Chuyện chưa kịp kể

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mấy hôm nay, thiên hạ chưa ngớt bàn tán về cái chết của lão Hợi. Lão nằm chết cứng queo qua một đêm ngay trước cổng nhà lão, trên tay còn cầm chặt chiếc dép nhựa tổ ong với gương mặt tức tưởi. Có người độc mồm bảo lão bị ma bắt...
Chuyện chưa kịp kể
Ảnh minh họa

Những ngày nghỉ, Lân thường tạt qua nhà hàng xóm chơi, lúc hầu bác Tài ván cờ tướng, lúc bàn chuyện xe pháo thời thượng với mấy ông đồng niên… Lân quan hệ hàng xóm cũng là vì sắp lên chức đến nơi. Hàng xóm biết mặt thật, nhưng người ta có nhắc đến với vai trò đảng viên quan hệ tốt với quần chúng nơi cư trú không lại là nhẽ khác. Chính cái lão Hợi là cái lão phức tạp nhất ở khu xóm này. Từ vài tháng nay, lão bị ma quấy quả, không ngủ được nên người gầy xọm đi. Đi ngủ làm một cút tửu mà ngủ cũng chẳng yên, hễ đặt mình là lại nghe thấy tiếng ném gạch, sỏi trên mái nhà. Lão tỉnh dậy, bước ra sân nghe ngóng thì  tiếng động lại im bặt. Vợ lão đi xem bói, thầy bảo về sắm lễ rồi tạ đất, tạ mộ cho cẩn thận sẽ qua.

Mụ vợ vốn là người không tín và cũng ít cúng bái, lại tiếc tiền mời thầy về cúng,  sắm lễ như thầy dặn. Được một tháng nay yên ổn, giờ ma nó lại đến hành. Mà chỉ hành mỗi lão thôi mới nhục chứ. Lão gọi mụ dậy nghe ngóng. Mụ ngái ngủ ngáp liên tục, ra sân nhòm ngó rồi chửi đổng mấy câu cho lão yên lòng. Có hôm, mụ tè một bãi ra sân, vặt cành dâu rẩy khắp sân rồi quay vào bảo lão: "Đầu ông có lẫn không đấy! Nốc rượu cho lắm vào mà thần kinh rồi đấy!".

Nói xong, mụ tếch lên giường, đánh một giấc đến sáng nhẹ tênh. Sáng dậy, cắp làn đi chợ đến trưa mới về. Mụ cứ béo phây phây ra, còn lão cứ còm cõi đến nhược người.

Đến cái hôm rồi, lão nghe rõ có tiếng người đàn bà bế con khóc nỉ non ở đầu cổng nhà lão. Lão bước ra quát tháo, chửi bới thì lại im lìm chỉ có tiếng gió đưa đẩy mấy cái cây cảnh trước sân. Lão lại gọi mụ dậy. Mụ ờ ờ, dụi mắt, nghe ngóng. Lại có tiếng "cạch" một cái từ phía sau nhà. Lần này thì vợ lão cũng nghe thấy thật. Mụ lồm cồm ra khỏi màn, thắp nén hương rồi lầm rầm khấn.

Sáng hôm sau mụ đi tìm thầy xem xét. Thầy phán: "Hồi trẻ, ông nhà bà có ăn nằm với một người đàn bà, khiến người ta mang bầu rồi bỏ chạy. Thế là mẹ con nhà người ta uất quá t‌ּự vẫ‌ּn. Giờ mẹ con người ta về hành đó thôi!". Nói xong, mặt thầy lạnh te…

Vừa thương chồng vừa nhen lên lòng ghen tuông, mụ trở về hỏi dồn lão có chuyện đó không? Lão ú ớ bảo không nhớ được. Mụ càng điên tiết…

*

Hồi hai nhà chưa kín cổng cao tường, nhà Lân và nhà lão Hợi cũng chung một một hàng rào găng gai.

Lão Hợi là người cần mẫn nhất xóm. Việc đồng áng nặng nhọc trông cả vào tay lão. Vợ lão chỉ dược cái "giỏi đẻ". Năm con "vịt giời" liền tù tì, lại thêm mấy bận sảy thai. Có lần bên này rào, Lân nghe rõ cô dân số xã đến vận động, lão cười hơ hớ: "Ơ hay! Đẻ là việc của nhà tôi, chả ảnh hưởng gì đến các anh các chị sất!". Bất ngờ lão vỗ mông cô cán bộ trẻ: "Ngon vậy, đẻ giúp anh thằng cu". Cô này kêu oai oái, xấu hổ tím mặt.

Nhớ lần bên nhà lão có tiếng léo nhéo vui vẻ. Lân nghiêng mắt nhìn qua hàng rào, thấy cái Thêm đặt rổ rau lợn xuống thềm, tay xách con ếch lên khoe:

- Thầy ơi, con ếch này làm thế nào thầy?

- Ờ, béo phết đấy, làm chả với lá lốt con ạ.

Lúc sau, mùi chả ếch nướng lá lốt toả sang thơm nức đến phát thèm. Lát sau, nghe cái Thêm thút thít:

- Con ếch đó là con bắt về chứ, thầy ăn hết rồi!

- Thôi con ạ, thầy mày đang uống rượu...

Dưới chân hàng rào cắm thêm cành dâu từ bao giờ đã lên xanh và ra quả chín. Mùa dâu chín đến bất ngờ. Những quả dâu đầu tiên như con sâu xanh rồi rụng tua phấn, ngả sang màu trắng rồi ửng hồng, chín thẫm. Bọn trẻ hai nhà thi nhau ra vặt ăn không hết. Từng cái lưỡi sẫm đỏ vị ngọt chua của dâu, gặp nhau lại trò chuyện vui như sáo. Bố Lân mang về mấy cân đường, mẹ làm si-rô dâu ngon lắm. Nước dâu ngọt uống sướng tận cuống họng. Có đôi khi uống xong, liếm mép còn thấy vị chua thanh ngòn ngọt. Cứ đợi bố mẹ đi vắng, mấy anh em Lân mới chắt ra cái bát. Cả bọn xì xụp chơi trò bán hàng nước. Tiền bằng lá cúc tần mua nước si-rô. Chỉ loáng một cái bát nước si-rô đã hết. Trong tay em gái Lân chỉ còn toàn lá cúc tần. Nó cầm cái bát nhẵn thín, chưng hửng, tiếc rẻ. Bà mẹ biết chuyện mắng cho mấy đứa con dại khờ một trận, cấm không cho chơi với mấy đứa con nhà lão Hợi khôn vặt, láu cá.

Ruộng nương mãi chẳng đủ ăn, lão quyết đổi sang nghề đi mua đồng nát. Lão đứng đâu là cả đám trẻ con tụ tập vây quanh đó. Đứa nào cũng có vài thứ chìa ra cho lão. Đầu quấn chiếc khăn đỏ, bụng buộc ngang lưng chiếc khăn len, tay cầm kiếm múa liên hồi, khi dừng miệng hát những điệu chèo cổ, lão hát đi hát lại đến mức bọn trẻ chẳng hiểu đó là tích chèo nào nhưng đều thuộc: "Tạo hoá xoay vần í i/ Qua cơn bĩ cực, có ngày thái lai/ Trời chung trời chẳng riêng ai/ Vun trồng cây đức ắt tài nên nhân/ Hễ ai có phúc có phần/ Giầu nghèo tại số, gian truân bởi trời...ớ ơ...".

Bọn trẻ khoái chí vỗ tay ầm lên. Chỉ cần lão xuất hiện ở đầu phố, lũ trẻ lếch thếch cắp theo những đứa em nhỏ bên sườn kéo đến, dù không bán gì nhưng được một chầu xem chèo hả hê. Người lớn nhìn lão múa may mua vui cho đám trẻ con, đều lắc đầu. Có người độc mồm bảo lão bị ma ám, bởi lão từng bị chết ngất ở một bãi tha ma cuối thị trấn vì rình bắt một con cú mèo... Cũng lại có người ra vẻ đầy am hiểu, bảo lão bị say nắng thôi mà.

Chỉ khổ nhà Lân, vào những ngày nắng, lão đem lông ngan, lông vịt ra phơi, bốc mùi khum khủm không chịu nổi.

Chuyện đó qua rồi. Trẻ con hai nhà lớn tướng cả. Lũ "vịt giời" nhà lão cũng bay đi hết.

Đất đai nhà lão rộng rãi lắm. Lão về khai hoang khu đất này sớm nhất nên vây đất tha hồ. Giờ người ở đâu ùn ùn kéo đến chật hết cả xóm. Lão bán đất và rủng rỉnh tiền tiêu.

Hồi mới có tiền, lão sang bàn với gia đình hàng xóm việc xây tường rào.

Từ đó, hai nhà cách biệt nhau bằng bức tường.

*

Mấy hôm nay, thiên hạ chưa ngớt bàn tán về cái chết của lão Hợi. Lão nằm chết cứng queo qua một đêm ngay trước cổng nhà lão, trên tay còn cầm chặt chiếc dép nhựa tổ ong với gương mặt tức tưởi. Có người độc mồm bảo lão bị ma bắt.

Lân là người nán lại cuối cùng trong số những người hàng xóm tiễn đưa lão đến nghĩa địa. Bên nấm mộ vừa đắp xong, bà Hợi đang đốt mấy bộ quần áo tơi tướp, cả cái sọt tre sắp mục nát. Gạt cái đuôi xe honđa bằng giấy cho cháy hết, bà sụt sùi lẩm bẩm: "Ông ơi, tôi gửi cho ông cái xe này, có nhớ nghề đi cho đỡ khổ ông ơi...". Khi mọi thứ đã hóa tro bụi, lả tả theo gió về cõi âm, có một vật không thể cháy hết, nó quăn cục lại, lăn lộn, sùi nhựa khét lẹt. Đó là đôi dép lê cáu bẩn.

Cái đôi dép nhựa nặng trịch mà cách nay mấy đêm, Lân đã chứng kiến lão cay cú ném qua cổng sắt nhà lão, nhằm cánh cửa kính kêu đến uỳnh!... Lân lại tần ngần trước những khoảnh hàng rào bằng cúc tần, râm bụt khoanh lại những ngôi mộ đã xây và ngẫm đến chuyện thế gian, đến nguyên do cái chết của lão mà thăm thẳm trong lòng Lân có một điều bí mật chưa kịp nói với lão…

Chiều ấy, tan sở, Lân ngồi lai rai với mấy thằng bạn học cũ, trong đó có Tâm làm công an. Nó hào hứng kể về vụ phá án tháng trước. Tội phạm bây giờ có kiểu hoạt động rất tinh vi. Chúng có đường dây móc ngoặc với nhau hẳn hoi. Đêm, đợi đến thời khắc người ta ngủ say, chúng bắt đầu ném sỏi lên mái nhà, vào cửa, tạo tiếng động thăm dò chủ nhà. Chủ nhà ngó nghiêng một lúc, thấy không có động tĩnh gì, quay vào ngủ tiếp. Nắm bắt được tâm lý của chủ nhà đã mệt và cũng chả thèm để ý gì đến tiếng động nữa, chúng bắt đầu hành động. Lân liên tưởng: Nhà lão Hợi mang tiếng giàu, lại chỉ có hai ông bà già, nên chắc bọn trộm tìm cách phao tin nhà có ma. Có điều, vì vợ chồng lão Hợi thuộc dạng khó ngủ, lại kẹt xỉ nên chúng khó moi tiền cúng bái, đành "bó tay chấm com" mà thôi.

Lân định bụng hôm sau sẽ sang nhà lão Hợi nói chuyện về thủ đoạn mới của bọn trộm, cốt để lão quên đi chuyện "con ma" mà lão hình dung.

Vừa về tới cổng, Lân chạm mặt lão Hợi. Lão loạng choạng đi về trong cơn say. Thoáng thấy bóng Lân (chắc lão nghĩ là…ma), lão hậm hực khom người xuống, rút chiếc dép nhựa nặng trịch giơ lên, lùi lấy đà. "Vút, binh!". Vài giây sau vẫn chưa có động tĩnh gì, lão cúi xuống rút nốt chiếc còn lại... Còn Lân, người dựa vào tường, cái xe đổ đến ruỳnh. Lân lảo đảo trong lơ mơ. Kệ thôi, cho nó đổ. Việc quan trọng là phải móc ra được cái điện thoại, bấm số ưu tiên bằng một phím cố định. Nhưng màn hình vừa lóe sáng đã vụt tắt ngúm. Lân cố nhấn thêm vài lần khởi động nữa, cuối cùng chỉ hiện được dấu chấm than hết pin! Sau đó Lân choáng váng, không còn nhớ mình đã vào nhà bằng cách nào. Và đó là lần cuối Lân gặp lão, chưa kịp nói về con ma ám lão thì lão đã ra… ma!

Truyện ngắn của Thu Hà

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật