Anh đã về miền Tháp cúc

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trưa 2.1, bạn bè văn chương ở Hà Nội đã đưa tiễn nhà thơ Trần Quốc Thực, hội viên Hội Nhà văn VN, biên tập thơ của Báo Văn Nghệ về nơi an nghỉ cuối cùng. Anh ra đi lặng lẽ đúng vào đêm cuối cùng của năm 2007.
Anh đã về miền Tháp cúc
Nhà thơ Trần Quốc Thực - ảnh: N.V.C

Là một người thơ suốt đời lặng lẽ, anh sống âm thầm, cảm nhận âm thầm và viết âm thầm. Dường như Trần Quốc Thực chẳng bao giờ lớn tiếng với ai cả, anh cũng không tranh luận, không bàn cãi nhiều về văn chương ở chốn đông người. Tôi cứ có cảm giác, anh là người luôn cố gắng, dằn mình xuống, nín chịu tất cả mọi bất hạnh trong cuộc sống thường ngày. Chỉ còn lại đôi mắt khắc khoải, luôn buồn bã hướng về xứ sở nào đó của một miền thi ca vô định, vô tăm tích.

Sinh ngày 16.8.1948 ở Ý Yên, Nam Định, Trần Quốc Thực tham gia thanh niên xung phong năm 1965, đến năm 1967, anh chuyển sang quân đội. Từ 1982-1985, Trần Quốc Thực theo học khóa 6 Trường viết văn Nguyễn Du rồi về công tác tại Báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn VN. Trần Quốc Thực đã in 4 tập thơ: Miền chờ, Nét khắc, Trái tim hoa bìm, Tháp cúc và đoạt nhiều giải thưởng cao về thơ của Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn VN và Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật VN. Đêm 31.12.2007, nhà thơ Trần Quốc Thực đã qua đời tại bệnh viện quân đội 354, sau một cơn ho thắt phổi dữ dội, mặc dù đã được gia đình và bệnh viện hết lòng cứu chữa.

Trong tập thơ cuối cùng của đời thơ mình (tập Tháp cúc - NXB Hội Nhà văn 2003) anh viết về “miền Tháp cúc” như sau: “ngày đang duỗi thăm/lối hai tháp cúc/nhấp nhô cánh buồm/con sông phía trước/tháp cúc quệt quạc/ánh vàng lên mây/miền sông lối cát/miền trời heo may/miền nào nữa cúc/đầy hoe bóng người/những tháp cúc nở/em vừa đi qua/bạn ngồi bạn nhẩm/ bông gần bông xa/mình ngồi mình mớ/em người đâu ta”. Thơ của Trần Quốc Thực như một dòng chảy lặng lẽ, cứ thấm dần, đọng dần trong ta qua tháng năm. Anh chọn lối nói rất bình dị trong thơ nhưng với sự chắt lọc đầy tinh tế và giàu cảm xúc.

Trao đổi với bạn bè về nghề văn, gần đây Trần Quốc Thực từng tâm sự: "Quá trình sáng tác của tôi không suôn sẻ, hay bị bỏ dở giữa chừng. Tôi viết nhanh nhưng việc hoàn chỉnh và công bố tác phẩm lại chậm chạp. Một ý tưởng được tôi chăm gom rất lâu, song muốn phát tiết được ra thành câu, thành vần như ý thì lại phải nhờ cậy vào sự dẫn dắt của linh giác - điều này tưởng như là cảm hứng song không phải. Cảm hứng chỉ là cái được linh giác tích tụ và phát lộ. Theo tôi, ai làm thơ mà chỉ đơn thuần nhờ vào cảm hứng thì sẽ thất bại. Ai làm thơ chỉ nhờ vào ý tưởng cũng thất bại. Nghiệp thơ đến với tôi muộn màng. “Có lẽ tôi còn mãi đi thu gom tàn của những vàng hương tôi vừa hóa để làm màu mỡ thêm miền tôi được thừa tự! Có lẽ tại vì thế chăng? Hay còn bởi những gì huyền bí khác nữa nảy sinh sau mỗi bước hành hương vào Trời Đất...". Những tâm sự trên của nhà thơ, nhất là ở phần cuối, cho ta thấy anh đã linh cảm trước được sự ra đi của mình vào đêm tận cùng của năm. Giờ thì anh đã hành hương về “miền Tháp cúc” trong chuyến-xe-thơ lặng lẽ qua thế gian này.

Xã luận

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật