Sóc Sơn, Hà Nội: Nông dân bán đất, tiếp tay cho “cát tặc”

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những năm gần đây, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép ở một số xã ven sông trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vẫn chưa được giải quyết triệt để. Chỉ riêng địa bàn xã Xuân Thu, trung bình mỗi ngày có khoảng trên 10 tàu thuyền hút cát trái phép, gây sạt lở nghiêm trọng đất nông nghiệp, làm mất an ninh trật tự và gây bức xúc trong dư luận.
Sóc Sơn, Hà Nội: Nông dân bán đất, tiếp tay cho “cát tặc”
Tình trạng sạt lở nghiêm trọng do khai thác cát trái phép ở Sóc Sơn
Đến thôn Yên Phú và thôn Xuân Lai thuộc xã Xuân Thu (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh hơn 10 chiếc tàu thuyền ngang nhiên hút cát từ sông Cà Lồ thu‌ộc đị‌a phận của thôn. Ông Hoàng Đức Đông - Phó trưởng thôn Yên Phú cho biết: Tình trạng khai thác cát trái phép đã diễn ra hơn 4 năm nay. Mỗi ngày có khoảng trên dưới 10 tàu thuyền đến hút cát tại đây. Trước đây, toàn bộ bãi sông dài khoảng trên 20m được bà con trong thôn trồng một vụ lúa và 2 vụ màu. Đến nay, bãi sông đã bị sạt lở như vực thẳm và hầu như không thể canh tác được nữa. Ước tính toàn thôn có khoảng 3ha đất nông nghiệp bị sạt lở.

Gia đình bà Hoàng Thị Lan, thôn Yên Phú, xã Xuân Thu, hiện có hơn 2 sào ruộng ở bãi đất ven sông, nay đã bị sạt lở trên dưới 1 sào. Bà Lan bức xúc: "Cứ đà này thì chỉ thời gian ngắn nữa thôi là chúng tôi ruộng cũng không có mà làm. Nhà nông chỉ trông vào mấy sào ruộng, nay ruộng đã bị "trôi” ra giữa sông thì trồng lúa, trồng màu vào đâu”! Bà Lan cũng cho biết: Để bảo vệ mảnh đất của gia đình, hàng ngày các thành viên phải thay nhau ra bãi canh đất, không cho tàu thuyền khai thác cát hoạt động. Tuy nhiên, việc làm này không những không hạn chế được tình trạng nói trên mà còn gây nguy hiểm cho chính những người trong gia đình vì "cát tặc” vẫn ngang nhiên cho tàu neo đậu để hút cát và dùng hung khí đe dọa nếu gặp phải sự phản đối.

Theo ông Nguyễn Văn Thi - Chủ tịch UBND xã Xuân Thu, khó khăn lớn nhất để chấm dứt tình trạng này lại chính là ở người dân địa phương. Trong số những chủ tàu thuyền thì có tới trên dưới 15 người là dân địa phương trực tiếp tham gia hút cát hoặc tiếp tay cho các chủ tàu thuyền ở nơi khác đến hút cát bừa bãi. Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, xử lý thì họ đã thông tin cho nhau để chạy thoát. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân tự ý bán ruộng cho các đối tượng này và vô hình trung đã gián tiếp đồng ý cho các đối tượng trên khai thác cát tuỳ tiện. Ông Thi cho biết thêm, mức phạt từ 500.000đồng đến 1 triệu đồng/lần vi phạm đối với các chủ tàu khai thác cát trái phép như hiện nay là chưa đủ sức răn đe. Do đó, cứ sau mỗi lần ra quân truy quét của các cơ quan chức năng thì tình trạng vi phạm này lại tiếp tục tái diễn.

Để chấm dứt triệt để tình trạng khai thác cát trái phép ở các xã ven sông nói chung và xã Xuân Thu nói riêng, ông Nguyễn Đức Trí, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, bên cạnh các giải pháp tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên sông; mới đây, huyện Sóc Sơn đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ công an, thanh tra xây dựng và các lực lượng liên ngành tổ chức ra quân cưỡng chế các chủ tàu thuyền khai thác cát sỏi trái phép và các bến bãi tập kết cát sỏi không có giấy phép hoạt động. Bước đầu đã giải toả được toàn bộ 6 bãi tập kết cát không phép và bắt giữ được 6 tàu thuyền hút cát trái phép trên sông Cà Lồ. Ông Trí cũng cho biết thêm, ngay sau đợt ra quân này, huyện Sóc Sơn sẽ đề nghị chính quyền các xã ven sông tiếp tục chủ động tăng cường kiểm tra, phối hợp thường xuyên với các ngành chức năng nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trên lòng sông.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc ngăn chặn "cát tặc” hoành hành không thể chỉ bằng những đợt ra quân cao điểm "ngày một ngày hai”, mà cần có các biện pháp cứng rắn và đủ sức răn đe của chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng địa phương.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật