BV Đa khoa Bình Định: Đau gì cũng chụp MRI

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Có phải vì máy móc chẩn đoán hình ảnh được mua từ nguồn vốn xã hội hóa do y bác sĩ, cán bộ bệnh viện góp nên nhiều bệnh nhân không cần phải chụp MRI, scanner vẫn được chỉ định chụp?
BV Đa khoa Bình Định: Đau gì cũng chụp MRI
Chảy nước mũi hả? Làm cái cộng hưởng từ rồi tính. Nguồn: Hí họa báo Trung Quốc

Ngồi chờ từ sáng sớm để chụp cộng hưởng từ (MRI), bà Cao Thị Tuần (xã An Phú, TP Tuy Hòa, Phú Yên) than thở: “Tui bị đau đầu mấy tháng rồi, nay đến khám tại bệnh viện (BV) này là lần thứ ba. Mấy bữa trước, bác sĩ chỉ định chụp cắt lớp (CT). Lần này họ bảo chụp MRI để xác định lại. Đi lại mệt mỏi và tốn kém quá!”.

Cứ nghe chỉ định “chụp” là… sợ!

Nhiều bệnh nhân nói rằng nỗi lo nhất khi đến BV Đa khoa Bình Định là các khoản chi phí lớn cho các dịch vụ kỹ thuật như chụp MRI, CT-scanner, các loại xét nghiệm… Phần lớn những người mắc các bệnh về cột sống, sọ não, xương khớp, vùng bụng, tim mạch... đều có thể được chỉ định chụp MRI với giá 2-2,5 triệu đồng/lượt. Bà Nguyễn Thị Út Lan (thôn Tân Thành, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, Bình Định) kể: “Tôi bị u nang buồng trứng, đây là lần thứ hai bác sĩ bảo chụp MRI để kiểm tra lại. Họ bảo sao thì mình làm vậy chứ mình đâu biết gì”. Tương tự, không ít bệnh nhân điều trị nội trú đã hai, ba lần chụp MRI hoặc CT-scanner trong một đợt điều trị. Ông Châu Đình Tăng (62 tuổi, ngụ xã Nghĩa An, huyện K’bang, Gia Lai) kể: “Tôi hay đau đầu do trước đây bị té. Đợt này tôi nằm điều trị đã gần một tháng. Lúc mới nhập viện, bác sĩ bảo chụp CT rồi chụp MRI, điều trị giữa đợt họ bảo chụp nữa để xác định bệnh kỹ hơn. Bây giờ bác sĩ bảo chụp lại để kiểm tra rồi cho xuất viện”.

Những năm gần đây, BV Đa khoa Bình Định thu hút khá đông bệnh nhân đến từ các tỉnh lân cận, nhất là các bệnh về não, cột sống, tai nạn giao thông... Theo một số bác sĩ, một trong những nguyên nhân là do phần lớn BV tại các tỉnh lân cận chưa có máy chụp MRI. Tại BV Đa khoa Phú Yên, ngay cả máy chụp CT- scanner cũng lúc hỏng lúc được nên phần lớn các trường hợp bị tai nạn giao thông đều đổ ra BV Đa khoa Bình Định. BS M., làm việc tại khoa Khám bệnh BV Đa khoa Bình Định, cho biết trong số bệnh nhân được chỉ định chụp MRI hoặc CT- scanner nhiều nhất là điều trị ngoại trú.

Chỉ định chụp để… tăng thu?

Nhiều thiết bị kỹ thuật cao tại BV Đa khoa Bình Định được mua sắm từ kinh phí đóng góp của cán bộ, y bác sĩ, công nhân viên BV này theo chủ trương xã hội hóa. Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Bình Định, trước đây BV Bình Định huy động gần 28 tỉ đồng từ cán bộ, công nhân viên để mua sắm 15 máy chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm để làm dịch vụ, thu phí. BV này xây dựng một trung tâm dịch vụ chẩn đoán riêng tại khoa Khám bệnh để sử dụng các thiết bị y tế được mua từ nguồn này.

Ông Phạm Mai, Giám đốc BHXH Bình Định, cho biết: “Sau một thời gian tạm lắng, gần đây tình trạng lạ‌m dụn‌g các dịch vụ kỹ thuật, nhất là chẩn đoán hình ảnh tại BV Đa khoa Bình Định tăng đột biến trở lại. Riêng trong năm vừa qua, quỹ khám, chữa bệnh BHYT tại BV Đa khoa Bình Định bị âm hơn 6 tỉ đồng, trong đó chủ yếu chi các dịch vụ kỹ thuật cao”.

Kết quả thanh kiểm tra mới đây của BHXH Việt Nam cho thấy có tình trạng chỉ định sử dụng các dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết tại BV Đa khoa Bình Định, nhất là các dịch vụ kỹ thuật đầu tư từ nguồn xã hội hóa. Theo một số cán bộ thẩm định của cơ quan BHXH, có nhiều bệnh chỉ cần siêu âm cũng có kết quả chẩn đoán tốt nhưng BV Đa khoa Bình Định vẫn chỉ định bệnh nhân chụp MRI như u nang buồng trứng, bướu giáp nhân, sán lá gan (có thể dùng huyết thanh chẩn đoán)… Ngoài ra, có nhiều trường hợp không cần thiết vẫn chỉ định chụp MRI như u xơ tử cung, hạch dưới hàm sau khi chọc hạch... Do đó, trong tổng quỹ khám, chữa bệnh BHYT tại BV Đa khoa Bình Định, một tỉ lệ lớn chi cho các dịch vụ kỹ thuật đắt tiền, nhiều nhất là chẩn đoán hình ảnh. Chẳng hạn, phần chi cho chụp MRI, chẩn đoán hình ảnh chiếm tới 49% trong cơ cấu chi phí khám, điều trị ngoại trú và chiếm gần 29% trong chi phí điều trị nội trú. Trong khi đó, các tỉ lệ này của cả nước chỉ ở mức 10%-12%.

Ông Phạm Mai nói: “BHYT không khống chế tỉ lệ bệnh nhân sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, cũng không áp đặt mức chi cho lĩnh vực này song vấn đề là bệnh viện phải điều trị đúng bệnh, phác đồ rõ ràng, sử dụng đúng dịch vụ, đúng quy trình… Tuy nhiên, qua nghiên cứu bệnh án, chúng tôi thấy việc thực hiện yêu cầu này đối với các dịch vụ kỹ thuật chưa thuyết phục”.

Còn theo ông Hà Thúc Chí, Phó Giám đốc BHXH Bình Định, hiện nay BV Đa khoa Bình Định còn có hiện tượng chuyển hóa từ các dịch vụ giá thấp sang dịch vụ giá cao để “hợp thức hóa” mức thu, các dịch vụ giá cao này chủ yếu sử dụng máy móc từ nguồn xã hội hóa. “Chẳng hạn trước đây BV thực hiện mổ u nang buồng trứng với mức 500.000 đồng nay chuyển sang mổ cắt khối u cắm sâu tử cung với mức 2 triệu đồng. Trên thực tế, hiệu quả điều trị của hai loại phẫu thuật này như nhau, chỉ có giới chuyên môn mới biết” - ông Chí cho hay.

lạ‌m dụn‌g để lấy tiền

Việc lạ‌m dụn‌g các dịch vụ kỹ thuật cao từ nguồn xã hội hóa rất đáng lo ngại. Tình trạng phổ biến là chạy theo lợi ích cá nhân quá lớn, dẫn đến lạ‌m dụn‌g các máy móc này, lạm thu của người bệnh. Họ dễ dàng lấy tiền trong khi người bệnh phải oằn vai cùng chi trả.

Ông PHẠM MAI,Giám đốc BHXH Bình Định

Ai nói BV lạ‌m dụn‌g máy móc xã hội hóa để thu tiền là nói tào lao. Khi Nhà nước không có tiền đầu tư, cán bộ, công nhân viên bỏ tiền mua sắm để điều trị tốt hơn. Toàn bộ việc chỉ định thực hiện các dịch vụ này, chúng tôi đều làm theo phác đồ điều trị.

Ông PHẠM TỴ,Giám đốc BV Đa khoa Bình Định

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật