Chợ Việt trăm năm tuổi trên đất nước Chùa Vàng

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nằm sâu trong hẻm 11 đường Sam Sen, Bangkok, Thái Lan, khu chợ trăm tuổi của người Việt xa xứ tuy họp nơi đất khách nhưng vẫn giữ được nhiều nét cổ truyền của chợ phiên Việt Nam như chỉ họp vào chủ nhật, nhiều món ăn mang hương vị quê nhà…
Chợ Việt trăm năm tuổi trên đất nước Chùa Vàng
Bánh chưng của bà con Việt kiều ở Bangkok, Thái Lan (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Người Thái gọi nơi này là “bang Viet xảm xển,” có nghĩa “con đường nhà Việt.”

Hồn Việt xa xứ…


Hàng quán dọc con phố được bày bán theo kiểu phố đi bộ, hầu hết biển hiệu treo bằng hai ngôn ngữ Thái-Việt với đủ giọng của các vùng miền mời chào.

Đến đây, những người Việt xa xứ hay du khách sẽ được thưởng thức trọn vẹn không chỉ món ăn đặc sắc của các vùng miền mà còn cả bầu không khí nơi quê nhà. Những quầy hàng phở, bánh cuốn, bánh xèo, bánh bột lọc, bánh bèo, bánh canh giò heo… bốc khói nghi ngút, ngào ngạt thơm, thậm chí cuối dãy phố còn có hàng cháo lòng tiết canh.

Những ngày giáp Tết, quầy hàng của anh Nam lại có thêm thực phẩm cổ truyền dân tộc như bánh chưng, bánh tét, giò lụa… Chẳng phải vì lẽ đó mà chủ nhật tuần nào bà con Việt kiều ở các tỉnh lân cận cũng không hẹn mà gặp đều tập trung về đây ăn uống, mua sắm và điều họ mong mỏi hơn là được nói tiếng mẹ đẻ.

Nhờ nét quyến rũ riêng nên ẩm thực Việt ở khu phố này không hề “lép vế” trước những món ăn đã làm nên thương hiệu ẩm thực Thái trên thế giới. Mới 8 giờ sáng nhưng người đã chật như nêm cả khu phố chợ.

“Phiên chợ này không chỉ thu hút bà con Việt kiều mà ngay cả quan chức, cảnh sát Thái Lan cũng đến thưởng thức,” anh Nam nói.

Các bà nội trợ đến chợ phiên ra về không thể thiếu những bánh đa nem, bánh tráng phơi sương, bánh đa đỏ, cà pháo, mắm tôm, mắm ruốc, trà khổ qua, cà phê Trung Nguyên…

Hai chị em người Thái gốc Việt đứng bán những thực phẩm khô này cho biết, hàng chủ yếu nhập trực tiếp từ Việt Nam, còn giò lụa do một gia đình Việt kiều ở phía Nong Khai (đông bắc Thái Lan) làm chuyển xuống.

Nhưng thực khách cũng sành miệng lắm, đồ nào không phải do người Việt chế biến là biết ngay. Cũng nhờ độc đáo, hấp dẫn như vậy mà Báo Bangkok Post đã từng có bài viết về khu chợ này với tựa đề “Hương vị Việt Nam giữa lòng Bangkok: cũng đáng để đi chơi một buổi sáng chủ nhật.”

Gieo chữ trên đất khách

Phố chợ sáng Chủ nhật còn ngân vang tiếng chuông từ Nhà thờ Thánh Francis Xavier. Bác Liên (73 tuổi) được xem là người Việt cao niên nhất còn sống ở vùng đất này, cho hay đây cũng là nhà thờ của người Việt.

Kỷ yếu của nhà thờ có ghi nhà thờ xây dựng từ năm 1820 và trùng tu năm 1903, thời vua Minh Mạng trên khu đất do đích thân vua Rama 3 của Thái Lan cấp riêng cho cộng đồng người Việt tại đây. Mặt tường trong nhà thờ còn nhiều mảng chạm khắc bằng chữ Nho.

“Không chỉ nhà thờ mới lâu đời mà chợ phiên này cũng vậy, cũng phải hơn trăm năm rồi. Từ ngày những người Việt đầu tiên tha phương sang đây lập làng thì đây là làng người Việt duy nhất còn tồn tại đến bây giờ ở Thái Lan,” bác Liên nói.

Trước những năm 1960, có đến hơn 300 gia đình người Việt sinh sống ở khu phố này nhưng sau đó do một số chính sách thay đổi của chính quyền Thái Lan đã khiến rất đông người Việt bị phải trở về nước.

Để các thế hệ con cháu sinh ra trên đất khách không quên tiếng mẹ đẻ, từ năm 2006 bà con Việt kiều đã mở hẳn trung tâm tiếng Việt (nằm trong hệ thống Trung tâm Phương Đông), có giáo trình và kiểm tra trình độ thường xuyên với phương pháp dạy khá bài bản.

Tìm đến Trung tâm này ngoài bà con Việt kiều, các em nhỏ theo bố mẹ sang Thái Lan làm ăn mà còn có cả người ngoại quốc.

Là người đồng sáng lập Trung tâm chị Đỗ Thúy Hà, cho biết người Việt ở Thái Lan nhiều lắm nhưng ít có nơi để tập hợp. Ngoài mục đích giúp bà con học tiếng Việt, đây còn là nơi để giao lưu, trao đổi văn hóa quê nhà.

Chính vì vậy, cứ cuối tuần không chỉ học viên đến học mà bà con Việt kiều cũng chọn nơi này làm điểm đến để đọc báo, xem phim Việt Nam, trò chuyện bằng tiếng Việt hay thậm chí chỉ là ngồi uống chén trà, ly càphê mang hương vị quê nhà.

chia tay cộng đồng người Việt trên đất Thái, chợt nhớ câu nói của học giả Phạm Quỳnh cách đây gần thế kỷ từng viết: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn/ Tiếng ta còn, nước ta còn.” Và giờ đây có lẽ nên thêm rằng, còn thức ăn ta, còn người ta./.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật