HN sẽ có xe buýt cho cán bộ công chức

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong năm 2012, thành phố Hà Nội đặt hàng 49 tuyến xe buýt, trong đó có cả tuyến buýt truyền thống và tuyến buýt chuyên trách phục vụ cán bộ công chức thành phố.
HN sẽ có xe buýt cho cán bộ công chức
Hà Nội đặt hàng 49 tuyến xe buýt

Hà Nội chi 1.230 tỷ đồng đặt hàng 49 tuyến xe buýt

Cũng trong ngày 7-2, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết đã có quyết định phê duyệt đặt hàng vận tải công cộng bằng xe buýt năm 2012 cho Tổng Công ty vận tải Hà Nội với tổng chi phí đặt hàng lên tới trên 1.230 tỷ đồng.

Theo đó, thành phố đặt hàng 49 tuyến xe buýt, trong đó có 44 tuyến xe buýt truyền thống và 5 tuyến buýt chuyên trách phục vụ cán bộ công chức thành phố.

Riêng trong số tuyến xe buýt truyền thống, có 10 tuyến được tổ chức vận hành theo hình thức buýt nhanh.

Số tuyến buýt nhanh có thể được thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn trong quá trình thực hiện theo quyết định của Sở Giao thông Vận tải, nhưng không được vượt tổng khối lượng đặt hàng.

Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đảm bảo thực hiện tốt các nội dung đặt hàng, giao trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị tổ chức việc giám sát, kiểm tra thực hiện đặt hàng theo các chỉ tiêu, nội dung hồ sơ đặt hàng, lập dự toán chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm căn cứ thanh toán theo quy định; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác đảm bảo an ninh, trật tự cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố.

Đồng thời Sở chủ trì phối hợp cùng liên ngành trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt phương án điều chỉnh giá vé vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt để áp dụng thực hiện trong năm 2012 và lộ trình điều chỉnh giá vé đến năm 2015.

Hà Nội xây dựng phương án tổ chức lại giao thông

Cũng trong ngày 7-2, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết trong năm nay, Sở sẽ tiến hành rà soát, sắp xếp, xây dựng phương án tổ chức giao thông tổng thể, đồng bộ cho thành phố Hà Nội nhằm khai thác hiệu quả mạng lưới đường hiện có và hạn chế thấp nhất tình trạng ùn tắc giao thông.

Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cùng các sở, ngành chức năng của thành phố triển khai một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn như thay đổi giờ học, giờ làm việc; cấm trông giữ phương tiện trên lòng đường, vỉa hè 265 tuyến phố; tổ chức phân làn cho phương tiện...

Kết quả bước đầu sau 7 ngày thực hiện đổi giờ học, giờ làm, tình hình giao thông đi lại trên các tuyến đường của thành phố đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt ở một số tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc, mật độ giao thông trong giờ cao điểm đã giảm đáng kể như đường Trường Chinh, Chùa Bộc, Tây Sơn, Phạm Ngọc Thạch, Đại La, Trương Định, Nguyễn Trãi, Nguyễn Lương Bằng, Xuân Thủy...

Ngã tư Lê Duẩn-Đại Cổ Việt

Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tình thế và bước đầu triển khai cũng đã gây xáo trộn đời sống người dân và vẫn còn một số điểm ùn ứ cục bộ đang được Sở và các đơn vị liên quan tiếp tục tháo gỡ để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Trong năm nay, Sở tiếp tục rà soát các điểm, nút giao thông có nguy cơ ùn tắc để có giải pháp tổ chức giao thông cụ thể, phù hợp với thực tế; thường xuyên kiểm tra, rà soát, bổ sung hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, biển hướng dẫn giao thông, sơn kẻ vạch hướng dẫn giao thông...

Ngoài ra, Sở sẽ triển khai xây dựng và thực hiện đề án quản lý giao thông thông minh cho đại lộ Thăng Long; nâng cấp trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông; tổ chức làn sóng xanh trên 14 tuyến đường trục chính đô thị kết hợp với việc tổ chức phân làn phương tiện nhằm duy trì trật tự an toàn giao thông trên các tuyến phố.

Cùng với các biện pháp tổ chức giao thông và quản lý điều hành giao thông, Sở Giao thông Vận tải cũng sẽ triển khai nghiên cứu lập đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

Trước mắt Sở sẽ khảo sát, nghiên cứu đề xuất thực hiện thí điểm hạn chế lưu thông một số phương tiện cá nhân hoạt động trên các trục đường chính hoặc trên các đường vành đai vào giờ cao điểm hạn chế ùn tắc giao thông và gián tiếp hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân.

Đối với 8 tuyến phố dự kiến tổ chức phân làn sau Tết Nguyên đán sẽ ưu tiên tuyến phố Trần Quang Khải- Trần Nhật Duật- Yên Phụ, sau đó tiếp tục tổ chức phân làn trên các tuyến phố còn lại để tách dòng phương tiện trên các tuyến đường chính có lưu lượng giao thông cao, tiến tới phân làn trên tất cả tuyến đường có đủ điều kiện để phân làn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật