Đường lên núi Cậu

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đứng trên đỉnh núi, dõi phía xa xa, mặt hồ Dầu Tiếng rộng mênh mông như tấm gương trời phẳng lặng, bên phải, men theo con đường tỉnh 744 như sợi chỉ mềm là thị trấn Dầu Tiếng sầm uất.
Đường lên núi Cậu
Cổng chùa Thái Sơn

Bên trái, nơi những núi Cửa Ông, núi Chúa, núi Tha La nhấp nhô, như từ thời hồng hoang mở cõi. Cùng với chùa Bà, núi Cậu chính là địa điểm thu hút được đông đảo người dân tới viếng thăm nhất ở tỉnh Bình Dương bởi ngoài vẻ đẹp của một danh lam, nơi đây còn chứa nhiều câu chuyện huyền bí, nhuốm màu tâm linh thánh thiện.

Thăng trầm... ngọn núi
Nằm trên địa phận ấp Tha La (xã Định Thành, Dầu Tiếng, Bình Dương), quần thể núi Cậu bao gồm hơn 20 ngọn núi cao, thấp khác nhau. Trong đó, cao nhất là núi Ông (gần 300 mét) và thấp nhất là núi Chúa (gần 100 mét). Mặc dù không phải là những ngọn núi ‘chọc trời' nhưng lịch sử hình thành và đấu tranh của nhân dân vùng núi Cậu lại rất ác liệt và gian truân, từng có nhiều kỳ tích trong sử sách. Chuyện xưa kể rằng, núi Cậu được một người tên là ‘Cậu Bảy' tìm thấy và khai hoang lần đầu vào thời nhà Nguyễn. Nghe nói, ‘Cậu Bảy' chính là một trong những vị tướng giỏi nhất của tả quân Lê Văn Duyệt, từng tham gia nhiều trận đánh đi chinh phục xứ Chân Lạp, sau về ở ẩn trên núi này. Vì thế, nhân dân trong vùng thường gọi đây là núi Cậu. Nay, ngoài những đình chùa, di tích, trên đỉnh ngọn núi này vẫn còn một am nhỏ để thờ Cậu. Trước chính điện của chùa Thái Sơn, một bức tượng oai nghiêm, thân mang áo giáp, dáng đứng múa võ rất đẹp mắt. Đây chính là bức tượng Cậu, một trong những võ tướng uy vũ thủa trước.
Thời kháng chiến chống giặc ngoại xâm, vùng núi Cậu chính là nơi diễn ra những trận chiến ác liệt nhất. Trước khi cách mạng tháng tám nổ ra, núi Cậu từng là sào huyệt của những băng đảng đệ Tam, đệ Tứ, một trong những băng đảng chống lại triều đình nhà Nguyễn, nhưng lại lợi dụng thời thế loạn lạc để cướp của dân chúng, đem lên núi hưởng lạc. Cách mạng thành công, những thế lực này tự nhiên tan rã. Khi chế độ Ngô Đình Diệm cầm quyền, núi Cậu lại là nơi hoạt động của quân và dân vùng Dầu Tiếng. Chính quyền họ Ngô đã nhiều lần đem quân đến càn quét nhân dân vùng này với mục đích thui chột ý chí chiến đấu của mọi người, tuy nhiên đều thất bại. Ngoài ra, chúng còn đổi tên núi Cậu là núi Lấp Vò, đưa hẳn một Lữ đoàn lên thị trấn Dầu Tiếng chiếm đóng lâu dài. Tuy nhiên, bằng tinh thần chiến đấu quả cảm cùng sự đùm bọc, che chở của nhân dân, các cán bộ cách mạng của chúng ta vẫn hoạt động mạnh mẽ vùng núi Cậu này. Nay, cách chùa Thái Sơn chừng 300 mét vẫn còn một Khu di tích của Trung ương Cục miền Nam. Trong thời gian kháng chiến gian khổ này, người có vai trò lớn giúp đỡ các chiến sỹ cách mạng chính là hòa thượng Đạt Phẩm. Khi hòa bình lập lại, chính hòa thượng này với một tâm huyết vô hạn đã quyết tâm xây dựng một ngôi chùa trên ngọn núi Cậu. Trải qua nhiều gian khổ không kém thời chiến tranh, một ngôi chùa bề thế với cái tên Thái Sơn đã được hình thành trên đỉnh núi. Từ đó đến nay, dù đường sá xa xôi, mỗi năm, chùa Thái Sơn-Núi Cậu luôn đón khoảng chục ngàn lượt du khách tới thăm, trở thành một khu danh thắng nổi tiếng nhất đất Bình Dương.
Đường lê‌n đỉn‌h núi Cậu
Thoát khỏi trần ai
Lần đầu đến Thái Sơn-Núi Cậu, tôi không đi theo con đường đơn giản là từ thị trấn Dầu Tiếng men theo tỉnh lộ 744 chạy ngược lên mà men theo lòng hồ Dầu Tiếng, chạy từ huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) sang. Đường đi khá vất vả nhưng được thong dong ngắm cảnh lòng hồ Dầu Tiếng, một công trình hồ nhân tạo lớn nhất khu vực Đông Nam Á cũng là một niềm vui thích thú. Qua khỏi con đập chính của hồ Dầu Tiếng (cũng là điểm đầu nguồn của sông Sài Gòn), chúng tôi bước vào địa phận tỉnh Bình Dương. Từ đây, men theo con đường nhựa phẳng lỳ với những khúc cua uốn lượn đặc trưng vùng đồi núi, thấy xa xa, chùa Thái Sơn-Núi Cậu nằm uy nghiêm giữa những cánh rừng già đại ngàn vẫn còn nhiều loài gỗ quý như Táu, Sến, Dầu... Từ cổng chùa, men theo con đường đổ bê tông với hai hàng tre, trúc trồng khéo léo để lê‌n đỉn‌h núi, cũng là nơi thờ Cậu.
Dừng chân ở gian chính điện của chùa Thái Sơn (khoảng lưng chừng núi), vừa đưa ly nước mát lành cho chúng tôi, hòa thượng Thích Tôn Hòa cười bảo, thí chủ vào đây rồi thì sang gian bên cạnh thắp cho hòa thượng Đạt Phẩm một nén hương để tỏ lòng thành kính với người. Theo sự chỉ dẫn của ông, chúng tôi men theo những bậc đá lên đỉnh núi. Đường lên ở phía sau chánh điện chùa Thái Sơn, gồm hơn 1.000 bậc tam cấp bằng đá xanh, cắt gọt cầu kỳ nhưng không nhẵn bóng. Đường lên quanh co, dích dắc nhưng khá dễ đi. Hai bên đường là rừng cây rậm rạp, không khí mát rượi, hăng hắc mùi lá ải. Thỉnh thoảng, dọc đường có những tảng đá rất lớn bên vệ đường. Ở lưng chừng núi có hàng quán giải khát và có võng cho khách nằm dừng chân nghỉ mệt.
Dường như, sau một bậc đá, không khí lại thay đổi một chút. Mát mẻ hơn, thanh tịnh và yên bình hơn. Cẩn thận dõi tầm mắt phía xa xa, mặt hồ Dầu Tiếng vẫn li ti gợn những đường cong vô định như một cõi vô vi thoát tục nào. Nhớ lời hòa thượng, chúng tôi tìm tới gốc sung già có tuổi đời hơn 300 năm để ngồi nghỉ ngơi, lấy lại sức trước khi vào lễ Cậu. Từ đây, toàn bộ dãy núi Cậu danh tiếng hiện ra nhấp nhô, trùng điệp như những chiếc bát úp khổng lồ xanh mướt tạo thành hình chữ U. Nếu tạo hóa là một nghệ sỹ đa tài thì bức tranh núi Cậu mà người dựng lên có thể coi là một kiệt tác. Ở đó, sự hài hòa kỳ lạ giữa thiên nhiên, con người làm nên một khung cảnh vừa gần gụi, vừa thiên thai thoát tục. Ở đời, nếu không lên cao có lẽ ít ai cảm nhận được thế giới thần tiên cũng chẳng có gì xa xôi lắm.
Hiện nay, chùa Thái Sơn Núi Cậu chính là một địa điểm thu hút du khách bậc nhất của vùng Đông Nam bộ này. Ngoài những lễ hội truyền thống như ngày lễ Phật đản, ngày lễ Mẹ, lễ viếng Cậu... nơi đây còn tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của đạo Cao Đài. Có lẽ không nơi đâu mà đạo Phật và đạo Cao Đài lại kết hợp hài hòa, ăn sâu vào tiềm thức tâm linh như ở vùng núi Cậu này. Có lẽ, đấy mới chính là nét đặc sắc nhất của vùng đất với một quần thể kiến trúc đan xen này.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật