“Nhiều bộ trưởng đã dám cam kết“

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Tôi rất mừng khi nhiều bộ trưởng đã đưa ra cam kết, mục tiêu cụ thể, thay vì cứ im lặng làm và dân thì băn khoăn không biết mọi việc sẽ ra sao“, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc chia sẽ quan điểm với báo.
“Nhiều bộ trưởng đã dám cam kết“
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Hà.

- Từng là đại biểu Quốc hội nhiều khóa, ông đánh giá thế nào về Chính phủ khóa 13 sau 100 ngày nhận nhiệm vụ?

- 100 ngày là khoảng thời gian chưa dài để bộc lộ tất cả hoạt động vận hành của bộ máy mới, nhưng tôi đánh giá cao và coi là điểm nhấn của Chính phủ là vấn đề đối ngoại. Trong bối cảnh phức tạp, việc ứng xử ngoại giao của Chính phủ vừa qua là thích hợp, tạo sức mạnh tổng hợp. Chúng ta đang hướng tới đa phương hóa, khai thác nhiều mối quan hệ tạo ra cân bằng, từng bước vượt qua những khó khăn, đặc biệt vấn đề phức tạp như tranh chấp biển Đông.

Về chính sách vĩ mô, Chính phủ đã chủ động đưa ra các giải pháp cụ thể như tái cơ cấu kinh tế, giảm đầu tư công, kiềm chế lạm phát, cố gắng ổn định bộ máy...

- Bên cạnh những điểm sáng cơ bản, ông thấy còn những vấn đề gì đòi hỏi Chính phủ cần bắt tay ngay vào giải quyết?

- Một vấn đề lớn tôi đang băn khoăn là Chính phủ đang đặt ra vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế. Nhiều nước trên thế giới khi mới chớm khủng hoảng đã coi đây là cơ hội để tái cơ cấu, để không những vượt qua khủng hoảng mà còn tạo lợi thế để phát triển. Do vậy, bây giờ chúng ta đặt lại vấn đề này, dư luận không tránh khỏi sự hoài nghi, nhất là khi tái cơ cấu nhưng chúng ta chưa thay đổi được những quan điểm cơ bản, đặc biệt là vai trò của tập đoàn nhà nước. Tôi không phải là nhà kinh tế nhưng tôi cảm thấy cách làm của Chính phủ đang bị động và mang tính ứng phó nhiều hơn là muốn biến rủi ro thành cơ hội để bứt lên.

Ngoài ra, tôi cũng rất băn khoăn về vấn đề biến đổi khí hậu. Hôm qua là lũ lụt ở Thái Lan, có thể ngày mai sẽ là Việt Nam. Những vấn đề Chính phủ làm thời gian qua, chúng ta ghi nhận nhưng nó chưa tương xứng với thực tế, nhất là Việt Nam đứng về mặt địa lý còn rủi ro hơn Thái Lan rất nhiều. Chính phủ cần đánh giá được tình hình để có chương trình hành động cụ thể nữa.

- Nhìn vào hoạt động của các tân bộ trưởng - tư lệnh lĩnh vực, những cá nhân nào để lại ấn tượng với ông?

- Nhiệm kỳ này cái tôi của một số thành viên Chính phủ đã bộc lộ rõ ràng hơn. Nhiều bộ trưởng đã đưa ra tuyên bố, mục tiêu cụ thể để người dân có sơ sở giám sát thay vì cứ im lặng làm và dân thì băn khoăn không biết mọi việc sẽ ra sao. Không phải ngẫu nhiên mà dư luận quan tâm ủng hộ Bộ trưởng Giao thông và Bộ trưởng Tài chính cho dù trong sự ủng hộ ấy có cả sự nghi ngờ.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, khi Chính phủ đổi mới thì người dân cũng cần có sự đổi mới trong cách nghĩ, cách nhìn nhận. Mỗi chúng ta cần tham gia vào công cuộc cải cách của đất nước chứ không chỉ ngồi im xem lãnh đạo làm thế nào rồi bình phẩm, nhận xét. Tôi lấy ví dụ đề xuất thay đổi giờ học giờ làm của Bộ trưởng Đinh La Thăng, bất cứ chính sách nào đưa ra đều động chạm đến người dân, vì vậy sẽ vấp phải sự phản ứng nhất định. Tuy nhiên, người dân cũng cần có sự phân tích để nhìn nhận giữa cái được, cái mất để ủng hộ Chính phủ đổi mới. Khi dân ủng hộ thì dù quyết tâm của các tân bộ trưởng chưa thành công ngay nhưng có thể đánh giá được phẩm chất của người đứng đầu.

- Ông bình luận gì khi nhiều người thốt lên "ước gì có một bộ trưởng Thăng trong lĩnh vực giáo dục, môi trường'?

- Tôi không ủng hộ cách nghĩ rằng "ông Thăng hơn người khác" nhưng cách làm của bộ trưởng này thì tôi ủng hộ. Ông Thăng dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám bộc lộ quan điểm của mình để người dân biết ông đang chuẩn bị làm gì, cách thức làm của ông ra sao. Và dân đang giám sát việc ông ấy làm.

Tất nhiên, chúng ta không thể đòi hỏi tất cả bộ trưởng làm như nhau, nhưng việc có người ước rằng lĩnh vực giáo dục cũng có bộ trưởng Thăng cho thấy việc bộc lộ quan điểm, cá tính rất quan trọng. Hiện nay chúng ta không giám sát hoạt động của Chính phủ một cách đầy đủ. Vì thế có một bộ trưởng tạo điều kiện, có kênh để dân giám sát thì tôi hoan nghênh. Đây là cách minh bạch hóa quan điểm.

- Nhưng thưa ông, việc các tân bộ trưởng bộc lộ cái tôi quá rõ đôi khi khiến dư luận nghĩ rằng các vị tiền nhiệm ngại giải quyết các vấn đề bức xúc?

- Thời gian qua nhiều người đã nhắc đến chuyện có vị lãnh đạo TP Hà Nội nhiệm kỳ đầu đã trả lại hàng tỷ đồng quà lễ Tết, thế nhưng đến kỳ sau không nhắc lại chuyện đó nữa. Có nghĩa là ông ấy từng có ý nghĩ tốt nhưng không thực hiện được triệt để do cơ chế. Cơ chế có thể chưa đột phá được. Nếu cơ chế tốt cùng với dư luận xã hội thích ứng, lãnh đạo nhận thức ra thì mọi việc sẽ tốt. Và từ sự đột phá ban đầu sẽ trở thành cái phổ biến. Chúng tôi ủng hộ là ủng hộ những cái như thế, những vị lãnh đạo như thế.

- Qua giai đoạn 100 trăm ngày thử lửa, thách thức lớn nhất đối với các vị bộ trưởng trong giai đoạn tiếp theo là gì, thưa ông?

- Vấn đề tôi thấy không an tâm nhất hiện nay là lĩnh vực tài chính, vấn đề nợ công, tái cơ cấu doanh nghiệp... Chúng ta vẫn có gót chân Asin và chúng ta cũng cần nhìn nhận thực tế là chúng ta chưa phải là một nền kinh tế mạnh. Băn khoăn nhất của tôi hiện nay là quyền lực của Chính phủ đến đâu, đặc biệt là mối quan hệ phân cấp quyền lực. Theo tôi, cần tạo điều kiện cho người dân giám sát việc làm của Chính phủ. Khi họ giám sát, họ sẽ ủng hộ Chính phủ những điều làm đúng, đóng góp ý kiến cảnh báo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật