“Đoạn đường 400 tỷ đồng“ thành “đường ổ voi“

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Công trình đường tránh QL1A đoạn qua TP Hà Tĩnh do Tổng Công ty Hạ tầng Sông Đà làm chủ đầu tư, với hình thức BOT, chiều dài 16,3km với tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng. Mặc dù mới được đưa vào sử dụng được 2 năm, nhưng mặt đường đã xuống cấp nghiêm trọng với các vết lún, rạn nứt, lồi, lõm xảy ra khắp nơi.
“Đoạn đường 400 tỷ đồng“ thành “đường ổ voi“
Đoạn đường tránh qua TP Hà Tĩnh hư hỏng nặng.

Đã có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra vào ban đêm ở đoạn đường này và hầu hết là xe tải trọng lớn và người đi xe máy bị sập bẫy do có quá nhiều ổ gà, ổ voi, sống trâu... Trước thực trạng này, Bộ Giao thông Vận tải đã vào cuộc thanh tra và kết quả cho thấy, hàng loạt sai phạm đã được phát hiện.

Nhà thầu thiếu năng lực, chủ đầu tư thiếu giám sát

Quá trình thanh tra đã xác định sai phạm từ khâu lập dự án, lập hợp đồng và chuyển nhượng hợp đồng; khảo sát thiết kế; khâu lập dự toán, thanh toán; lập hồ sơ nghiệm thu và hoàn công đến chất lượng thi công dự án. Theo Kết luận số 7923/KL-BGTVT do Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức ký, tổng diện tích mặt đường bị hư hỏng trên suốt chiều dài 16,3km của tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh là 67.092m2, chiếm 29,67% diện tích toàn mặt đường, trong đó nứt, lún mặt đường chiếm 25%.

Tổng hợp Kết luận của Bộ GTVT cho thấy, ngoài lưu lượng xe có tải trọng lớn, ảnh hưởng của lũ lụt, thì năng lực yếu kém của nhà thầu chính, phụ; sự thiếu giám sát chặt chẽ của chủ đầu tư (Tập đoàn Sông Đà) và các cơ quan chức trách khác, dẫn đến chất lượng thi công công trình không đảm bảo, nhanh chóng xuống cấp. Cụ thể, theo Bộ GTVT, sau khi được Tập đoàn Sông Đà (chủ đầu tư) chỉ định thi công 2 đơn vị trực thuộc tập đoàn là Công ty Sông Đà 25 (Thanh Hóa, thi công 40% khối lượng) và Công ty Sông Đà 27 (Hà Tĩnh, thi công 60% khối lượng) đã hợp đồng thuê 9 nhà thầu phụ, chưa từng thi công một công trình tương tự nào.

Việc nhà thầu thiếu kinh nghiệm, năng lực hạn chế và thiếu giám sát của chủ đầu tư đã khiến hàng loạt hạng mục của tuyến đường không đạt chất lượng về độ chặt nền đường K95, K98; độ chặt taluy nền đường gia cố và không gia cố; độ chặt và chiều dày lớp base và lớp subbase; độ chặt, chiều dày, thành phần hạt, hàm lượng nhựa cấp phối lớp bê tông nhựa hạt trung cũng như hạt mịn; độ chặt đắp đất mang cống… như thiết kế được phê duyệt. Chưa hết, nhiều vật liệu đã không được chủ đầu tư kiểm soát đầy đủ trước khi đưa vào thi công…

Thu phí phương tiện mà không báo cáo

Kết luận của Bộ GTVT cũng chỉ rõ một sai phạm khác của chủ đầu tư là công trình đưa vào khai thác 2 năm 7 tháng nhưng dự án chưa tập hợp đầy đủ hồ sơ, chưa lập quyết toán, chưa có báo cáo kiểm toán dự án để phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành; hàng loạt hạng mục chưa thi công… Bên cạnh đó, dự án đưa vào vận hành, khai thác thu phí từ tháng 1-2009 và năm 2009 đạt 35,561 tỷ đồng; năm 2010 đạt 39,065 tỷ đồng tăng 9,85% so với năm 2010, kết quả thu cao hơn phương án tài chính trong hợp động do sử dụng Trạm thu phí Cầu Rác thu toàn bộ các phương tiện lưu thông trên tuyến QL1A.

Về khoản này, Công ty TNHHMTV hạ tầng Sông Đà chưa thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động thu phí, hoạt động duy tu, bảo dưỡng công trình. Về thời gian thu phí, đến nay doanh thu thu phí tại Trạm Cầu Rác cao hơn dự tính; tổng mức đầu tư đã điều chỉnh; lãi suất ngân hàng thay đổi; tiến độ và thời điểm giải ngân khác với phương án trong hợp đồng nên thời gian thu phí hoàn vốn cần phải tính toán lại. Và theo Bộ GTVT, phương án thu phí tạo lợi nhuận theo hợp đồng 3 năm là phù hợp thay vì thời gian thu phí 14 năm 8 tháng được xác định vào năm 2007.

Phải làm rõ trách nhiệm và cá nhân để xảy ra sai phạm

Để tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh xuống cấp, dở dang như hiện nay, Bộ GTVT cũng nêu rõ trách nhiệm của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng 533, Tổng cục ĐBVN, các cơ quan tham mưu của Bộ do đã để xảy ra những sai sót trong tham mưu lập dự án, lập hợp đồng, lập tổng mức đầu tư điều chỉnh, thẩm định và phê duyệt tổng dự toán và tổng dự toán điều chỉnh, đặc biệt là trong quản lý chất lượng công trình.

Trước những tồn tại nêu trên, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục ĐBVN sớm có biện pháp để nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng, đặc biệt hoàn thành sửa chữa khắc phục những đoạn hư hỏng xong trong quý II-2012.

Đối với Tập đoàn Sông Đà, Bộ yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý đối với cá nhân, tập thể, các đơn vị có sai sót, sai phạm trong quản lý và thực hiện dự án; đảm bảo đủ vốn để tiếp tục thực hiện dự án trong giai đoạn xây dựng đúng với cam kết trong hợp đồng, hoàn tất việc xây dựng toàn dự án phải xong trước tháng 9/2012. Khẩn trương có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông trên đoạn tuyến đang khai thác để giữ uy tín với dư luận xã hội

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật