Chuyện những người đàn ông đi... tiểu ngồi

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
"Ước gì em mất đi một cánh tay, hay một cái chân còn hơn bị bạn bè nói em là "thằng đái ngồi". Mơ ước của một cậu bé bị tật bẩm sinh lỗ đái lệch thấp (LĐLT) khiến người nghe không khỏi đau lòng. Dị tật này như thế nào mà có ảnh hưởng ghê gớm vậy? Phóng viên đã tìm hiểu phía sau những mảnh đời thiếu may mắn ấy.
Chuyện những người đàn ông đi... tiểu ngồi
Kỳ 1: Dở khóc dở cười vì... tiểu ngồi

Họ không phải là những người thuộc thế giới thứ ba, nhưng sự tự ti, mặc cảm khiến họ dần xa lánh cộng đồng. Con số thống kê cho thấy, cứ 200 người đàn ông có 1 người mắc phải căn bệnh này. Một con số không nhỏ.

Những giọt nước mắt âm thầm

Lập gia đình năm 26 tuổi. Cái tuổi này ở Hà Nam người ta gọi chị Nguyễn Thị Lan là muộn mằn lắm rồi. Lấy chồng được 2 năm, chị và gia đình vui khôn xiết khi bé Tú Bình ra đời. Đó là năm 2004. Niềm hạnh phúc được làm mẹ vừa đến là lúc chị phát hiện ra đứa con trai của mình nhìn giống như có 2 bộ phận sin‌ּh dụ‌ּc. Là con trai nhưng khi đi tiểu, bé Bình lại tiểu như con gái. Nam không ra nam, nữ chẳng ra nữ.

Nỗi lo canh cánh trong lòng. Chị Lan kể: Có đêm đang ngủ, chợt nghĩ có người phát hiện ra con mình bị dị tật. Choàng dậy. Thấy con vẫn đang ngủ. Nhìn con không cầm được nước mắt. Rồi những lần con đi tiểu, tia nước tiểu còn vọt ra phía sau mông. Mẹ ướt, con ướt. Lòng đau như cắt. Bé Bình tròn 2 tuổi chị cũng không nhớ đã bao nhiêu đêm giật mình thảng thốt. Con 2 tuổi cũng là từng ấy thời gian chị sống trong lo sợ phập phồng.

Sợ rằng "cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra", chị âm thầm tìm kiếm thông tin về căn bệnh của con mình. Đi đâu chị cũng mang con đi theo. Biết là không thể che giấu được mãi nhưng cũng chẳng thể nói với mọi người là đưa con đi khám. Mà khám bệnh gì (?!).

Không còn cách nào khác, chị lấy ớt xát vào mắt. Lấy cớ mắt đau rồi ôm con đi cùng. Nói là đi ra Hà Nội khám mắt nhưng kỳ thực chị quyết đi tìm với một hy vọng mong manh, y học có thể can thiệp, để con chị lớn lên không phải chịu cái tiếng "ái nam, ái nữ".

Còn chuyện của bà Trần Thị Hải (Nam Định) lại là câu chuyện khác của người không may mắn khi sinh đứa con có dị tật. "Tôi không bao giờ quên cái ngày sinh đứa con thứ 2. Khi phát hiện nó bị dị tật giống anh nó, cả bầu không khí nặng nề, u ám bao trùm lên toàn gia đình. Sau đó là những trận chiến không dứt. Chồng thì đổ lỗi tại vợ. Vợ nghĩ tại chồng", bà Hải nhớ lại.

Có lần đi làm đồng về, vẳng xa xa tiếng người nói : nhà bà ấy có 2 đứa con "quái thai". Có người tệ miệng hơn "chắc kiếp trước nhà bà ăn ở thất đức nên con mới bị như vậy". Lời đàm tiếu, dèm pha khiến chồng bà bỏ nhà ra đi. Bố mẹ chồng cũng hắt hủi, trách con lấy vợ không xem tông. Chẳng thể sống được ở làng, bà Hải bế 2 đứa con trốn vào Nam sinh sống, lòng thầm nghĩ bằng mọi cách bà cho con bà học nghề bác sĩ, tự chữa bệnh cho mình.

Hoàng Minh Tuấn (Lào Cai) cũng là một trong số những người không may mắn ấy. Tuổi thơ em là chuỗi ngày sống ẩn mình. Xa lánh bạn bè, em quyết tâm học để "cứu" mình. Biết mình vẫn là một người đầy đủ tính trạng của một nam giới, chỉ khác mọi người là "cái ấy" của em ẩn vào trong.

Tuấn tâm sự: Khi đi học giờ giải lao bạn bè rủ nhau đi vệ sinh. Em không bao giờ dám đi cùng. Cố đợi hết giờ, các bạn vào hết trong lớp mới xin ra ngoài. Có lần cô giáo không cho ra vì vừa kết thúc giờ nghỉ giải lao. Suốt tiết học ngồi khó chịu nhưng em chẳng có cách nào khác.

Năm học cuối cấp 3 chuẩn bị kết thúc cũng là khi mối tình đầu của Tuấn chớm nở. Nhưng mặc cảm, lo lắng, Tuấn tìm cách từ chối tình cảm của mình. Dằn vặt về những bức bối trong lòng "có những lúc em đã nghĩ đến cái chết", Tuấn thổ lộ. "Nhưng em là một thằng đàn ông thực thụ, em phải chứng minh cho mọi người thấy em có ỹ nghĩa cho cuộc đời này. Em sẽ học để cứu mình".

Năm 1999, thi đỗ 2 trường Đại học Bách Khoa và Đại học Y Hà Nội. Chọn trường Y, Tuấn bám theo ước nguyện.

Những giọt nước mắt âm thầm của những người
 đàn ông đi ... tiểu ngồi. Ảnh minh họa

30 năm mặc cảm

Lần theo giới thiệu của bạn bè, tôi tìm đến bệnh viện Việt Đức. Câu chuyện dường như dè dặt bởi sự khó nói của căn bệnh. Lại thêm những mong muốn được giữ bí mật của các bệnh nhân khiến việc tìm hiểu thông tin khó khăn hơn.

Tiếp tôi là BS.PGS Trần Ngọc Bích, trưởng khoa, phó chủ tịch Hội phẫu thuật Nhi Việt Nam, người được mệnh danh là bác sĩ hàng đầu điều trị dị tật này. Ông cho biết: khác với những bệnh thông thường người ta có thể nhận được sự thông cảm từ phía gia đình, bạn bè.

Ngược lại, những người không may bị dị tật này, phần lớn là mặc cảm, tự ti. Họ hoang mang, không biết tương lai sẽ ra sao vì thấy mình chẳng giống ai. Chính vì vậy, những người bị dị tật này và người thân của họ thường giấu kín.

GS Bích phân tích: Những trường hợp bị dị tật LĐLT, về cơ bản thể chất vẫn phát triển bình thường, tuy nhiên, hoạt động tiểu tiện bất thường. Là con trai nhưng đi tiểu phải ngồi. Đáng lo hơn, phần lớn số người bị dị tật này không có khả năng sinh hoạt tình dục (do dươ‌ּng vậ‌ּt bị lún gục vào bìu). Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc phát triển và duy trì nòi giống.

Do những bất thường về bộ phận sin‌ּh dụ‌ּc ngoài và động tác tiểu tiện nên bệnh nhân cùng gia đình rất lo lắng và muốn giấu kín bệnh. Trẻ có tật này thường không muốn cho ai xem bộ phận sin‌ּh dụ‌ּc ngoài. Khi đi học, trẻ thường phải nhịn tiểu, sợ bị bạn phát hiện.

Đồng cảm với những câu chuyện về cuộc đời những người không may mắn bị dị tật, ông Bích kể: Tôi chứng kiến nhiều bi kịch trong chuyện này. Có một vị lãnh đạo một công ty lớn, có lần ngại ngần đến gặp tôi. Hơn 30 tuổi rồi, khỏe mạnh, tâm sinh lý phát triển bình thường nhưng không dám lấy vợ. Đến khám bệnh cho mình mà lén lút, chỉ sợ có ai quen nhìn thấy hỏi thăm.

Cậu ấy còn đề nghị, "có chữa được bác sĩ cũng ghi vào bệnh án cho em cái bệnh khác tên đi. Chuyện này lộ ra, chắc em chỉ còn nước đào lỗ chui xuống đất".

Rồi có những bệnh nhân không biết ký cả tên mình. Hỏi ra mới biết, ngày còn bé đi học bị bạn bè chế giễu. Mỗi lần đi tiểu các bạn hò theo, đọc vè. Vậy là nghỉ học. Giờ tên mình cũng không biết viết thế nào.

Họ đã không may mắn, nhưng còn khổ tâm hơn khi sống trong cộng đồng lại bị gán cho nhiều biệt hiệu, nào là "ái nam, ái nữ", "thằng đái ngồi" "chim rụt"... Sự miệt thị đó đã khiến nhiều cuộc đời, nhiều số phận phải chịu thiệt thòi. Họ có thể trở thành người bình thường như bao nhiêu người đàn ông khác được không?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật