Càng nhiều “độc quyền”, càng “đẳng cấp”?

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một ca sỹ đã được biết tên trong làng ca hát trẻ thừa nhận: "Ca sỹ trẻ bây giờ mà không có ca khúc độc quyền thì khó mà "đứng" được!". Rõ là ca khúc độc quyền đã như "chuyện cơm bữa" giữa thị trường ca hát xô bồ các cuộc chạy đua đến đỉnh cao.
Càng nhiều “độc quyền”, càng “đẳng cấp”?
Mỹ Tâm và Thanh Thảo - hai trong số nhiều ca sĩ thu hút đông đảo người nghe bởi những ca khúc hit của mình
  Thế nhưng, nếu ngày xưa, mỗi ca sỹ chỉ "ngắm" và nâng niu trau chuốt cho một ca khúc độc quyền để "đánh dấu" tên tuổi, thì nay, ca khúc độc quyền đã ào lên thêm một "nấc", mang dáng hình của một cuộc chạy đua tìm đẳng cấp.  Có một dạo chưa xa, dấu sao đính bên cạnh tên một ca khúc trong list bài hát trên album cá nhân đã được chú ý đặc biệt. Bởi cái dấu sao kia khẳng định chắc nịch và đầy tự hào rằng: ca khúc ấy chỉ có một mình ca sỹ này hát, không giống bất cứ ai và cũng không lạc giữa rừng ca sỹ trẻ nườm nượp đổ bộ vào làng ca hát.  Và đã có những cái tên ca sỹ được nhắc đến trong chuyện trả tiền hậu hĩnh cho nhạc sỹ mua ca khúc. Và cũng đã có những ca sỹ nổi danh nhờ ca khúc độc quyền… khi ca khúc ấy được đầu tư cả tâm sức hát và thu âm, rồi trở thành một bài "hit" gắn liền với tên tuổi họ.  Tựa như ca khúc Na na na làm "búp bê đẹp xinh" Thanh Thảo được nhận ra trong đám ca sỹ trẻ, như bản tình ca Hát với dòng sông nuột nà bên Mỹ Tâm, như Dẫu tình đã xa đầy tiếc nuối của Minh Thuận…  Khi vấn đề độc quyền trong làng ca hát trở thành tâm điểm thì đã hiện diện những công ty độc quyền ca sỹ. Ở đó kéo theo cả một guồng máy quay không ngừng nghỉ chỉ để phục vụ cho việc đánh bóng tên tuổi ca sỹ độc quyền, trong đó có nhạc sỹ độc quyền chuyên sáng tác cho ca sỹ.  Ưng Hoàng Phúc đã "lớn lên" trong guồng quay của Công ty Thế giới giải trí như vậy, Đan Trường cũng thành danh nhờ H.T Production. Cẩm Ly, Nhật Tinh Anh, Khánh Ngọc… là "sản phẩm" của độc quyền…  Từ băng đĩa cho đến những lần biểu diễn trước công chúng, các chàng nàng ca sỹ không bao giờ bỏ lỡ cơ hội sử dựng ca khúc độc quyền để ghi điểm trong trí nhớ người hâm mộ… Cuộc chạy đua đến đỉnh cao của cát-sê và danh tiếng chưa bao giờ dừng lại, thì cũng đồng nghĩa với chuyện độc quyền không giảm bớt "nồng độ". Có nhìn vào các album cá nhân, các live show, các đêm diễn ca nhạc bây giờ mới giật mình nhận ra, ca khúc độc quyền đã được giới biểu diễn đẩy thêm lên một "nấc".  Không còn là một hay hai bài hit trong một album nữa mà như một fan của nhạc trẻ nói: "Chi chít các ngôi sao đánh dấu bài hát độc quyền. Ca sỹ càng "đẳng cấp", càng giàu thì càng nhiều ca khúc độc quyền trong một album".  Như Đàm Vĩnh Hưng, trong album Lạc mất em mới nhất có 10 ca khúc thì có tới 9 bài độc quyền. Anh đã "bạo tay" mua cả bản quyền bài hát Nửa vầng trăng đã từng ngự trị trên sân khấu hải ngoại không biết bao lần.  "Khiêm tốn" như người mẫu Ngô Mai Trang khi ra album làm ca sỹ cũng "đầu tư" được 3 ca khúc độc quyền. Lệ Quyên, Thanh Thảo, Hiền Thục, Hồng Ngọc… đến những tên tuổi mới toanh như Lưu Việt Hùng, Lưu Gia Bảo… chẳng ai trong làng ca hát trẻ "dám" từ chối ca khúc độc quyền. 

Thế nhưng cũng phải thẳng thắn để nhận ra rằng, giữa "cơn bão" ca khúc độc quyền ồn ào đến mức không phương hướng kia, không phải ca sỹ nào cũng ghi được danh trong lòng khán giả.

 Nhật Tinh Anh, Khánh Ngọc là "sản phẩm" của độc quyền công ty Nhạc Xanh Cơn mưa album dội xuống thị trường cùng với mưa ca khúc độc quyền khiến khán giả như "bội thực". Bội thực vì quá nhiều, lại quá nhạt nhòa, thậm chí na ná nhau, không mang sắc thái gì riêng về ý nghĩa, chất giọng, lối hát… Hết thảy đều chạy theo thứ tình yêu sướt mướt, nhàm chán và mệt mỏi.  Trong guồng quay này, chính những kẻ chạy đua - ca sỹ - phải tốn kém hơn xưa gấp vạn lần vì ngoài kinh phí thu âm, hòa âm phối khí, chỉnh sửa, bìa đĩa, phát hành, còn phải trả một khoản không nhỏ để mua ca khúc, nếu không muốn mình "lạc hậu" so với thị trường.  Thành công hay không thì vẫn chưa biết chắc, nhưng "đã vào cuộc thì phải chấp nhận, không có ca khúc độc quyền thì không "đứng" được trong thị trường". Và hệ quả của nó là một loạt tên tuổi nhạc sỹ trẻ bỗng dưng thành "có giá" một cách phi lý.  Hoài Anh, Đỗ Bảo, Minh Khang… không nói làm gì, nhưng đến Khánh Đơn - sở hữu toàn những ca khúc nghe rất chướng tai - cũng giàu lên nhờ bán ca khúc. Thêm vào đó, ca sỹ cũng lao vào sáng tác, dù chuyện nhạc lý có được học hay không không quan trọng. Và thị trường, công chúng lại nhận về một kết quả hổ lốn ca khúc độc quyền thiếu sắc màu và ánh sáng… Lại chợt nhớ đến những tên tuổi ca sỹ đã ghi danh cùng bài hát suốt bao năm tháng mà đó chẳng phải là ca khúc độc quyền. Rực lửa như Siu Black là Ly cà phê Ban Mê, ngọt ngào như Thanh Lam có Giọt nắng bên thềm, trong trẻo là Mỹ Linh trong Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, đằm thắm là Cẩm Vân trong Bài ca không quên…  Họ đã thành danh đâu cần đến ca khúc độc quyền. Nghĩa là ca khúc độc quyền cũng là một điều hay trong thị trường ca hát, nhưng nếu thái quá trào lưu ấy sẽ đến ngày bão hòa vì nhạt nhòa và nhàm chán.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật