Mỏi mòn chờ bán sức

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tết đã cận kề. Hàng trăm con người từ khắp các vùng nông thôn tìm về Hà Nội vẫn đứng, ngồi mỏi mòn nhìn theo dòng người đông đảo ngược xuôi để hi vọng kiếm được ai đó thuê làm để có vài đồng mang về quê xa.
Mỏi mòn chờ bán sức
Ảnh minh họa

Không riêng chợ lao động trên cầu Mai Động, những ngày cận Tết, tại các "chợ việc làm" của Hà Nội như điểm cầu Trung Tự, Mai dịch, cầu chui Long Biên, ngã tư Giảng Võ, lực lượng lao động tự do hoạt động cũng rất nhộn nhịp. Họ đủ các nơi về đây, từ Hà Tây, Thanh Hoá, Thái Bình, Hà Nam… Họ chấp nhận làm bất cứ việc gì miễn là có việc làm.

Anh Tuyên, người có “thâm niên” hơn bốn năm ở “chợ cơ bắp” Mai Động, cho biết vào những ngày cuối năm, chỉ riêng huyện Thiệu Hóa (Thanh Hoá) của anh cũng đã có đến hơn trăm người rời quê lên “chợ người”. Người đông, công việc ít, có người chờ ba bốn ngày liền là chuyện thường, cả tuần lễ không có ai thuê mướn cũng chẳng phải là chuyện hiếm. Cứ sáng sáng, chiều chiều ra đứng, ngồi mỏi mòn rồi lại quay về. “Việc thì bữa có bữa không, phập phù lắm, bao nhiêu là miệng ăn chờ dưới quê, Tết gần đến lại cần nhiều tiền hơn” - anh Tuyên cho biết.

Anh Tuyên cũng không quên chỉ vào đội quân hàng ngày của anh có thêm hàng chục “nhân mạng” mới “du nhập” từ quê Thanh Hoá lên từ 2 hôm nay. Theo anh Tuyên, tất cả các em mới chỉ vừa học xong lớp 10, đành nghỉ học sớm trước mấy ngày lên Hà Nội kiếm chút tiền về quê ăn Tết.

Người lao động chờ việc tại một "chợ lao động" ở Hà Nội. (Ảnh: N. Vũ)

Không chỉ có anh em đua nhau bán sức mà các chị em cũng chen chân… bán sức. Chị Thao đang co ro vì cái rét căm căm sáng 23/1 thì một đàn ông phóng con PS tới, lên giọng: “Dọn dẹp nhà cửa, 30.000 đồng cho một người, tôi trả tiền xe ôm và bao mỗi người hộp cơm trưa. Làm thì theo tôi, 3 người”. Lập tức, ba chiếc xe ôm chở 3 người chạy theo ông "đại gia" ra đường, quẹo về hướng Trương Định.

Thấy tôi thắc mắc tại sao không xin theo nhóm người ấy, chị Thao bảo: “Sáng người ta đến đợi trước mình, họ đi trước rồi mới tới mình. Khi nào người thuê mình “bắt tận tay, day tận trán” thì lúc đó mình mới được đi. Chị em ở đây cùng quê, cùng phận nghèo cả nên không ai tranh giành gì…”.

Công việc của những người bán sức ở cái chợ này thường là đập tường, chuyển nhà, đẩy cát, thông cống, … hiếm lắm mới có đôi ba việc nhẹ, phù hợp với chị em phụ nữ. Thế nhưng vì để có tiền, chị em cũng phải chen chân… làm tuốt.

Tuy nhiên, có người ba ngày qua vẫn chưa tìm ra được việc nào để có tiền. Chị Năm 45 tuổi, quê ở Phúc Thọ, rầu rầu nói: “Em ơi! Hai ba ngày ngồi thế này rồi về là chuyện thường. Gần Tết chị em phụ nữ mới nhiều người gọi chứ bình thường ít lắm…”.

Trong số các chợ, dưới chân cầu vượt Mai dịch là có lao động nữ chiếm nhiều nhất. Chị Thắm đến từ huyện Mỹ Hào, Hưng Yên, tâm sự: “Mấy đứa tớ chẳng phải chị em, họ hàng gì đâu. Mỗi người một xứ Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tây, Hà Nam … sau thời gian làm ăn thì quý nhau như chị em ruột vậy”.

Dáng người nhỏ nhắn, chị Dương ở Thái Thuỵ, Thái Bình, tâm sự: “Mình đã theo nghề 9 năm rồi. Suốt ngày hứng chịu bụi đường, mưa, nắng nhưng ơn trời cũng ít khi ốm đau lắm. Trời thương nên tiền gửi về dưới quê còn nuôi được hai đứa con đang học, nên cố…”

Theo các chị, đã chấp nhận theo nghề thì việc gì khách thuê cũng có thể làm được. Từ những công việc nhàn như lau dọn, giặt giũ, dọn vườn đến những công việc nặng nhọc như bốc hàng, gánh gạch, đất để san, đầm các công trình.

Giọng chị nhỏ nhẹ: “Vất vả là vậy, nhưng nhiều lúc “gặp nạn” chủ nhà cũng tỉnh bơ, mặc kệ. Hôm nọ, bác Tính cùng  xóm mình bị tủ đè gãy chân mà xin mãi chủ cũng không cho thêm đồng nào mua thuốc. Chị em trong xóm lại góp tiền cho …”.

Chị Dương cũng cho biết, mới chiều qua có người nhà ở gần Mai Động có ý thuê chị đến trông xe. Cứ 1 chiếc xe là họ trả cho chị 3.000 đồng. Chị nói trong tiếc rẻ nhưng cũng đầy quả quyết: “Tiền ai chẳng muốn kiếm được nhiều. Nhưng "miếng ngon" ở Hà Nội này đâu đến lượt mình. Tiền trông xe có thể nhiều hơn một tý với lau nhà, bốc vác nhưng làm mất cái xe máy thì “toi”. Thôi đành chắc ăn vậy”.

Tiền công chỉ một chút này...

Vất vả, tốn nhiều công sức, nhưng bữa ăn của lao động đứng đường rất đạm bạc, chỉ vài miếng đậu sốt cà chua, ít lạc rang, rau luộc. Hôm nào gặp được khách "sộp" và tốt, họ tự thưởng cho mình thức ăn tươi như miếng cá, ít thịt rang. Giá mỗi bữa ăn trưa chỉ 7.000-8.000 đồng.

"Trừ các khoản như ăn uống, thuê nhà, điện thoại gọi về nhà… mỗi tháng anh cũng gửi về nhà được một khoản tiền cho vợ nuôi ba đứa con ăn học. Nhiều công nhân lao động ở đây cũng có mức thu nhập tương đương. Nhưng nhiều tháng ít việc thì mong đủ tiền ăn cũng là tốt lắm rồi", anh Tuyên, lao động tại cầu Mai Động, tiết lộ.

Ăn thì đói mà chỗ ở phần lớn họ cùng sống trong một căn phòng trọ xập xệ, chỉ rộng chừng 10m² thường chứa đến 10 con người là chuyện bình thường. Ban ngày phơi mình bán sức, tối về lăn ra ngủ “mỗi đêm cũng mất toi 4 nghìn/ người. Mấy tháng trước chỉ có 3 nghìn/ người còn đỡ. Giờ sắp tết, giá cả gì cũng leo thang, tiền nhà đắt thì đành ăn ít đi vậy”, anh Tuyên than thở.

Chị em gánh hàng thuê ở chợ Long Biên

Cuối năm, những người nai lưng mình ra bán sức nhận làm cả ngày lẫn đêm. Chị Thao bảo đã tính toán rất chi li, trong dịp tết này cũng cố gắng tằn tiện dư được vài trăm ngàn đồng về quê sắm cho cô con gái một chiếc xe đạp cũ. Vài hôm trước, trời giá rét, nhớ đến con gái hằng ngày đi học không có đến một chiếc áo ấm. Nhưng vì chưa đủ tiền nên đành ứa nước mắt, chăm chỉ làm đợi đến Tết cho có đủ tiền.

Các chị cho biết gần tết công việc tuy nhiều hơn, nhưng chính quyền các địa phương cũng thường xuyên “ra quân” dẹp các chợ lao động. Nên bây giờ sáng ra đi làm, các thành viên của “chợ” mắt không chỉ quan sát tìm khách mà còn phải cảnh giác...

“Tết nhất đến nơi rồi, không khéo lại bị thu gom thì khổ chồng con ở nhà. Đã vậy còn coi như trắng tay, bao nhiêu người ở nhà không có cái ăn chứ đừng nói gì đón tết” - Chị Năm than thở.

Rồi bỗng dưng chị Năm nghẹn giọng: “Chị chỉ chắc cố vài năm nữa kiếm ít vốn về quê làm ruộng lại. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Dạo này đã thấy thấm mệt. Đêm nào về cũng đau hết cả người, không biết có bệnh tật gì không”.

Tết đến muộn

Cả năm tất bật, làm ăn xa gia đình, những mong ngày Tết để được đoàn tụ cùng gia đình. Thế nhưng những ngày giáp Tết thường là dịp làm ăn bận rộn nhất, nhiều công việc nhất. Thế là lại tham công tiếc việc, làm "rốn" đến chiều 30, rồi tất bật ra chợ mua quà về quê.

Bán sức ròng rã 4 năm trời như anh Tuyên mà hầu như chưa có năm nào anh về nhà trước chiều 30 Tết. Bản thân anh đã mấy cái tết liền chưa được cùng gia đình sum họp bên nhau trong bữa cơm tất niên. Mọi việc bếp núc ở nhà có vợ và cô con gái lớn lo hết. Nhiều lúc thèm đến phát khóc bát cơm nóng cùng gia đình, nhưng cứ nghĩ đến các khoản tiền học của con, sắp tới nó lại chuẩn bị thi đại học, anh lại gồng mình lên mà làm, mà gắng làm  muộn thêm một hai ngày nữa.

Chấp nhận làm việc nặng nhọc và tiền công rẻ mạt nhưng nhiều lao động ở các chợ “cơ bắp” vẫn không kiếm được tiền cho tiêu tết, thậm chí không có tết. Anh Tuyên cho biết, hai hôm trước bác Sáu và bác Đích chạm 60 tuổi phải về quê vì già yếu quá không có người nhờ làm. Thế là số tiền 1 triệu vay mãi ở quê mới được để nên kiếm cái tết thì nay lại hết veo vì một tuần không tìm được việc làm. Cái Tết lại càng xa vời với gia đình của họ.

Nhìn dòng người đi phố sắm sửa Tết, anh Tuyên buột miệng: “Cũng lo lắm em ạ, mang tiếng là đi làm xa mà cuối năm chẳng mang vật gì đáng giá về cho bọn trẻ, cảm thấy xấu hổ làm sao. Cũng may người ta lại gọi tuần sau đi dọn một văn phòng đến đường Tam Trinh, chị chủ hứa cho cái tủ còn khá mới cho mang về”.

Năm ngoái, đến quá giao thừa anh Tuyên mới về đến nhà. Bọn trẻ ùa ra đón, ôm chầm lấy bố mà khóc. Anh Tuyên cũng rưng rưng vì chẳng mang được gì về ngoài mấy gói bánh kẹo được cho.

Năm nay cũng không khác mọi năm, những người làm thuê tại các chợ lao động vẫn phải đón Tết muộn hơn mọi người. Những khuôn mặt lo âu vẫn toan tính chuyện cơm áo, chuyện tiền nong khi cái tết cận kề... Xuân đã về, nhưng Tết với họ hãy còn xa...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật