Biến phế phẩm thành hàng “độc”

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chẳng cần công nghệ hiện đại hay nhà máy hoành tráng, những phế phẩm trong thùng rác qua tay các “nghệ nhân không chuyên” bỗng biến hóa linh hoạt với nhiều công dụng bất ngờ
Biến phế phẩm thành hàng “độc”
Kỹ sư ngư - y Trần Đoàn Thảo, người “chuyên trị” các loại phế phẩm từ gỗ và máy tính.

Tại buổi họp báo giới thiệu về Hội Hoa Xuân năm 2012 của khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng – TPHCM, đơn vị tổ chức đã đưa ra một thông tin thú vị: Hội Hoa Xuân năm nay có một điểm nhấn độc đáo hơn các năm khác: Gian hàng trưng bày… rác. Chúng tôi đã tìm đến Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ - Xuất nhập khẩu Lê Thanh, nhàtổ chức sự kiện và là đơn vị thực hiện các dịch vụ môi trường, cảnh quan trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng, để tìm hiểu và thỏa trí tò mò.

Tái sinh... rác

Đang giờ nghỉ trưa nhưng nhiều nhân viên Công ty Lê Thanh vẫn hí hoáy giữa “rừng” phế liệu: chai lọ, bao bì, mảnh kim loại… chất chồng, chegiữa bàn làm việc và tủ hồ sơ. Một nam nhân viên đang cho cát vào 2 chai nhựa PET, khoan khoan, dán dán… Khoảng 20 phút sau, mộtchiếc đồng hồ cát “không đụng hàng” xuất hiện. Một nữ “nghệ nhân không chuyên” khác đang bận rộn bên đống đồnghề tưởng chỉ dành cho nam giới: cưa, búa, đinh ốc, máy bắn keo…

Cô kỹ sư ngư - y Trần Đoàn Thảo, nhân viên Công ty Lê Thanh, được giới thiệu là người “chuyên trị” các loại phế phẩm từ gỗ và máy tính: màn hình, chuột, bàn phím… để tạo thành các loại hồ thủy sinh. “Tôi làm được 8 cái rồi, hồ nước ngọt, nước mặn đủ cả. Cá và các loài rong tảo sống ngon lành” - Thảo khoe. Đúng như Thảo nói, trước mặt chúng tôi là nhiều loại cá màu sắc sặc sỡ đang bơi lội trong những bể được làm từ màn hình máy tính để bàn - loại rác điện tử đang gây đau đầu và thách thức về công nghệ xử lý cho nhiều nhà quản lý không chỉ ở Việt Nam mà còn cả thế giới.

Trên 200 sản phẩm với 50 chủng loại đang được các nhân viên công ty gấp rút hoàn tất để trình làng tại Hội Hoa Xuân vào ngày 16-1 tới. Tất cả đều làm từ rác thải sinh hoạt được công ty thu gom trong khu đô thị. Dẫn chúng tôi đi chiêm ngưỡng thêm kho thành phẩm, ông Phan QuốcThanh, Giám đốc Công ty Lê Thanh, tự hào: “Ông bố vứt máy tính, chúng tôi có hồ cá. Bà mẹ vứt chai dầu dùng hết, chúng tôi có lọ hoa. Em nhỏ vứt que kem, chúng tôi có khung ảnh… Vậy mà toàn hàng “độc” đó nhé, đố quý vị kiếm đâu ra nơi thứ hai có những món này!”.

Quả thật, từ rác sinh hoạt, nhân viên công ty đã chế tạo thành những đồ vật rất bắt mắt, từ các vật dụng trong nhà: đèn đọc sách bằng que kem, đồng hồ từ chuột máy tính…, đến ngoại thất trang trí sân vườn: ghế ngồi bằng vành xe, ghế bố bằng vỏ chai rượu, bàn bằng lốp xe… Có cả đồ trang sức dành cho chị em phụ nữ: túi xách, dây nịt… bằng khoén nắp đồ hộp. Mỗi đồ vật khiến chúng tôi bất ngờ, thích thú theo một cách riêng.

Tận dụng đồ phế thải thì khá nhiều người đã thực hiện nhưng chẳng mấy ai nghĩ đến việc “thổi” vào chúng một hình hài mới, những giá trị mới mà đôi khi cao hơn giá trị cũ. Chúng tôi chú ý đến dải phân cách làm từ lốp xe tải, theo lời của ông Thanh là có tính đàn hồi, sẽ giảm được thương tích nếu phương tiện và người lưu thông va đập vào. Tuy chưa được kiểm chứng chất lượng hay hiệu quả nhưng có lẽ ý tưởng về một dải phân cách “mềm mại” sẽ rất có ích đối với những người làm công tác giao thông, để giảm thiểu những thương vong do va đập trên đường phố.

Làm theo “quốc sách”

Ông Thanh cho biết ban đầu, công ty dự kiến mỗi chủng loại chỉ làm một sản phẩm để trưng tại gian hàng trong Hội Hoa Xuân. Tuy nhiên, khi thấy ý tưởng được các nhân viên hưởng ứng quá nhiệt tình, khối lượng sản phẩm nhiều hơn so với dự định mà ngoài thị trường vật giá tăng cao nên công ty đã quyết định bên cạnh việc trưng bày sẽ dùng chính các sản phẩm này để trang trí trong lễ hội.

“Ví dụ, một chiếc đèn lồng trang trí hai bên đường, nếu đi mua sẽ tốn khoảng 50.000- 60.000 đồng/chiếc. Thay vì mua, chúng tôi dùng “cây nhà lá vườn”: từ những chiếc đĩa giấy dùng một lần, kết thành những đèn lồng, bên ngoài đính thêm những chiếc CD - cũng là vật thải bỏ - giá thành chưa đến 1.000 đồng/chiếc, chất lượng không kém cạnh mà mẫu mã lại khá độc đáo. tiết kiệm là quốc sách mà! Vả lại, cũng phải chứng tỏ cho mọi người thấy sản phẩm của chúng tôi xài được chứ không chỉ để trưng làm cảnh thôi” - ông Thanh bày tỏ.

Ông Thanh chứng minh với thùng rác kiểu bằng lốp xe, tổng chi phí đầu vào bao gồm cả tiền bồi dưỡng cho công nhân thu gom, sơ chế chỉ khoảng 130.000 đồng nhưng từ năm 2009 đến nay, công ty đã xuất hơn 200 cái với giá 350.000 đồng/cái. Người mua cứ rỉ tai nhau, năm nay công ty cũng đã có đơn đặt hàng mới.

Dải phân cách làm từ lốp xe tải. Ảnh: THU SƯƠNG
“Vậy các sản phẩm sau khi trưng bày tại Hội Hoa Xuân sẽ được phát triển thêm để bán?” - chúng tôi thắc mắc. Ông Thanh cho biết công ty vẫn chưa nghĩ đến vấn đề này. “Trên 30 tấn rác thu gom được mỗi ngày, chúng tôi có thừa nguyên liệu. Tuy nhiên, Công ty Lê Thanh không phải là đơn vị sản xuất đồ gia dụng mà hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Vì thế, mục tiêu chính của công ty khi tái chế các sản phẩm từ rác thải là để tuyên truyền mọi người bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thôi. Nếu muốn bán sản phẩm, có lẽ chúng tôi đã không công khai trưng bày ý tưởng và sản phẩm của mình. Thậm chí, ai muốn học cách làm, chúng tôi sẵn sàng chỉ, không giấu giếm” –ông Thanh khẳng định.

Theo ông Thanh, phần lớn nhân viên công ty là những kỹ sư, cử nhân trẻ tuổi, họ có tài và nhiệt huyết nhưng còn rụt rè, chưa dám cống hiến. Ban giám đốc cũng muốn nhân cơ hội này để động viên và đem lại sự tự tin cho họ khi làm việc trong công ty cũng như ngoài xã hội. Họ làm ra những sản phẩm với nhiều diện mạo khác nhau, họ sẽ nghiệm rằng giá trị là do con người tạo ra.

Xanh hôm nay và mai sau

Người khơi mào ý tưởng này là chị Vũ Thị Hồng Chinh, Trưởng Phòng Tổng hợp Công ty Lê Thanh. Là kỹ sư môi trường, Chinh khá quan tâm đến chương trình tái chế và phân loại rác thải của TPHCM. “Tôi cho rằng ý thức của người dân là quan trọng nhất để thực hiện chương trình này. Không gian của Hội Hoa Xuân, nơi tập trung được khá nhiều người đến tham quan, là một cơ hội tốt để tuyên truyền cho họ lợi ích, sự cần thiết của việc phân loại rác cũng như tái sử dụng tiết kiệm tài nguyên. Tuy nhiên, tuyên truyền, kêu gọi chung chung mọi người sẽ không nhớ, phải có sự kiện ấn tượng để minh họa cho những lợi ích ấy. Cuối cùng, tôi và nhiều kỹ sư môi trường nghĩ đến cách trưng bày những sản phẩm hữu dụng làm từ chính rác thải của hộ gia đình vì trước kia công ty từng tận dụng vỏ xe thải bỏ để làm thùng đựng rác đặt trong các vườn cảnh. Những sản phẩm này sẽ mang đến cho người xem một thông điệp: Xanh hôm nay và mai sau. Thật may vì ban giám đốc công ty đã ủng hộ” - chị Chinh tâm sự.

Vậy là từ lãnh đạo đến tất cả nhân viên công ty đều được khuyến khích để đóng góp thiết kế và định hướng các loại rác cần sử dụng. Trên cơ sở đó,nguyên liệu được các công nhân thu gom từ khu đô thị Phú Mỹ Hưng, phân loại và xử lý sơ bộ rồi đưa về cho nhân viên công ty tạo sản phẩm. “Chúng tôi tranh thủ giờ nghỉ để làm sản phẩm, không khí công ty nhộn nhịp như Tết đến sớm. Thậm chí, có bạn còn đem về nhà làm vì hình như ai cũng xem đó là một cách để giải trí, để thỏa sức sáng tạo” - chị Nguyễn Thị Thanh An, Trưởng Phòng Marketing Công ty Lê Thanh, tiết lộ.

Chỉ những que kem mà có thể làm được rất nhiều món đồ xinh xắn và hữu ích: khung tranh, đèn ngủ, đèn lồng, chậu hoa…. Que kem bỏ đi có thể thay gỗ, thủy tinh hay nhựa dẻo.
Đừng vội nghĩ món đồ nào đó đã hết giá trị sử dụng, đôi khi không còn giá trị này chúng vẫn còn nhiều giá trị khác.

Con người phải sử dụng tiết kiệm bởi lẽ tài nguyên thiên nhiên không còn nhiều. Đó chính là thông điệp mà CBNV Công ty Lê Thanh gửi vào 200 sản phẩm của mình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật