“Sóng thần“ biểu tình tại Trung Đông chựng lại

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau hơn hai tháng “càn quét“ khắp vùng Bắc Phi và Trung Đông, các cuộc biểu tình đòi cải cách chính trị diễn ra như một cơn sóng thần tại khu vực này đang có dấu hiệu chựng lại với thế bế tắc tại Libya.
“Sóng thần“ biểu tình tại Trung Đông chựng lại
Phe nổi dậy đang cố thủ tại một điểm đối đầu với lực lượng ủng hộ Gadhafi tại Bin Jawad. Ảnh: BBC

Làn sóng biểu tình được châm ngòi từ Tunisia hồi tháng một vừa qua đã khiến Tổng thống Ben Ali bỏ chạy ra nước ngoài. Sự kiện này giống như một tín hiệu gửi tới chính quyền toàn khu vực từ Marốc cho đến Bahrain rằng, các nhà lãnh đạo có thời gian cầm quyền quá lâu không còn được số đông dân chúng ủng hộ.

Sau "cú hích" Tunisia, các cuộc biểu tình lan ra các nước trong khu vực như một vết dầu loang. Tiếp theo, Ai Cập đã tạo niềm cảm hứng mới cho phong trào biểu tình ở những nước này. Hiệu ứng domino được nhắc đến với viễn cảnh các nhà lãnh đạo bị dân phản đối trong thế giới Ảrập sẽ từng người một bị lật đổ.

Không chỉ lãnh đạo các nước cộng hoà như Tunisia, Ai Cập, Libya, Yemen, Iran và Algeria đối mặt với biểu tình, các hoàng gia tại Bahrain, Oman, Ảrập Xêút, Jordan và Marốc cũng chấn động vì cuộc nổi dậy của người dân. Nhưng nhìn chung, các hoàng gia ít có nguy cơ sụp đổ hơn so với lãnh đạo các nước cộng hoà.

Câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người tiếp theo bị lật đổ và câu trả lời được nhiều người nghĩ đến là đại tá Gadhafi của Libya. Tuy nhiên, với thế giằng co ở quốc gia Bắc Phi này, có dấu hiệu cho thấy làn sóng biểu tình của cả khu vực đang chựng lại và thậm chí Libya còn được dự đoán sẽ là nơi kết thúc của "cơn sóng thần biểu tình".

Thế bế tắc ở Libya

Libya hiện có vai trò như "lá cờ đầu" của phong trào biểu tình vì độ nóng của tình hình tại đây. Nhưng chính sự bế tắc của phe nổi dậy với phe thân Gaddafi đã khiến bầu không khí biểu tình khắp vùng Bắc Phi và Trung Đông giảm nhiệt. Giới phân tích nhận định chỉ khi nào đại tá Gaddafi sớm bị lật đổ thì "lực đẩy" cho làn sóng biểu tình vốn truyền từ Tunisia và Ai Cập mới tiếp tục được duy trì.

Nhưng diễn biến hiện nay cho thấy chính quyền Gadhafi không có ý định bỏ cuộc và việc lật đổ chế độ của ông vì thế không phải là điều dễ dàng, sẽ phải đánh đổi bằng nhiều sinh mạng. Với thực tế này, giáo sư ngành quan hệ quốc tế Brendan Simms thuộc Đại học Cambridge nhận định: "Libya có thể là nơi chứng kiến ngọn lửa cách mạng từ Tunisia và Ai Cập bị dập tắt".

Làn sóng biểu tình Trung Đông
14/1: Tổng thống Tunisia Ben Ali bỏ chạy ra nước ngoài
25/1: Người Ai Cập bắt đầu biểu tình
2/2: Yemen biểu tình, Tổng thống Saleh tuyên bố sẽ không tại vị nhiệm kỳ mới
11/2: Tổng thống Ai Cập Mubarak từ chức
16/2: Biểu tình bắt đầu lan rộng khắp Libya
17/2: An ninh Bahrain nổ súng vào người biểu tình
20/2: Con trai Gadhafi thừa nhận phần phía đông Libya rơi vào tay phe nổi dậy

Libya là quốc gia Ảrập duy nhất chứng kiến cuộc nổi dậy có vũ trang trên quy mô lớn. Hiện đại tá Gaddafi kiểm soát thủ đô Tripoli và nhiều nơi khác ở miền tây Libya. Trong khi phần phía đông gồm thành phố lớn thứ hai đất nước là Benghazi nằm trong tay phe nổi dậy.

Cuộc giao tranh giữa hai phe đang đẩy Libya đến cuộc nội chiến có thể kéo dài. Bất chấp sự cô lập của quốc tế và sức ép trong nước, chính quyền Libya vẫn "câu giờ" thành công và điều này khiến làn sóng biểu tình khu vực mất niềm cảm hứng như từng có từ Tunisia và Ai Cập.

Thêm vào đó, các cuộc biểu tình ở các nước khác vẫn diễn ra nhưng không có được sự dứt khoát như ở Tunisia và Ai Cập, càng khiến cho làn sóng biểu tình ở Trung Đông không còn mạnh mẽ như giai đoạn đầu. Tình hình tại Yemen và Bahrain đang thể hiện rõ điều này.

Các cuộc biểu tình lớn vẫn thỉnh thoảng nổ ra tại Yemen đòi Tổng thống Ali Abdullah Saleh, người đã cầm quyền suốt 33 năm qua, phải từ chức. Nhưng đến nay vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ ra đi trước thời hạn năm 2013, như động thái xoa dịu tình hình trước đây của ông.

Còn Bahrain từng là điểm nóng nhất ở Trung Đông sau sự kiện Mubarak bị lật đổ tại Ai Cập, sau khi biểu tình nổ ra ngày 14/2. Người Shiite chiếm 70% dân số Bahrain xuống đường đòi thu hẹp quyền lực của hoàng gia al-Khalifa thuộc dòng Hồi giáo Sunni đã dẫn đến lo ngại về một cuộc chia rẽ hệ phái sâu sắc tại đảo quốc vùng Vịnh này.

Nhưng cũng giống Yemen, làn sóng biểu tình ở Bahrain đã sớm rơi vào trạng thái "hụt hơi". Đặc biệt sau những động thái vừa mạnh tay vừa mềm mỏng của chính quyền, dấu hiệu đối thoại giữa hai bên xuất hiện tại Bahrain, bất chấp việc các cuộc biểu tình vẫn diễn ra tại quảng trường Pearl ở thủ đô Manama.

Chính quyền "bắt bài" phe biểu tình?

Trước làn sóng biểu tình lan rộng, các chính quyền trong khu vực cũng không ngồi yên đợi các dự đoán bi đát thành sự thật, mà họ ráo riết thực hiện các nhượng bộ nhằm duy trì sự tồn tại. Tổng thống Yemen cam kết ra đi từ năm 2013, Quốc vương Jordan sa thải nội các, Algeria dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, còn hai vương triều tại Ảrập Xêút và Bahrain thì chi hàng tỷ USD để làm yên lòng dân.

Những biện pháp trên đã phát huy tác dụng khi góp phần hạ nhiệt người chống đối. Hơn nữa, làn sóng nổi dậy tuy có nhiều điểm chung nhưng không có tín hiệu nào cho thấy đây là phong trào thống nhất của phe đối lập trên toàn khu vực. Do đó khó xảy ra hiệu ứng domino một cách dễ dàng như dự đoán ban đầu sau sự kiện Tunisia và Ai Cập

Tuy nhiên, dù các chính quyền đã "bắt bài" phe biểu tình và tung ra các biện pháp hiệu quả thì chúng cũng chỉ mang tính tạm thời. Nguyên nhân vì hệ thống chính trị toàn khu vực Bắc Phi và Trung Đông đã hoàn toàn thay đổi kể từ sau sự kiện Tunisia và không bao giờ có thể trở lại trật tự cũ, theo nhận định của Giáo sư Fawaz A Gerges thuộc Trường Kinh tế London (LSE).

Thêm vào đó, dù cơn sóng thần biểu tình đang chựng lại và thậm chí có thể kết thúc tại Libya như dự đoán, thì người dân Trung Đông vẫn được giới phân tích coi là "phe chiến thắng" trong biến cố lịch sử này. Họ đã giành lại được tiếng nói của mình và lần đầu tiên trong 40 năm qua, người dân trong khu vực có thể quyết định tương lai chính trị đất nước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật