Những thách thức của kinh tế Việt Nam 2012

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kiềm chế lạm phát nhưng vẫn duy trì tăng trưởng cao, tìm hướng đi mới cho cải cách doanh nghiệp nhà nước, thay đổi mô hình tăng trưởng... là những thách thức lớn của kinh tế năm nay.
Những thách thức của kinh tế Việt Nam 2012
Tiến sĩ kinh tế Phạm Minh Trí.

Kinh tế Việt Nam bước sang năm 2012 trong bối cảnh kinh tế thế giới không hứa hẹn sáng sủa hơn mà trái lại, nhuộm màu ảm đạm. Tình trạng nợ công ở các nước châu Âu, biến động chính trị ở châu Phi, sản xuất, thương mại, dịch vụ, đầu tư trên phạm vi toàn cầu đều sụt giảm. Các dự báo chỉ tiêu kinh tế của thế giới năm 2012 đều được điều chỉnh giảm so với trước. Giá dầu mỏ, vàng, lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng, lạm phát vẫn đang lan tràn trên nhiều nước với mức độ khác nhau. Tình hình trên đã tác động rất lớn đến kinh tế VN năm 2012 và các năm tiếp theo.

Trong bối cảnh trên, kinh tế Việt Nam năm 2012 đứng trước những cơ hội, thách thức vừa cũ, vừa mới đan xen, không dễ dàng vượt qua nếu chúng ta không có tư duy đổi mới thực sự về chính sách, chiến lược để có cách làm khác, vượt lên khỏi tư duy cũ, cách làm cũ, không dám thoát ra khỏi những nguyên lý, cơ chế không còn phù hợp với thực tiễn.

Kịch bản kinh tế Việt Nam 2012 với cái nhìn tổng quát như sau: thách thức lớn hơn cơ hội, khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Nếu chúng ta không kịp thời nắm bắt cơ hội, thay đổi tư duy, chính sách, có chính sách, biện pháp kinh tế phù hợp thay cho các biện pháp hành chính đơn thuần thì sẽ khó vượt qua những thách thức và đạt được kết quả mong muốn.

Cơ hội lớn nhất, bao trùm trong năm 2012 là: Ổn định kinh tế vĩ mô, thay đổi tư duy và chính sách. Có chính sách kinh tế phù hợp thay cho các biện pháp hành chính đơn thuần. Sang năm 2012 và một số năm tới, chúng ta phải hết sức coi trọng ổn định kinh tế vĩ mô, phải làm nhiều việc, trong đó có ưu tiên kiềm chế lạm phát, tái cấu trúc nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng…

Tình trạng lạm phát cao trong năm 2011 đã kéo nền kinh tế Việt Nam vào vòng xoáy khó khăn, bất ổn, tác động tiêu cực đến mục tiêu bảo đảm an sinh- xã hội và tăng trưởng, phát triển kinh tế. Mục tiêu năm 2012, kéo CPI từ 18% xuống dưới 10% thực sự là một thách thức lớn, trong khi các điều kiện, yếu tố, giải pháp cho mục tiêu này phần lớn vẫn còn nằm trong các nghị quyết, quyết tâm chính trị, chưa thực sự đi vào cuôc sống và mọi việc còn đang ở phía trước.

Giá điện đang chờ đến giờ G để tăng 4-5%, giá vé máy bay đang tăng lên đến mức 5 triệu đồng một lượt. Trong năm vừa qua, chúng ta đặt mục tiêu CPI dưới 7% với các giải pháp có vẻ rất hợp lý về mặt lý thuyết và với các biện pháp mang nặng tính hành chính, hơn là kinh tế, trong đó có biện pháp tăng giá một số mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường. Rốt cuộc, CPI đã tăng dần lên đến 8%, rồi 11,75%, 15% và 18%. Kinh nghiệm lớn nhất trong việc này là không thể kiềm chế lạm phát bằng các biện pháp hành chính đơn thuần, bình ổn giá một số mặt hàng, tăng giá một số mặt hàng thiết yếu.

Trong điều kiện lạm phát cao phải siết chặt tín dụng, thi hành chính sách tài chính "thắt lưng, buộc bụng" thì không ai có thể mơ tưởng đến tốc độ tăng trưởng cao nữa. Vì thế, mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% sẽ là thách thức không nhỏ, không dễ dàng vượt qua trong điều kiện hiện nay của nền kinh tế, như thiếu vốn cho sàn xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh kém của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế, những khó khăn, bất ổn của kinh tế thế giới, khu vực.

Hơn nữa, vừa ưu tiên kiềm chế lạm phát, vừa đạt tăng trưởng thì rất khó thực hiện đồng thời, trong khi mục tiêu nào cũng đều có những khó khăn, thách thức của nó. Những yếu tố truyền thống giúp tăng trưởng như: xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, du lịch, kiều hối... sẽ không còn phát huy tác dụng như trước đây.

Vốn và lãi suất ngân hàng cũng là thách thức lớn. Trong nhiều năm nay nền kinh tế Việt Nam đã vận hành với mức lãi suất ngân hàng cao nhất thế giới, lại không bảo đảm cung cấp vốn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã làm cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế sút kém so với các đối thủ cạnh tranh khác. Nhưng thời gian qua chúng ta vẫn loay hoay với các biện pháp vận động đồng thuận, đạo đức và các quy định về trần lãi suất cho vay, rồi trần lãi suất huy động... Rốt cuộc, vấn đề vốn và lãi suất vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa nên đây vẫn là thách thức đối với kinh tế vĩ mô, .

Thị trường ngoại hối và vàng, trong một thời gian dài chỉ chú trọng việc chống đầu cơ bằng biện pháp hành chính mà chưa quan tâm đúng mức đến bảo đảm cân đối quan hệ cung cầu, thỏ‌a mã‌n nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp, nhu cầu sử dụng vàng để cất trữ hay như một kênh đầu tư bình thường của người dân, hạn chế sử dụng vàng vật chất trong điều kiện đồng nội tệ bị mất giá… Cuối cùng nhà nước vẫn chưa quản lý được các thị trường này một cách ổn định như các nước trong khu vực và trên thế giới. Kinh nghiệm ở các nước cho thấy, chỉ có thể quản lý các thị trường này bằng biện pháp kinh tế phù hợp, chứ không chỉ bằng biện pháp hành chính chống đầu cơ, hạn chế nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.

Cải cách doanh nghiệp nhà nước là một thách thức gai góc. Vì chưa thoát ra khỏi tư duy không phù hợp về vai trò chủ đạo, dẫn dắt nền kinh tế của doanh nghiệp nhà nước nên chúng ta đã tỏ ra lúng túng trong việc quản lý, kiểm soát hoạt động đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế của loại hình doanh nghiệp này trong khi ban phát cho nó quá nhiều đặc quyền, đặc lợi.. Đây là một thách thức không dễ vượt qua trong tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Nếu chúng ta chưa từ bỏ tư duy không phù hợp về vai trò chủ đạo, dẩn dắt nền kinh tế của nó thì việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước lần này có nguy cơ rơi vào tình trạng "bình mới, rượu cũ" như các lần sấp xếp trước đây.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật