Gặp những kỷ lục gia Việt Nam năm 2010

Jeuner_rosier Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sáng ngày 18/12 vừa qua, tại khách sạn Rex, TP HCM, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietkings) đã tổ chức ngày Hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 20, công bố xác lập thêm 30 kỷ lục Việt Nam năm 2010. Đây cũng là lần đầu tiên hơn 300 kỷ lục gia ba miền Bắc - Trung - Nam có dịp gặp gỡ, giao lưu và thưởng thức những tài nghệ, vật phẩm độc đáo.
Gặp những kỷ lục gia Việt Nam năm 2010
GS-TS Trần Quang Hải

Trong bài viết này, Chuyên đề ANTG xin giới thiệu những "quái kiệt" đã được Vietkings xác lập là kỷ lục gia Việt Nam năm 2010.

"Vua muỗng" Trần Quang Hải

Giáo sư - Tiến sĩ (GS-TS) Trần Quang Hải là con trai lớn của GS-TS danh tiếng Trần Văn Khê, nhưng ông đã thoát khỏi cái bóng của cha mình, trở thành giáo sư nhạc học, lại là một chuyên gia âm nhạc dân tộc châu Á. Ông kể: "Lúc đó là năm tôi sáu tuổi. Trong một đêm hội ngộ của chiến sĩ kháng chiến, tôi hoàn toàn bị cuốn hút khi thấy một người lính giữ nhịp bài hát Tiểu đoàn 307 bằng muỗng. Hỏi ra mới biết anh nọ học được cách chơi này từ Liên Xô". Cũng chính từ dạo ấy, Trần Quang Hải đã đến với những cái muỗng, thứ mà mọi người chỉ nhìn thấy chức năng lý tính, còn đối với riêng ông, nó là một nhạc cụ.

Và không chỉ tạo ra âm thanh mà sau này bằng sự điêu luyện cộng với kiến thức sâu sắc về nhạc học, ông đã cống hiến những phong cách, kỹ thuật gõ muỗng bài bản và đa dạng. Ông được giới truyền thông thế giới tôn vinh là "Vua muỗng - The King of Spoons". Như cha mình, ông được mời thỉnh giảng về âm nhạc dân tộc trên hơn 70 quốc gia trên thế giới.

 

Năm 1967, ông tham dự và đăng quang tại Đại nhạc hội dân nhạc Cambridge, Anh. Khi nhớ lại những giây phút đăng quang trong cuộc thi này, GS- TS Trần Quang Hải hóm hỉnh: "Cuộc thi gõ muỗng năm ấy thu hút trên 30 nhạc sĩ hàng đầu đến từ hơn 20 quốc gia trên thế giới. Tôi đại diện Việt Nam mang đến cuộc thi 10 kỹ thuật biểu diễn mới tự sáng tác và đã biến cặp muỗng thành một dạng đàn synthetizer, có thể gõ với bất kỳ dàn nhạc nào". Ông đoạt giải quán quân và được tôn làm "Vua muỗng" trong cuộc thi năm ấy. Hơn 40 năm qua ông vẫn giữ được ngôi vị về chơi muỗng. Năm 1973, ông lấy bằng Tiến sĩ dân tộc nhạc học và năm 1989 tốt nghiệp Giáo sư nhạc cổ truyền trong kỳ thi do Bộ Văn hóa Pháp tổ chức tại Paris.

Nhằm giúp mọi người nắm bắt một cách nhanh chóng nghệ thuật gõ muỗng, GS-TS Trần Quang Hải đã tận tình hướng dẫn. Bắt đầu từ kỹ thuật căn bản, bẻ hai muỗng hơi cong, cho chúng đối vào nhau, lấy ngón tay trỏ để vào chính giữa hai cán và nâng lên cho hai chiếc muỗng không chuyển động, tạo một khoảng cách khoảng 2,5mm để tạo nên cao độ. Từ kỹ thuật ban đầu này, những chiếc muỗng được khai triển thành nhiều cách gõ khác nhau như với 2 hoặc 3, hoặc 4, hoặc 5 ngón tay, rồi kéo lên hết cánh tay hay đánh lên đùi, đánh lên miệng, đánh thành bài bản... Và, GS-TS Trần Quang Hải đã cống hiến một nghệ thuật gõ muỗng khiến người xem phải thán phục vì thể hiện các điệu nhạc một cách đa dạng từ jazz, pop, đến techno, hiphop, flamenco... Do đó, từ cách thể hiện cũng như bằng kỹ thuật do ông tìm ra mà muỗng trở thành một loại nhạc cụ bộ gõ và được vận dụng một cách sáng tạo. Vì nó đưa mọi người từ cái biết đến cái không biết, từ cụ thể sang trừu tượng.

Nhìn cách ông vận dụng và xử lý, người xem có thể dễ dàng hình dung làm sao từ những chiếc muỗng bình thường vốn được làm ra phục vụ nhu cầu ẩm thực, qua bàn tay tài nghệ và cách xử lý nhạc học độc đáo, vững vàng của ông đã đem lại sự hấp dẫn lạ thường. Thanh âm phát ra từ hai chiếc muỗng của người chơi đã không còn là tiếng gõ nhịp khô khan, mà trở thành những giai điệu lạ, có cung bậc cảm xúc. Tiếng nhạc muỗng có lúc suồng sã, có khi thăng trầm, có đoạn cao trào làm nền cho những phiên ngắt nhịp duyên dáng.

Ông kể vui rằng, với những chiếc muỗng trong tay, đi đến đâu ông cũng không sợ đói! Có lần, đi ăn tại một quán phở người Việt ở nước ngoài, nổi hứng, ông dùng muỗng đánh một bài dân ca Việt Nam, nghe lạ, chủ nhà hàng yêu cầu ông "chơi tiếp", ông đánh hay đến độ, chủ quán quyết định cho ông ăn phở miễn phí trong một tháng! Nếu bình thường chỉ gõ muỗng cho kêu nhưng trong tay ông muỗng đã trở thành một ban nhạc đa tiết tấu, được tạo thành bằng cách phối hợp 2 hoặc 3 chiếc muỗng cùng với sự thay đổi vị trí khác nhau. Tại buổi hội ngộ, ông chia sẻ, người Việt chúng ta rất thích hợp với nhạc muỗng, loại nhạc cụ có ở mọi nơi, từ nhà, quán ăn tới khách sạn 5 sao.

Không dừng lại ở đó, GS-TS Trần Quang Hải kết hợp cả... răng để tiếng tạo ra cho đàn muỗng thang âm đủ bảy nốt từ Đô đến Si, hay như việc thay đổi thể tích của muỗng qua cách cầm mà gõ được cả tiếng nhịp gõ mì. Nếu có thêm một chiếc muỗng thứ ba chen vào giữa, rồi di chuyển nó lên xuống thật nhanh, sẽ tạo ra một âm sắc hoàn toàn khác. Kiểu huyền âm ấy trầm đục mà ngân nga, vừa lả lơi lại vừa mê hoặc. Sân khấu của "Vua muỗng" có thể là một đại hí viện nghiêm trang hay chỉ là một góc phố, công viên nhỏ. Vì thế mà khán giả của bộ môn nghệ thuật này cũng không nhất thiết phải là những nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc mà có khi bình dân như những cô bé bán dạo, cậu bé đánh giày...

GS-TS Trần Quang Hải không chỉ thể hiện mà ông còn tìm kiếm, sưu tầm những chiếc muỗng ở những quốc gia mà ông đặt chân đến. Vì vậy, cho đến nay ông có trong tay 300 chiếc muỗng, một bộ sưu tập muỗng phong phú tập hợp từ nhiều quốc gia, từ nhiều dân tộc của khắp năm châu.

"Đệ nhất" danh cầm

GS-TS Trần Quang Hải cho biết: nhắc tới nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, có thể những người trẻ không biết là ai, nhưng đối với người yêu nhạc cổ truyền Việt Nam, nhạc đàn tài tử, đàn tranh, ai cũng biết và khâm phục ngón đờn có một không hai của ông. Ông là người duy nhất vừa là nhạc sĩ trình tấu, vừa là giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống, lại vừa là người đóng đàn sáng tạo. Ông là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi còn lại ở Việt Nam có lối đờn ứng tấu ứng tác.

Theo ghi nhận của Vietkings; nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo năm nay 92 tuổi. Vào những năm 50 thế kỷ trước, ông được ca ngợi là "Đệ nhất danh cầm", được vinh danh ở trong cũng như ngoài nước. Những cống hiến quý giá của ông đã được ghi nhận, ngày 22/4/2008, ông đã được Tổng thống Pháp tặng Huân chương Officier des Arts et des Lettres - phần thưởng cao quý của nước Pháp dành cho những nghệ sĩ có cống hiến to lớn cho nghệ thuật và văn chương.

 

Sinh năm 1918 (Mậu Ngọ) tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là con thứ 6 trong một gia đình trung lưu nho học gồm 4 trai, 3 gái, cả thảy đều chơi nhạc cụ dân tộc. Đến giữa năm 1970, Trường đại học Illinois (Hoa Kỳ) mời ông sang giảng dạy nhạc cổ truyền Việt Nam với tư cách giáo sư biệt thính. Trong thời gian này, GS-TS Trần Văn Khê có sang dạy và cùng với nhạc sư Vĩnh Bảo góp mặt trong nhiều buổi hội thảo về âm nhạc học với các nhà dân tộc nhạc học Mỹ. Trong 6 gương mặt nhận giải thưởng Đào Tấn năm 2005, nhạc sư Vĩnh Bảo là bậc cao niên nhất.

Tuổi xế chiều, ông vẫn sống, đánh đờn và truyền thụ âm nhạc trong một căn nhà rất nhỏ ở quận Bình Thạnh, TP HCM, nằm lẩn khuất sau nhiều ngã rẽ. Ngôi nhà 30m2 chứa hết tam đại đồng đường của ông: ông bà, gia đình con trai và cháu nội. Phía trên có một cái gác, và chính cái gác nhỏ có ban công chìa ra mặt tiền hẻm đón chút nắng gió này là nơi ông sống với ký ức và những giấc mơ âm nhạc, cũng là người gần như duy nhất đang gìn giữ bí quyết làm ra những cây đàn hay nhất cho âm nhạc truyền thống Việt Nam. Công việc của ông là dạy trực tiếp hay hàm thụ qua băng, Internet cho một số người Việt Nam hay ngoại quốc đến Việt Nam, hoặc cho một số nhạc sinh ở Pháp, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ.

Ông cũng thường tiếp những nhà âm nhạc học, nhạc sĩ của nhiều quốc gia khác nhau để trao đổi văn hóa. Ông dạy đàn qua tất cả các phương tiện hiện đại, từ điện thoại, Internet, webcam, voice chat. Học trò của ông không chỉ là những người trẻ mà nhiều người lớn tuổi có bằng cấp tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, ông dạy nhạc bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Có đêm ông cặm cụi bên máy vi tính đến 2-3h sáng để dạy nhạc cho học trò ở xa nửa vòng trái đất...

Nhạc sư Vĩnh Bảo tâm sự: "Tôi có khả năng nghe tiếng đờn biết tính tình người, biết cả họ sẽ có cuộc đời thế nào. Nhạc ảnh hưởng đến cuộc sống rất mạnh, nhất là sức khỏe. Bản nhạc nghe êm dịu, trái tim ta đập đều, nhưng nếu nhịp điệu mạnh thì chân tay muốn giựt rồi. Nhạc dân tộc đưa tôi gần với thiền. Được ở trong trạng thái thiền nghĩa là thắng được chính mình, bằng lòng với cái tối thiểu mình đang có, không đòi hỏi".

Hai anh em ăn ớt như ăn... rau

tiết mục "ăn ớt" của hai anh em Bùi Ngọc Vinh, Bùi Ngọc Khánh đến từ Huế tại buổi Hội ngộ lần thứ 20 khiến không ít khán giả nổi da gà. Khi được bưng hai đĩa đầy ắp ớt đỏ, loại ớt cay đặc trưng của Huế, không chần chừ, cả hai bốc lấy bốc để và ăn một cách điềm nhiên cho đến khi hết sạch đĩa, trong khi đó nhiều vị khách có mặt tại ngày hội đã thử lên sân khấu nếm qua loại ớt này phải lắc đầu, lè lưỡi vì nó quá cay. Không chỉ vậy, anh Vinh và anh Khánh còn trổ tài xắt nhỏ từng miếng ớt và tươi cười chà xát lên mắt, mũi miệng, khắp mặt mà vẫn không hề bị chất cay làm cho phồng rộp da hay đau xót như những người khác.

 

Ngay từ khi còn trẻ, hai anh em Vinh - Khánh đã phát hiện ra khả năng khác người của mình. Với một người bình thường, ăn vài ba quả ớt một ngày đã là nhiều và chỉ ăn kèm vào bữa ăn như món gia vị, nhưng cả hai có thể ăn ớt thay cơm và ăn ớt không cần kèm với bất cứ thức ăn gì khác. Vào năm 2005, Đài KBS của Hàn Quốc đã về tận Huế tìm anh Vinh thực hiện phóng sự cuộc sống đời thường của anh. Họ còn yêu cầu anh ăn ớt trong một ngày để quay hình ảnh độc đáo giới thiệu với khán giả xứ kim chi, vốn là xứ sở ăn ớt như rau, nhưng khi thấy hai anh em biểu diễn tài nghệ ăn ớt, họ cũng chỉ biết mắt chữ i, mồm chữ o. Anh em họ Bùi cho biết, ngoài khả năng ăn ớt, hai anh em vẫn như những người bình thường khác, cũng rất nhạ‌y cả‌m với các loại chất cay như hành, tiêu, tỏi....

Vietkings ghi nhận, hai anh em họ Bùi có thể ăn một lúc cả 1kg ớt cao sản (thứ ớt cay nổi tiếng ở Huế mà mọi người thường gọi chệch đi là "cay sảng") chỉ trong khoảng 10 phút. Các anh không chỉ ăn mà còn làm những động tác bẻ từng trái ớt rồi "xát", "chà" mạnh lên mặt, lên miệng, lên mũi, lên mắt, lên da, thân thể, ngũ quan của hai anh không thấy có phản ứng với chất nóng hay vị cay của ớt.

Gia đình… nổi

Vào một ngày đầu tháng 4/2010, ông Hứa Văn Bạch hiện sống tại ấp Tân Thới B, xã Tạ An Phương Đông, huyện Đầm Dơi 4, ra ngoài sông tắm, một chiếc đò chạy ngang qua, tạo nên luồng sóng mạnh đã kéo ông ra giữa sông. Nhưng ông Bạch không chìm mà cả thân người đều nổi. Đến ngày 23/6/2010, ông Bạch và con trai, anh Hứa Tây Hạ, 29 tuổi cả hai thả "ùm" thân mình xuống sông nhưng đều không chìm. Ông Bạch đàn còn anh Hạ ca vọng cổ. Hai cha con ông thả nổi trên mặt sông đến 3 giờ 50 phút.

 

Người em thứ 6 của ông Bạch là ông Hứa Hoàng Cương (47 tuổi, ở ấp Tân Thới B, xã Tạ An Phương Đông, huyện Đầm Dơi) cũng có khả năng như vậy. Cách nay khoảng 5 tháng, sau lần đi thăm vuông tôm về, do bùn đất dính đầy, ông Cương đã nhảy xuống sông tắm. Vừa lúc, một chiếc ca nô chạy ngang tạo nên những luồng sóng lớn và cuốn ông Cương ra giữa sông. Nhưng ông không chìm mà lại nổi trên mặt nước.

Lời đồn về sự xuất hiện của một gia đình 'thuỷ tinh" đã thu hút rất nhiều người dân hiếu kỳ đã tìm về huyện Đầm Dơi để tận mắt chứng kiến các thành viên trong gia đình này trổ tài tự nổi trên mặt nước. Ông Lê Trần Trường An, Tổng giám đốc Vietkings cho biết, các chuyên gia của Vietkings đã tìm về tận nơi để ghi nhận hiện tượng đặc biệt này và quyết định trao cho gia đình ông Bạch danh hiệu kỷ lục Việt Nam

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật