Hy Lạp thoái khỏi nguy cơ vỡ nợ, thị trường thế giới lạc quan trở lại

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tuy nhiên, tăng trưởng sản xuất ở khắp châu Á, châu Âu đều sụt giảm, gia tăng khả năng các ngân hàng Trung ương châu Á phải nâng lãi suất.
Hy Lạp thoái khỏi nguy cơ vỡ nợ, thị trường thế giới lạc quan trở lại
Ảnh minh họa

Thế giới tuần qua đón nhận một số tin tức tốt từ Hy Lạp và Mỹ làm giảm nỗi lo ngại về nguy cơ khủng hoảng nợ châu Âu cũng như sự suy giảm kinh tế Mỹ.

Thị trường châu Á. Sự lo ngại về nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp giảm xuống, giúp các đồng tiền châu Á có tuần tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 4. Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 1,6 tỷ USD cổ phiếu ở Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan và Philippines trong tuần này.

Trung Quốc. Thủ tướng Ôn Gia Bảo bắt đầu chuyến thăm châu Âu tại Anh với lời hứa hẹn sẽ tiếp tục đầu tư vào nợ công châu Âu và kí các hợp đồng trị giá 4,3 tỷ USD với Anh. Thủ tướng Trung Quốc cũng cho biết, sẽ rất khó khăn cho nước này để có thể giữ lạm phát dưới 4% như mục tiêu đề ra trong năm nay. Nhưng khả năng giữ lạm phát dưới 5% là điều có thể. GDP năm 2011 của nước này có thể cao hơn 8-9% và sẽ là sự tăng trưởng tốt nhất trên thế giới.

Văn phòng kiểm toán Nhà nước Trung Quốc báo cáo, các chính quyền địa phương Trung Quốc mắc nợ tới 10.700 tỷ Nhân dân tệ (1.650 tỷ USD) tính đến cuối năm 2010. Một nửa trong số đó phát sinh từ việc sử dụng các công cụ tài chính.

Cũng trong tuần, truyền thông Canada đưa ra các báo cáo cho thấy, số lượng nhà đầu tư Trung Quốc mua bất động sản ở nước này tăng vọt. Một khảo sát cho thấy, người Trung Quốc không chỉ gây ra bong bóng tài sản tại nước này mà còn đang mang tiền đi khắp thế giới để đầu tư bất động sản. Các chuyên gia đang lo ngại nguy cơ bong bóng bất động sản sẽ bị người Trung Quốc làm lan rộng ra toàn thế giới.

Trên thị trường thế giới, các nhà đầu tư trái phiếu quốc tế có thể mất tới hàng chục tỷ USD mà họ đã cho các công ty Trung Quốc vay bởi các công ty này đang bị cáo buộc gian lận và giá trái phiếu của họ lao dốc thảm hại.

Vào cuối tuần này, cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc đã thông qua việc sửa đổi luật thuế thu nhập cá nhân. Ngưỡng thu nhập chịu thuế được nâng từ 2.000 Nhân dân tệ lên 3.500 Nhân dân tệ (538,5 USD).

Nhật. Mặc dù lạm phát tháng 5 cao hơn dự báo nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại giảm xuống 4,5%. Cũng trong tuần này, sau cuộc tranh luận nội bộ gay gắt, Chính phủ Nhật và đảng cầm quyền đã đồng ý một kế hoạch để tăng gấp đôi thuế tiêu thụ từ 5% lên 10% vào giữa thập kỷ này để tài trợ cho việc cải cách hệ thống an sinh xã hội.

Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng chứng khoán Nhật 3 tuần liên tiếp. Đây cũng là tháng đầu tiên các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng chứng khoán Nhật kể từ cuối năm ngoái.

Tại thị trường Mỹ. FED cho biết sẽ tiếp tục mua trái phiếu với số tiền thu được từ các khoản nợ đáo hạn mà FED sở hữu. Điều này có nghĩa là FED sẽ mua tới 300 tỷ USD trái phiếu trong 12 tháng tiếp theo để giữ lãi suất thị trường ở mức thấp mà không cần bơm thêm tiền cho hệ thống Tài chính.

Mặc dù niềm tin tiêu dùng trong tháng 6 giảm nhưng hoạt động sản xuất của Mỹ bất ngờ tăng, hỗ trợ dự báo của FED rằng, nền kinh tế sẽ tăng trưởng trong nửa cuối năm nay. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho biết, họ có thể hạ xếp hạng tín dụng Mỹ từ Aaa xuống Aa nếu các nhà lập pháp không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ. Bộ Tài chính cũng tiếp tục lặp lại cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng nợ nếu không nâng trần nợ nhanh chóng.

Tại thị trường châu Âu. Bộ trưởng Tài chính Pháp trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên của IMF, thay ông Dominique Strauss-Kahn. Trong khi đó, các nhà điều hành Liên minh châu Âu (EU) bất chấp nhu cầu của các nước thành viên lớn nhất muốn đóng băng ngân sách dài hạn, đưa ra gói chi tiêu 1.000 tỷ Euro (1,442 tỷ USD).

Văn phòng Thống kê Liên minh châu Âu Eurostat báo cáo, CPI tháng 6 của khu vực Eurozone tăng 2,7% so với cùng kì, bằng mức lạm phát của tháng 5.

Hồi đầu tuần này, các công đoàn Hy Lạp tổ chức biểu tình khiến giao thông và kinh tế nước này tê liệt, phản đối việc Chính phủ áp dụng thêm các biện pháp khắc khổ.

Tuy nhiên sau đó, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã nhận được đủ số phiếu cần thiết tại Quốc hội để thông qua các biện pháp khắc khổ bao gồm cắt giảm ngân sách và bán tài sản trị giá 112,2 tỷ USD để đảm bảo ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ.

Hy Lạp tiếp tục tiến gần hơn tới gói viện trợ tài chính quốc tế để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ sau khi Chính phủ nước này thông qua một cuộc bỏ phiếu thứ 2 về các biện pháp tăng thuế và cắt giảm chi tiệu trị giá 28 tỷ Euro (40,6 tỷ USD) theo yêu cầu của EU và IMF.

Các nhà chức trách EU đã đề xuất gói chi tiêu 1.000 tỷ Euro. Gói chi tiêu này sẽ được thực hiện trong giai đoạn 7 năm từ 2014 đến 2020, đánh dấu với sự bắt đầu thương lượng giữa 27 nước thành viên về lợi ích giữa các bên.

Ngày 1/7, Ba Lan, nước vừa tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) từ Hungary, cho biết, các Chính phủ thành viên EU đã chấp thuận tăng 2% chi tiêu ngân sách 2012 của EU, thấp hơn nhiều so với mức 5% đưa ra hồi đầu năm nay.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật