Hát xẩm - một loại hình âm nhạc dân gian đặc sắc

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong mạch nguồn âm nhạc dân gian, có một dòng chảy từ bao đời nay đã gắn bó với con người Việt Nam, đặc biệt là với cuộc sống dân dã, thị thành và kẻ chợ… đó là là hát xẩm. Thể loại âm nhạc này trước đây được lưu truyền chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như: Bắc Giang, Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Thanh Hóa…với những hình thức biểu diễn rất độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa khu vực.
Hát xẩm - một loại hình âm nhạc dân gian đặc sắc
Ảnh minh họa

Theo các nghệ nhân, hát xẩm được hình thành khoảng thế kỷ thứ 14. Từ khi ra đời đến khoảng nửa đầu thế kỷ 20, hát Xẩm được gọi với những tên khác nhau như hát rong, hát dạo…

Đầu thế kỷ XX, hát xẩm đã phát triển thành một nghề để những người dân nghèo kiếm sống nơi thành thị và được truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Xẩm thành thị ra đời, hối hả hơn, bóng bẩy hơn để phù hợp với cuộc sống nơi đây. Bên cạnh các loại xẩm chính tông như xẩm chợ, xẩm xoan, xẩm thập ân.. nghệ nhân xẩm đã kết hợp, du nhập thêm các loại hình khác như Sa mạc, Trống quân, Cò lả...Việc kết hợp như vậy vừa làm phong phú hơn mượt mà hơn cho các câu hát xẩm, vừa phổ biến các loại hình khác rộng rãi trong dân gian.
Theo thời gian, xẩm đã dần phát triển và định hình thành một nghệ thuật âm nhạc độc đáo với hệ thống làn điệu riêng. Bởi thế, tên những điệu hát này thường hay kèm theo chữ “xẩm”, như những làn điệu xẩm xoan, xẩm chợ… với tính chất lạc quan, khỏe khoắn, tươi vui, yêu đời.

Trong hệ thống làn điệu của xẩm, có những làn điệu hấp dẫn, đặc sắc đến mức các bộ môn nghệ thuật khác như Chèo, Quan họ và thậm chí Ca trù đều phải “vay mượn”, như các điệu xẩm huê tình, xẩm chợ, xẩm xoan... Bài xẩm huê tình khi được các đào nương, kép đàn ca trù du nhập vào trong hình thức ca quán, thường gọi là điệu xẩm cô đầu (hay xẩm nhà trò). Nói vậy để thấy các nghệ sĩ giáo phường ca trù rất tôn trọng nghệ thuật xẩm, họ vẫn giữ chữ “xẩm” ở làn điệu này nhằm chỉ rõ gốc gác của làn điệu.

Về nhạc cụ, chủ yếu là cây đàn bầu. Theo truyền thuyết, nó được coi là nhạc cụ đặc trưng của xẩm lúc ban đầu (thế nên người ta còn gọi nó là đàn xẩm). Theo thời gian, một nhóm xẩm thường phải có đàn nhị, sênh, phách và cặp trống mảnh (trống da một mặt). Tùy vào điều kiện nhân lực, họ cũng có thể chơi đủ cả đàn bầu hay đôi khi thêm vào chiếc trống cơm hoặc sáo. Nhưng với hoàn cảnh lang thang kiếm sống nay đây mai đó, nhiều khi chỉ cần một đàn nhị và cỗ phách đơn hay cặp sênh là đủ tiếng tơ đồng phụ họa. Khi trình diễn, bao giờ cũng có một người hát chính, những người còn lại chơi nhạc cụ đệm hoặc hát đỡ giọng khi cần.

Những loại hình văn hóa dân gian như hát xẩm không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa về mặt văn hóa, mà lớn lao hơn, chính là sự thể hiện rõ nét của đời sống, là biểu hiện của tư tưởng, tâm hồn ông cha ta.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật