Trả lương qua ATM: “Ngon“ nhưng không dễ “ăn“!

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trả lương qua tài khoản đã và đang mang lại một cơ hội lớn cho các ngân hàng. Tuy nhiên, để làm tốt và thu được lợi từ dịch vụ này không phải là dễ và không phải ngân hàng nào cũng làm được.
Trả lương qua ATM: “Ngon“ nhưng không dễ “ăn“!
Ảnh minh họa

Tới cuối năm ngoái, khoảng 8,3 triệu thẻ thanh toán đã được phát hành trên cả nước. Theo ngân hàng Nhà nước, cũng tính đến thời điểm này, nước ta tổ chức phát hành thẻ. Khoảng 4.300 máy rút tiền tự động (ATM) cùng 23.000 điểm chấp nhận thanh toán thẻ đã được các ngân hàng lắp đặt trên toàn quốc. Thực tế cho thấy, lợi ích của việc chi trả lương qua tài khoản không chỉ dừng lại ở việc góp phần hạn chế và ngăn chặn tình trạng tham nhũng vì kiểm soát được nguồn thu của cán bộ, công nhân viên chức qua tài khoản, mà còn tiết kiệm được nhân lực của hàng loạt chi phí cho các đơn vị chi trả lương, chi phí cho hệ thống Kho bạc Nhà nước… Anh Nguyễn Minh Sơn, cán bộ Công ty Bảo hiểm xã hội Việt Nam nói: “Chúng tôi đã bắt đầu nhận lương qua tài khoản từ cuối năm ngoái. Bản thân tôi thấy việc sử dụng thẻ ATM để nhận lương rất thuận tiện.”

Ông Cao Văn Sang, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện có hơn 90.000 người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, số tiền chi trả lên đến 100 tỷ đồng một tháng. Như vậy, với việc trả qua tài khoản ATM ở thành phố Hồ Chí Minh, cán bộ hưu trí không phải xếp hàng đợi và được nhận tiền ở nhiều điểm khác nhau. Họ cũng không bị khống chế về thời gian, có thể nhờ người thân nhận thay mà không cần giấy ủy quyền.

Đối với các Ngân hàng cung ứng dịch vụ trả lương qua tài khoản, thì lợi ích mà họ thu được không phải là qua thu phí. Bởi vì hiện tại và trong nhiều năm tới, các Ngân hàng chưa thu phí. Lợi ích lớn nhất mà các Ngân hàng thu được chính là số dư tiền gửi trên tài khoản khi người hưởng lương chưa sử dụng đến. Số dư tiền này, Ngân hàng chỉ phải trả lãi suất không kỳ hạn, song Ngân hàng có thể sử dụng số tiền gửi đó để cho vay và đầu tư. Tuy nhiên, mục tiêu dài hạn các Ngân hàng mong muốn chính là lượng khách hàng lớn sử dụng dịch vụ bán lẻ như: thanh toán hóa đơn điện nước, nộp tiền điện thoại, dịch vụ thu tiền hộ… đi kèm với dịch vụ trả lương qua tài khoản… Đại diện Ngân hàng Ngoại thương cho rằng, việc mở rộng chi trả qua tài khoản sẽ thúc đẩy việc đưa các thẻ ATM thoát khỏi chức năng nguyên thủy và nhàm chán hiện nay là để rút tiền. Với chiếc thẻ và các dịch vụ gia tăng do Ngân hàng cung cấp, khách hàng có thể sẽ không phải dùng tiền mặt cho các khoản chi tiêu, mà trước mắt là các khoản thanh toán định kỳ, các món ăn chi tiêu lớn và thậm chí thanh toán khi đi nước ngoài.


Tuy nhiên, tới thời điểm này, nhiều khách hàng nhận lương qua tài khoản vẫn chưa hài lòng với dịch vụ của các Ngân hàng. Cả nước mới chỉ có 4.000 máy ATM,tập trung chủ yếu tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, một số thành phố khác. Bình quân mỗi huyện chưa có 1 máy ATM. Để thuận tiện cho chi trả lương qua tài khoản và rút tiền tại máy ATM, thì máy ATM phải được lắp đặt rộng khắp tại các trường học, bệnh viện, các cơ quan lớn… Bên cạnh đó, khách hàng vẫn thường phàn nàn về việc khi cần thì máy ATM khi thì hết tiền, khi thì báo lỗi, hoặc nuốt thẻ, mất dữ liệu và làm mất tiền của khách hàng… Ngoài ra, cả nước có tới 4 mạng liên kết ATM hoạt động độc lập với nhau. Mạng liên kết ATM do ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đứng đầu có quy mô máy ATM lớn nhất, chiếm khoảng hơn 60% số lượng máy ATM của cả nước, với 17 Ngân hàng liên minh tham gia. Tuy nhiên, các Ngân hàng vẫn liên minh “cục bộ”, tức là thẻ của liên minh nào, chỉ dùng được ở liên minh đó. Đây là rào cản lớn nhất khiến khách hàng không mặn mà với việc nhận lương qua tài khoản. Mới đây, ông Bùi Quang Tiên, trưởng phòng Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định: “Đến cuối năm 2008, thanh toán ATM sẽ liên thông giữa các ngân hàng Việt Nam”. Đây có thể coi là một tin vui và một tín hiệu đáng mừng đối với dịch vụ trả lương qua tài khoản ở nước ta.

Chính vì thế, chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, Thành phố trực thuộc thực hiện triển khai việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách chỉ mới là bước đi đầu tiên đưa cán bộ, công chức đến chỗ làm quen với việc sử dụng thẻ và tài khoản ngân hàng. Còn tài sản thực sự của họ lại không được thể hiện ở tài khoản. Như vậy, mục tiêu phòng chống tham nhũng, phòng chống lãng phí thông qua phương thức này có lẽ còn lâu mới thực hiện được, trừ khi Chính phủ quy định tất cả các khoản thu nhập và các hoạt động kinh tế liên quan tới Ngân sách Nhà nước phải được thanh toán.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật