Tiếp diễn nạn biến heo nái thành “heo rừng”

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiện nay, nhiều tỉnh thành đang rộ lên nạn bán thịt heo rừng tại các tuyến đường, các nhà hàng. Đánh vào tâm lý đầu năm ăn thịt thú rừng sẽ hên, nhiều kẻ lừa đảo đã “biến” heo nái thành heo rừng rồi tuồn ra thị trường để trục lợi.
Tiếp diễn nạn biến heo nái thành “heo rừng”
Bán thịt "heo rừng" ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa)

NHAN NHẢN CÁC ĐIỂM BÁN “HEO RỪNG”
Khu vực xung quanh tượng đài Quang Trung, phường Lê Hồng Phong, TP.Quy Nhơn (Bình Định) hiện đang trở thành nơi mua bán thịt heo rừng. Người bán khẳng định, thịt heo rừng được săn bắn từ các huyện miền núi: An Lão, Vân Canh đưa về đây bán với giá chỉ 200 nghìn đồng/ký! Tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), một điểm bán thịt heo rừng có trương biển nằm ven đường Phương Sài, gần ga Nha Trang, thu hút rất nhiều người đi đường ghé mua. Chị bán hàng liến thoắng: “Chồng tôi đi săn cả tuần ở huyện Khánh Vĩnh (giáp huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) mới bắn được vài con. Tụi heo rừng khôn lắm nên hạ nó không dễ đâu”.

TPHCM là nơi có rất nhiều điểm bán thịt “heo rừng” dã chiến như: cầu Trường Đai, tiếp giáp giữa quận Gò Vấp và Q12; đường Bàu Cát, quận Tân Bình... Những người đàn ông cứ vô tư chở “thịt rừng” đi bán dạo, gặp một đoạn vỉa hè nào đông khách là họ trương biển lên bán.

Vào các quán ăn, nhà hàng, chúng tôi dễ dàng nhận thấy “heo rừng” được chế biến thành nhiều món như: nướng chao, nướng xa tế, hấp gừng, cháo thịt bằm... Ít ai biết rằng tất cả thịt “heo rừng”, dù có lông ba chấu hẳn hoi đều là... thịt heo nái.

“Một ngày, quán ăn của tôi cần năm ký thịt heo rừng để phục vụ khách. Nếu tính tất cả các quán trong cả nước thì cả trăm con mới đủ nhu cầu. Thịt heo rừng thật thì lấy đâu ra cho đủ?” - bà Thu Hạnh, chủ một quán ăn dọc bờ kè Phú Nhuận cho biết.  
Tiếp cận một lò “sản xuất” heo rừng ở Đồng Nai, chúng tôi được biết, nhiều kẻ đã mua lại những con heo nái không còn khả năng sinh sản với giá rẻ mạt. Sau khi nhốt heo nái trong chuồng, họ chỉ cho chúng ăn ngày một lần. Khi làm thịt, họ dùng đèn khò cầm tay (đèn sử dụng khí đá) đốt vào da heo để cho ra màu vàng như da con bê. Để có lông ba chấu, họ dùng bốn chiếc kim cột chặt vào một đầu đũa rồi hơ trên ngọn đèn dầu, khi đầu kim đỏ là cắm phập vào da heo. Muội khói của các vết xăm này sẽ lưu lại và giống hệt như lỗ chân lông của heo rừng.

Biết chúng tôi đang tìm hiểu về thịt heo rừng giả, ông Nguyễn Văn T. - chủ một nhà hàng lớn ở TPHCM - cho biết, vì bị săn bắn tràn lan nên heo rừng giờ rất hiếm, có dấu hiệu tuyệt chủng. Ông chỉ tin cậy vào nguồn hàng được chở về từ ngã ba Đông Dương, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum). Heo rừng chủ yếu được khai thác từ Campuchia và Lào rồi tuồn vào Việt Nam. “Tận trên cao nguyên mà tôi phải đặt mua một ký heo rừng với giá 250 nghìn đồng rồi mất thêm tiền nhân công, xe cộ để chở về tận Sài Gòn, còn ở ngoài đường họ bán với giá chỉ 200 nghìn đồng thì chắc chắn là hàng giả”.

LỘ DIỆN NHỮNG KẺ LỌC LỪA
Tháng 1-2011, Công an huyện Phù Cát (Bình Định) đã bắt quả tang ba đối tượng chuyên “biến” heo nái thành heo rừng, cung cấp cho nhiều tỉnh thành, thu giữ trên một tấn thịt giả.

Từ tin báo của quần chúng, ngày 4-1, lò mổ lậu của Huỳnh Văn Hùng (SN 1968, ngụ xã Cát Trinh) đã bị công an phát hiện. Qua lời khai của Hùng, mỗi ngày y tiêu thụ cả trăm ký thịt heo rừng giả. Sau khi mua heo nái về giết thịt, Hùng dùng đèn khò đốt lông, cạo sạch lớp cháy bên ngoài, giả làm thịt heo rừng. Số thịt này, Hùng tự lái ôtô chở từ lò mổ lên QL1A giao cho khách theo đơn đặt hàng, để chuyển vào TPHCM và các tỉnh phía Nam tiêu thụ. Theo Hùng, việc làm giả thịt heo rừng phải qua nhiều công đoạn, lò mổ của Hùng chỉ thực hiện được công đoạn đầu, tạo ra những súc thịt có lớp da thui vàng. Công đoạn tiếp theo là bắn lông ba chấu như lông heo rừng sẽ được thực hiện ở nơi khác trước khi đưa ra bán cho người tiêu dùng với giá 80 nghìn đồng/kg.

Sau khi lò mổ của Hùng bị phát hiện, ngày 5-1, Công an huyện Phù Cát bắt quả tang Châu Ngọc Khánh (SN 1972, ngụ thị trấn Ngô Mây) đang chở 151 ký thịt heo giả. Đến ngày 7-1, công an huyện này tiếp tục bắt giữ ông Nguyễn Văn Thành (SN 1943, trú thị trấn Ngô Mây), khi ông ta đang chế biến thịt heo rừng giả.

Việc Công an huyện Phù Cát (Bình Định) chặt đứt các lò sản xuất thịt heo rừng giả đã gióng lên hồi chuông báo động về các loại thực phẩm bị làm giả tràn lan, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài thịt heo rừng giả, thì bao tử nhím, hươu, nai, mật gấu... cũng đang bị làm giả hết sức tinh vi. dư luận rất mong những kẻ làm giả sẽ bị Pháp Luật xử lý nghiêm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật