Ngày xuân mênh mang tình người!

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sớm Xuân nay, rảo bước đi bên Hồ Gươm, Tháp Rùa, nghe mênh mang câu hát “Mùa Xuân nói với em câu gì, mà sao mắt em vui thế…”, tôi bỗng thấy bâng khuâng khôn tả, chợt dừng chân bên sạp báo ven hồ.
Ngày xuân mênh mang tình người!
Ảnh minh họa

Sắc đỏ, sắc hồng trên các trang bìa báo còn tươi rói, thơm mùi mực... Những hàng tít lớn, những con số, hình ảnh đầy cảm xúc của các số báo cuối năm đã vẽ nên bức tranh sinh động về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước năm 2018 đầy ấn tượng. Tất cả như tô điểm thêm cho vóc dáng Việt Nam ngày càng có thế và lực hơn trên trường quốc tế. Thường thì người ta hay tìm ra những nguyên nhân chủ quan, khách quan để dẫn giải, chứng minh rồi đúc kết rằng: Ấy cũng bởi một phần của Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa.

Cũng đúng thôi. Trời đất nay so với năm ngoái và vài năm trước cũng hiền hòa hơn. Có mưa giông, bão tố nhưng bầu trời lại rạng rỡ hơn và đầy hứa hẹn. Vùng nào cũng có điểm sáng, thế mạnh được phát huy, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Rõ nhất là con người - yếu tố động nhất tác động mạnh mẽ nhất đến sự đổi thay của đất nước. Kiên quyết, mạnh mẽ không khoan nhượng với cái xấu. Nhân văn, nhân ái nuôi dưỡng tình người làm cho đạo lý làm người của dân tộc ta trong câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” ngày một phát huy.

Trong nhiều chuyện của năm cũ đã qua, sớm Xuân nay tôi ngồi nghe câu chuyện của những “chiến sĩ áo đỏ” - tên gọi thân tình dành cho những người làm công tác Chữ thập đỏ, những ngư‌ời tìn‌h nguyện làm việc thiện. Làm nhân đạo - ấy là thi hành sứ mệnh của tình người. Bền bỉ, âm thầm, trách nhiệm, vô tư, trong sáng. Thương dân hoạn nạn như thương mình, giúp bạn khó khăn như giúp mình vậy!

Điểm lại thành quả năm qua mà cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ cả nước đã đạt được thấy thật trân trọng biết bao. Tổng giá trị các hoạt động nhân đạo của toàn Hội Chữ thập đỏ đạt 4.400 tỷ đồng, trợ giúp cho gần 19,5 triệu lượt người, gần 1,3 triệu đơn vị máu hiến tặng tình nguyện của hàng triệu lượt người dân dành cho người bệnh.

Niềm vui lớn và cũng thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với công tác Chữ thập đỏ, là vào tháng cuối của năm Mậu Tuất, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộn‌g sả‌n Việt Nam - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được Bộ Chính trị phân công giới thiệu và cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ cả nước kính trọng, suy tôn làm Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Thật là niềm vinh dự, tự hào lớn lao! Kể từ ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cách nay 72 năm, có 6 nguyên thủ quốc gia được suy tôn làm Chủ tịch danh dự của Hội, thì đây là lần thứ hai một vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước được giới thiệu, suy tôn làm Chủ tịch danh dự của Hội. Sau khi nhận lời đảm nhận trách nhiệm Chủ tịch danh dự, mới đây đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian để gặp gỡ, làm việc với Ban lãnh đạo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Trung ương Hội, báo cáo với Tổng Bí thư - Chủ tịch nước những công việc của Hội đã làm được, những băn khoăn, trăn trở của cán bộ các cấp Hội cũng được giãi bày để người đứng đầu Đảng, Nhà nước cảm thông, quan tâm, chỉ đạo, động viên những “chiến sĩ áo đỏ”. Có thể nói, sự kiện này đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào làm việc thiện của toàn dân, làm cho ý Đảng - lòng dân hòa quyện.

Cũng mới đây thôi, vượt qua hàng trăm cây số, tôi về với mảnh đất Vị Xuyên - địa đầu của Tổ quốc. Nơi này, cách đây 40 năm, cuộc chiến tranh không mong muốn để bảo vệ Tổ quốc đã diễn ra vô cùng ác liệt. Dải đất của cả vùng biên ải phía Bắc Tổ quốc đã thấm máu của hàng vạn người con ưu tú của Đất Việt. Họ ngã xuống vì sự bình yên của Tổ quốc. Vị Xuyên oằn mình trong khói đạn chiến tranh, đau thương tang tóc khoác lên bao mái nhà người dân Việt.

Tôi đứng trên đỉnh đồi 468 mù sương tại xóm Nậm Nhùng, xã Thanh Thủy mà nhói lòng khi nhìn xuống khe núi, triền đồi vẫn còn đó gần 2.000 hài cốt liệt sỹ chưa được tìm kiếm, cất bốc. Ông Bòng Văn Đồn, một cựu chiến binh đã tham gia nhiều trận đánh tại nơi này, đã hồi lâu đứng chôn chân, lặng người nhìn sang phía đối diện là dãy núi đá vôi mà sự khốc liệt của chiến tranh đã được người lính nơi đây đặt cho cái tên “Lò vôi thế kỷ”! Ông Đồn nhớ lại những ngày treo mình trên chốt đó, mà thấy lạnh hết cả người. Ông bảo: Lúc đó chiến tranh ác liệt, đói, rét, cái chết kề bên nhưng tinh thần chiến đấu bảo vệ Tổ quốc khiến ai ai cũng có quyết tâm cao nhất, người trước ngã xuống, người sau tiến lên… Kết thúc chiến tranh về nơi bản cũ làm ăn sinh sống, nghĩ đến đồng đội nằm xuống mà đau lòng. Đã có nhiều đoàn hành hương về nơi đây tưởng niệm tri ân, trong đó có đoàn của nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trương Tấn Sang. Vị nguyên Chủ tịch nước vẫn đau đáu nỗi niềm của người lãnh đạo luôn lo cho dân cho nước, kể cả lúc đương chức cũng như khi đã được nghỉ ngơi. Lần nào về thăm nơi đây, ông cũng căn dặn: Không được quên lãng nơi này, không được quên lãng những người nằm xuống và những người còn sống từng chiến đấu, hy sinh vì mảnh đất này.

Suy nghĩ ấy, tình cảm ấy như mệnh lệnh của trái tim đã nhanh chóng biến thành hành động của vị nguyên Chủ tịch nước. Một khu tưởng niệm các liệt sỹ đã được xây dựng tôn nghiêm tại đỉnh đồi 468 này. Một chương trình xây dựng Nhà Chữ thập đỏ do ông vận động quyên góp và có sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã được triển khai. 150 ngôi nhà được xây dựng tặng các cựu chiến binh Vị Xuyên và người dân nghèo nơi đây trị giá trên 15 tỷ đồng, cùng nhiều chương trình an sinh xã hội khác.

Trong ngày tổ chức bàn giao 40 căn nhà cho các cựu chiến binh của Vị Xuyên, ông Nguyễn Văn Phát cùng các cựu chiến binh của Vị Xuyên vận trang phục lóng lánh Huân, Huy chương của người lính năm xưa, trên mặt không giấu được niềm vui, xúc động hân hoan khi đến dự Lễ khánh thành, trao tặng nhà cho đồng đội.

“Vui quá! Cảm động quá! Anh em chúng tôi biết ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm...”. Đó là những cảm xúc rất chân thực của người lính chân quê.

Trong chuyến đi này, có người bạn đồng nghiệp Thu Lương của tôi. Chị từng là phóng viên chuyên viết về mảng xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo. Có lẽ viết nhiều về chủ đề này nên sinh ra ám ảnh bởi những khó khăn, cực nhọc của bao phận nghèo, người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội, chị lập ra nhóm “Mùa Thu và những người bạn”, không phải để cho có, cho vui, mà đây là tập thể gắn kết của hơn 120 thành viên đầy nhiệt huyết, tận tụy trực tiếp nấu cháo cấp miễn phí cho bệnh nhân tại 6 bệnh viện lớn của Hà Nội, với gần 150.000 suất cháo dinh dưỡng/năm; và nhiều hoạt động nhân văn khác, như chăm sóc, gắn lọ hoa cho trên 20.000 phần mộ liệt sỹ tại các nghĩa trang; xây dựng các điểm trường cho con em vùng đồng bào dân tộc ít người… Những việc làm của chị khiến tôi vô cùng xúc động. Tôi biết, đất nước mình có nhiều, rất nhiều các nhóm thiện nguyện như vậy và chúng ta, đồng bào nghèo của ta cần họ, tri ân tấm lòng của họ.

Những sáng Xuân này, cùng các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham gia phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” mà Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai từ 21 năm qua, tôi rong duổi trên chặng đường đầy cảm xúc về với vùng miền Lạng Sơn, Thanh Hóa, về với biển Nha Trang, Bình Thuận, về vùng Đất Mũi Cà Mau, sông nước miệt vườn Nam Bộ, đến các bệnh viện nơi có các bệnh nhân nghèo cần giúp đỡ. Những chuyến đi của tình dân - ý đảng, của trách nhiệm xã hội mà mỗi tổ chức, cá nhân đã, đang và tiếp tục tham gia đồng hành trong mấy chục năm qua…

Sáng Xuân nay, trên tay tôi, tờ lịch của năm Kỷ Hợi đã lật ra. Mới mẻ, tự tin, cảm xúc dâng trào! Bất chợt nhận ra năm này có nhiều cảm xúc với ý thức trách nhiệm mà mình và đồng nghiệp đang làm. 50 năm Bác Hồ kính yêu đi xa, lời thơ chúc Tết như vẫn vang lên “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”.

Trong Di sản của bậc Danh nhân văn hóa thế giới, Anh hùng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh, có bao điều dăn dạy mà mỗi chúng ta - những con dân đất Việt phải khắc cốt, ghi tâm để tư tưởng Hồ Chí Minh thấm đẫm trong tâm hồn, nâng bước ta vượt qua những chặng đường gian khó!

Sáng Xuân nay, những gánh hoa tươi muôn màu, muôn sắc của Làng hoa Ngọc Hà, Nhật Tân đang tấp nập chuyển vào trong phố. Nụ cười rạng rỡ, tươi tắn của những thiếu nữ làng hoa đang xếp đặt từng bông hoa như gói gọn cả mùa Xuân trên những ngón tay thon mềm gửi đến muôn nhà.

Sớm Xuân nay, tôi đã viết những câu chuyện này trong cảm xúc tin yêu!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật