Xuân đã về bên gánh hàng của mẹ

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bố mẹ làm nông nhưng kiêm cả chạy chợ. Quanh năm các con đi học. Bố mẹ ở nhà phân công nhau. Bố chịu trách nhiệm ruộng đồng, con gà, con vịt. Mẹ lo vườn tược để kiếm đồng ra đồng vào. Mẹ bảo, thế cho nó khỏe người và quan trọng nhất là có tiền cho tụi bây đi học.
Xuân đã về bên gánh hàng của mẹ
Ảnh minh họa

Gần Tết rồi, ngày nào mẹ cũng có mặt ngoài chợ từ lúc trời chưa sáng hẳn. Trời mùa đông lạnh, đêm dài hơn ngày, từ khi nghe thấy tiếng con gà trống đầu đàn sau nhà gáy vang loạt gáy đầu tiên, tôi đã thấy mẹ lục đục dạy sửa soạn cho gánh hàng của mình. Trời vẫn tối, mẹ cầm theo chiếc đèn pin từ hồi bố đi bộ đội, những ngày này, người ta đi chợ sớm hơn nên mẹ muốn tranh thủ cho nhanh hết hàng còn về lo cho cái Tết nhà mình nữa. Bóng mẹ gầy guộc, liêu xiêu, đổ dài theo cây đèn đường đầu ngõ…

Tháng Chạp, ngày nào cũng là chợ Tết, chợ quê nên hàng hóa cũng quê. Chủ yếu là cây nhà lá vườn, nhà trồng gì, nuôi gì bán nấy. Thiếu gì thì mua, có khi mua của cả những người mình vừa bán hàng cho họ. Xưa nay chợ Tết ở quê vẫn giữ nét trao đổi mua bán dung dị như thế.

Nhà tôi cách chợ một cây cầu phao bắc qua con sông nhỏ. Gánh hàng Tết của mẹ là gánh hàng “thập cẩm” nhưng cũng nặng ra trò. Nhà trồng được món gì mẹ mang ra chợ món đó. Từ giờ đến Tết ta, mỗi ngày đôi chục quả bưởi, vài xấp lá trầu, mấy đùm cau tươi, nắm lá giang leo bờ rào để nấu canh chưa cũng được lòng khách lắm, vài nải chuối xanh để thắp hương và ít chuối chín làm quà, chục chai tương mẹ vẫn làm quanh năm, xu hào, cải bắp, cải ngọt… ấy thế mà cũng đầy ăm ắp hai sọt bên hông xe. Không cần xé lịch đếm ngày, cứ nhìn vườn rau của mẹ là biết Tết về đến đâu.

Ai cũng bảo mẹ “mát tay”, mà mẹ “mát tay” thật. Trên cùng một mảnh đất mà vườn trầu của mẹ cứ xanh mướt một màu, mấy cây bưởi lâu năm hay ít năm, quả nhỏ nhỏ bằng hai nắm tay người lớn mà xuống nuớc ngọt đậm, khỏi nói thì vườn rau ai nhìn cũng phải tấm tắc trầm trồ.

Nói vậy thôi chứ chẳng có gì tự nhiên mà đến. Công mẹ chăm bón, che chắn, tưới tắm mỗi ngày. Mất công, mất sức đã đành, mẹ cũng rất chịu khó tìm hiểu kỹ thuật nhân giống của những hộ có giống cây trồng ngon và năng suất, quan trọng nhất vẫn là vì tình yêu, vì mục tiêu thu nhập chính của mẹ lo học hành cho chúng tôi bao nhiêu năm từ khoảnh vườn nhỏ đó mà dồn tâm huyết vào.

Để có được gánh hàng ăm ắp ấy, công mẹ vun vén vườn tược từ cuối tháng mười. Đất cuốc lên tơi xốp trộn lẫn với rơm mục và phân bò đã hoai được mẹ vun luống thẳng hàng tăm tắp. Luống trong cùng gieo cải ngọt, bên ngoài là cải bắp, xà lách, hành ngò. Ở giữa mẹ gieo và làm giàn cho ít đậu cô ve. Chỗ đất trống mềm giâm ít gừng, ít xả. Từ quả chanh, rau thơm, rau mùi, gia vị hành tỏi vì thế mà quanh năm chả phải chạy ra chợ mua lại được tươi ngon, sạch sẽ.

Khi những hạt giống bắt đầu nảy mầm, nhú lên khỏi mặt đất chồi xanh non nớt cũng là lúc mẹ bắt đầu bận rộn. Sớm tinh mơ đi chợ, trưa về lại tranh thủ ra vườn bắt sâu, tưới tắm, vun đất rồi khăn áo ra đồng, xẩm tối lại phủ bạt che cho chồi non đỡ rét. Mẹ bảo, cây cũng giống như con người, cho ăn phải cho cả mặc, cho cả yêu thương. Chồi non mà gặp gió sương đêm sa xuống là dễ bị thui chột, mất lớn nên phải che đậy kỹ càng.

Gánh hàng Tết của mẹ, không chỉ mang ra chợ bán, mẹ còn lựa những trái, những cây tươi ngon nhất cho vào làn quà Tết biếu cô, dì, chú, bác xung quanh. Ở đây ai cũng vậy, chẳng cần gì cầu kỳ, cao sang, chẳng cần rượu bia, bánh trái. Họ có gì biếu nấy, mộc mạc như tấm chân tình của người nhà quê.

Chúng tôi lớn lên cũng từ gánh xuân của mẹ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật