‘Báo động đỏ’ trong quan hệ đồng minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Căng thẳng giữa hai đồng minh này được giới phân tích nhận định là sẽ tiếp diễn trong tương lai gần, với những hồi chuông đáng báo động.
‘Báo động đỏ’ trong quan hệ đồng minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik.

quan hệ giữa hai đồng minh Mỹ- Thổ Nhĩ Kỳ lại bước vào những đợt sóng gió mới liên quan đến kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga. Căng thẳng giữa hai đồng minh này được giới phân tích nhận định là sẽ tiếp diễn trong tương lai gần, với những hồi chuông đáng báo động. Mặc dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ sẽ luôn biết cách hạ nhiệt căng thẳng đúng thời điểm, tránh xung đột vượt quá tầm kiểm soát.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hôm 6/3 tuyên bố vẫn mua hệ thống phòng thủ tên lửa S400 của Nga bất chấp cảnh báo của Mỹ rằng hệ thống này không tương thích với Hệ thống phòng thủ của NATO. Trả lời phỏng vấn trên truyền hình với Đài Kanal 24, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh, sẽ là "vô đạo đức” khi từ bỏ thỏa thuận với Nga. Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt thỏa thuận và cần phải tuân thủ nó.

Không ai có thể buộc Thổ Nhĩ Kỳ phá bỏ thỏa thuận này.

Ông Erdogan khẳng định:“Chúng ta là một quốc gia độc lập, không phải lô lệ. Do đó chúng sẽ tự đưa ra các bước đi trong mọi lĩnh vực, trong khuôn khổ không gian tự do của chúng tôi. Chúng tôi đưa ra bước đi này với Nga, đã được kí kết với những điều khoản rõ ràng và các hoạt động chuyển giao đang được thực hiện. Chúng tôi hi vọng rằng sẽ nhận được đợt chuyển giao đầu tiên từ phía Nga vào tháng 7/2019”.

Tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là lời khẳng định chắc chắn gửi tới Mỹ sau những cảnh báo của Mỹ liên quan đến việc một nước thành viên NATO mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga. Mỹ tuyên bố việc triển khai vũ khí do Nga sản xuất cùng với các vũ khí do Mỹ sản xuất như máy bay tàng hình F-35, gây tổn hại tới "khả năng tương tác" của NATO và có nguy cơ lộ các bí mật cho Nga. Bộ Quốc phòng Mỹ trước đó cũng cảnh báo, nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục mua các hệ thống phòng không của Nga sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng trong mối quan hệ với Mỹ. Mỹ sẽ phải đánh giá lại về vụ Thổ Nhĩ Kỳ mua máy bay chiến đấu F-35, đồng thời có nguy cơ tác động đến khả năng chuyển giao vũ khí tương lai của Mỹ cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Kể từ sau khi Tòa án Thổ Nhĩ Kỳ cho phép mục sư người Mỹ Andrew Brunson trở về nước vào tháng 10/2018, căng thẳng giữa hai nước đã có phần hạ nhiệt. Tuy nhiên, với những cảnh báo đáp trả lẫn nhau gần đây, các chuyên gia phân tích nhận định, mối quan hệ giữa hai đồng minh có thể tiếp tục căng thẳng trong tương lai gần với những hồi chuông đáng báo động.

Trước hết, liên quan đến cuộc chiến tại Syria. Bất chấp các cuộc đối thoại cấp cao trong những tuần gần đây, Mỹ đã thể hiện xu hướng khó chấp nhận yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập vùng an toàn dưới sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ ở bờ Đông sông Euphrates tại Syria. Trong khi các cuộc đàm phán chưa đạt được thỏa thuận, Tổng thống Erdogan gần đây đã lên tiếng chỉ trích Mỹ về sự chậm trễ, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ “phá hủy” nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này tấn công lực lượng người Kurd mà Mỹ hậu thuẫn chống IS tại Syria.

Chuyến thăm gần đây của Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump tới một trường học có liên kết với phong trào Giáo sĩ Gulen đang lưu vong tại Mỹ, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đứng đằng sau cuộc đảo chính bất thành tại nước này năm 2016, cũng làm dấy lên cuộc tranh luận dữ dội ở Thổ Nhĩ Kỳ và có khả năng làm sâu sắc thêm bất đồng trong mối quan hệ giữa hai đồng minh.

Từ góc độ thương mại song phương, giới chức Mỹ gần đây cũng cho biết nước này có ý định chấm dứt ưu đãi thuế quan đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Ali Cinar, một chuyên gia chính sách đối ngoại tại Mỹ cho rằng, có sự thiếu lòng tin giữa hai quốc gia đồng minh và những căng thẳng này sẽ tiếp diễn trong năm 2019, đặc biệt liên quan đến kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ mua vũ khí của Nga. Mối quan hệ giữa Mỹ và lực lượng người Cuốc tại Syria cũng có thể làm bùng phát căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù vậy, giới phân tích cũng cho rằng, căng thẳng có thể tiếp tục âm ỉ những sẽ không bùng phát qui mô lớn ngay lập tức. Mối quan hệ đồng minh Mỹ- Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong chiến lược của cả hai bên. Do đó, hai nước này sẽ cố gắng không để nó vượt tầm kiểm soát và cuộc gặp cấp cao giữa quan chức hai nước luôn là chìa khóa hóa giải căng thẳng mỗi khi có nguy cơ bùng phát

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật