Đời lái xe và m‌a tú‌y

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ khi vào trung tâm Giáo dục lao động và xã hội số 6 để cai nghiện, bây giờ sau 8 tháng Huy cảm thấy con đường đi trước kia của mình đã lạc bước quá xa. Anh mong muốn tập trung tinh thần thật tốt để bắt đầu một cuộc sống mới, về với mẹ già, người vợ và đứa con trai kháu khỉnh 2 tuổi.
Đời lái xe và m‌a tú‌y
Các học viên của trung tâm trong phòng may mặc.

Một buổi sáng mùa đông lạnh lẽo, cả khu trung tâm cai nghiện lưa thưa vài người thân đến thăm con cái mình đang được các cán bộ "cắt cơn" để đoạn tuyệt với ma túy. Trong số những học viên ở đây có nhiều người làm nghề lái xe ôtô bị nghiện. Theo tâm sự của họ, con đường dẫn đến nghiện thật đơn giản, chỉ vì sự a dua, đua đòi theo chúng bạn và một lý do khác chỉ là để "giải sầu" trên những tuyến đường dài.

Học viên Huy 29 tuổi, trú ở thị trấn Đông Anh, trước khi vào đây vốn là nhân viên lái xe tải cho một công ty TNHH. Anh thuộc dạng học viên bắt buộc, bị công an thị trấn đưa vào trung tâm để cai nghiện cách đây 8 tháng. Học viên này cho biết bản thân mình bị nghiện gần 3 năm nay. Không chỉ hút, hít, anh còn chích choác khắp mình. Anh không ngần ngại giơ cánh tay còn nguyên "dấu ấn" của những lần dùng kim tiêm chọc vào.

Theo lời kể của Huy, học xong nghề lái xe, nhận bằng, anh xin vào làm cho công ty X. lương tháng khoảng từ 1 triệu đến 3 triệu. Bạn bè cùng chỗ làm thường tụ tập nhau bia rượu, chơi bời. Trong những đồng nghiệp của anh có một số người bị nghiện nên khi đi chơi với nhau, họ thường mồi chài người khác thử "một lần không sao đâu". Lúc đó, Huy chưa có vợ nhưng cũng hiểu nếu vướng vào ma túy thì sẽ không dứt ra được nên anh không "chơi".

Lấy vợ, sinh cậu con trai đầu lòng, tiền nong làm được bao nhiêu phải đưa về. Lương lái xe vẫn chỉ có vậy trong khi cuộc sống nhiều thứ phải lo lắng hơn từ khi có con. Có vẻ như tính tình Huy cũng thay đổi, anh hay cáu bẳn và dễ bị "kích đểu". Trong lần bù khú với đám bạn, anh đã không ngần ngại "làm quen" với heroin. Một lần, hai lần rồi thành kẻ nghiện lúc nào không biết.

Mới đầu khi đưa tiền lương thiếu cho vợ, bị thắc mắc, anh viện lý do là vì xe hỏng, gây tai nạn phải đền tiền. Nhưng dần dần những thay đổi về thể trạng, cũng như tiền lương thiếu ngày càng thường xuyên, vợ anh nghi chồng nghiện. Cuối cùng cô biết được chồng bị "vật" thuốc khi đang ăn cơm. Và công ty chỗ Huy làm cũng phát hiện ra anh nghiện, họ cho anh thôi việc. Lúc này Huy đã nghiện nặng, chuyển từ hít, sang chích ven và anh bị công an khu phố bắt đưa đi cai nghiện ở trung tâm giáo dục lao động số 6.

Giờ lên lớp xóa mù chữ cho học viên của cô Trần Thị Thanh Thủy.

Khi tiếp xúc, Huy khoe bây giờ thấy mình khỏe khoắn hơn nhiều. Hàng ngày anh phải lên lớp học về pháp luật, làm hàng mã tại trung tâm. Sinh hoạt ở đây, Huy đã cảm nhận được cái quý giá của những đồng tiền mình làm ra. Hằng đêm, anh ít ngủ, vì thế nên có nhiều thời gian để suy ngẫm cuộc sống của mình trước đây.

Anh nói: "Hiện giờ, trong tâm trí tôi lúc nào cũng mong cố gắng cai, đoạn tuyệt hoàn toàn với heroin. Tôi biết mỗi người cần phải có bản lĩnh lắm mới thoát khỏi cái chết trắng này. Vì thế tôi chỉ sợ khi ra ngoài sống với vợ con sẽ lại bị lôi kéo. Tôi không muốn trở lại thành một "thằng nghiện" bị mọi người xung quanh rẻ khinh, đi đến đâu bị nhòm ngó, bị người khác đề phòng mình".

Thỉnh thoảng vợ anh đưa con trai vào trung tâm thăm nom, nhưng vợ chồng cũng chỉ biết động viên nhau mà thôi. Trong thâm tâm Huy, anh rất thương vợ vì giờ cô ấy phải tự minh bươn chải kiếm sống nuôi con và mẹ già. Hơn ai hết, Huy hiểu rõ đồng tiền kiếm ra nó khó khăn vì anh mỗi ngày kiếm được hơn chục nghìn cho trung tâm bằng công việc dán vàng mã.

Khác với Huy, học viên Trường chỉ mới vào trung tâm được hơn 2 tháng. Sau thời gian đó, Trường cũng có chung cảm nhận là sức khỏe của mình được nâng lên rõ rệt. Nhưng anh vẫn chưa ngủ được vì mới cắt cơn được hơn một tháng. Anh giải thích, đó là triệu chứng sau khi cắt cơn vật mà bất kỳ người nghiện nào cũng phải trải qua.

Học viên chuyển vàng mã vào kho sau khi đã buộc kỹ.

Trường năm nay 27 tuổi, sống ở huyện Từ Liêm, Hà Nội, anh bị nghiện từ hơn 9 năm nay. Vào trung tâm này để cai cũng thuộc diện bắt buộc, anh bị công an "tóm" được trong một vụ ăn cắp. Trường là dân lái xe tải hạng nhẹ cho gia đình.

Hơn 9 năm sống trong ma túy, không lúc nào Trường cảm thấy minh mẫn và khỏe khoắn. Anh ăn ít, tắm ít, ngủ ít, thức ăn chủ yếu hàng ngày là món "thuốc trắng". Trong tinh thần và suy nghĩ của Trường luôn ám ảnh phải xoay cho được tiền để mua thuốc chích. Tiền chạy xe thu được bị gia đình quản lý chỉ thi thoảng mới "chôm" được. Bố mẹ anh đã đưa con trai mình đi khắp nơi cai nghiện nhưng cứ cai được vài ngày là Trường lại trốn bỏ về nhà.

Có thời gian tưởng cai được rồi nhưng bạn nghiện không cho Trường cơ hội "thoát thân", họ lôi kéo bằng đủ mọi cách để anh tái nghiện. Thế là dăm lần bảy lượt đi cai Trường vẫn không thể bỏ được ma túy. Tiền không có, bọn bạn rủ Trường đi ăn cắp. Nhiều đêm cả bọn đảo liên tục khắp mọi chỗ xem nhà nào sơ hở để chôm đồ bán lấy tiền chích.

Nghiện nặng quá, Trường không còn biết mình là ai nữa. Ăn cắp đồ của gia đình, hàng xóm, rồi đến những khu trọ sinh viên, vào cả chung cư. Đến một ngày, Trường bị công an huyện Từ Liêm bắt khi đang chui vào nhà người khác ăn trộm và đưa vào trung tâm này cai nghiện.

Trường tâm sự, dạo chuyển từ hút, hít sang chích, biết nặng quá bố mẹ không cho lái xe nữa vì sợ gây tai nạn. Anh nói: "Có lúc đang lái xe, "vật" quá mắt nhắm mắt mở vẫn cố phải đi. Cũng may phụ xe của em biết lái nên bảo nó cầm vô-lăng hộ. Hồi mới nghiện, em không bao giờ để xảy ra tình trạng đó, vì mình có thể "điều chỉnh" cảm xúc thèm thuốc, biết rõ khi nào cần thuốc".

Ở đây, dưới sự quản lý của các cán bộ trung tâm, Trường phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt. Buổi sáng dậy tập thể dục, ăn uống rồi học các bài về pháp luật, sức khỏe và làm công việc giống như học viên Huy là dán vàng mã. Anh tâm sự thật lòng: "Em biết người nghiện lâu như em bảo cai nghiện được cũng rất khó. Bị bắt đưa vào đây, em cũng chỉ làm theo những điều các thày, các cô của trung tâm dạy bảo". Vừa nói, Trường vừa giơ những chỗ vết chích còn chưa "ngậm miệng".

Giám đốc trung tâm, anh Phùng Quang Thức cho biết, trên thực tế có nhiều trường hợp tái nghiện. Nguyên nhân được xác định là do nhiều yếu tố, trong đó môi trường sống rất quan trọng. Thường thì những người nghiện khi ra khỏi trung tâm đều cai được tuyệt đối. Nhưng không thể đảm bảo họ không còn nghiện, bởi vì nghiện thường do bị rủ rê. Khi về địa phương, tiếp xúc với bạn nghiện là dễ bị dính lại. Điều quan trọng, người ta phải tự rèn cho mình bản lĩnh cứng rắn.

Cả Huy và Trường đều biết rất rõ nghiện ma túy là gắn liền với căn bệnh thế kỷ AIDS. Nhưng vẫn "ngập" vào để rồi muốn nhấc chân ra là vô cùng khó khăn. Khi được hỏi về chuyện chích choác như vậy thì tự bản thân mình có sợ bị HIV/AIDS không, Huy trả lời chống chế : "Bình thường tôi dùng kim riêng để chích chứ không chung đụng với ai".  

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

(Theo Ngoi Sao )

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật