Những cung đường buôn lậu ở Lạng Sơn

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đêm tháng Chạp, mưa lạnh tê người, lối lên Hang Dơi (Lạng Sơn) ướt nhoẹt bùn đất nhưng vẫn nhộn nhịp dân buôn. Tín hiệu an toàn của "chim lợn" phát đi, đoàn xe Minsk chất đầy hàng lậu lập tức lao ra từ các ngách, phóng rầm rập trên quốc lộ 4, xé toang núi rừng tĩnh mịch.
Những cung đường buôn lậu ở Lạng Sơn
Con đường chuyển hàng lậu xuyên qua các dãy nhà cấp 4.
2h chiều ngày cuối năm, mưa phùn không ngớt trên vùng núi cao biên giới. Trong chợ Pò Chài (Quảng Tây, Trung Quốc), không khí đóng hàng để tuồn về Lạng Sơn vẫn diễn ra tấp nập. Chăn len, quần áo ấm và đồ điện tử được dân buôn nhập tới tấp vào thời điểm này. Ngồi chờ thời lệnh xuất phát đưa hàng sang Lạng Sơn, Nam, một cửu vạn 22 tuổi người Bắc Giang, rít liền ba hơi thuốc lào, thả hồn theo khói thuốc nghỉ ngơi. “Mới vào nghề vất vả tưởng không theo được. Giờ thành quen. Chỗ nào khó đi, có hố sâu em thuộc như lòng bàn tay. "Chim lợn" báo một tiếng là em có thể xử lý được mọi tình huống", Nam nói.

Tuy là lính mới, lên Tân Thanh chạy hàng chưa được một năm nhưng Nam đã thông thạo địa hình như dân bản địa. Mỗi chuyến hàng gùi qua biên, Nam nhận được 20.000 đồng. Nếu chịu khó, mỗi đêm cậu cũng đi được 4 - 5 chuyến.

Chủ thuê Nam là Hùng "Vẩu", một dân chạy hàng có tiếng trong giới buôn lậu xứ Lạng. Trước đây, Hùng chuyên chạy gà lậu, nay chuyển sang đồ điện tử, vải vóc cho "nhẹ nhàng, sạch sẽ". Theo Hùng, với những mặt hàng vốn đầu tư không nhiều như chăn, quần áo, bát đĩa thì dân buôn có thể chuyển đi ngay, không cần chờ đến đêm. Nhưng với những mặt hàng đắt tiền như đồ điện tử phải chờ đến gần nửa đêm, "cánh cửu" mới dám xuất phát.

Chuẩn bị lên đường, đám cửu chuẩn bị kỹ càng điện thoại, mũ, ủng, dây giày buộc chặt. Hùng "Vẩu" dặn: “Đường khó đi lắm đấy. Trơn, không đèn đóm, trượt chân là bỏ mạng".

Theo "luật" của dân gùi hàng, chỉ khi không nhìn thấy mới được phép bật điện thoại lên để lấy ánh sáng. Đặc biệt, trên đường đi không được chuyện trò. Thấy “chim lợn” báo là phải quay đầu ngược về Pò Chài ngay lập tức.

23h, sau 20 phút chuyến hàng đầu tiên từ bên kia biên giới đã được tập kết đưa xuống cánh gà nhánh Bắc chợ Tân Thanh. Dưới chân núi, ánh đèn các dãy nhà cấp 4 vẫn bật sáng để đợi hàng về. Đây là nơi ở của các chủ buôn, dân cửu vạn và những người lao động buôn bán hàng ăn nhỏ lẻ đến từ các vùng lân cận như Bắc Giang, Hưng Yên...

Theo quan sát của chúng tôi, ngay sau khi hàng xuống chân núi, đám cửu vạn nhanh chóng dỡ hàng đưa xuống các kho, cửa hàng. Một số tập kết tạm về nhà để qua đêm, sáng sớm hôm sau mới mang ra chợ.

“Nhiều khi cũng nguy hiểm lắm. Hàng để trong nhà, lực lượng chức năng có thể kiểm tra bất cứ lúc nào. Nếu bị phát hiện sẽ "dính đòn" rất nặng. Cái nghề buôn lậu nhiều khi được ăn cả, ngã về không". Nói rồi, Hùng giục hai thằng cháu dưới quê lên "nối nghiệp" nhanh chóng vác chăn gửi sang mấy nhà hàng xóm.

Các tay buôn ở chợ Tân Thanh đều khẳng định, nếu "chim lợn" làm tốt thì ít khi bị tóm. Người lạ chỉ cần lảng vảng vào khu vực là bị theo dõi và báo động luôn. Khi vận chuyển hàng, hễ thấy bóng "lính xanh" (bộ đội biên phòng) xuất hiện, hàng loạt cánh cửa sắt giữa các dãy nhà cấp 4 dưới chân đồi lập tức đóng sập lại. Phá được cửa thì các tay cửu vạn đã ở đầu bên kia biên giới.

Chim lợn (áo đỏ), trên tay luôn cầm bộ đàm để báo động. (Ảnh: T.A)

0h30, chuyến hàng cuối cùng của Hùng cũng được tập kết xong. Trời lạnh cóng, Hùng châm điếu thuốc, hít một hơi dài.

Nếu con đường độc đạo từ Pò Chài về Tân Thanh chủ yếu hoạt động về đêm thì tại khu vực Hang Dơi, ngày cũng như đêm, dân cửu vạn, "chim lợn" và những tay xế chuyên nghiệp hoạt động hết công suất.

Giữa tháng Chạp, nhiệt độ xuống tới 5 độ C, mưa phùn không ngớt, dòng người lên lối Hang Dơi ướt nhoẹt đầy bùn đất vẫn ùn ùn. Hầu hết người qua lại nơi đây là dân buôn. Họ hăm hở đi nhập hàng từ chợ Lũng Vài (Trung Quốc) đưa về tập kết tại chợ Đồng Đăng.

Để sang Lũng Vài, mỗi người phải qua 8 cửa thu tiền mãi lộ do dân bản địa tự dựng lên. Giá mỗi cửa là 2.000 đồng. Theo tiết lộ của một cụ bà người Nùng đã thu tiền chục năm dưới chân núi, vài tháng giáp Tết, bà và 7 người hàng xóm mỗi ngày cũng thu được gần triệu bạc. "Nhưng chúng tôi chẳng được ăn cả đâu. Còn phải chia chác cho đủ người", cụ bà này nói.

Thấy khách phàn nàn về việc thu tiền nhiều lượt, "chủ đất" cạnh bên quát: "Không thích thì đi đường dốc núi bên kia kìa. Mất một lần tiền thôi rồi bỏ xác ở đó".

Khác với Tân Thanh, dưới đường nhựa quốc lộ 4 nhìn lên Hang Dơi có thể thấy ngay không khí tập kết hàng lậu để chuẩn bị xuất phát. Tại đây, luôn có tới hai chục "chim lợn" lộ mặt, cầm máy bộ đàm liên tục quát tháo... "Quay lại ngay nhanh lên, "chúng nó" lại xuất hiện rồi". Đám cửu vạn lại nháo nhác vác hàng ngược lên đỉnh núi.

Trên đỉnh núi, hàng hoá được đóng kín bằng các thùng bìa các tông chồng chất xếp lên nhau. "Cánh cửu" ai nấy mặt mày hừng hực ngồi bên những chén rượu với ít lạc luộc, ngô nướng. Số khác thi nhau ném những tờ tiền polyme vào sới xóc đĩa ở sườn núi. Chỉ cần có lệnh là những thùng hàng nhanh chóng được đổ xuống.

Bốc hàng lên xe. (Ảnh: N.H)

Trong khi đó, dưới chân núi, hễ lực lượng chức năng có mặt, tiếng kêu pành pạch từ những chiếc xe Minsk chuyên chở hàng lậu lại im bặt. Có hiệu lệnh, những chiếc xe "hú hồn" (theo cách gọi của người dân vùng này) lại phi ầm ầm từ các ngõ ngách ra. Nhoằng một cái, những xế chuyên chở hàng lậu lại phóng rầm rập trên quốc lộ 4, phá vỡ không khí tĩnh mịch vùng rừng núi.

Chỉ riêng khu vực giáp ranh giữa thị trấn Đồng Đăng và chợ Lũng Vài có cả chục con đường mòn in đậm dấu chân của dân buôn lậu như Gốc Bởi, Gốc Nhãn, Ma Mơ, Bãi Gianh... Anh Quảng, người Bắc Giang, một lái xe ôm làm 5 năm dưới Hang Dơi, tiết lộ, những chuyến hàng lậu thường được mang về tập kết ở chợ Đồng Đăng hoặc trong nhà dân, chờ thời điểm thuận lợi là bốc lên xe chuyển về xuôi. Theo lời của anh này, dân buôn càng to càng ít bị "sờ" đến.

Theo ông Nguyễn Thắng Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, tình trạng buôn lậu không giảm là do lực lượng chức năng mỏng, trong khi đường biên giới dài tới hơn 250 km. Dân buôn lậu lại liều lĩnh nên việc ngăn chặn gần như không thể.

Ông Dương Thời Giang, Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban phòng chống buôn lậu tỉnh Lạng Sơn, cho rằng, rất khó xóa bỏ tình trạng buôn lậu vì lợi nhuận từ hàng nhập lậu quá cao. "Điều quan trọng đầu tiên không phải bố trí việc làm cho những dân buôn, mà đòi hỏi kinh tế nội địa phải phát triển, hàng hóa phải đủ sức cạnh tranh với hàng Trung Quốc", ông nói.

*Tên một số nhân vật đã được thay đổi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật