Năm châu đón Tết

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm mới đến, người dân khắp nơi trên thế giới tổ chức đón mừng. Câu đầu tiên mà mọi người đều nói khi gặp nhau vào ngày đầu tiên của năm mới, đó là “Chúc mừng năm mới”.
Năm châu đón Tết
Cây thông Nô-en không thể thiếu trong những ngày Tết ở Nga.

Năm mới đến với mọi người ở các nước khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Không phải năm mới ở đâu cũng phảng phất hương vị cây thông và tuyết trắng. Ở mỗi nước khác nhau có những cách chào đón năm mới theo các phong tục truyền thống riêng. Có bao nhiêu dân tộc là có bấy nhiêu phong tục năm mới, từ ngắm pháo hoa đến thưởng thức các món ăn đặc biệt.

Nga

Người Nga ở đâu cũng muốn được đón năm mới với cây thông Tết trong nhà. Trang hoàng cây thông Tết là công việc thích thú của người Nga. Nhiều gia đình cha mẹ cùng con cái tiến hành, cũng có nhà chỉ có người lớn trang hoàng thông khi trẻ ngủ, để sáng mùng một, chúng có một niềm vui sướng bất ngờ: Nhìn thấy trong nhà một cây thông tuyệt đẹp. Một đặc trưng nữa trong lễ Tết ở Nga là việc ông già Tuyết và bà chúa Tuyết tặng quà cho trẻ em.

Anh

Tuy ở Anh lễ đón năm mới không được tổ chức long trọng như lễ Giáng sinh, nhưng vẫn có nhiều hoạt động chúc mừng năm mới theo phong tục tập quán riêng. Vào đêm cuối cùng của năm cũ, người ta tụ tập ở quảng trường Tra-pha-ga và Pi-ca-li Xơ-cớt, hay quanh những nơi có thể nghe được tiếng chuông đồng hồ Big Ben ở Thủ đô Luân Đôn báo hiệu năm mới đã đến.

Đêm giao thừa, người Anh mang rượu và bánh ngọt đi chúc Tết. Người Anh không gõ cửa mà tiến thẳng vào nhà bạn bè hoặc người thân. Theo phong tục của người Anh, sau giao thừa, người đầu tiên bước vào nhà xông đất sẽ báo hiệu năm mới tốt lành hay xui xẻo. Nếu người khách đầu tiên là đàn ông tóc đen hoặc là người vui vẻ, hạnh phúc và giàu có thì chủ nhà cũng may mắn cả năm. Nếu người khách đầu tiên là cô gái tóc vàng nhạt hoặc là người u buồn, nghèo khó, bất hạnh chủ nhà sẽ gặp nhiều tai họa và khó khăn trong năm mới. Người đến làm khách trong đêm giao thừa trước khi nói chuyện phải cời lửa bếp lò, chúc chủ nhà “mở cửa gặp may”.

Một trò chơi dân gian của Đức trong dịp lễ hội.

Đức

Lễ đón năm mới ở Đức kéo dài trong một tuần. 15 phút trước giao thừa, mọi người đều ngồi yên trên ghế, khi chuông đồng hồ điểm, họ đều nhảy xuống khỏi ghế và ném một vật nặng ra phía sau coi như vứt bỏ mọi khó khăn, hoạn nạn để bước vào năm mới. Trẻ em tập hợp thành những nhóm nhạc với những chiếc kèn Harmonica và phong cầm đem đến một bầu không khí náo nhiệt trên khắp các đường phố. Người lớn thì cầm trong tay những lá cờ rực rỡ màu sắc theo sau ca hát đón chào năm mới.

Ở nông thôn Đức còn lưu giữ một phong tục cổ xưa, đó là “thi leo cây”. Các chàng trai thi nhau trèo lên những cái cây nhẵn bóng, người leo giỏi nhất được coi là “anh hùng năm mới”.

Pháo hoa tưng bừng trong ngày đầu năm mới ở Mỹ.

Mỹ

Vào đêm 31-12, hàng ngàn người Mỹ tập trung ở Quảng trường Thời Đại. Họ đứng sát bên nhau cùng đón chờ khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Khi mọi người cùng hô to đến giây cuối cùng cũng là lúc một quả cầu thuỷ tinh đẹp mê hồn rơi xuống. Lúc quả cầu chạm đất là thời khắc mọi người hô vang lời chúc mừng năm mới: “Happy New Year!”, đồng thanh cất lên những giai điệu tuyệt vời của bài hát truyền thống và tung những mảnh giấy nhiều màu sắc lên trời.

Rất nhiều người Mỹ đón mừng năm mới với những bữa tiệc tổ chức tại gia đình hay tập trung ăn uống ở những điểm công cộng. Khi chuông đồng hồ điểm đúng 12 giờ đêm, họ ôm hôn nhau, nhảy múa theo những điệu nhạc vui vẻ và cụng ly chúc nhau những điều tốt đẹp nhất. Điều thú vị là ở chỗ, có nhiều người mặc trang phục và ăn những đồ ăn đặc biệt. Những người mong muốn tìm thấy tình yêu thực sự thường chọn những bộ đồ màu vàng, còn những người hy vọng kiếm được nhiều tiền thì mặc trang phục màu bạc.

Người dân Cô-lôm-bi-a nhảy múa đón năm mới.

Cô-lôm-bi-a

Đốt “ông năm cũ’’ là một phong tục đón năm mới ở nhiều thành phố tại Cô-lôm-bi-a. Nghi lễ này đòi hỏi sự tham gia của toàn thể gia đình. Đây là việc làm rất vui, mọi người thường làm một con búp bê nam đại diện cho năm cũ. Sau đó, họ nhồi búp bê bằng nhiều vật liệu khác nhau và bằng những thứ họ không muốn dùng nữa. Thông thường, con búp bê mặc quần áo cũ của các thành viên trong gia đình.

Vào đêm Giao thừa, người Cô-lôm-bi-a sẽ đốt con búp bê. Hành động này biểu trưng cho việc thiêu rụi những gì không mong muốn trong quá khứ và tất cả sẵn sàng đón nhận năm mới vui vẻ.

Pháp

Người Pháp dùng rượu đón năm mới. Mọi người bắt đầu mở tiệc ăn uống từ đêm giao thừa đến 3-1 mới kết thúc. Sáng sớm ngày mùng 1, mọi người đều xem hướng gió. Nếu là gió Nam thì năm ấy mưa thuận gió hòa, năm mới sẽ bình an. Nếu là gió Tây sẽ là năm nghề cá và nghề vắt sữa bò phát đạt. Nếu là gió Đông thì năm đó hoa quả được mùa, còn nếu là gió Bắc thì đó là năm mất mùa.

Tháp Ép-phen (Pháp) rực rỡ trong ngày Tết.

Gha-na

Người Gha-na không đón Tết với cây thông trong nhà mà làm những ngôi nhà nho nhỏ bằng lá dừa, dùng bóng đèn trang trí, rồi dựng khắp nơi trên đường phố. Thanh niên nam nữ tới các ngôi nhà đón xuân đó, hát hò vui vẻ. Trong các căn nhà ấy, cả gia đình quây quần bên mâm cỗ. Món ăn ngày Tết được ưa thích nhất là gà trống rán. Vào lúc nửa đêm, những ai cãi cọ nhau trong năm cũ đều giải hòa với nhau, xóa đi mọi nỗi bực bội. Theo tục cũ, đúng vào lúc nửa đêm, vang lên một tiếng thét lớn. Người ta cho rằng: Cần thét đuổi những gì của năm cũ. Nếu trong năm trước, gia đình gặp xui xẻo: Phải la thét và khóc lóc; nếu có nhiều niềm vui - cần thét mừng. Vào 4 - 5 giờ sáng, người Gha-na đi thăm chúc mừng những người ruột thịt và bạn bè thân quen. Khi tới chúc mừng, họ phải kể về những bất hạnh và niềm vui của bản thân trong năm ngoái.

Ai Cập

Dù biết từ trước là năm mới sẽ đến, nhưng người dân nơi đây vẫn ngóng đợi lúc mặt trăng có hình lưỡi liềm và sự tuyên bố bắt đầu năm mới. Thông điệp năm mới bắt đầu được phát ra từ nhà thờ Mu-ham-mét A-li ở Cai-rô. Các thủ lĩnh tôn giáo sẽ lan truyền tin này tới dân thường. Những người này trước đó đứng đợi bên ngoài nhà thờ sẽ chúc mừng lẫn nhau. Sau đó, họ về nhà kể cho gia đình mình nghe và ăn một bữa đặc biệt mừng năm mới. Ngày hôm ấy, ngay cả gia đình nghèo nhất cũng cố tổ chức một bữa ăn thịnh soạn.

Năm mới tới, ai cũng mặc đồ đẹp. Ngay cả những cô gái ngày thường chỉ mặc trang phục đen theo quy định của Hồi giáo thì lúc đón tân niên cũng được phép mặc những bộ quần áo nhiều màu rực rỡ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật