Chỉ 5% dân số có tiền mua nhà

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Báo cáo đánh giá đô thị hóa ở Việt Nam do Ngân hàng thế giới công bố vào sáng 5/4 cho thấy, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam lên đến 3,4% mỗi năm. Mức độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh đang kéo theo những hệ quả xấu về giao thông, môi trường, đất đai…
Chỉ 5% dân số có tiền mua nhà
Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh khiến giá nhà đất vượt xa so với thu nhập của người dân. Ảnh IE

Ông Dean Cira, Chuyên gia trưởng về Đô thị, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho biết, hiện ở Việt Nam có khoảng 30% dân số đang sống ở thành thị, trong đó tập trung nhiều nhất ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Chính sự phát triển mạnh về dân số và mức độ đô thị hóa diễn ra nhanh đã khiến vấn đề nhà ở, giao thông, môi trường… đang ở mức đáng báo động.

Chuyên gia Dean Cira cho rằng, giá nhà đất nói chung, đặc biệt ở hai thành phố lớn Hà Nội, TPHCM đang quá cao so với thu nhập trung bình của người dân. Hiện chỉ khoảng 5% dân số ở Việt Nam có đủ tiền để mua nhà ở. Đây là vấn đề đáng báo động cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam.

Không chỉ lĩnh vực nhà ở, tốc độ đô thị hóa còn gây sức ép rất lớn đến vấn đề giao thông. Theo ông Dean Cira, hiện ở các thành phố lớn, phương tiện cá nhân, trong đó chủ yếu là xe máy được người dân sử dụng phổ biến. Ngoài ra vấn đề hạ tầng giao thông lại chưa được đầu tư thỏa đáng, càng kiến giao thông ở các thanh phố lớn trở nên nhức nhối.

Ngoài ra mức độ xử lý nước thải, chất thải rắn ở Việt Nam còn rất hạn chế. Chỉ tính riêng trên địa bàn hai thành phố lớn Hà Nội, TPHCM, tỷ lệ thất thoát nước đã lên đến 40%. Sự phát triển không đồng đều còn khiến khoảng cách giữa các đô thị lớn – nhỏ quá xa.

Đồng tình với nhận định trên, ông Đinh Trọng Thắng, Phó Trưởng ban nghiên cứu Chính sách đầu tư (viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) cho rằng, sự phát triển trên thị trường BĐS đang đi trước sự phát triển đô thị hóa. Tỷ lệ đất nông nghiệp bị biến thành đất ở đang diễn ra quá nhanh. Ngoài ra sự nở rộ của các khu công nghiệp, khu chế xuất, dẫn tới sự gia tăng đô thị hóa thứ phát.

Về lĩnh vực giao thông, ông Thắng cho rằng hiện cơ quan quản lý nhà nước đang xây dựng hạ tầng để phục vụ cho xe máy. Đến khi nâng cấp lên sẽ rất khó khăn, vì thế phải có tầm nhìn xa hơn nữa.

Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây Dựng) Phan Thị Mỹ Linh tỏ ra đồng tình với kết quả đánh giá đô thị hóa ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới thực hiện. Tuy nhiên bà Linh cũng cho rằng, tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam không chỉ ở Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM mà các tỉnh thành khác cũng có tốc độ phát triển rất mạnh.

Bà Linh ví dụ ở tỉnh Quảng Ninh hiện nay đã phát triển tới 5 đô thị. Tốc độ đô thị hóa ở Quảng Ninh đang cao nhất cả nước, lên đến 55%. Bên cạnh đó tại các thành phố khác như Hải Phòng, Cần Thơ…tốc độ đô thị hóa cũng đang rất cao. Ngoài ra tại các vùng nông thôn cũng đang là tiền đề cho tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam những năm tới.

Nhưng việc kiểm soát vấn đề đô thị hóa đang trở thành một thách thức không nhỏ. “Tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam phát triển nhanh nhưng chưa bền vững. Phải thực hiện chính sách nào để hạn chế những bất cập về giá đất đang gây lúng túng cho cơ quan quản lý. Hi vọng sau khi Luật đô thị ra đời sẽ đưa ra những chính sách quản lý sử dụng về quỹ đất đô thị một cách hiệu quả, bền vững hơn” – bà Linh cho biết.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật