Tứ đại đồng đường

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cụ nội trịnh trọng cầm chén rượu nâng ngang mặt:- Thưa cả nhà. Hôm nay không phải ngày giỗ của bố tôi. Nhưng em tôi vẫn tổ chức giỗ để gặp mặt bạn bè cấp dưới. Nâng chén này nhờ ơn các cụ sống khôn thác thiêng đã phù hộ cho em tôi thành đạt, mở mặt với làng với nước, gia đình ta tứ đại đồng đường…
Tứ đại đồng đường
Minh họa: Phạm Minh Hải

Đại hàn rét độc. Bảy giờ sáng mà sương vẫn còn giăng. Khoảng sân trước nhà ngập sương mù. Sương đặc quánh màu sữa đục, người đứng cách dăm bước chỉ nhìn thấy bóng mờ mờ. Sương tràn vào nhà qua các khuôn cửa đang mở toang. Sương hòa quyện với ánh sáng đỏ của ngọn đèn trong nhà tạo thành một khoảng không gian vàng ệch nhập nhoạng. Dưới bếp lửa rạ bập bùng. Nơi nhà ngang tiếng thớt băm lếch kếch. Tiếng thớt băm hình như làm rung rinh ánh lửa đèn trong nhà, làm sương mù ngoài sân vón lại thành từng hạt nhỏ li ti rắc nhẹ trên mặt sân ẩm ướt.

Tiếng lếch kếch làm thằng bé trên giường tỉnh giấc. Nó tung chăn, vươn vai ngồi dậy uể oải ngáp trong khi mắt còn đang nhắm tịt.

Nghe tiếng động bên giường, cụ già nhỏ thó trong chiếc áo bông to sù đang lúi húi cuốn bức rèm che bàn thờ liền ngoảnh lại, mắt hấp háy:

- Úi giời… Thằng cu Bờm giống của cụ đã dậy rồi đấy à. Gớm chắt tôi dậy muộn quá.

Thằng bé xịu mặt. Cả nhà ai cũng gọi là thằng Bờm. Tức thế! Tên nó là Thắng cơ mà. Thắng con bố Chiến, đã lên năm, đã học lớp Mẫu giáo lớn rồi mà cứ gọi là thằng Bờm. Nó cãi: “Tên con là Thắng”.

Cụ nó dàn hòa: “Ừ phải rồi, chắt cụ là Bờm Thắng. Cụ quên…”, rồi cụ vịn bàn, men theo thành giường đến bên nó: “Nào nào… thằng giống ra đây nào. Ấy cẩn thận. Khéo đá vào cái bô. Ui giời. Đổ ra đất thì tội chết. Mà chúng mày đâu? Để thế này tội chết. Ai đời khổ thế này. Chỗ thờ phụng với lại chỗ đái lẫn lộn với nhau. Giời sao chẳng cho tôi chết đi cho rồi…”.

Ông nội hiện ra sau màn sương, lập cập vào nhà với nét mặt nhăn nhúm, mí mắt đọng những hạt nước li ti trông như vừa khóc. Ông nội cúi người đưa tay run run định bê cái bô nước tiểu dưới gầm giường. Cụ nội xua tay:

- Tay ông nó lại đau à, giở giời vết thương nó hành à? Không được, rồi thì là đánh đổ… phải tội chết. Thế bà nó với bố mẹ nó đâu?

- Nhà con với lại vợ chồng nó đang dưới bếp làm cỗ ạ.

- Ờ nhỉ. Đọa chết ra hay sao í. Cứ quên quên nhớ nhớ. Hôm nay có chú em về cúng bố, rồi thêm khách khứa… Thằng Bờm xuống trông chó cho bố mày lên đem cái bô đi đổ. Nhanh!

Thắng Bờm chấp hành ngay. Nhà này to nhất là cụ nội, rồi đến ông bà nội, rồi đến bố mẹ, rồi đến nó "to" cuối cùng. Phải nghe thôi! Chạy qua sân đầy sương lạnh xuống tới nhà ngang, nó gọi: “Bố! Cụ bảo lên đổ bô”. Bố nó vội bỏ dao thớt, dặn với: “Mày đứng đấy trông chó”, rồi chạy ngược lên nhà trên.

Bờm ta nhìn hai cái chậu, một đỏ lòm những máu còn chậu kia thì toàn thịt băm vụn. Bố làm gì thế nhỉ? Lúc sau bố nó xuống, vừa đi vừa chùi tay vào quần. Nó hỏi: “Bố làm gì đấy?”. “Đánh tiết canh!” - Bố trả lời gọn lỏn rồi lại ngồi xuống băm thịt kênh kếch. “tiết canh là gì hở bố?”. Bố nó đưa mũi dao chỉ chậu máu rồi chỉ sang chậu thịt băm trả lời qua quýt: “Là trộn hai thứ này vào cho nó đông đặc”. “Để làm gì hở bố?”.

Bố nó cáu: “Để ăn chứ còn làm gì. Toàn hỏi lớ!”. Bờm lè lưỡi im thít không dám hỏi nữa nhưng bụng nghĩ: Khiếp bỏ xừ, ai lại ăn máu trộn với thịt. Không sợ đau bụng à. Ứ vào xem nữa. Chạy lại chỗ bà nội đang đun bếp để cho ấm. Vừa dợm chân định chạy thì nghe tiếng xe đạp lọc cọc, mẹ nó xuất hiện sau màn sương, trên mí mắt cũng bám đầy những giọt nước. Bờm hét toáng lên: “Mẹ về, mẹ về”.

Mẹ nó dựng xe cúi xuống thơm vào má con rồi nói với bố: “Khiếp… sương nhiều quá, nhìn sát mặt mới nhận ra người, chợ họp muộn. Mãi mới mua đủ thứ cụ dặn. À mà cụ dặn đánh nhiều tiết canh, mỗi người một bát. Vị chi hăm sáu bát không kể sáu người nhà mình… Khách lần này đông lắm. Năm nay cụ khao”.

Bố nó lụng bụng: “Chả biết có đủ tiết không”. Mẹ nó bảo: “Cứ đánh đủ cho cụ trẻ, còn người nhà mình thì thôi cũng được…”. Bố nó không ngừng tay băm vẫn tiếp tục lụng bụng: “Băm mỏi cả tay. Khách đếch gì mà lắm thế, toàn các quan nhớn thích xực tiết canh.

Ăn nhiều vào rồi thổ tả”. Mẹ lườm: “Cái mồm… hay nhỉ! Cụ trẻ mà nghe thấy thì…”. Bố nó im bặt. Bờm ngơ ngác đứng nhìn bố mẹ đấu khẩu mà chả hiểu gì. Cụ trẻ là gì nhỉ? Đã có cụ nội già rõ là già lại còn có cụ trẻ nữa. Hay thật!

Mặt trời đã chọc được những tia nắng đầu tiên qua màn sương… Không khí như đang lạnh hơn. Chợt mùi khói trầm ngan ngát. Chắc cụ nội đã thắp hương trên bàn thờ. Bờm chạy ra hít hít mùi khói hương. Mùi khói quyện với ánh nắng đã mang chút hơi ấm làm Bờm phấn chấn hơn. Nó chạy lên nhà hỏi cụ nội:

- Cụ ơi, cụ trẻ là ai?

Cụ nội vuốt vuốt râu, cười khà khà:

- Thằng giống cụ vậy mà giỏi, biết tìm hiểu về gia tộc huyết thống. Để cụ nói con nghe nhá: Cụ trẻ là em ruột của cụ đấy. Cụ trẻ bằng tuổi ông nội cháu. Ngày xưa bố mẹ cụ mất sớm, cụ phải đi làm thuê để nuôi hai chú cháu. Rồi cụ bắt ông nội cháu phải đi bộ đội đánh nhau để cụ trẻ ăn học thành tài. Cụ trẻ bây giờ làm to lắm, tận trên Hà Nội Thủ đô. Hôm nay cụ trẻ về để làm giỗ bố các cụ đấy, lại có nhiều khách to nữa. Bờm phải ngoan, đừng để cụ trẻ giận nghe chửa.

Bờm vâng mà chả hiểu gì. Đến là lằng nhằng. Cụ nội già vậy mà cũng có em, còn mình thì lại chưa có em. Nhưng như vậy thích hơn.

Chả như mấy đứa cùng lớp, đứa nào cũng có em bé tí tị hay khóc nhè, bọn nó cứ phải coi em nên chả được đi chơi. Cứ như Bờm lại sướng, chỉ thỉnh thoảng phải coi con chó để nó khỏi ăn vụng. Nhưng có em để làm gì nhỉ. Tự dưng trong đầu Bờm nảy ra thắc mắc.

Lại còn thích việc có em làm to… làm to để làm gì nhỉ?

Nắng đã lên. Khoảng sân trước nhà loang lổ vệt nắng. Cái lạnh bớt đi nhường chỗ cho sự hanh hao. Thằng bé thấy môi se se, nó liếm môi một cái và chợt nhớ ra từ sáng đến giờ chưa được ăn gì. Mà sao ông bà với bố mẹ làm cỗ lâu thế. Trên nhà tiếng cụ nội giục giã mọi người sắp mâm khẩn trương để cụ trẻ về là bưng mâm cúng ngay. Cụ trẻ là ai mà mọi người sợ thế không biết. Chắc là giống ông râu rậm đeo kính đen đi bắt chó khắp làng lại hay dọa trẻ con chứ gì. Nó chả sợ!

“Bim… bim”, tiếng còi xe hách dịch ngoài ngõ. Thắng Bờm nhìn ra… Úi giời! Cu cậu quên cả đói hét toáng: “Ô tô! Những hai chiếc ôtô đến nhà ta” rồi chạy vội ra ngõ, mặc cho phía nhà dưới là tiếng bố nó hét: “Bờm… Bờm đâu! Vào coi chó!”.

Từ trên xe bước xuống là một ông com lê kính trắng, trông trẻ như bố Chiến của Bờm và ở xe kia là một bà cũng trẻ, tóc xoăn như mì tôm mặc váy lòe xòe, trước bụng đeo túi đỏ như cái bị. Bờm nhìn khuôn mặt đỏ lựng chắc vì lạnh và đôi môi đỏ choét của bà ta, chợt nhớ đến màu đỏ của chậu tiết lợn, nó nghĩ bụng bà này y như vừa ăn tiết canh. Đi sau người đàn bà là hai thanh niên choai choai tóc nửa trắng nửa đỏ dựng ngược như mào gà đực.

Nhớ lời dạy của cụ nội, thằng bé lễ phép khoanh tay: “Cháu chào hai bác ạ”. Người đàn ông cúi xuống: “Mày con ai?”. “Cháu con bố Chiến ạ - Bờm nhanh nhẩu - Mời bác vào nhà cháu chơi ạ”. Người đàn ông chửi: “Thằng ông con bà, thằng bố con mẹ mày không biết dạy… Dám gọi cụ là bác hử”. Bờm ngẩn người: Đã chẳng khen lại còn chửi. Làm gì gặp người còn trẻ mà phải chào là cụ. Ứ chào nữa. Nó phóng về nhà ngang đứng nhìn.

Cụ nội lập cập từ nhà trên xuống, bố mẹ nó chạy từ nhà ngang ra, rồi ông bà nội cũng từ vườn sau chạy về… Tất cả đều cung kính đón bốn người mới đến. Cụ nội chào: “Chú thím và các cháu về đấy à”. Ông nội nó đau tay vậy mà vẫn phải khoanh tay: “Con chào chú thím ạ”, rồi bố nó mọi ngày rất hay cãi ông bà nội hôm nay cũng cun cút cúi gập người: “Con chào hai cụ, cháu chào hai ông”.

Đợi cả đám vào nhà trên thì Thắng Bờm mới hỏi mẹ: “Ai đấy?”. Mẹ nó vẫn cúi đầu xếp các đĩa bát thức ăn vào mâm: “Cụ trẻ đấy! Cụ trẻ ông với cụ trẻ bà cùng với hai ông con cụ trẻ đấy”. Thắng Bờm ngạc nhiên: ra đây là em cụ nội. Trẻ vậy mà được gọi bằng cụ. Hay thật.

Hai vợ chồng cụ trẻ bước vào nhà bày mấy hộp bánh lên bàn thờ rồi xuống nhà ngang. Cụ trẻ ông nhìn chậu tiết, hất hàm hỏi: “Liệu có đảm bảo đông không?”. Bố Chiến nó vội đáp: “Dạ đông chặt cụ ạ”. “Đánh bao nhiêu bát?”. “Dạ con định mười hai tô”.

Cụ lắc đầu:

- Không được. Phải đánh bằng bát con cho lịch sự. Mỗi người một bát. Hai sáu bát. Tao đã điện về nói rồi.

Cụ bà săm soi mở rổ thịt sống làm cỗ còn lại: “Mấy chục cân?”. Bố nó vội trả lời: “Dạ thưa bà bốn chục cân móc ạ”. Bàn tay có những cái móng sơn đỏ lật đi lật lại mấy miếng thịt để kiểm tra: “Thằng Chiến kiếm cái thùng xốp, cho hết chỗ thịt này vào rồi đưa lên xe cho cụ nhá. Cụ đem về Hà Nội cho tủ cấp đông ăn dần. Ở Hà Nội khó mới kiếm được thịt lợn ngon mà sạch như thế này. Nhớ nhá”.

Lại có tiếng còi ôtô ngoài ngõ. Cụ ông nháy mắt với cụ bà. Cụ bà vội chùi tay vào bó rạ rồi chạy ngược lên nhà trên.

Bờm cũng chạy theo, nó dừng ở cửa nhìn vào.

Khách ba người, đi đầu lại cũng một ông áo vest bụng to với hai ông nữa bụng bé hơn một tý nhưng cao hơn. Cả ba ông thấy cụ bà liền cung kính cúi đầu: “Em chào chị ạ. Anh chị chắc về từ hôm qua. Gớm, dạo này trông chị trẻ ra như con gái…”. Cụ bà mặt rạng rỡ cười, mắt tít lại: “Cảm ơn chú… Cũng định về hôm qua nhưng anh bận việc mãi nửa đêm mới xong… Đầu năm dương lịch bận phân bổ ngân sách của ngành. Anh cứ kêu đau đầu. Mà tối qua anh đã điện cho chú rồi nhỉ”. “Dạ vâng! Hôm nay em đến gọi là có lễ mọn cúng các cụ. Chị cho phép vào thắp hương”.

Khách kính cẩn đặt hộp bánh với một phong bì dày cộp lên cái đĩa, kính cẩn đón nén hương từ tay cụ bà, kính cẩn vái. Cụ trẻ bà cũng vái khách một vái. Gớm... tay dẻo cứ như là múa.

Khách quay ra. Cụ bà nhón cái phong bì bỏ tọt vào cái túi đỏ trước bụng. Đến là nhanh - Bờm thoáng nghĩ - Mà sao phong bì cúng các cụ trên bàn thờ mà lại bỏ vào bụng. Nó nhìn sang cụ nội đang run rẩy đặt chén nước trước mặt khách: “Rước các ông xơi nước”, xong rồi nghệt mặt đứng đằng sau, lóng ngóng như vừa bị cô giáo phạt. Cụ to nhất nhà mà cũng sợ bị phạt. Kinh thật.

Dăm phút sau lại có tiếng còi xe, lại có vài ông đầu chải mượt khoan thai bước vào nhà. Cụ nội nó lại lập cập ra đón. Khách vào nhà kính cẩn thắp hương, dâng phong bì lên bàn thờ. Cụ bà trẻ đứng nghiêm ngắn cứ mỗi lần người mới đến vái bàn thờ một cái thì cụ trẻ cũng hướng về khách vái lại một cái, tay dẻo như múa.

Rồi lại bim bim… có dễ hàng chục cái lần bim bim như vây. Nhà đông đặc những người. Trên bàn thờ những phong bì dày cộm được xếp lên trịnh trọng, khi người vái vừa quay ra thì nó lại chui tọt vào bụng của cụ trẻ bà.

Cỗ được bưng lên… ríu rít chúc tụng…

Cụ nội nó xuống nhà ngang ngồi dựa tường phì phào thở. Ông nội hỏi: “Sao bố không ngồi tiếp khách cùng chú thím”. Cụ gắt: “Ngồi sao được mà ngồi, người ta toàn là người sang trọng, nói toàn đại sự quốc gia. Mình già rồi ăn không nên bát, nói chẳng ra nhời. Ngồi đấy làm khó cho người ta à”.

Thắng Bờm chạy xuống nhà ngang hốt hoảng: “Bố mẹ ơi! Cái người trẻ trẻ ăn cắp hết phong bì của nhà ta rồi”. Cụ nội bảo: “Hỗn nào. Người ta cúng cụ trẻ thì cụ trẻ lấy chứ sao lại bảo là ăn cắp”. “Nhưng sao lại để ở bàn thờ của nhà ta?”. Bố nó vội quát để bịt mồm thằng con: “Im mồm! Chỉ được cái hay hỏi lớ”.

Cũng may là trên nhà chắc chẳng ai nghe thấy tiếng của thằng bé. Mà làm sao nghe thấy được khi ở đấy ồn ào tiếng cốc chạm leng keng, tiếng cười nói râm ran. “Chúc anh chị mạnh khoẻ”. “Cảm ơn các chú”. “Xin cho em được mừng anh chị. Khoá tới anh lên Thứ trưởng là chúng em xin được tổ chức mừng anh, mừng cho ngành ta, mừng khu vực ta có người tài giỏi”. “Ấy các chú đừng nói vậy… tai vách mạch rừng. Mình sẽ cố gắng đóng góp cho quê hương dù ở bất cứ cương vị nào”. “Vâng, hiếm có người có tâm như anh lắm ạ. Dạ có vài cái dự án chúng em đang định trình lên anh…”. “Cứ từ từ, từ từ nhá. Thôi anh em mình cạn nào”. “Vâng, bắc cạn anh nhé”.

Ông nội với bố nó đứng thập thò ở cửa nhà ngang, cố lọc trong râm ran ồn ào tiếng cười nói để tìm tiếng gọi của hai cụ trẻ truyền xuống nhà dưới. Nghe “chúng mày đâu” thì ông nội với bố vội chạy ngược lên nhà trên. Mấy giây sau thấy huỳnh huỵch chạy xuống nhà dưới. Rồi lại khẽ khàng rón rén bưng bê lên nhà trên lúc thì mấy múi chanh, lúc thì chai nước mắm, lúc thì đôi đũa… Cứ như con thoi.

Cụ, ông bà, bố mẹ… năm người nghiêng tai nghiêng mắt hóng lên nhà trên mà chả ai quan tâm đến Bờm Thắng. Thằng bé nghe ruột gan cồn cào. Nó níu vạt áo mẹ: “Mẹ”. “Gì?” “Bờm đói”. Mẹ nó gỡ tay đứa con ra khỏi vạt áo: “Đói cố chịu. Đợi tý nữa xong đã…”, rồi lại tiếp tục vịn cửa nhà ngang nghênh mặt nhìn lên nhà trên.

- Bờm ngồi dựa vào bó rạ, mặt buồn thiu. Sao lâu thế. Chả biết bao giờ mới cho xong cái “tý nữa”. Bỗng nó thấy ghét cái ông được gọi là cụ trẻ với cả đám người đang ăn uống cười nói trên kia. Tự dưng kéo nhau đến nhà nó, bắt mọi người phải phục dịch, bắt nó phải xuống nhà ngang này ngồi, bắt nó phải nhịn đói. Giá mà họ đừng đến thì tốt quá.

- Thu dọn… chúng mày! Nước đây!

Ông nội và bố vội phóng lên nhà trên, bà nội và mẹ nó lập cập soạn ấm chén pha trà rót nước. Những cái mâm đầy những đĩa thức ăn dang dở, những cái bát loang lổ đỏ nước tiết canh được bê xuống để khắp nền nhà ngang. “Đứng đấy trông chó” - Bố nó dặn rồi vớ một nắm giẻ lau lên nhà trên. Đói bỏ cha… chả được ăn lại phải trông chó. Ghét thế.

Khách lục tục ra về. Cụ trẻ ghé xuống nhà ngang. Cụ nội đang ngồi thiu thiu ngủ khi thấy cụ trẻ thì choàng dậy, đứng lên cung kính: “Chú cần gì đấy ạ”. Cụ trẻ bảo: “Tôi đi đây! Lên huyện, qua tỉnh gặp gỡ các hắn tý rồi về Hà Nội. Mệt quá. Cần gì thì anh trao đổi với vợ tôi”. Cụ nội ngần ngừ định nói điều gì đó nhưng rồi lại bảo: “Dạ vâng chú đi nhá”. Cụ trẻ quay người bước ra ngõ ngoắc tay hai ông trẻ đi theo. Cụ nội nhìn cái lưng cụ trẻ mà mắt ướt ướt, miệng thì mêu mếu như sắp khóc. Già mà cũng hay khóc. Lạ thế.

Rồi cũng thu dọn xong. Cái chiếu được trải giữa nhà ngay dưới bàn thờ. Cả nhà sáu người quây quanh mâm cơm được dồn từ những đĩa thức ăn thừa. Bố nó lúi húi rót rượu ra ba cái chén nhỏ trong khi mẹ nó thì đang lau những cái bát con đặt trước mặt mỗi người.

Cụ nội trịnh trọng cầm chén rượu nâng ngang mặt:

- Thưa cả nhà. Hôm nay không phải ngày giỗ của bố tôi. Nhưng em tôi vẫn tổ chức giỗ để gặp mặt bạn bè cấp dưới. Nâng chén này nhờ ơn các cụ sống khôn thác thiêng đã phù hộ cho em tôi thành đạt, mở mặt với làng với nước, gia đình ta tứ đại đồng đường…

Cụ trẻ bà đang lúi húi xếp các gói bánh kẹo, những chai rượu ngoại trên bàn thờ cho vào cái bao ni lon to nghe vậy thì quay ra cười cười:

- Tứ đại đồng đường… Ba đời đóng khố, cởi tru‌ּồng đời thứ tư.

Khi nghe câu ấy, mọi người cùng nhìn về phía thằng bé và cùng ồ lên cười vì quả thật cu cậu đang cởi tru‌ּồng… đôi chân tím lại vì rét.

Thì ra từ sáng đến giờ, mải cỗ bàn phục vụ mà chẳng ai quan tâm đến nó. Rồi tiếng cười khựng lại như thể bị bịt mồm vì mỗi người thấy xót thằng bé và ngượng với chính mình. Ngượng với cái niềm tự hào ấy lại bị đùa cợt khinh khi do gia cảnh nghèo khó.

Im lặng như mặc niệm... Cụ nội cúi mặt nhìn chén rượu rồi lấy tay dụi mắt. Bốn người còn lại gục đầu. Bờm chạy sang ôm lấy vai cụ nội. Cụ nó hít hà vào mái tóc thằng chắt đích tôn nhưng thực ra đang cố nuốt cục nghẹn đang dâng lên trong cổ.

- Bảy mươi ngàn một cân móc. Tôi đã khảo giá thị trường rồi. Con lợn hôm nay thằng cu Chiến bảo bốn chục cân móc… Vị chi là hai triệu tám. Đây tôi giả - Cụ trẻ vừa nói vừa móc trong cái túi đỏ trước bụng lấy ra một cái phong bì. Cụ vảy nhẹ vài cái cho nội dung của nó chạy về một phía rồi cẩn trọng xé mép giấy. Ngón trỏ và ngón cái cụ luồn vào phong bì rút ra mấy tờ tiền cầm vào tay trái.

Cái phong bì dày cộm lại được cho vào túi đóng khóa lại. Hai tay nhoay nhoáy móng đỏ - Một, hai… đây đủ ba triệu. Không phải giả lại nhé.

Cụ chìa nắm tiền về phía mâm cơm.

Cả nhà vẫn im lặng. Mãi đến mấy giây sau thì bố Chiến nhìn mẹ nó. Mẹ nó đứng lên đón lấy mấy tờ tiền: “Cụ cho con xin”.

Khi đã đưa tiền cho đứa cháu dâu, cụ bà trẻ nhấc cái bao lên như ướm xem nó khỏi nặng quá không trong khi miệng liến láu:

- Tôi phải đi ngay giờ. tiết canh hôm nay ngọt. Ai cũng khen. Nhưng phải học cách tiếp khách cho lịch sự. Ai lại ăn tiết canh ăn bằng thìa. Không mua được mấy chục cái cùi dìa à? Đã vậy lại... lại thiếu chanh. Mấy múi chanh mà cũng thiếu. Ngượng với người ta quá. Thật chả ra làm sao!

Cụ nội xám mặt lại vội đứng lên, mắt rơm rớm:

- Anh xin lỗi hai em…

Rồi cụ khom lưng xuống, tay gãi gáy ngượng ngùng:

- Hôm… hôm nào anh đã nói với hai em. Lúc nãy chú ấy bảo nói với em…

Cụ trẻ bà nói ngay một hơi như thể đã chuẩn bị từ trước:

- Chưa có! Chắc không có đâu. Anh tưởng chúng tôi dư dả lắm à. Phải mua thêm mấy suất đất làm nhà cho hai thằng, phải lo tiền cho chúng nó đi du học ở Mỹ. Rồi còn lo cái Tết cấp trên, lo chi phí cho việc đề bạt sắp tới của ông ấy. Người ngoài cứ tưởng sung sướng lắm. Thôi chào cả nhà tôi đi đây.

Bà ta lệch người kéo lê cái bao chứa những hộp bánh kẹo và rượu ngoại đi ra ngõ. Tiếng cửa xe đóng đánh rầm. Rồi cái ô tô từ từ khuất dạng bỏ lại tiếng máy thở hổn hển giật cục như người hen suyễn.

Mọi người bây giờ mới thở phào như trút được gánh nặng. Bố Bờm Thắng vừa rót rượu cho ông nội vừa càu nhàu: “Loại tham như mõ. Mà việc gì ông phải hạ mình vậy. Con lạ gì ý đồ của ông bà ấy. Cụ nhà ta giỗ vào tháng sáu âm. Bày ra giỗ để nhận quà Tết, để tránh lệnh cấm của trên”.

Ông nội nó lừ mắt nhìn bố. Bố nó im bặt. Cụ nội cũng lặng im trầm ngâm. Lúc sau cụ nói giọng mệt mỏi:

- Chúng mày chả biết gì cả. Sở dĩ ông phải hạ mình vậy vì ông muốn xây cái gia từ be bé lấy chỗ thờ phụng các cụ. Chứ giờ ăn chung ở lộn uế tạp lắm. Phải tội! Vậy nên mới bảo ông bà ấy góp một ít. Mà nào ông bà ấy đâu có thiếu.

Thì ra thế!

Bố Bờm lại vằn mắt lên:

- Ông không làm được, bố không làm được thì để con làm. Con không làm được thì thằng Bờm phải làm. Ông không phải lo.

Thằng bé nghe vậy thì sợ quá. Mình bé nhất nhà mà cũng phải làm à. Nó mếu máo với cụ nội. Cụ nội vuốt tóc thằng bé:

- Không… không sợ con nhỉ. Mà bố nó cũng chỉ nói trạng. Vợ chồng mày lo cho cả nhà còn chả đủ thì lấy đâu ra mà xây với dựng.

Bố nó ngẩng lên, mặt đanh lại:

- Con tính rồi. Đợt này con đi Hà Nội kiếm việc chỗ chợ lao động. Cho mẹ Bờm đi Đài Loan làm ô sin…

Bà nội nó giãy lên như người phải bỏng:

- Không!

Bờm nhìn sang mẹ. Mẹ nó cúi mặt cam chịu. Bố nó thì vẫn kiên quyết:

- Phải vậy thôi. Chứ ở nhà vài sào ruộng thì chết đói chứ nói gì xây gia từ… Thằng Bờm ở nhà với Cụ, với ông bà nội.

Bà nội kiên quyết hơn:

- Tao vả vào mồm thằng bố Bờm bây giờ. Không! Không đi đâu cả. Bố mày đi đánh nhau hàng chục năm giời. Tao biết cái nỗi khổ xa chồng rồi. Tao đã thề nếu có chết, tao cũng không để vợ chồng chúng mày như thế. Ở nhà nghĩ cách mà làm ăn.

Mẹ Bờm cúi mặt không nói… Bố nó thượt mặt rồi thở dài:

- Giá mà ông ngày ấy để ông chú đi bộ đội, cho bố con được đi học thì bây giờ làm gì mà khổ như thế này. Ông hy sinh con mình để em ông được thành đạt, bây giờ ông bà ấy khinh mình như rác.

Ông nội Bờm từ nãy đến giờ im lặng. Bây giờ ông mới nói chậm rãi:

- Bố thằng Bờm không được nói vậy. Ông ấy hay bố phải đi bộ đội thì cũng như nhau thôi. Nhà nào cũng phải đóng góp. Giờ không phải lúc ngồi mà oán trách người nọ, người kia mà phải tìm cách giải quyết - Ông quay sang nói với cụ nội - Bố ạ. Con tính thế này.

Từ nay, vợ chồng con xuống nhà dưới. Cụ vào ở buồng đằng tây. Con với bố thằng Bờm sẽ trổ vách phía tây làm cái toa lét khép kín cho cụ, giờ người ta toàn làm vậy… tuổi già chả sợ gió máy gì. Vậy là chẳng ảnh hưởng gì đến bên ngoài nhà nơi thờ phụng.

Cụ nội gật gù nhưng băn khoăn:

- Dễ đến mươi triệu. Tiền đâu mà làm?

- Lấy cái số tiền lúc nãy bà ấy giả mà làm. Bán luôn con lợn còn lại. Nhà mình nuôi lợn sạch bán đâu chả được. Thiếu đâu vay thêm. Cũng chả thiếu mấy mà lo.

Rồi ông nội quay sang bố mẹ nó:

- Bây giờ, người ta đang tuyển người cho mấy xí nghiệp cách đây có vài cây số. Hai vợ chồng xin vào làm công nhân. Thu nhập ổn định mà vẫn ăn ngủ ở nhà, không phải đi đâu xa.

Mọi người nghe vậy đều ngẩng lên. Thằng bé thấy khuôn mặt ai cũng tươi trở lại thì chạy sang ôm lấy cổ ông nội. Ông nội vỗ vào lưng nó âu yếm: “Từ mai Bờm ở nhà với cụ, với ông bà nội để bố mẹ đi làm công nhân nhá”.

Mẹ nó nguýt bố: “Chỉ được cái nước to mồm ở nhà. Lúc có ông bà trẻ ở đây thì đố dám mở miệng”. Bố nhìn mẹ cười ngượng nghịu: “Nói ra để cụ chửi cho à?”.

Bờm thấy bố vui trở lại thì chạy sà vào lòng nũng nịu:

- Bố! Con ăn tiết canh.

Bố nó lừ mắt:

- Làm gì còn. Mà ăn làm gì cho sâu nó đục ruột.

Bờm nghĩ: Sâu đục ruột vậy mà sao người ta vẫn ăn. Lạ thế! Nhưng thôi. Ứ cần!

Cụ nội đứng dậy thắp lên bàn thờ thêm một tuần hương. Bờm nhìn dáng vẻ thư thái của cụ rồi nhìn ra ngoài sân. Nắng đã ngập sân.

Nắng chiếu vào hiên nhà lấp loá. Mùi nắng hanh hao quyện mùi khói trầm trên bàn thờ làm cả mấy gian nhà ấm sực.

Nhìn cành đào trước sân đã bung nụ như thể hạt ngô, Bờm biết là Tết đang về. Vui thật!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật