Máy lọc nước hàng nội, công nghệ ngoại: Vẫn nên đun sôi

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trên thị trường hiện có nhiều thiết bị lọc nước máy dạng tinh cho nước uống tại vòi hoặc sử dụng để nấu ăn. Sản phẩm được các chuyên gia đánh giá là có chất lượng lọc tốt tuy nhiên dù là với máy lọc uống liền vẫn nên đun nước sôi, để tránh nguy cơ nhiễm các vi khuẩn gây bệnh.
Máy lọc nước hàng nội, công nghệ ngoại: Vẫn nên đun sôi
Lõi lọc bằng gốm của Việt Nam (bên phải) và của Hàn Quốc.

Hàng nội, công nghệ ngoại


Tại cửa hàng số 506 Trường Chinh, Hà Nội, chủ cửa hàng Đỗ Hồng Năm cho biết, công nghệ lọc nước R/O (thẩm thấu ngược) mặc dù là công nghệ nước ngoài nhưng được các nhà sản xuất máy lọc nước ứng dụng khá phổ biến trong các loại máy lọc nước nhãn hiệu Việt bán trên thị trường hiện nay.
Các thiết bị RO có loại cho nước uống tại vòi không cần đun nấu, hoặc có loại lọc nước máy để dùng làm nước nấu ăn với hệ thống lọc hai lõi với một lõi thô lọc cặn bẩn còn một lõi than hoạt tính dùng để khử độc tố và chất clo dư thừa.
Tuy nhiên, chị Năm cũng cho hay, dù là mang tiếng hàng Việt Nam nhưng thực chất phần vật liệu đều là hàng nhập từ Đài Loan, các công ty Việt Nam mua về rồi gắn tên thương hiệu riêng. Tất cả phần vỏ đều tự gia công, chất lượng tùy theo giá cả. Với vỏ thùng inox "xịn" không hút nam châm giá thành tất nhiên sẽ cao hơn inox kém chất lượng.

Ngoài ra, thị trường còn có các thiết bị lọc nước đơn giản hơn, cũng do Việt Nam sản xuất, chẳng hạn như hệ thống lọc bằng lõi gốm sứ, chủ yếu dùng lọc nước nấu ăn. Lõi lọc bằng gốm của Việt Nam sản xuất hiện nay trên thị trường chủ yếu làm theo công nghệ Hàn Quốc, nhưng chất lượng kém hơn nhiều.
Nếu hàng Hàn Quốc màu trắng tinh, lọc nhanh, gốm mịn và nhẹ thì lọc gốm của Việt Nam có màu tối hơn, cầm nặng tay, chảy bí và dễ vỡ. "Có thể do chất lượng gốm chưa cao, công nghệ còn làm thủ công nên chất lượng kém hơn. Nhưng nhìn chung, lọc gốm của miền Nam còn hơn của miền Bắc nhiều", chị Năm cho hay.  

Khi máy lọc "ăn no" chất bẩn...
TSKH Trần Văn Nhị khuyến cáo người sử dụng dù là với máy lọc uống liền vẫn nên đun nước sôi.

TSKH Trần Văn Nhị, viện Công nghệ Sinh học, viện khoa học và Công nghệ Việt Nam thừa nhận, máy lọc nước sử dụng công nghệ thẩm thấu ngược kết hợp với màng lọc vi khuẩn nên cho sản phẩm nước lọc có thể uống ngay được. Công nghệ này cũng có tác dụng lọc sạch các độc chất như asen, mangan và các chất hữu cơ. Tuy nhiên, điểm hạn chế của những chiếc máy này là công suất nhỏ nên chỉ thích hợp lọc nước uống, nước nấu ăn.

Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, người sử dụng nên chú ý thay cột lọc định kỳ mỗi 6 tháng hoặc 1 năm tùy mức độ sử dụng. Tuy nhiên, các chuyên gia về nước cho rằng, sự hạn định thời gian như vậy là không thích hợp, bởi các loại lõi lọc hấp phụ gồm lọc gốm, xốp, than hoạt tính, hay màng R/O... chỉ có thể "dung nạp" một lượng tạp chất nhất định.
Nếu nguồn nước đầu vào nhiều cặn bẩn, nồng độ độc chất cao, "công suất hấp phụ" sẽ càng cao và lõi lọc càng nhanh chóng bão hòa. Khi các lõi lọc đã "ăn no" chất bẩn, cho dù nước đầu vào vẫn chảy qua lõi lọc, nhưng hiệu quả lọc sẽ gần như bằng không. Ấy là chưa kể đến nguy cơ các tạp chất, vi khuẩn bám dính trong hệ thống lọc đã bị bẩn sẽ chảy theo dòng nước đầu ra.

Do vậy, TSKH Trần Văn Nhị khuyến cáo người sử dụng dù là với máy lọc uống liền vẫn nên đun nước sôi, để tránh nguy cơ nhiễm các vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, dân ở các vùng sử dụng nguồn nước ngầm có nguy cơ nhiễm bẩn, dù là nguồn nước nhà máy đã xử lý, cũng cần xét nghiệm nguồn nước ăn của gia đình, nếu nước lẫn quá nhiều độc chất như asen, mangan, amoni, nitrit... các máy lọc tinh này thực sự không phù hợp, bởi các độc chất khi đun sôi cũng không thể loại bỏ được.

"Các vùng phía Nam Hà Nội như Pháp Vân, Giải Phóng, Thanh Trì, Thanh Liệt... là những nơi có túi nước ngầm khá bẩn, các chất độc như amoni, nitrit không thể xử lý được triệt để.

Những vùng Phủ Lý, Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên... và một số nơi khác sử dụng nguồn nước ngầm vẫn tồn tại độc chất asen, amoni, nitrit, nitrat... Ở những khu vực này việc sử dụng máy lọc R/O là không thích hợp bởi thời gian thay lõi lọc sẽ rất ngắn do hàm lượng độc chất nhiều".

TSKH Trần Văn Nhị

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật