cung cấp trong cuốn “Những điều cần biết…”.

Một phần lớn những câu hỏi xoay quanh vấn đề chấm và làm tròn điểm trong mùa tuyển sinh này, vì trước đó các học sinh có nghe thông tin làm sai câu trắc nghiệm sẽ bị trừ điểm. Những câu hỏi về điểm ưu tiên, chế độ chính sách không được đề cập nhiều bởi phần lớn học sinh đến đây đều ở Hà Nội hoặc những vùng lân cận. Những học sinh vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa gần như không có tiếng nói trong ngày hội toàn miền Bắc này. Sau khi ghi vào tấm phiếu câu hỏi của mình một câu về chính sách ưu tiên cho các học sinh vùng khó khăn, Trịnh Ngọc Hà - Trường THPT Kim Anh (Sóc Sơn, Hà Nội) tâm sự: “Chúng em ở đây dù sao tiếp cận thông tin cũng dễ hơn các bạn ở nông thôn nên em đặt câu hỏi này giúp cho các bạn”.

Sau đây là một số thắc mắc của các học sinh trong ngày hội đã được các chuyên gia tư vấn giải đáp:

* Em đã học tiếng Hàn, vậy khi thi ĐH thì chứng chỉ của em có được dùng để thi ĐH không?

- TS Nguyễn Xuân Vang - hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội: Theo qui chế, thí sinh có chứng chỉ tiếng Hàn không thể sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh.

* Nếu thi các môn năng khiếu thì có được tham gia xét tuyển nguyện vọng 2, 3 không?

- PGS-TS Ngô Kim Khôi - phó vụ trưởng vụ ĐH và sau ĐH (Bộ GD-ĐT): Em được phép xét tuyển nguyện vọng 2, 3 vào các trường còn thiếu chỉ tiêu có xét tuyển, với điều kiện các môn văn hóa thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT.

* Đối với nhũng bạn trượt thi năm 2007 thì khi xét tuyển trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) sẽ căn cứ vào đâu? Có ưu tiên gì không? Nếu em thi vào Trường ĐH Ngoại thương trượt thì xét vào CĐ của trường như thế nào?

- PGS-TS Ngô Kim Khôi - phó vụ trưởng vụ ĐH và sau ĐH (Bộ GD-ĐT): Các trường TCCN năm nay không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển (khác năm 2007 là có tổ chức thi). Tiêu chí xét tuyển dựa trên kết quả học ba năm phổ thông, kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả thi ĐH-CĐ. Thí sinh đã thi trượt năm 2007 vẫn có thể nộp hồ sơ vào các trường TCCN để được xét tuyển.

* Theo em đươc biết sang năm qui chế tuyển sinh đối với thí sinh rớt năm nay như thế nào?

- PGS-TS Ngô Kim Khôi - phó vụ trưởng vụ ĐH và sau ĐH (Bộ GD-ĐT): Bộ đang trình Chính phủ đề án đổi mới thi tuyển sinh theo hướng một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vừa để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN. Các em thí sinh không đậu kỳ thi năm nay, nếu đề án được phê duyệt thì sẽ có cơ hội được xét duyệt trong năm sau. Các em đã có bằng tốt nghiệp năm nay, thì sang năm các em sẽ chỉ thi môn thi mà kỳ tốt nghiệp vừa rồi không có trong kỳ thi tuyển sinh của trường ĐH mà các em lựa chọn.

* Em muốn học chứng khoán, cho em hỏi có trường nào đào tạo hay không?

- ThS Hứa Minh Tuấn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH bán công Marketing TP.HCM: Trường ĐH bán công Marketing có ngành đào tạo chứng khoán. Em có thể truy cập website của trường để xem cụ thể.

* Lệ phí dự thi tuyển sinh năm nay là bao nhiêu?

- PGS-TS Ngô Kim Khôi - phó vụ trưởng vụ ĐH và sau ĐH (Bộ GD-ĐT): Lệ phí tuyển sinh năm nay vẫn ổn định như năm 2007, với năm mức: lệ phí đăng ký dự thi 40.000, lệ phí dự thi với môn văn hoá là 20.000/thí sinh, lệ phí dự thi năng khiếu là 50.000 đồng, lệ phí đăng ký xét tuyển là 15.000 với một hồ sơ xét tuyển, các em đến dự thi tại đâu thì nộp dự thi tại đó, nộp hồ sơ qua đường bưu điện.

* Những ngành kinh tế chính trị, kinh tế đối ngoại, quản trị kinh doanh có gì khác nhau?

- TS Nguyễn Ngọc Thanh, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội): Ngành quản trị kinh doanh hiện nay chúng tôi không mở thông thường như năm trước mà năm nay ngành sẽ đạt trình độ quốc tế, 60 đến 70% được giảng dạy bằng tiếng Anh do các thầy cô nước ngoài giảng dạy, khi ra trường các sinh viên này có kỹ năng nghiệp vụ tốt và khả năng ngoại ngữ tương đương 550 điểm TOEFL.

Chương trình kinh tế đối ngoại vẫn theo chương trình của Bộ GD-ĐT và chia thành chuyên ngành như thương mại, đầu tư, du lịch khi ra trường các em có thể làm việc ở nhiều cơ quan kinh tế. Đây là một ngành hứa hẹn cho sinh viên trong giai đoạn hội nhập.

Ngành kinh tế chính trị đã được thành lập khá lâu và chuyên sâu về lý luận. Khi ra trường các em có thể làm trong các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu… và các cơ quan khác.

* Thời hạn nộp hồ sơ tuyển sinh bao giờ kết thúc, nếu có sai sót em có thể lên Sở GD-ĐT để chỉnh sửa không?

- Bà Tạ Song Hà - phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT TP Hà Nội: Thí sinh tự do, thí sinh vãng lai nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại các điểm thu nhận hồ sơ của Sở GD-ĐT từ ngày 10-3 đến 10-4-2008. Sau thời hạn này, từ ngày 11 đến 17-4, thí sinh chưa nộp hồ sơ tại Sở GD-ĐT thì nộp hồ sơ trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ có tổ chức thi.

PGS-TS Ngô Kim Khôi - phó vụ trưởng vụ ĐH và sau ĐH (Bộ GD-ĐT): Do hết thời hạn thu nhận hồ sơ nên TS sẽ không được nộp thay thế bằng bộ khác. Nếu TS phát hiện sai sót, những thông tin chưa đầy đủ, chính xác thì có quyền được chỉnh sửa.

Tuy nhiên, các TS cần lưu ý chỉ có một cơ hội duy nhất để chỉnh sửa: đó là ngày đầu tiên của mỗi đợt thi dành để làm thủ tục trước khi bước vào dự thi chính thức. TS cần có mặt tại địa điểm ghi trong giấy báo thi vào ngày 3-7 đối với đợt 1, ngày 8-7 đối với đợt 2 và ngày 14-7 đối với đợt 3 để thông báo với hội đồng tuyển sinh của trường làm thủ tục chỉnh sửa những sai sót, thông tin chưa chính xác, bổ sung các giấy tờ còn thiếu. Những bổ sung và điều chỉnh này phải được cán bộ tuyển sinh của trường sửa lại trên hồ sơ gốc, cập nhật ngay vào máy tính và đóng dấu xác nhận vào phiếu số 2 thì mới có giá trị pháp lý.

* Nếu năm vừa rồi em thi được 23,5 điểm vào ngành quản trị kinh doanh của ĐH Quốc gia Hà Nội mà năm nay trường vẫn lấy điểm chuẩn 23,5 thì em sẽ được vào ngành nào?

- TS Vũ Viết Bình - phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội: Không lấy căn cứ điểm xét tuyển của năm ngoái để xét tuyển năm nay mà dựa vào số lượng thí sinh tham gia, chất lượng bài thi… để có điểm chuẩn cho mỗi năm.

* Chúng em đang học chương trình cũ, nếu năm nay em trượt ĐH, năm sau em thi tuyển sinh thì em có phải thi theo chương trình mới không?

- PGS-TS Ngô Kim Khôi - phó vụ trưởng vụ ĐH và sau ĐH (Bộ GD-ĐT): Từ 2009 lứa đầu tiên của chương trình phân ban thí điểm ra trường và nếu được thì kế hoạch dùng kết quả tốt nghiệp THPT làm kết quả xét tuyển ĐH, thì các chương trình học không ảnh hưởng đến việc thi tuyển của các em.

* Nếu em trúng tuyển khoa luật, khi ra trường em có thể trở thành luật sư ngay được không?

- PGS-TS Hoàng Thị Kim Quế - phó chủ nhiệm khoa Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội): Học luật ra em không chỉ làm luật sư mà còn rất nhiều cơ hội làm việc tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế… Sau khi tốt nghiệp em không thể hành nghề luật sư ngay được vì theo quy định sau khi có bằng tốt nghiệp ĐH em phải qua một khóa đào tạo hành nghề luật sư, phải tập sự một thời gian để được cấp chứng chỉ hành nghề.

* Em dự thi vào ĐH Quốc gia Hà Nội nhưng nếu em không trúng tuyển thì em có được chuyển sang trường khác không?

- TS Vũ Viết Bình - phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội: ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển sinh theo qui chế của Bộ GD-ĐT. Khi em không trúng tuyển nguyện vọng 1 em có thể đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2, 3. Em vẫn có cơ hội ba lần với điều kiện có điểm từ điểm sàn trở lên.

* Trường ĐH FPT có tuyển sinh riêng không hay tuyển chung với kỳ thi tuyển sinh cả nước?

- TS Nguyễn Xuân Phong - phó hiệu trưởng Trường ĐH FPT: Chúng tôi tuyển sinh riêng vào tháng 4. Sau khi tham dự thi tuyển nếu đạt điểm sàn các em có cơ hội vào Trường ĐH FPT.

* Sinh viên học tại cơ sở Thái Bình của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có gì khác với học tại cơ sở tại TP.HCM?

- ThS Phạm Văn Đạt - trưởng cơ sở Thái Bình, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM: Chúng tôi có bốn cơ sở đào tạo ở bốn tỉnh. Do đó, ở bất cứ cơ sở nào thì các em cũng được học chương trình giống với cơ sở chính ở TP.HCM nhưng các em sẽ có một số hạn chế như chỉ được học sáu ngành trong tổng cộng 19 ngành của trường.

* Với trường tổ chức lấy điểm chung cho tất cả các ngành thì khi phân ngành thế nào?

- TS Nguyễn Văn Thư - phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM: Có một số trường lấy điểm tuyển chung cho tất cả các ngành và khi hoàn thành chương trình đại cương mới phân khoa, nhưng khi em làm hồ sơ dự thi nên ghi rõ ngành muốn học sau này.

* Em muốn thi vào các trường trong TP.HCM thì nộp hồ sơ thế nào? Khi đi thi có phải vào tận trường không?

- ThS Phạm Văn Đạt - trưởng cơ sở Thái Bình, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM: Em nộp hồ sơ theo trình tự bình thường, còn khi thi vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM tại TP.HCM, em phải vào TP.HCM dự thi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật