Mỹ phẩm giá 1.500 đồng tự do tung hoành

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mỗi tháng, bệnh viện Da liễu TP HCM có trên 20 ca nhập viện do dị ứng mỹ phẩm, thế nhưng tại các chợ, sản phẩm làm đẹp không xuất xứ, nguồn gốc vẫn được bày bán thoải mái.
Mỹ phẩm giá 1.500 đồng tự do tung hoành
Chọn mua mỹ phẩm tại chợ Thị Nghè. Ảnh: T.C.

Sáng 14/3, tại một sạp mỹ phẩm bên ngoài chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TP HCM), thấy nhóm sinh viên Huệ, Lam, Trúc hỏi mua một hộp kem dưỡng da, chủ hàng lập tức đon đả: "Mấy em có muốn trắng nhanh không, chị chọn cho mấy hộp đem về trộn xài hiệu quả lắm. Ở đây loại nào, giá nào cũng có cả". Nói xong chị kéo cả nhóm vào bên trong sạp hàng rồi lôi ra một bịch vô số các loại kem, thuốc bôi.

Sau đó, chủ sạp chọn 5 hộp kem dạng đặc và lấy ra một chai thủy tinh đựng những viên thuốc màu hồng (dạng thuốc cảm viên con nhộng). Theo hướng dẫn của chủ sạp, nếu muốn trắng nhanh sau 3 đến 5 ngày, chỉ cần trộn lẫn 5 thứ kem trên kèm theo 1 đến 2 viên thuốc nước mà chị gọi là vitamine E (trên nhãn chai ghi toàn chữ Hoa) là được.

Mỗi hộp kem trên có giá từ 1.500 đến 5.500 đồng, nguồn gốc xuất xứ thì mỗi hộp mỗi kiểu: từ Trung Quốc, Hàn Quốc và cả Việt Nam. Loại "vitamine E" màu hồng giá 500 đồng một viên. "Tổng cộng chưa đến 10.000 đồng mà hiệu quả thì đảm bảo trắng tức thì". Chị bán hàng cam đoan.

Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Bình Tây, Bình Tiên (quận 6), Hóc Môn, Hạnh Thông Tây (quận 12)... bất cứ sạp mỹ phẩm nào cũng sẵn sàng phục vụ khách có nhu cầu tẩy trắng da và tắm trắng.

Thấy khách đến hỏi mua kem thoa mặt, cô gái bán hàng khoảng 17-1‌8 tuổ‌i ở chợ Bà Chiểu bày hết lên mặt tủ kính khoảng 30 hộp kem các loại. "Mẹ em về ăn cơm rồi, dặn em ở lại trông hàng. Đây là các loại kem làm trắng. Chị đọc trên hộp giấy có ghi hướng dẫn cách dùng đó", cô gái nói với khách.

Hầu hết các sản phẩm đều khẳng định "trắng hồng tự nhiên", "bảo đảm sẽ có một làn da trắng sau 3-5 ngày", được chiết xuất từ sâm linh chi, thảo dược, thuốc bắc... Hơn một nửa trong số đó có xuất xứ từ Trung Quốc, một số là "made in" USA, Japan... Mỗi sản phẩm chỉ có giá khoảng 12.000 đồng tới cao nhất 40.000 đồng.

Kem tắm trắng cũng phong phú không kém. Một chủ sạp hàng ở chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, cho hay, sạp hàng của chị có không dưới 100 loại kem bao gồm cả làm trắng da mặt và làm trắng... từng bộ phận c‌ơ th‌ể.

"Mỗi người có cấu tạo da khác nhau nên phải chọn cho đúng loại cần dùng", chị bán hàng tỏ ra hiểu biết. Tuy nhiên khi được hỏi xuất xứ hàng hóa thì chị này chống chế: "Có một người trong chợ móc nối với nơi cung cấp hàng, sau đó bỏ lại cho các sạp. Đâu phải mình đi mua trực tiếp mà biết nguồn gốc".

Bên cạnh mỹ phẩm giá bèo, tại các chợ còn có những loại kem làm trắng được chủ sạp giới thiệu là "hàng cao cấp", giá cả từ 150.000 đến 450.000 đồng. Theo những người bán hàng, đây là hàng xách tay "ở bển" về. Trên vỏ hộp có ghi nơi sản xuất là Mỹ, Nhật, Pháp... Bán hàng này tiện ở chỗ, khi khách hỏi xem catalog, tài liệu về sản phẩm, công ty sản xuất thì người bán đều bảo không có, vì là hàng "xách tay".

Một số loại được giới thiệu là hàng do Việt Nam sản xuất, bán với giá 150.000-180.000 đồng. Những người bán hàng cho biết, các công ty mua kem của nước ngoài dạng hũ lớn về, tự chiết ra thành những hộp nhỏ và đóng gói bán trên thị trường.

Mỹ phẩm chất đống, bày bán chung với các hàng hóa khác. Ảnh: T.C.

Theo thống kê của bệnh viện Da liễu TP HCM, hầu hết trường hợp dị ứng mỹ phẩm đến khám và điều trị đều sử dụng hàng không rõ nguồn gốc hoặc mua với giá rẻ tại các chợ.

Theo một bác sĩ chuyên khoa, nhiều phân tích cho thấy, trong các loại mỹ phẩm này không chứa những chất có lợi cho da, lại có tính "tẩy" cao nên dễ gây dị ứng. "Một số trường hợp do thiếu hiểu biết, thấy da bị bong, nổi mẩn đỏ, chị em tưởng chỉ là dị ứng da thông thường, cứ tiếp tục sử dụng mỹ phẩm, nên rất khó đoán mức độ dị ứng đến mức nào", bác sĩ này cho biết.

Đại diện Cục Quản lý dược cho biết, có đến 1.400 chất nguy hại bị cấm sử dụng để chế tạo mỹ phẩm. Tuy nhiên các chất này chỉ áp dụng đối với các công ty dược chính thống, có đăng ký kinh doanh; còn việc tự chế hoặc sản xuất không có nguồn gốc thì ngoài tầm kiểm soát.

Theo ông Đỗ Ngọc Dũng, Phó phòng Quản lý dược, Sở Y tế TP HCM, có khoảng 3.000 mặt hàng được đăng ký và quản lý ở địa bàn này. Những mặt hàng không rõ nguồn gốc hoặc không đăng ký mà vẫn lưu hành thì người bán hoặc chủ cơ sở sẽ bị xử lý nghiêm, tuy nhiên công tác thanh kiểm tra chủ yếu vẫn tập trung vào các cửa hàng lớn.

Riêng các mặt hàng trôi nổi được bày bán nhỏ lẻ, một cán bộ quản lý thị trường TP HCM cho biết, việc thanh kiểm tra thu hồi như "lấy đá ném bèo". Theo ông này, các mặt hàng tự chế, không nguồn gốc thường được mua bán theo kiểu trao tay hoặc tại quầy sạp tạm bợ, lén lút, khi thấy cơ quan chức năng thì giấu hàng hoặc bỏ chạy. Quan trọng hơn cả là người mua phải tự bảo vệ mình.

Trao đổi với XL, Dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM cũng khuyên cáo, để tránh những tai nạn đáng tiếc từ mỹ phẩm, chị em không nên hám của rẻ hoặc mua các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngày 10/3, để bảo vệ quyền lợi người dân và quản lý ngành mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược đã quy định tất cả loại sản phẩm làm đẹp sản xuất trong nước và nhập khẩu đều phải công bố tiêu chuẩn chất lượng.

Theo quy định này, mọi tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường đều phải có đầy đủ hồ sơ thông tin kỹ thuật. Những trường hợp người sử dụng bị thiệt hại do hàng kém chất lượng thì nhà sản xuất phải có trách nhiệm bồi thường.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật