Bánh trôi quê chồng

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mẹ chồng tôi hay đùa mình nấu ăn chẳng ngon, chẳng khéo nhưng được cái mấy đứa con rất dễ nuôi, dù nấu món gì, mặn nhạt ra sao cũng đều khen ngon cả.
Bánh trôi quê chồng
Những viên bánh trôi tròn đều, trắng mịn, trông thật hấp dẫn

Khi tôi về làm dâu, mẹ cũng chẳng yêu cầu gì nhiều vì trên thực tế, cả nhà không ai kén ăn. Duy chỉ có mấy món bánh truyền thống của vùng quê này là nhất định phải học. Tất nhiên, mấy món bánh này không phải chỉ ở quê chồng tôi mới có nhưng không giống ở thành phố là có thể ra chợ mua, ở đây mỗi nhà đều tự làm các loại bánh này để dâng cúng tổ tiên. Cụ thể, vào Tết hàn thực 3-3 Âm lịch thì làm bánh trôi. Đến rằm tháng 7 thì làm bánh uôi còn Tết Nguyên đán thì nhất định phải gói vài chục đồng bánh chưng xanh. Nhập gia tùy tục, năm đầu tiên đi lấy chồng, đúng dịp thanh minh tôi giục chồng "khăn gói quả mướp” về quê thật sớm...

Vượt qua quãng đường hơn 30 km, vợ chồng tôi về đến quê thì đúng lúc cả nhà đang chuẩn bị làm bánh. Chúng tôi cùng tham gia làm. Biết tôi lần đầu làm bánh trôi, mẹ chồng giải thích cặn kẽ cho tôi cách làm. Đầu tiên là chọn gạo nếp loại ngon, mới mang đi xay mịn. Phải nói rõ với người xay mục đích của mình là để về làm bánh trôi nếu không có thể họ sẽ xay không đủ mịn thì khi làm bánh sẽ không được ngon. Sau đó, đến khâu nhào bột phải cân đối hợp lý lượng nước sao cho không nhão quá, cũng không được khô quá. Vì nếu nhão hoặc khô thì khi nặn bánh sẽ rất khó. Nhào bột thật kỹ, ủ lại cho bột nở khoảng một tiếng thì có thể đem nặn bánh. Nhân bánh chọn loại đường đỏ, được đúc thành từng thanh mỏng, lấy dao khía thành từng ô vuông vừa ăn rồi lấy tay bẻ để thanh đường khỏi bị vỡ.
Một người khác, không cần khéo tay lắm thì lăn bột thành từng khúc dài, rồi ngắt ra thành từng cục nhỏ để tiện làm bánh. Khâu nặn bánh là khó nhất đòi hỏi người nào phải khéo tay, có kỹ thuật một chút. Vỏ bánh không được quá dầy nhưng vẫn phải bao bọc được trọn vẹn nhân bánh. Bánh nặn sao phải tròn, không bị rạn nứt, vừa miệng ăn chứ không được viên quá to, viên lại quá nhỏ.
Khi đã xong xuôi việc nặn bánh, chúng tôi chuyển sang công đoạn luộc bánh. Nước đã được đun sôi từ trước, đổ vào trong nồi và đun lửa vừa phải. Không cần chọn nồi quá to mà chỉ cần có thành cao để khi bánh chín, nổi lên sẽ không bị lẫn với những viên bánh mới thả vào. Không thả bánh hết một lượt mà thả từ từ, mỗi đợt khoảng chục viên để khi bánh chín, nổi lên thì có thể vớt kịp. Nếu để lâu quá, bánh có thể bị vỡ nên người đầu bếp phải rất nhanh tay, nhanh mắt khi luộc bánh. Bánh chín thì vớt ra, nhúng ngay vào bát nước đun sôi để nguội rồi sau đó mới bày vào những chiếc đĩa sứ men xanh được mẹ tôi giữ gìn cẩn thận chỉ để dành riêng đựng bánh trôi. Vừng trắng đã được rang vàng từ trước, thơm lừng được rắc lên đĩa bánh trôi trắng mịn, ngon mắt vô cùng. Mỗi đĩa bánh nho nhỏ, chỉ độ mươi viên bánh tròn tròn, thơm thơm khiến mấy chị em chúng tôi không khỏi hít hà... Bố dâng ba đĩa bánh lên bàn thờ thắp hương tổ tiên. Đợi đến khi hết một tuần nhang, bố khấn xin lộc rồi bảo các con hạ mấy đĩa bánh trên ban thờ xuống. Mọi người quây quần cùng ăn bánh, hưởng thụ thành quả lao động suốt buổi sáng. Lần đầu tiên tôi thấy món bánh trôi vốn quen thuộc đã được ăn không biết bao nhiêu lần lại ngon đến vậy!
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật