Những kiểu làm đẹp dễ... chết!

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ cần vài chục ngàn đồng, thêm mấy phút “pha chế”, chị em đã có ngay sản phẩm làm đẹp “cấp tốc” nhưng hậu quả thì khôn lường...
Những kiểu làm đẹp dễ... chết!
ảnh minh họa

Sau sự kiện em Nguyễn Ngọc Bích chết vì nghi ngờ dùng kem “tẩy trắng” cấp tốc, chúng tôi thử khảo sát và thấy chuyện phụ nữ đua nhau mua kem tự tẩy trắng, lột trắng vẫn không hề hạ nhiệt.

“Chuyên gia” mỹ phẩm ở nông thôn

Nhiều ông chồng tranh thủ mua báo về cho vợ đọc nhưng rồi lắc đầu chào thua khi vợ bĩu môi: “Ai biểu lột hổng đúng cách! Phải biết da mình là loại da gì, gia giảm liều lượng công thức “chế biến” cho phù hợp thì đâu có sao .(!)”

Tự tiện làm đẹp kiểu này rất dễ chuốc họa vào thân. Ảnh: Hữu Danh

Thế nhưng “công thức” như thế nào cho chuẩn thì... mỗi người một kiểu. Theo chị Trần Thị Hồng, nhà ở thị xã Tân An (Long An) công thức “chuẩn” để cho ra lò một hộp kem tẩy trắng gồm hai hộp “con én”, hai hộp “tóc xù”, một hộp Emon và một hộp Thanh Thảo. Có thể trộn thêm mấy viên E là ra thành phẩm, chỉ mất khoảng 30.000 đồng. Chị Hồng cho biết “con én” và “tóc xù” là hàng của Thái, tên gọi căn cứ vào hình in trên vỏ hộp. Đây là hai sản phẩm làm trắng da siêu tốc nên muốn trắng nhanh hay chậm thì tự gia giảm liều lượng.

Việc pha chế bằng tay có thể làm kem mất độ mịn, nên nhiều cửa hàng tạp hóa đã sắm cả máy trộn để trộn sẵn cho khách hàng. Loại này có giá từ 50 đến 60 ngàn đồng/hộp.

“thẩm mỹ viện” giá rẻ

Theo chị Nguyễn Thị Tâm, nhân viên trang điểm của một tiệm làm đẹp ở thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang, kem dưỡng trắng mất rất nhiều thời gian mà hiệu quả lại không cao bằng kem lột trắng. Hiện nay thị trường rất ưa chuộng loại “kem lột ba giờ” vì giá siêu bèo mà lại làm trắng cấp tốc. Chị Tâm cho biết các tiệm làm đẹp còn pha thêm thuốc uốn tóc với hỗn hợp lột trắng để lột cho khách.

Hãy cẩn thận khi sử dụng các sản phẩm làm đẹp đang trôi nổi trên thị trường hiện nay

Hiện tại, muốn lột trắng phải vào thẩm mỹ viện với giá khá cao, từ hai đến năm triệu đồng nên không phải ai cũng có khả năng. Trong khi đó, chỉ cần vài chục ngàn là có thể làm đẹp nên ai cũng đua nhau tự làm. Nhiều chị em còn tiết kiệm đến mức lột trắng không thèm mua cái áo mưa hai ngàn đồng để quấn mà “chơi” luôn tấm ni lông bên trong... bao phân u-rê. Tuy nhiên, hậu quả khôn lường.

Nhiều bà, nhiều cô thời gian đầu vui mừng ra mặt vì bỏ được “quá khứ đen đúa” sau lưng nhưng sau một thời gian ra đồng, bị ăn nắng đen thui lại lật đật mua thuốc lột tăng liều. Lột đến mức gương mặt nám đen (vì ăn nắng), nám đỏ (vì lộ ra lớp da non), đau rát, khóc lóc, còn bị chồng chửi.

Chị Nguyễn Thị Loan, nhà ở Chợ Gạo (Tiền Giang) kể lại, cách đây mấy tháng chị cũng mua kem về nhà tự lột hai cánh tay. Quấn xong lớp ni lông thì nóng rát không chịu nổi. Cắn răng chịu đựng đủ ba tiếng đồng hồ, khi gỡ lớp ni lông thì nhiều chỗ da mỏng tróc ra, rớm máu. Một lát sau thì chị tức ngực, khó thở, buồn nôn. Hai cánh tay đau nhức như bị phỏng, phải đi bệnh viện cấp cứu. May mà chỉ thoa thuốc lột ở hai cánh tay, chứ nếu quấn thêm ở chân và cổ thì hậu quả còn nặng nề hơn nhiều.

Chưa bao giờ phụ nữ ở tỉnh lại mê lột trắng như bây giờ. Để ý chút xíu là nghe mấy bà rỉ tai nhau “công thức lột mới nhất, tiên tiến nhất”. Tuy nhiên, không hề có sự cảnh báo từ phía cơ quan chức năng giúp người dân tránh được những hậu quả khôn lường từ việc làm đẹp cấp tốc này.

bệnh viện Da liễu TP.HCM:

Hàng chục trường hợp nhập viện mỗi ngày do mỹ phẩm

Bác sĩ Lý Hữu Đức - Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp bệnh viện Da liễu thành phố cho biết mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trung bình 10-15 trường hợp nhập viện liên quan đến các bệnh viêm da dị ứng (nguyên nhân là do dị ứng với mỹ phẩm, sữa tắm, kem tắm trắng...). “Trước đây, có trường hợp một phụ nữ bị phỏng toàn thân do tắm trắng không đúng cách, phải điều trị gần một tháng mới khỏi” - bác sĩ Đức nói.

“Theo con số thống kê y học, các bệnh liên quan đến viêm da dị ứng là những bệnh ít gây ra chết nhất (tỷ lệ ước đoán 1/1000) nhưng không nên coi thường, vì đó là những bệnh dễ mắc và nếu không điều trị đúng cách sẽ rất khó khỏi bệnh hoặc thậm chí không khỏi bệnh. Và trong một số trường hợp đặc biệt như trúng độc da, khả năng sống sót là rất khó”, bác sĩ Vũ Hồng Thái - Giám đốc bệnh viện Da liễu TP phân tích.

Cũng theo bác sĩ Thái, sau sự việc em Nguyễn Thị Bích ở Đồng Tháp bị chết mà nguyên nhân nghi ngờ là do xài kem tắm trắng trôi nổi, Sở Y tế TP đã yêu cầu bệnh viện Da liễu rà soát, tổng hợp các trường hợp nhập viện có triệu chứng tương tự trong thời gian vừa qua. Trên cơ sở đó, Sở sẽ có ý kiến chỉ đạo, hoạt động cụ thể để tránh những trường hợp đáng tiếc như đã xảy ra tại Đồng Tháp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật