Khó tách loại phương tiện giao thông trong nội thành Hà Nội

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Liên tục trong thời gian qua vấn đề giải quyết ùn tắc trong giao thông đô thị ở Hà Nội và TP.HCM được quan tâm đặc biệt. Tiến sỹ Khuất Việt Hùng – Trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, Giám đốc Trung tâm hợp tác và giáo dục Quốc tế, ĐH GTVT Hà Nội trao đổi về vấn đề này.
Khó tách loại phương tiện giao thông trong nội thành Hà Nội
Ảnh mang tính minh họa

Mục đích đúng nhưng giải pháp chưa phù hợp

Chính phủ vừa yêu cầu Hà Nội và TP.HCM nhanh chóng thí điểm ngay việc hạn chế hoặc cấm lưu thông trong thời gian thích hợp đối với xe môtô, xe gắn máy trên một số tuyến phố. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Chủ trương của Chính phủ thể hiện quyết tâm rất mạnh nhằm làm giảm tình trạng ách tắc giao thông cũng như giảm tai nạn giao thông. Vấn đề này nhân dân, các cơ quan ban ngành đều rất quan tâm.  Chính phủ đã nhìn nhận trúng vấn đề đó là việc sử dụng quá mức phương tiện cơ giới cá nhân. Nó chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến ách tắc giao thông trong các đô thị lớn. Tôi rất ủng hộ chủ trương này. Vấn đề là chúng ta hạn chế ở đâu và vào giờ nào.

Tiến sỹ Khuất Việt Hùng
Hà Nội đã từng thí điểm nhiều biện pháp nhằm giảm ùn tắc, thậm chí đã từng nghiên cứu và áp dụng mô hình của một số thành phố thành công trong giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên hiệu quả thấp.

Hà Nội và cả TP.HCM đã nỗ lực lớn trong việc tìm kiếm giải pháp phù hợp nhằm làm giảm tình hình ác tắc giao thông. Tuy nhiên không chỉ đơn thuần copy bất cứ kinh nghiệm của một thành phố ở các nước phát triển nào đó là có thể làm được.

Một số quốc gia rất thành công trong việc hạn chế số phương tiện đăng ký nhưng ở nước ta thì tất cả những điều kiện về kinh tế xã hội của chúng ta chưa phù hợp. Khi chúng ta có mục đích đúng nhưng giải pháp chưa phù hợp thì hiệu quả chưa được cao là chuyện hết sức bình thuờng.

Khó thực hiện phân làn

Ông đánh giá như thế nào về giải pháp phân làn (đang thí điểm ở Phố Huế và Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)?

Vấn đề phân làn hay nói đúng hơn là tách loại phương tiện trong tham gia giao thông trong dòng giao thông tại nội thành Hà Nội là khó. Vì đặc trưng về sử dụng đất dọc theo các tuyến phố ở Hà Nội.

Việc thí điểm tách làn các phương tiện giao thông tại Phố Huế và Bà Triệu gây khó khăn rất lớn cho người đi ô tô

Đất hai bên các tuyến phố này có thể là nhà, quán ăn, nơi mua bán. Những hoạt động sử dụng đất đấy người ta có nhu cầu tiếp cận đến họ (nhu cầu đi vào đi ra - PV). Những người đi bằng xe đạp xe máy thì thuận tiện trong việc tách làn. Xe máy, xe đạp đi làn sát vỉa hè, làn còn lại là ô tô. Vậy khi những người đi ô tô muốn mua cái gì đó hay về nhà mình ở mặt đường thì người ta có được vào nhà không.?

Cứ giả sử đi đến chỗ quay vòng, nhưng quay vòng cũng không về được nhà mình vì kiểu gì cũng phải rẽ tay phải để vào nhà mình chứ chưa nói vào để mua bán. Khi tôi có quyền về nhà tôi tức là tôi phải đi vào làn xe máy, khi tôi đi vào làn xe máy thì tôi chiếm làn xe máy, khi đó thì xe máy sẽ phải tránh vào làn ô tô. Đó là phản ứng tự nhiên trong dòng giao thông. Dẫn đến việc muốn về nhà hay mua bán người ta buộc phải vi phạm.

Vậy chuyện vi phạm là đương nhiên?

Nếu chúng ta chấp nhận tách làn các phương tiện, thì chúng ta phải chấp nhận việc đi sai làn để người ta vào nhà của họ. Nếu vi phạm được chấp nhận như vậy mọi việc sẽ trở lại như cũ.

Theo ông thì việc tách làn là bất khả thi?

Trường hợp này về mặt kỹ thuật là khó vì nó vướng vấn đề sử dụng đất hai bên đường.  Điều kiện sử dụng đất nội thành ở nước ta như thế mà chúng ta muốn phân tách phương tiện theo làn thì có thể nói là khó thực hiện.

Ùn tắc tại nội thành là bài toán khó giải

Nhiều người thường nói đến ý thức tham gia giao thông quá kém của người dân, làm cho việc áp dụng các giải pháp giao thông tại Hà Nôi khó thành công. Cụ thể với lần phân làn này, ông nghĩ sao?

Người dân có ý thức hơn rất nhiều trong tham gia giao thông ở những tuyến phố mà chúng ta phân làn như Bà Triệu hay Phố Huế. Nguời tham gia giao thông đã chừng mực có ý thức, đa số mọi người đã tách (ô tô sang làn bên trái và xe máy làn bên phải). Tức là họ đã có ý thức nhất định.

Ông thấy việc ùn tắc ở Hà Nội so với các nước trong khu vực như thế nào?

Việc so sánh sẽ khập khiễng vì môi đô thị mỗi nước có đặc trưng riêng. Tuy nhiên về ách tắc giao thông đô thị thì Hà Nội còn đỡ hơn nhiều so với Bangkok và Manila. Mỗi lần vào trung tâm Bangkok người ta còn phải lập kế hoạch đấy!

- Trước đây, Hà Nội đã từng thực hiện thí điểm phân làn giao thông theo phương tiện: năm 2003 tuyến Kim Mã; năm 2006 tuyến Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt; năm 2009 tuyến Giải Phóng. Thế nhưng, đến nay các tuyến phố này vẫn chưa thực hiện được việc phân làn theo phương tiện. Như vậy đây là lần thứ tư Hà Nội tổ chức phân làn.
- Hà Nội đang có khoảng 3,7 triệu xe máy và 400.000 xe ô tô lưu thông hàng ngày, mỗi tháng địa phương này lại có thêm từ 26.000-30.000 xe máy được đăng ký mới và lượng ô tô là 4.000-6.000 chiếc. Tốc độ tăng trưởng bình quân của các phương tiện giao thông là từ 12-15%/năm.
- Theo kết quả nghiên cứu của trường ĐH Bách khoa TP HCM, chỉ tính riêng địa bàn TP HCM, mỗi năm nạn kẹt xe đã gây thiệt hại hơn 13.000 tỷ đồng


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật