Khoét núi, moi sông tìm vàng

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại thượng nguồn sông Lam (huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), hàng trăm “đội quân vàng tặc” cùng với các loại phương tiện, máy móc ngày đêm ra sức khoét núi, moi ruột sông suối. Điều này tiềm ẩn nhiều tai họa và người dân chắc còn phải gánh chịu hậu quả lâu dài...
Khoét núi, moi sông tìm vàng
Khai thác vàng trái phép trên sông Nậm Mộ thu‌ộc đị‌a bàn huyện Kỳ Sơn.

Từ "tọa độ khát" Huổi Nguyên

Từ bản Khe Bố (xã Tam Quang, huyện Tương Dương), theo tỉnh lộ 748, chúng tôi tìm đến vùng đất “4 Yên”. Cách đây mấy năm, có dịp qua đây thấy sông Huổi Nguyên trong xanh uốn lượn giữa đại ngàn hùng vĩ. Con sông này phát nguyên từ dãy Pù Huống, đi vào đất Tương Dương rồi hợp lưu với sông Lam ở bản Đình Tiến (Tam Đình).

Người dân Tương Dương phải đào “giếng” bên suối để lấy nước.

Dọc sông Huổi Nguyên và toàn bộ hệ thống khe suối vùng này khá dồi dào trữ lượng vàng sa khoáng. Lần trở lại, mặc dù qua báo chí được biết vùng đất này đang bị “đại náo” bởi “vàng tặc”, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ bởi mức độ tàn phá của việc khai thác vàng ồ ạt. Lòng sông ngổn ngang, bề bộn, dòng nước ngầu đục len lỏi giữa cơ man nào bùn đất, sỏi đá.

Ghé thăm các bản làng người Thái nằm dọc sông Huổi Nguyên, qua những bãi khai thác vàng bị đào đi xới lại nham nhở, thỉnh thoảng lại bắt gặp những chiếc hố nông hình tròn, có đường kính từ 50- 70 cm. Dưới đó là một làn nước nhờ nhờ và nổi đầy váng, thỉnh thoáng dân bản đem can nhựa hoặc xô ra lấy nước đưa về dùng.

Nguyên nhân là do sông suối bị ô nhiễm nặng nề bởi nạn khai thác vàng, bà con các bản dọc sông, suối không còn cách nào khác là ra cạnh bờ suối, bãi sông đào tạm một cái “giếng” vừa nhỏ, vừa cạn để nước bên ngoài thẩm thấu, gạn đi phần nào bùn đất để lấy về phục vụ sinh hoạt, từ đun nấu đến tắm rửa, giặt giũ.

Hầu hết người dân nơi đây cho biết vấn đề khó khăn, nan giải nhất lúc này vẫn là nước sạch. Trong vai một giáo viên từ miền xuôi lên tăng cường, trao đổi với một cán bộ y tế xã Yên Thắng, anh này cho biết: “Lâu nay, số lượng người mắc bệnh liên quan đến đường ruột, mắt và bệnh ngoài da tăng lên đột biến”.

Nhìn tôi với ánh mắt đầy vẻ ái ngại, anh động viên: “Anh yên tâm đi, lúc mới đến ai cũng lo lắng cả, nhưng rồi sẽ quen thôi!”.

Nhiều bể nước ở Tương Dương không còn một giọt nước.

Rời bản trung tâm xã Yên Thắng, chúng tôi ngược lên bản Xốp Khấu. Ở đây địa hình dốc, không có bãi bằng như dưới bản Trung Thắng nên bà con không thể đào “giếng” lấy nước, hàng trăm con người đành chen chúc nhau tại một bể nước.

Giờ cao điểm thường từ 17- 20h, bởi lúc này mọi người từ nương rẫy, khe suối trở về, ai cũng có nhu cầu lấy nước đun nấu, tắm rửa và giặt giũ. Hỏi “Không có nguồn nước nào để phục vụ sinh hoạt nữa mà phải chen chúc khổ sở như vậy?”, chị Vi Thị Lan bức xúc trả lời: “Khe suối đục ngầu do máy to, máy nhỏ đào xới tìm vàng. Nước đục đã đành, máy móc còn thải dầu ra nguồn nước, dùng chất thuỷ ngân để xử lý quặng đến con cá cũng không sống nổi nữa là.

Các con khe ngày trước nhiều cá lắm, chồng tôi đi rẫy về, đem lưới xuống chài chừng 1 tiếng thì có cá ăn đến mấy ngày. Nay không biết chúng bỏ đi hay đã chết hết, mà chài được giờ cũng không ai dám ăn cá nữa”.

Tiếp tục hành trình lên xã Yên Hoà, các khe suối nơi vẫn chung một màu đỏ quạch. Vào thăm gia đình một người quen ở bản Xiềng Líp, ông cho biết hầu hết các bể nước dự án 135 ở đây đã hết nước từ lâu. Nước khe suối thì không thể dùng được, hàng ngày nước phải đi chở khá xa nên phải dùng tằn tiện.

Khổ nhất là những hộ ở cheo leo bên sườn núi, bê được can nước lên đến nơi, rồi lại bê lên nhà sàn, mệt không thể nào kể hết. Bởi, hệ thống ống dẫn nước tự chảy của bản được lắp đặt từ đầu nguồn khe Líp, lâu nay việc khai thác vàng dọc khe đã làm cho đường ống bị rò rỉ và đứt gãy nhiều chỗ nên dòng nước bị ách tắc.

Sáng hôm sau, một người dân Xiềng Líp dẫn chúng tôi lội bộ ngược nguồn khe Líp ngầu đục để tận mục sở thị. Từ bản đến chỗ đứt gãy đầu tiên của hệ thống đường ống chừng 07km, phải đi qua vô số điểm khai thác vàng sa khoáng, của các công ty được cấp phép có, của người dân địa phương cũng có. Lòng khe bộn bề, lồi lõm. Đi mãi cuối cùng cũng đến được vị trí bị đứt đầu tiên của đường ống.

Tại đây, do “vàng tặc” đào khoét làm mất điểm tựa của đường ống kim loại nên hệ thống bị đứt gãy ở vị trí nối khớp giữa hai đoạn và rời ra theo hai hướng, một đoạn chóc lên cao, đoạn kia chúi xuống hố đãi vàng.

Trên đường ra Thị trấn Hoà Bình, qua bản Hào (Yên Hoà), bản Na Pu, Na Khốm, Xốp Pu (Yên Na), rồi ghé lên bản Văng Cuộm, Pa Tý, Cành Toóng (Yên Tĩnh) vẫn không thấy gì khác hơn ngoài những bãi vàng bề bộn và ầm ĩ tiếng động cơ các loại. Khe suối tan hoang. Làn nước đỏ quạch. Còn người dân phải chắt chiu từng giọt nước sạch.
Đến bãi vàng Nậm Mộ

Rời Tương Dương để ngược lên huyện Kỳ Sơn, điều sửng sốt nhất là dòng Nậm Mộ (một trong hai con sông chính hợp lưu thành sông Lam) đã trở nên tan hoang. Đôi bờ đất đá nham nhở bởi nạn khai thác vàng sa khoáng.

Có những khúc sông náo động bởi tiếng các loại động cơ hoạt động hết công suất, bởi tiếng người chửi bới, tranh giành nhau. Nhìn cảnh tan hoang của Nậm Mộ, nhiều người nghĩ tới nguy cơ về thảm hoạ sạt lở đất và lũ quét vào một ngày không xa…

Hệ thống đường ống dẫn nước bị đứt do sự tàn phá của “vàng tặc”.

Nhờ một người quen tại bản Na Lượng, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) dẫn ra khu vực bãi sông Nậm Mộ, nơi suốt ngày đêm diễn ra việc khai thác vàng sa khoáng. Dọc đường đi, thỉnh thoảng trông thấy những chiếc tàu lớn đang khai thác tại các khúc sông, ở đây lòng sông ngổn ngang, bề bộn bởi những bãi đá sỏi do các tàu vàng tải lên.

Được biết, đây là tàu khai thác vàng của Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Hải Long được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép hoạt động.

Người bạn đưa xuống một bãi khai thác vàng. Một vùng bãi sông có diện tích khoảng 1.000 m2, chúng tôi tính được khoảng gần 15 chiếc máy khai thác vàng đang hoạt động.

Tại khu vực này, có đến hàng trăm chiếc hố có đường kính trên 3m, độ sâu từ 5- 10 do những người đào đãi vàng xới tung rồi không chịu lấp lại và trở nên rất nguy hiểm đối với người và gia súc qua lại. Những “phu vàng” chủ yếu là dân địa phương tự phát thành lập các tổ khai thác (từ 10- 15 người/tổ), chung tiền mua máy đãi vàng rồi chia nhau thành quả sau mỗi ngày đào xới, moi ruột lòng sông.

Quy trình khai thác của các “phu vàng” cũng khá đơn giản, trước hết là mua máy bơm có công suất kha khá, dùng cuốc, xuổng đào thành các hố sâu hoặc khoét vào bờ sông theo kiểu hàm ếch để lấy đất đá rồi đãi tìm vàng. Những chiếc máy bơm công suất lớn được dùng vào việc bơm nước trực tiếp vào các vách hố.

Rút khỏi bãi vàng, chúng tôi hướng về phía cầu Xốp Nhị. Từ cây cầu này, nhìn ngược lên dòng Nậm Mộ thấy nước sông một màu đỏ quạch, lòng sông bề bộn cơ man nào là sỏi đá do việc khai thác vàng để lại, dọc bãi sông dày đặc lều bạt của những người đào đãi vàng dựng tạm để nghỉ ngơi.

Từ xã Hữu Kiệm, qua Thị trấn Mường Xén đến xã Tà Cạ, men theo con đường dọc sông đi vào bản Cánh cũng thấy vô số lều bạt ken dày. Ở đoạn này, sông chảy giữa hai vách núi không có bãi bờ nên các “phu vàng” ra sức thi nhau khoét sâu vào vách núi thành những cái hang khổng lồ và tuồn ra lòng sông vô vàn đất đá.

Sở dĩ diễn ra tình trạng khai thác vàng trái phép với quy mô lớn trên địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn là do thời gian qua, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Hải Long cho một số tàu lên khai thác vàng, người dân sợ gây sạt lở và lũ quét, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh nên tìm cách ngăn chặn.

Khi ngăn chặn không được, người dân lấy cớ sông núi là của cha ông bao đời, nay có người đến khai thác vàng, cớ gì mình không được khai thác.

Chúng tôi đi dọc tuyến đường mới mở nằm phía tả ngạn vừa được nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng. Từ đây nhìn sang phía hữu ngạn, thấy bờ sông đã tiến sát đến khá sát khu vực nhà ở của nhiều hộ dân thuộc bản Na Lượng.

So với 10 năm trước, bờ sông ở đoạn này đã tiến vào từ 30- 50m, làm mất hẳn vùng bãi bồi trước đây dân bản dùng trồng rau màu. Nhìn xuống lòng sông thấy một dải ngổn ngang đá sỏi gây biến đổi dòng chảy, có nhiều đoạn dòng nước “xoi” thẳng vào mép đường.

Đi hơn 10 km dọc sông Nậm Mộ, đoạn từ xã Hữu Kiệm lên xã Tà Cạ, thấy một cảnh tượng chung là lòng sông ngổn ngang đất đá, bờ sông bị đào khoét tan hoang.

Rời miền Tây đất Nghệ, từ xe khách ai cũng có thể nhìn thấy dòng sông Nậm Mộ, Huổi Nguyên và kể cả thượng nguồn dòng Lam đang oằn mình bởi tiếng gầm rú của động cơ, bởi hàng trăm chiếc vòi rồng, cuốc xuổng đang ra sức moi ruột.

“Đến một lúc quá sức chịu đựng, dòng sông sẽ nổi giận” - anh bạn dẫn đường nói câu chào khiến ai cũng bận lòng...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật