Tết quê

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đón Tết ở Hà Nội mấy năm, thấy lạc lõng nên Tết nhất tôi lại về quê. Và chỉ về quê mới thấy mình thực sự có Tết.
Tết quê
Ngày Tết quê tôi. Ảnh: MH

Cái thú nhất ở quê là đi chợ Tết. Lấy cớ mua thức này, thức nọ, chứ thực ra tôi cũng chả có chủ định mua sắm. Phóng xe ra Chợ Dần, đến đầu chợ đã thấy đông nghịt người, nhiều khi còn tắc đường.

Có ra chợ mới thấy không khí Tết đã sôi sục. Chen chúc, tấp nập, ồn ào. Mà toàn người quen hay sao, cứ chào hỏi tíu tít. Tôi cũng chào lại, có người trông nhác quen quen nhưng chịu không nhớ được. Xa quê đến hơn bốn chục năm, người lớn già đi, trẻ con lớn phổng lên, bao nhiêu thế hệ con cháu lúc mình đi bộ đội nó chửa ra đời, sao mà biết hết.

Cô em gái dặn mua thêm mấy củ hành tây hay cà rốt để làm nem cho đỡ ngán. Còn tôi sẽ mua mấy nắm mùi già và nón chè tươi. Không có nước mùi già không thể gọi là Tết. Mà chỉ cần ngửi hương vị nồng ấm ấy là tôi lại nhớ u da diết. Chè tươi hoặc là chè cành bó từng nắm, hoặc chè lá đong bằng nón. Mua cả nón thì bà hàng chè ngửa nón bốc bằng mặt, rắc thêm nắm nữa cho đầy đặn, vừa lòng người mua. Mua nửa nón thì bà kéo cái quai nón cho căng ra rồi bốc chè vào một nửa, cái quai nón trở thành cữ đo lường. Các mẹ đi chợ thế nào khi đong xong cũng phải bốc thêm một dúm mới thỏa lòng. Người bán cũng chả kỳ kèo gì.

Nhưng nói đến Tết quê ngày xưa, tôi ấn tượng nhất là đánh đụng lợn. Hai ba nhà chung nhau con lợn, nuôi cả năm để dành Tết mổ thịt. Thường, thầy tôi và các bác dậy từ rất sớm, đến khi chúng tôi mắt nhắm, mắt mở chạy ra đã gần xong rồi, ngồi chờ chia phần mà tứa nước miếng. Thôi thì đủ cả, mỗi thứ một tí, nào mông, vai, thủ, chân giò, xương sườn, xương ống…, nhất là phần lòng có miếng dồi nhồi lá xương xông chỉ Tết mới có. Chủ nhà cho bò gạo vào nồi nước xuýt nấu cháo, ai nấy húp sụp soạp, chảy cả nước mắt, nước mũi. Thế là đã Tết lắm rồi!

Chiều Ba mươi, công việc đã hòm hòm, nhà nhà mới kéo nhau ra đồng, lên nội (bãi tha ma) để “mời các cụ về ăn Tết”. Thực ra cũng là dịp để con cháu, nhất là những người xa quê thăm viếng và nhớ phần mộ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Thủ tục cũng đơn giản, dọn dẹp phần mộ gọn gàng, rẫy một đám cỏ trên mộ, thắp hương rồi khấn mời ông bà tổ tiên về nhà ăn Tết cùng con cháu.

Tối Ba mươi, công việc chuẩn bị đã tạm xong, cánh thanh niên mới kéo nhau ra sân nhà văn hóa trồng đu. Dựng cột gác kèo xong thì sắm mâm lễ cúng thần linh thổ địa, cầu cho làng xóm an lành, mùa màng tươi tốt, và nhất là điều lành mang đến, điều dữ tống khứ phương xa… Mà kể cũng lạ, chẳng biết có phải do thần linh phù hộ ứng nghiệm hay không nhưng ở cây đu quê tôi có không ít người ngã đu, thậm chí ngã từ rất cao nhưng không ai hề hấn gì.

Sắp đến Giao thừa, tôi cùng các con, cháu ra chùa lễ Phật. Chùa xóm tôi không có sư trụ trì, thầy chùa cũng là con em trong họ tộc. Lễ chùa xong quay về xông nhà và đón Giao thừa. Thế là đã Tết lắm rồi!

Mồng Một! Sau khi cúng Tết xong, xóm dưới làng trên nô nức, trẻ con xúng xính bộ quần áo mới theo ông bà, cha mẹ đi chúc Tết. Tôi nhớ như in thuở còn lũn cũn bám áo u lên nhà ông ngoại lễ ban thờ, dọc đường toàn người mặc quần áo mới, gặp nhau rôm rả lời chào câu chúc. U tôi luôn miệng: “Năm mới, chúc hai bác cùng các anh chị sức khỏe dồi dào, làm ăn phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái”. Nếu là vợ chồng mới cưới hay chưa có con, thế nào cũng lèo thêm câu “cuối năm có thằng cu”.

Lễ nội ngoại xong, đến lượt họ hàng, bè bạn. Nhà nào cũng mời rượu, bánh kẹo. Rồi rảnh ra một chút là các bà các cô lại kéo nhau ra gốc đu, đánh cho khỏi ba kèo bốn cột, tà áo tung bay cho phơi phới xuân sang.

Tết bây giờ đã thay đổi nhưng ít nhiều vẫn giữ được nếp xưa. Vì vậy, tôi thường về quê ăn Tết.

Hì hụi chuẩn bị cả tháng trời rồi ba ngày Tết trôi vèo. Thế chẳng phải cũng là niềm vui hay sao. Khi chuẩn bị Tết, ai cũng than phiền “Tết nhất mệt quá cơ”. Nhưng kêu ca chắc chỉ là câu cửa miệng, chứ tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, bây giờ nếu không có Tết, cả năm cứ hùng hục làm, hùng hục đi, chẳng có dấu lặng, chả có điểm gì để nhớ, chẳng có trạm nghỉ chân để nhìn lại mình, nhìn lại đời, nhìn lại anh em bạn bè, không biết có còn là sống nữa không nhỉ?

Vậy nên tôi vẫn như đứa trẻ ngày nào, vẫn thích thú khi Tết đến lại được về quê đi chợ, mua nắm mùi già nấu nước tắm gội đón năm mới với hy vọng, tin tưởng tràn trề về những điều tốt lành đến cùng Xuân.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật