Sớm khắc phục tình trạng tồn đọng rác thải ở Hà Nam

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo cam kết với UBND tỉnh Hà Nam, đầu năm 2019, ba nhà máy xử lý rác thải hoạt động tại tỉnh phải vận hành ổn định, thu gom, xử lý rác thải theo đúng quy định. Tuy nhiên đến nay, mới có hai nhà máy hoạt động, còn nhà máy xử lý rác thải của Công ty cổ phần môi trường Tâm Sinh Nghĩa vẫn chưa hoạt động theo đúng cam kết.
Sớm khắc phục tình trạng tồn đọng rác thải ở Hà Nam
Công nhân Nhà máy cơ khí chế tạo thiết bị môi trường thuộc Công ty TNHH Thủy lực máy (Khu công nghiệp Ðồng Văn II, huyện Duy Tiên) xử lý rác. Ảnh: ÐỨC ANH

Thực tế này đã gây ra khó khăn cho các địa phương mà doanh nghiệp được phân vùng thu gom, xử lý và là nguyên nhân chính khiến cho môi trường bị ô nhiễm do tồn đọng lượng lớn rác thải sinh hoạt.

Đã gần hai năm nay, từ khi Công ty cổ phần Môi trường Tâm Sinh Nghĩa dừng thu gom rác thải, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Ðọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam phải tiến hành chôn lấp rác thải sinh hoạt của nhân dân ngay tại các cánh đồng của xã bốn lần/tháng. Bởi lượng rác thải được tập kết về địa điểm trung chuyển của xã quá lớn. Nếu không chôn lấp sẽ gây ô nhiễm môi trường ngay tại các bãi rác tập trung, ảnh hưởng lớn tới sản xuất cũng như đời sống của người dân. Song điều đáng nói là việc chôn lấp rác thải hiện nay ở địa phương cũng đang gặp khó khăn vì quỹ đất để chôn lấp hiện không còn. Việc chôn lấp thủ công đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ, do lượng nước thải từ các bãi rác ngấm ra chung quanh. Cùng với đó là kinh phí mà chính quyền xã phải chi lên đến cả chục triệu đồng cho một lần chôn lấp rác cũng là quá sức đối với địa phương.

Tình trạng tồn đọng rác thải sinh hoạt và khó khăn trong việc bố trí quỹ đất để chôn lấp rác đã trở thành quen thuộc từ hơn hai năm trở lại đây ở nhiều xã của huyện Duy Tiên. Ảnh hưởng trực tiếp đến những người dân thường xuyên phải ra đồng chăm sóc lúa, phải đối diện với sự ô nhiễm môi trường từ những bãi trung chuyển rác tập trung. Bỏ vội chiếc khẩu trang, bác Nguyễn Thị Nga ở xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên ngao ngán trước cảnh thửa ruộng của gia đình ở gần bãi rác tạm của xã, rất ô nhiễm. “Mỗi lần ra đồng rất khổ vì mùi rác. Tôi chỉ mong sớm giải tỏa được bãi rác để người dân canh tác không bị ảnh hưởng”.

Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Thị Thu Hiền, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Duy Tiên cho biết, Duy Tiên là huyện đang phát triển về công nghiệp, dịch vụ và đô thị cho nên gặp nhiều khó khăn trong bố trí quy hoạch mặt bằng để chôn lấp rác. Nguyên nhân chính được xác định là do hoạt động của Công ty cổ phần môi trường Tâm Sinh Nghĩa đóng trên địa bàn huyện Duy Tiên đã dừng hoạt động từ hai năm nay, dẫn đến tình trạng ứ đọng rác thải sinh hoạt tại một số xã của huyện Duy Tiên, Lý Nhân và Bình Lục. Mặc dù trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Nam vào tháng 12-2018, lãnh đạo công ty đã hứa sẽ tiến hành lắp đặt thêm dây chuyền xử lý để hết quý I-2019, tiến hành thu gom và xử lý toàn bộ rác thải trên địa bàn huyện Duy Tiên. Nhưng đến nay, công ty vẫn chưa xử lý xong lượng rác còn tồn đọng, chưa lắp đặt thêm dây chuyền xử lý. Thậm chí, hiện tại, công ty vẫn đóng cửa nhà máy.

Tỉnh Hà Nam hiện có ba doanh nghiệp đang hoạt động thu gom, xử lý rác thải. Trong đó, Công ty cổ phần môi trường Thanh Thủy đang có công suất thu gom, xử lý rác thải lớn nhất. Theo cam kết với UBND tỉnh Hà Nam, ngày 2-1-2019, công ty chính thức đưa nhà máy xử lý rác thải số 2 đi vào hoạt động. Với công suất thiết kế 120 tấn rác thải/ngày đêm, cộng với công suất 100 tấn/ngày đêm của nhà máy số 1, nâng tổng công suất xử lý rác thải của công ty lên hơn 200 tấn/ ngày đêm. Tro xỉ sau xử lý bảo đảm yêu cầu 100 tấn rác thải tươi sau khi xử lý chỉ còn 10 tấn tro xỉ. Mặc dù lượng tro xỉ thải ra không thật sự lớn, song với lượng rác còn tồn đọng quá nhiều từ Công ty cổ phần Môi trường Ba An trước đây, cùng với lượng rác thải xử lý mỗi ngày quá lớn khiến cho công ty này gặp khó khăn về bãi chôn lấp.

Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 10-1-2019, dây chuyền xử lý rác thải của Công ty cổ phần môi trường Hà Nam hiện mỗi ngày xử lý được 50 tấn rác thải/ngày đêm. Dù đã đi vào hoạt động được gần ba tháng, tuy nhiên có những ngày công ty không có rác để xử lý, bởi hiện nay công ty chưa được tiến hành thu gom rác mà vẫn phải phụ thuộc vào lượng rác vận chuyển đến từ Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam. Do đường vận chuyển khó khăn cho nên các xe rác từ Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam vào rất hạn chế.

Trước tình trạng nêu trên, chính quyền tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các địa phương, chủ động đưa ra các phương án, linh hoạt trong triển khai thực hiện; tổ chức thu gom, phân loại, xử lý bằng hình thức phun chế phẩm; sau khi phân loại rác sơ bộ, các địa phương đã chôn lấp lộ thiên và đốt thủ công. Ðây được cho là biện pháp xử lý tình thế và thiếu tính bền vững, vì thực tế không phải địa phương nào cũng còn diện tích đất để chôn lấp rác dẫn đến nhiều bể trung chuyển rác quá tải bị xuống cấp. Trước mắt, trong khi chờ Công ty cổ phần Môi trường Tâm Sinh Nghĩa hoạt động ổn định trở lại, UBND tỉnh và ngành chức năng cũng cần tính đến phương án thu gom, xử lý rác thải khả thi cho 10 xã của huyện Duy Tiên, bởi tình trạng các xã tự tổ chức thu gom và t‌ּự x‌ּử lý như hiện nay không thể kéo dài, gây ô nhiễm tại các bãi rác tập trung, ảnh hưởng lớn đến môi trường, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Ðể giải quyết triệt để vấn đề rác thải tồn đọng của các xã, chúng tôi cũng đã nhiều lần đôn đốc Công ty cổ phần Môi trường Tâm Sinh Nghĩa sớm hoạt động trở lại.

PHẠM THỊ THU HIỀN

Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Duy Tiên

Do không có khu xử lý rác cho nên từ tháng 6-2017, chúng tôi phải tổ chức thu gom và chôn lấp rác thải tại chỗ, đây đang là khó khăn lớn nhất cho địa phương.

NGUYỄN ÐĂNG KHOA

Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Ðọi Sơn

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật