Thi THPT Quốc gia: Phân quyền cho địa phương quá lớn, dễ tiêu cực

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia xảy ra ở hàng loạt tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang đang khiến dư luận “dậy sóng“. Các chuyên gia cho rằng, chúng ta đang phân quyền cho địa phương quá lớn, nên dễ xảy ra tiêu cực.
Thi THPT Quốc gia: Phân quyền cho địa phương quá lớn, dễ tiêu cực
Thi tốt nghiệp THPT Quốc gia chúng ta đang phân quyền cho địa phương quá lớn, nên dễ xảy ra tiêu cực. Ảnh: HH

Đây là một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và mô hình đánh giá để công nhận tốt nghiệp THPT cho Việt Nam” do viện Đo lường đánh giá phát triển giáo dục tổ chức ngày 23/4.

Gian lận không khó!

Mặc dù Bộ GD&ĐT xác định kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2019 là xét tốt nghiệp, nhưng việc các trường đại học (ĐH) không tổ chức thi riêng mà lấy kết quả từ kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia để tuyển sinh khiến đây thực chất vẫn là kỳ thi 2 trong 1 nên áp lực rất lớn.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh Trần Trung Dũng thẳng thắn: Từ thực tiễn mấy năm vừa rồi, kỳ thi THPT Quốc gia đã có những cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

"Điển hỉnh là về chi phí tổ chức kỳ thi, chúng tôi không đủ điều kiện để tính kinh phi toàn xã hội nhưng từ 2017-2018 chi phí cho kỳ thi từ ngân sách địa phương tăng lên 39%" - ông Dũng nói.

Ngoài ra với cách thi này, ông Dũng cũng cho biết, sẽ không làm phân luồng được học sinh sau phổ thông. Như ở tỉnh Hà Tĩnh, sau lớp 12, các em đều đăng ký thi tốt nghiệp để xét tuyển vào ĐH hết.

Đặc biệt, theo ông Dũng, hiện nay chúng ta phân quyền quản lý thi THPT Quốc gia không hợp lý, chứa đựng nhiều rủi ro.

"Bộ GD&ĐT lo không biết các Sở GD&ĐT làm thế nào thì ở địa phương lại lo không biết các điểm thi tổ chức ra sao, nhất là những điểm thi cách xa trung tâm 30-70km việc bảo quản đề thi, bài thi có an toàn không. Mỗi lần tổ chức thi như thế là một lần lên cơn đau tim. Tiềm ẩn rủi ro kinh khủng" - ông Dũng nói.

Đồng thời khẳng định: "Phân quyền tổ chức thi THPT Quốc gia như hiện nay cho các Sở GD&ĐT là quá nặng. Kiểu gian lận điểm thi như ở Hòa Bình, Sơn La có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không có gì khó, quan trọng là tôi không làm chứ không phải không làm được”.

Hiện nay, "chúng tôi đang được giao làm thay quá nhiều. Những nơi cố tình làm kẽ hở thì coi đây là sự may mắn và cơ hội, nhưng với địa phương nói không với tiêu cực thì đây là áp lực rất lớn".

Tại sao lại áp lực? Ông Dũng lý giải: Áp lực vì đây là kỳ thi "2 trong 1". Các trường ĐH lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT Quốc gia để tuyển sinh.

Từ thực tế đó, ông Dũng đề xuất, việc của ai người nấy làm. Sở làm xét tốt nghiệp, các trường ĐH phải tự chủ tuyển sinh.

Chung quan điểm, GS. TS Lê Đức Ngọc - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT có 4 tồn tại.

Trong đó, có việc phân quyền không hợp lý. "Chúng ta đang phân quyền cho địa phương rất lớn, từ tổ chức thi, coi thi, chấm thi đến công nhận tốt nghiệp nên xảy ra tiêu cực rất lớn như ở Hòa Bình, Sơn La" - GS Ngọc nói.

GS Ngọc cũng chỉ ra rằng, kỳ thi THPT Quốc gia chưa áp dụng được triệt để công nghệ hiện đại và đang gây áp lực rất lớn cho thí sinh bởi thực chất đây vẫn là kỳ thi "2 trong 1".

Tuy áp lực nhưng kỳ thi lại không góp phần nâng cao chất lượng giáo dục THPT. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT luôn luôn trên 90%, không thể yêu cầu các trường phổ thông nâng cao chất lượng dạy học được.

Đề xuất phương án thi mới

Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia giáo dục đã đề xuất phương án thi mới.

GS Lê Đức Ngọc cho rằng, cần giảm áp lực thi THPT Quốc gia, chỉ còn là thi để xét tốt nghiệp thôi, không còn thi "2 trong 1".

Theo GS Ngọc, cần có hoạt động đánh giá chất lượng cấp địa phương và đánh giá chất lượng cấp Quốc gia.

Địa phương thì giao quyền tự chủ cho Sở GD&ĐT tự đánh giá và cấp chứng nhận. Chứng nhận này có giới thiệu để học trung cấp hay cao đẳng.

Còn đánh giá cấp quốc gia, thí sinh được quyền lựa chọn có tham gia hay không. Nếu đạt có thể được cấp bằng tú tài. Bằng này có thể được dùng để xét tuyển ĐH.

Có thể xây dựng 4 mức đạt hay không đạt. Nếu dưới 25% là không đạt, từ 25% trở lên là đạt, rồi đến khá, giỏi, có thể thêm bậc xuất sắc.

Đây cũng là cơ sở để các Sở GD&ĐT đánh giá xem vị trí của mình ở đâu.

Từ 2021-2023 tổ chức 1 lần/ năm và từ 2024 thì tổ chức 4-5 lần/năm.

PGS Nguyễn Phương Nga - viện trưởng viện Đo lường đánh giá phát triển giáo dục, đề xuất 2 phương án đánh giá để công nhận tốt nghiệp THPT.

Phương án 1, gồm 2 thành tố:

Thành tố 1, các trường THPT sẽ cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT cho những học sinh đã học xong chương trình THPT và đạt các điều kiện quy định của Bộ GD&ĐT.

Thành tố 2, thi tốt nghiệp THTP Quốc gia: Học sinh đã có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình học THPT, sẽ đăng ký tham dự kỳ thi THPT Quốc gia để được cấp bằng tốt nghiệp THPT của Sở GD&ĐT.

Phương án 2 cũng bao gồm 2 thành tố:

Thành tố 1: Các trường THPT tổ chức thi tại trường cho những học sinh đã học xong chương trình THPT theo các đề thi do Trung tâm Khảo thí chuyên nghiệp của Bộ GD&ĐT thiết kế.

Thời điểm thi do trường bố trí phù hợp với khung thời gian của nhà trường. Học sinh đặt điểm theo quy định sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT.

Thành tố 2: Thi tốt nghiệp THPT, học sinh đã có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình học THPT, sẽ đăng ký tham dự kỳ thi THPT Quốc gia để được cấp bằng tốt nghiệp THPT của sở GD&ĐT.

Theo bà Nga, cả 2 phương án thi đều được tổ chức 2 lần/năm và có thể 3 lần/năm do sở GD&ĐT tổ chức, thí sinh được lựa chọn thời điểm thi phù hợp kế hoạch cá nhân.

Kỳ thi được tổ chức tại các trung tâm khảo thi đặt tại các tỉnh/thành.

Thí sinh chỉ phải thi 3 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ nằm trong chương trình lớp 12.

Mô hình mới này được đề xuất thực hiện ở giai đoạn 2024 – 2025 thi trên giấy và sẽ thí điểm thi trên máy tính với những địa phương/khu vực có điều kiện/tự nguyện thí điểm.

Từ giai đoạn 2026 trở đi, thi đại trà bằng máy tính trên phạm vi cả nước. Với những đối tượng đặc thù như học sinh khuyết tật… vẫn tổ chức thi trên giấy riêng.

Phương án thi này đã được nhiều đại biểu tham dự hội thảo đồng tình và đánh giá cao.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật