Không nên tăng học phí đồng loạt

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với đầu tư cho đào tạo như hiện nay, tôi nghĩ tăng nguồn tài chính cho đào tạo ĐH là nhu cầu thực. Để tăng nguồn tài chính, cả Nhà nước và nhân dân cùng phải làm. Tuy nhiên, theo tôi, trong điều kiện đời sống người dân còn khó khăn, giá cả leo thang nhanh chóng, ta phải cân đối, nếu muốn tăng học phí thì phải tăng từ từ, nếu không người dân sẽ không chịu nổi.
Không nên tăng học phí đồng loạt
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM được học với phương tiện giảng dạy hiện đại. Ảnh: TH.LIÊM

Học phí thực tế chỉ là khoản cứng và khoản này rất nhỏ, nếu tính đến chi phí cho việc học tập đào tạo, ta phải tính đến khoản mềm, tức là tất cả chi phí cho việc học với tiền sách vở, học thêm, học ngoại khóa, các khoản quỹ lớp, quỹ phụ huynh... Ở bậc phổ cập, học phí được miễn là đương nhiên rồi, đây là bậc học được bao cấp. Ở bậc phổ thông, học phí cũng nên đóng, nhưng đóng có chừng mực. Ở bậc học này cũng cần có mô hình những trường chất lượng cao như ở bậc ĐH. Nhiều người dân có nhu cầu, có sức đóng góp thì tại sao ta lại không tạo điều kiện cho họ hưởng dịch vụ đào tạo chất lượng cao?

Đối với giáo dục ĐH, tôi cũng có chung quan điểm với một số người, không nên tăng học phí đồng loạt. Tăng đồng loạt như thế, chất lượng có tăng đồng loạt không? Chắc là không. Nếu chúng ta quá tập trung vào chuyện “chia sẻ” đóng góp vào ngân sách mà quên đi vấn đề cốt tử của giáo dục chính là nhân tố con người, thì dù với cơ chế mới, chính sách mới, chúng ta vẫn tụt hậu so với khu vực và thế giới. Học phí phải tăng dựa trên những cam kết về chất lượng đào tạo. Những trường đào tạo tinh hoa, trường trọng điểm có thể thu học phí cao, nhưng những trường bình thường thì học phí phù hợp với số đông người dân. Tôi thấy nhiều sinh viên sẵn sàng chi rất nhiều tiền để đi nước ngoài học với mong muốn được thụ hưởng một nền giáo dục chất lượng cao, thế thì tại sao ta lại không cung cấp cho họ? Với những trường này, ta sẽ quản lý đào tạo như các nước tiên tiến, em nào thực tài thì Nhà nước đầu tư toàn bộ, còn nếu không thì phải đóng học phí cao và quản lý tài chính chặt chẽ. Đó là điều hợp lý.

Vấn đề quan trọng là quản lý đào tạo như thế nào để có chất lượng? Nếu có những trường tư thục đào tạo theo kiểu chất lượng cao này thì tốt, nhưng ở Việt Nam, tìm đối tác để đào tạo chất lượng cao như thế rất ít. Tôi thấy mô hình ĐH FPT là một mô hình rất hay hiện nay. Có thể coi đấy là một lĩnh vực kinh doanh của các tập đoàn, công ty lớn. Theo kinh nghiệm của nhiều nước tiên tiến, để công khai minh bạch, hằng năm các trường đều có kế hoạch chi tiêu. Ví dụ cần ngần này, Nhà nước đầu tư cho ngần này, số còn lại, các sinh viên phải đóng góp. Cuối học kỳ, họ đều dán công khai các báo cáo thu chi để sinh viên, những người đóng góp, được tham gia quản lý xem việc chi tiêu như thế nào, họ được hưởng thụ những gì.

Cũng để tăng nguồn lực và đổi mới giáo dục ĐH, nên chuyển dần các trường công lập sang tư thục và kiểm định chất lượng nhà trường một cách chặt chẽ. Nhà nước cũng cần có sự bình đẳng với các trường. Thực tế cho thấy, mỗi năm Nhà nước đầu tư ngân sách cho đào tạo sinh viên ở trường công vào khoảng 6,3 - 6,5 triệu đồng, cộng với khoảng học phí 1,8 triệu đồng/năm, thế là các trường công đã thu nhiều gấp rưỡi, gấp đôi các trường tư rồi. Đó là còn chưa kể đến ngân sách đầu tư cho xây dựng cơ bản, cơ sở vật chất... Trong khi đó, trường tư cũng thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực mà lại không được hỗ trợ gì, điều đó không công bằng.

Yến Anh ghi

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật