Tòa nhận định không có đua ôtô đâm chết 2 nữ sinh

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chiều 29/12, bị cáo Phạm Hồng Quân, thủ phạm gây tai nạn làm chết 2 học trò, được Tòa Hà Nội xác định không đủ cơ sở khẳng định đua ôtô trái phép. Quân bị phạt 8 năm tù. Như vậy, kết quả tuyên án không thay đổi so với 2 bản án đã bị tuyên hủy trước đó. Gia đình nạn nhân khẳng định, sẽ kháng cáo.
Tòa nhận định không có đua ôtô đâm chết 2 nữ sinh
Áp giải Phạm Hồng Quân ra xe về trại giam. Ảnh: A.T

Sau 3 ngày, HĐXX đã tuyên bản án dài 60 phút. TAND Hà Nội bác bỏ phần lớn lập luận của 3 luật sư bảo vệ các bị hại đưa ra nhằm chứng minh tai nạn xảy ra trong lúc Quân đua tốc độ cùng đám bạn. Đó là việc Quân thuê ôtô tự lái chứ không phải là tài xế taxi đi đón khách, có vết va chạm ở thành xe; ôtô phanh cháy đường, đâm bật cọc tiêu lao xuống ruộng chứng tỏ vận tốc đang chạy rất lớn...

Bản án nhận định: "Bị cáo không lạng lách đánh võng, không chèn ép va chạm với xe bên cạnh trước khi đâm vào xe đạp chở hai nữ sinh". Do vậy, TAND Hà Nội cho rằng chưa đủ cơ sở khẳng định có dấu hiệu của tội đua xe trái phép. Phạm Hồng Quân chỉ "thiếu quan sát tình trạng mặt đường, lán trái và gây tai nạn". Vì lẽ đó, tội danh của Phạm Hồng Quân là vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (điều 202 Bộ luật hình sự), với mức án 8 năm tù.

Hình phạt này cao hơn 1 năm so mức án tối đa mà VKS đề nghị hôm qua, và bằng mức án đã bị TAND tối cao tuyên hủy cách đây 2 năm của tòa Hà Nội.

Tòa Hà Nội "phớt lờ" nhận định của Bộ Công an

TAND Hà Nội cũng cho rằng: "Không đủ căn cứ khẳng định Công an Hà Nội đã làm sai lệch hồ sơ vụ án". Trước đó, phần lớn thời gian xét hỏi các luật sư tập trung phân tích về điểm này. Họ đưa ra nhiều chứng cứ, tài liệu chứng minh quá trình thụ lý hồ sơ, đo đạc hiện trường đã không được tiến hành khách quan. "Bố Quân là trung tá cảnh sát giao thông đã có mặt ở hiện trường ngay sau tai nạn", ông Phạm Công Hoan (bố nạn nhân Phạm Anh Thư) trình bày sáng 29/12.

Do tính chất "căng thẳng" của phiên tòa, mỗi ngày xét xử, HĐXX đều phải nghỉ giải lao 2 lần. Việc này hiếm khi xảy ra với các phiên xử khác tại TAND Hà Nội. Phần lớn người tham dự là giới báo chí và công an. An ninh tại đây được thắt chặt với hàng chục nhân viên công vụ.

Việc vụ án bị khởi tố muộn sau một tháng cũng được HĐXX nhận định là "không vi phạm thủ tục tố tụng", không phải là để kéo dài thời gian nhằm sửa chữa tài liệu, dựng chứng cứ giả. Theo phân tích của tòa, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phải tiến hành trưng cầu giám định, cần có thời gian giải quyết. Luật cho phép trong trường hợp này được khởi tố 2 tháng sau khi xảy ra sự việc. Quan điểm này ngược với nhận định của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khi cho rằng, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can muộn sau gần 1 tháng trên là vi phạm quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Điều này đã được VKSND Tối cao ghi rõ trong cáo trạng đọc công khai tại tòa.

Theo Bộ Công an, trong vụ án này, một số cán bộ Công an Hà Nội đã không làm tròn nhiệm vụ, có nhiều thiếu sót, vi phạm nghiệp vụ. Chẳng hạn như vẽ sơ đồ, lập biên bản hiện trường cẩu thả; số liệu không chính xác; không thực hiện đúng quy định, quy trình điều tra các vụ tai nạn giao thông.. Đặc biệt, có việc cán bộ công an sửa chữa, ghi thêm số liệu trên sơ đồ hiện trường, "giấu" kết quả giám định không đưa vào hồ sơ vụ án.

Tuy nhiên, TAND Hà Nội nhận định đây chỉ là lỗi "cẩu thả", không phải "cố ý làm sai lệch". Những sai sót này không làm thay đổi bản chất vụ án. Vào tháng 1, 8 cán bộ khám nghiệm, điều tra viên... liên quan đã phải nhận các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, phê bình. VKSND Tối cao đã có công văn đề nghị Bộ Công an xử lý sai phạm của những người này. "Do vậy, HĐXX thấy không cần thiết phải tiếp tục có kiến nghị", chủ tọa Nguyễn Hữu Chính đọc bản án.

viện kiểm sát im lặng trước đòi hỏi của luật sư

Hai trong ba ngày xét xử được HĐXX dành cho phần tranh tụng, để các luật sư, đại diện bị hại và VKS đối đáp. Tuy nhiên, phần lớn thời gian tranh tụng, chỉ là sự "độc thoại" của các luật sư và đại diện bị hại. Trước lập luận của luật sư và yêu cầu của bên bị hại đòi cơ quan công tố giải thích, 2 vị kiểm sát viên cho rằng "Đó là những vấn đề không mới so với kết luận điều tra".

Kết quả phiên xử sơ thẩm lần thứ 3 của TAND Hà Nội dường như không khiến gia đình bị hại bất ngờ. Buồn bã rời phòng xử án bà Nguyễn Phương Dung (mẹ nạn nhân Phương Linh) cho VnExpress biết, sẽ kháng cáo. "Sự thật của vụ án chưa được làm sáng tỏ. Chúng tôi cần Bao Công", bà nói. Như vậy, nhiều khả năng vụ án vẫn chưa khép lại.

Theo Vnexpress

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật